Tôi không thể ngờ người lính, họa sĩ chiến trường Đức Dụ ở tuổi ngót 80 lại trẻ trung sôi nổi đến vậy. Đã hẹn là đến. Đã nói là làm. Đã nâng ly đều dốc đáy cùng cánh trẻ. Chúng tôi trò chuyện được một lát thì Trung tướng Nhà văn Hữu Ước đến cùng bàn về sáng tác. Nào là vẽ tranh. Nào là viết tiểu thuyết đông tây kim cổ. Lúc nào cũng sôi sục như tuổi thanh niên còn ước gì mình về tuổi thanh niên để vứt sạch chức tước quyền lực mà chuyên tâm cho sáng tác.
Cơ mà Đức Dụ sôi nổi đấy nhưng thoắt cái trầm lắng suy tư. Nói cười rổn rảng mà biết bao chiêm nghiệm kiếp người có khác gì kiếp bướm như có như không ba chìm bảy nổi từ cái ngày đem thân vào Trường Sơn máu lửa. Họa sĩ Đức Dụ nhập ngũ năm 1965 trong đội hình Bộ đội Trường Sơn. Một Trường Sơn huyền thoại. Một Trường Sơn mềm mại dáng hình nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, thậm chí là nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn mảnh mai nhỏ bé mà vần vô lăng những chiếc Gaz69, Zin ba kềnh càng cầu ầm ầm lao qua lửa đạn. Tất thảy những âm thanh hình ảnh ấy hiện dần, tỏa sáng, day dứt và mê đắm trong tranh Đức Dụ. Đức Dụ mê mải sống, mê mải vẽ và bè bạn khắp bốn phương trời. Ở Trường Sơn ngày ấy Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vô cùng yêu quý văn nghệ sĩ. Dứt khoát phải đưa văn nghệ sĩ vào chiến trường để từ đó cuộc sống người chiến sĩ hiện ra như máu thịt, tươi mới và hăm hở để chúng ta có sức mạnh trường kỳ đi tới ngày toàn thắng. Chính ủy Đặng Tính cũng vậy. Đức Dụ bảo Chính ủy lúc nào cũng tếu táo thơ ca hò vè, nhiều lúc lẫn vào lính đến mức chẳng nhận được đây là vị Chính ủy lừng danh. Có cậu lính còn ngơ ngác hỏi Đặng Tính sao bố đã già khú đế thế này rồi, không ở nhà bế cháu còn vào Trường Sơn làm gì cho vướng víu. Đất nước cần máu xương là cần ở những trai trẻ như bọn con chứ bố già tóp rồi hãy về với bà cháu mới là giúp đỡ nhân dân đất nước. Đặng Tính chỉ cười phô hàm răng to kệch khác người mà vác đất vác đá với mấy ông tướng trẻ.
Đức Dụ ở Trường Sơn tròn mười năm. Những bức tranh lần lượt ra đời. Đó là Trọng điểm Tha Mé (1968); Trong động Phong Nha (1968); Chặng đường giao liên (1969); Vượt ngầm (1969); Phá mìn vướng nổ trên đường tuyến (1969); Đồng lộc (1971); Múa hát trong hang (1971); Trạm giao liên Trường Sơn; Doanh trại Tiểu đội Công binh trên cao điểm Suối Trăng; Vận tải thuyền trên sông Sêbăngpha; Qua bản; Chuẩn bị xuất kích (1971); Pháo vào trận địa (1972); Xe tăng vào tuyến (1972)… đã cho thấy một sức vóc vạm vỡ của người chiến sĩ Trường Sơn. Đức Dụ trong những năm ở Trường Sơn đã ký họa đến hàng ngàn bức. Các ký họa của anh cùng với một số họa sĩ từ chiến trường gửi ra trong triển lãm “Từ miền Nam gửi ra” trong những năm 1968-1970 tại Hà Nội đã gây tiếng vang lớn được bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao. Cũng từ đó đã hình thành lên một Đức Dụ khát khao sáng tạo đến tận cùng. Cũng là mô tả về chiến tranh song các ký họa của anh không chỉ khỏe khoắn vạm vỡ về bố cục mà còn vô cùng phong phú trong miêu tả đời sống khốc liệt nhưng đầy tin tưởng ở chiến trường. Ở chiến trường máu đỏ thắm mà hoa càng đỏ thắm. Sự thắm tươi chính từ những tác phẩm văn học nghệ thuật đã góp phần soi rọi và tạo lên phẩm cách của con người Việt Nam, hình tượng cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ cũng là những đặc sắc đã tượng hình lên ngày toàn thắng.
Từ chiến trường, sau 9 năm miệt mài trên các cung đường máu lửa Trường Sơn, cuối năm 1973 Đức Dụ được cử về học hội họa tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1978 anh tốt nghiệp và bắt đầu một chặng đường sáng tác mới. Những gì tinh khôi ở chiến trường nay được nghiền ngẫm, chiêm nghiệm lại để trở thành những tác phẩm được đưa vào Bảo tàng nhà nước như: Cụm trọng điểm ATP mùa khô 1968; Trọng điểm Vang Mu; Trạm Giao liên Trường Sơn; Đỉnh đèo Tha Mé và kể từ ấy đã đóng đinh một Đức Dụ - Họa sĩ của chiến tranh. Anh còn được mệnh danh là người kể chiến tranh bằng ký họa.
Kể cũng lạ, dường như Đức Dụ không biết mệt mỏi trong sáng tác và tổ chức triển lãm. Những thập kỷ 80, 90, để tổ chức được một triển lãm không phải dễ dàng mà ngay cơm ăn áo mặc đã là vô cùng khó khăn với không ít người. Nhưng Đức Dụ luôn sống ở trong lòng đồng đội và đồng đội đã tìm ra những giải pháp vẹn toàn nhất để tác phẩm của người lính Trường Sơn năm xưa đến được rộng rãi với công chúng yêu hội họa. Cũng chỉ là Đức Dụ mới có thể lúc nghèo khó mà giới mua tranh nước ngoài muốn mua hết những ký họa chiến tranh của anh với số tiền lớn, người lính Trường Sơn đã kiên quyết không bán chỉ vì một câu nói của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên: “Khó đến mấy hãy cố tìm cách mà vượt qua chứ bán hết ký họa chiến tranh đi chính là bán máu xương đồng đội, bán ký ức Trường Sơn đấy…”. Tự coi mình là người lính ở chiến trường nên việc chấp hành mệnh lệnh cấp trên đã ăn vào máu tủy với mỗi người chiến sĩ, Đức Dụ đã giữ lại mảng ký họa thấm máu xương đồng đội ấy để hôm nay chúng ta có cuốn sách đầy ắp tư liệu với cái tên Thời gian và Lịch sử mô tả nhiều góc rất sâu sắc về chiến tranh.
Trong nhiều tài, Đức Dụ vẽ rất đẹp những nữ thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, giao liên, lái xe ở Trường Sơn. Đó là: Trạm giao liên Trường Sơn; Nguyễn Thị Hải Lý - Tiểu đội trưởng dân công hỏa tuyến; Nữ thanh niên xung phong Trường Sơn; Kho hàng dã chiến; San lấp hố bom; Nữ thanh niên xung phong làm hầm chữ A; Đãi rượu; Dệt vải nơi sơ tán; Thiếu nữ Pa Cô; Đọc báo trên đường tải thương… đã cho thấy cặp mắt tinh tế của Đức Dụ chạm tới điểm nhìn sâu nhất của chiến tranh. Từng có người nói: chiến tranh không mang khuôn mặt đàn bà nhưng với Đức Dụ thì khác hẳn. Càng những nơi gian khổ ác liệt, bóng dáng người con gái Việt Nam tảo tần vẫn hiện lên làm mềm đạn bom, mềm sắt thép, mềm đi cả cuộc chiến tranh.
Sau này, Đức Dụ đã thể hiện một số bức về Bác Hồ như: Từ Pắc Pó; Bác đi chiến dịch; Người quân nhân số một bên Bác trên đường đi công tác… không chỉ thể hiện sự kính yêu vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh mà còn kéo gần lại những gì thân thuộc nhất của con người vĩ đại này với nhân dân, với người chiến sĩ.
Hiện nay, Đức Dụ đang hoàn thành bức tranh mới về Bác Hồ với tựa đề Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập. Đây là tác phẩm Đức Dụ đã ấp ủ từ lâu nhưng đến nay mới cơ bản hoàn thành. Vẫn cái chất Trường Sơn vạm vỡ và máu lửa. Vẫn sự ấm áp tươi tắn của người lính chiến trường hướng về những vị chỉ huy tối cao Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp. Ở đó không chỉ có niềm tin và khát vọng. Ở đó không chỉ có những đỉnh cao của trí tuệ mà con người hướng đến. Ở đó đã có sự giản dị đến tận cùng. Tôi đã thấy chất thiền hiện lên rất rõ đúng với bản chất sâu nhất của con người Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp trong tranh Đức Dụ. Điều đó thật đáng mừng với một họa sĩ sắp bước sang tuổi bát thập như anh.
Khi chén rượu khi cuộc cờ mà cuộc cờ ở đây chính là cuộc sáng tác miệt mài, bền bỉ, như con tàu luôn lao về phía trước, như dòng sông trôi mướt mát đôi bờ, đó cũng là trái tim và tâm hồn Đức Dụ.
Họa sĩ Đức Dụ cũng là người rất biết lắng nghe và chia sẻ những ý tưởng sáng tác với bạn bè, đồng nghiệp. Thời gian gần đây, Trung tướng Hữu Ước rất hay đến bàn về sáng tác với ông anh Đức Dụ. Hai con người lúc nào cũng sôi sục mê mải trong sáng tác. Hãy biết tôn trọng và yêu thương nhau không chỉ trong sáng tác mà cả trong đời sống nữa mới là điều đáng quý nhất của giới văn nghệ sĩ. Bè bạn làm được gì, dù chỉ những tác phẩm nhỏ thôi hãy nên mừng cho nhau mà bớt đi thị phi, ganh ghét. Đừng thấy người ta chưa giúp mình được điều này việc kia mà oán giận. Hãy tập như sông luôn chảy về phía trước ôm vào biết bao rơm rác củi cành mà vẫn tự biết cách trong xanh bát ngát. Đức Dụ là vậy, dường như anh không biết đến sự thiệt thòi hoặc giả những gì trời đã ban cho anh thảy đều dâng đến công chúng cần lao đang đằng đẵng mưu sinh khó nhọc. Đức Dụ đã có sự an nhiên ngay ở những lúc sôi động nhất. Anh đã từ khói lửa chết chóc đến tận cùng trở về mong mỏi sự thanh bình thì hơn ai hết người họa sĩ Trường Sơn ấy định lượng được chân giá trị cuộc sống. Cuộc sống luôn thật tươi đẹp lạ thường mặc những gì xô dạt vào ta, thậm chí gây ra những vết thương sâu cũng đều đáng quý. Chính vì vậy, bạn bè của Đức Dụ rất đông càng phong phú về lứa tuổi bởi anh thật trẻ. Trẻ trung trong tranh. Trẻ trung trong cuộc sống hàng ngày và đặc biệt cái nhìn về những thứ bên ngoài mình vô cùng tươi trẻ. Đó chính là sự may mắn ở mỗi người sáng tác như anh.
Họa sĩ Đức Dụ đã có những đóng góp thiết thực trong hội họa, nhất là mảng đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt những sáng tác ở Trường Sơn, từ Trường Sơn, về Trường Sơn đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong sổ lưu bút khi xem triển lãm của anh: “Những bức ký họa, những bức tranh đầy sinh lực và dũng khí chiến đấu của các chiến sĩ Trường Sơn. Tranh đã ghi lại được những nét đáng ghi của công trình vĩ đại của dân tộc ta. Đó là con đường Trường Sơn - con đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.
Trên con đường sáng tác nghệ thuật thác ghềnh nhưng cũng đầy thương yêu ấy, đã tượng hình và ghi nhận ấp iu bàn chân anh, sức lực và trí tuệ anh, người chiến sĩ Trường Sơn khói lửa.