Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỒ CHỦ TỊCH NÓI VỀ THÓI KIÊU NGẠO CỘNG SẢN

Nguyễn Văn Điều - Doãn Thị Mai Thủy
Thứ bẩy ngày 6 tháng 6 năm 2020 1:37 PM



Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản và bài học đối với việc rèn luyện đạo đức, phẩm chất người cán bộ cách mạng hiện nay

  • NGUYỄN VĂN ĐIỀU - DOÃN THỊ MAI THỦY

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí Vinh trong dịp Người về thăm quê lần thứ hai (9/12/1961). Ảnh tư liệu

Trên Báo Nhân dân, số 194, ngày 13 tháng 6 năm 1954, với bút danh C.B., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn[i]. Bài viết ngắn với khoảng 300 từ, nhưng đã chỉ cho toàn Đảng một vấn đề có tính hệ trọng đang tồn tại trong một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc nhìn nhận và đẩy lùi. Đó là căn bệnh cá nhân chủ nghĩa dẫn đến bệnh kiêu ngạo, công thần.

Trong bài viết, Người chỉ rõ: Bệnh kiêu ngạo là khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình.Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, phớt lờ kỷ luật và chính sách của Đảng và Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới, xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình, xa tránh những người ngay thẳng, chính trực… Để rồi kết quả của căn bệnh nguy hiểm này là thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa.

Từ việc nêu lên dấu hiệu, biểu hiện của căn bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản như vậy, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn nhớ: Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của toàn Đảng, của nhân dân lao động, chứ không phải của anh hùng cá nhân. Công việc kháng chiến, kiến quốc ngày càng nhiều, càng to, càng mới. Đại đa số chúng ta thì trình độ đang còn thấp, kinh nghiệm còn ít. Chúng ta phải cố gắng làm, cố gắng học, cố gắng tiến bộ mãi. Có như thế mới làm tròn nhiệm vụ mà nhân dân giao phó cho chúng ta.

Từ đó, với bút danh C.B, Người căn dặn căn dặn cán bộ, đảng viên là: Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn khiêm tốn. Mọi công tác phải dựa vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra. Trong đoàn thể thì phải giữ vững dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, phải mở rộng tự phê bình và phê bình. Nhất là phê bình người đứng đầu, người chịu trách nhiệm. Có như vậy mới tiến bộ, Đảng mới vững vàng để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nặng nề nhưng vẻ vang.

Kết thúc bài viết, Người đặc biệt nhấn mạnh đức tính khiêm tốn của người cán bộ, đảng viên. Bởi vì, Khiêm tốn, giản dị là một trong những đức tính quan trọng nhất của con người. Người khiêm tốn là người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự mình đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình. Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng thượng, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng nêu cao óc học hỏi, không khoe khoang, không tự đề cao cá nhân mình với người khác…

Ngày nay, đọc lại bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về căn bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản cách đây 65 năm ta càng thấy giá trị quý báu và sức sống bền bỉ của nó. Càng ngẫm nghĩ những lời Bác căn dặn, chúng ta càng suy nghĩ sâu sắc về căn bệnh nguy hiểm đã và đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên trong thực tiễn hiện nay. Trong đó, có cả cán bộ đã kinh qua rèn luyện, có nhiều cống hiến, đã được ghi nhận nhưng đến lúc nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết trái với đường lối quan điểm của Đảng. Rồi tiếp xúc với nhiều đối tượng cơ hội chính trị, thậm chí cả đối tượng phản động, bị chúng lợi dụng, kích động, dẫn đến phát tán nhiều thông tin xấu, việc làm sai trái, có hại cho đất nước, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Bệnh công thần còn thể hiện ở sự hống hách, coi thường pháp luật trong đời sống hàng ngày. Còn nhớ, năm 2017, xuất hiện clip ghi lại hình ảnh CSGT quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ yêu cầu một tài xế xe ô tô xuất trình giấy tờ để kiểm tra nhưng tài xế không chấp hành. Lúc này, người đàn ông ngồi trên xe liên tục dùng lời lẽ thô tục, tuyên bố có thể cách chức được cả giám đốc công an và nếu làm ông trễ họp thì chiến sĩ CSGT sẽ phải "nghỉ việc luôn". Người đàn ông sau đó được xác định là một vị Trung tướng quân đội, nguyên Phó Chính ủy một quân khu. Và gần đây, cũng về một vị tướng, người đã từng lập nhiều chiến công, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, từng giữ các chức vụ quan trọng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhưng trong một cuộc tọa đàm mới đây, vị tướng tiêu biểu ngày nào đã có những phát biểu hàm hồ, vô căn cứ về lịch sử nước ta. Thậm chí, ông còn lên giọng phê phán chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; công khai xúc phạm, miệt thị uy tín, danh dự của một số lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Nguy hiểm hơn, vị tướng này còn mượn diễn đàn, lợi dụng danh nghĩa cựu chiến binh để kích động, chống phá…[ii]

Rồi câu chuyện đáng buồn về một người trí thức, người thầy giáo được học hành cơ bản, có hiểu biết, người con của quê hương Nghệ An giàu truyền thống cách mạng Nguyễn Năng Tĩnh. Thông qua trang Facebook cá nhân, Nguyễn Năng Tĩnh đã móc nối với một số đối tượng cực đoan, phản động trong và ngoài nước để viết, quay - tán phát, đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung xuyên tạc bản chất của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc; phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động người dân biểu tình, chống chính quyền; đăng tải các tài liệu có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận…[iii].

Đây là những ví dụ rất đáng buồn và cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, thận trọng trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đẩy mạnh công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đúng như tinh thần mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề cập, chỉ rõ để mỗi cán bộ, đảng viên không sai phạm. Nghị quyết chỉ rõ, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu... Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước, quân đội; Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội.

Nghị quyết không cho phép “kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước...”.

Vậy thì rõ ràng, một vài hiện tượng cán bộ nghỉ hưu gần đây giao lưu, cấu kết với các thế lực phản động hoặc bị chúng lợi dụng để xuyên tạc, chống phá, tán phát thông tin sai sự thật trên mạng xã hội là điều không thể chấp nhận, chính là việc vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng.

Điều này làm chúng ta nhớ lại sự căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân của người cán bộ, đảng viên. Đó chính là tiêu chuẩn quan trọng nhất của đạo đức cách mạng và là một yếu tố cơ bản làm thành nhân cách của cán bộ, đảng viên. Trong cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, trung với nước, trung với Đảng là dám xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, thậm chí có lúc có thể bị tù đày, bị lên máy chém, bị ra pháp trường. Trong hòa bình xây dựng, những điều kiện ấy không còn, nhưng những thử thách không kém phần nghiệt ngã vẫn luôn đặt ra đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Thực tế, đã nhiều người không chết bởi những hòn tên, mũi đạn của kẻ thù, mà lại “chết” bởi những viên đạn bọc đường, sa vào tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, rồi cả căn bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản như chúng ta đang nói đến.

Ngày nay, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác, đối với chúng ta những cán bộ đảng viên, thì sự khiêm tốn, thái độ cầu thị và tôn trọng nhân dân là những đức tính cần luôn được củng cố và nâng cao. Đó là điều sẽ giúp cho chúng ta tự tin hơn, gần gũi hơn, dễ hòa đồng hơn và làm cho mọi người kính trọng và nể phục hơn. Ngược lại, sẽ có thể dẫn đến sự tự cao tự đại, khoe khoang, tự coi mình là “trung tâm của vũ trụ”, dẫn đến “kiêu ngạo, tự phụ”, hách dịch, xem thường người khác,… là những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo và coi đó là “giặc nội xâm” - thứ giặc ở trong lòng nguy hiểm và khó lường.

Vì vậy, đọc lại bài viết Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn mà Bác đã viết cách đây 65 năm, chúng ta có thể bổ sung thêm trong hệ thống kiến thức của mình một “định nghĩa mới” về sự khiêm tốn và tự suy ngẫm về một bài học sinh động từ những lời dạy quý báu cũng như tấm gương cuộc đời và nhân cách Hồ Chí Minh. Từ đó, mỗi chúng ta không ngừng tự hoàn thiện mình, xứng đáng với sự kỳ vọng của Bác, của Đảng và của Nhân dân; xứng đáng với vai trò và tư cách của ngưới cán bộ, đảng viên của Đảng./.



[i] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 7, tr.295-296.

[ii] Xem: Chương trình thời sự VTV1, tối ngày 20/10/2019.

[iii] Ngày 27/5/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Năng Tĩnh (sinh ngày 04/10/1976, quê quán xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; cư trú tại xóm 6, xã Nghi Phú, TP.Vinh; giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự