Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn quê gốc ở Thừa Thiên - Huế, sinh năm 1937 tại Ninh Thuận. Từ năm 20 tuổi, Nguyễn Đức Sơn xuất hiện như một hiện tượng kỳ lạ trong làng thơ Sài Gòn. Các tác phẩm của ông được in trong thập niên 60 của thế kỷ trước như “Hoa cô độc”, “Bọt nước”, “Lời ru”, “Đêm nguyệt động”, “Mộng du trên đỉnh mùa xuân”, “Tịnh khẩu”, “Du sỹ ca”… mang lại cho công chúng thi ca nhiều sự ngạc nhiên thú vị.
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn được xếp vào nhóm tứ quái miền Nam, cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền và Phạm Công Thiện.
Có lối sống không giống ai, nên cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn cũng gặp không ít trầm luân. Thế nhưng, ông vẫn ngạo nghễ trong chật vật và khốn khó.
Sau năm 1975, ông chuyển từ Sài Gòn về ngoại ô Bảo Lộc để sống như một ẩn sĩ, như thơ ông viết: “về đây với tiếng trăng ngàn/ phiêu diêu hồn nhập giấc vàng đó em/ trăm năm bóng lửng qua thềm/ nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi”.
Từ khu đất trên đồi do thiền sư Thích Nhất Hạnh tặng lại, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã cùng vợ con quy hoạch… trồng thông. Người xung quanh trồng trà mới có thu nhập, còn ông trồng thông thì dĩ nhiên… đói triền miên. Vậy mà, ông vẫn chấp nhận khoai sắn qua ngày để giữ khoảng trời thông reo: “đây lứa cỏ của mùa trăng thứ nhất/ đưa anh vào trong cõi mộng xa xăm/ giọt tinh huyết ngàn năm sau chưa mất/ rừng đông phương mờ mịt dấu em nằm”.
Khi gần chục hecta thông của nhà thơ Nguyễn Đức Thông đã vươn xanh mướt, khiến nơi ông cư ngụ được gọi là đồi thông Phương Bối, thì ông vẫn không được yên. Nhiều lần, ông phải chiến đấu với bọn lâm tặc và bị đánh trọng thương.
Bây giờ, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã buông tay về với đất mẹ. Xem như đã trả nợ xong một kiếp người và cũng đã trả nợ xong một giấc mơ: “không biết từ đâu ta đến đây/ mang mang trời thẳm đất xanh dày/ lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ/ sống điêu linh rồi chết đọa đày”./.