Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GÃ TÉP RIU - XUNG ĐỘT GIA ĐÌNH, XUNG ĐỘT NHÂN CÁCH

Ma Văn Kháng
Chủ nhật ngày 15 tháng 4 năm 2018 5:56 PM



Gã Tép Riu



(Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sưn)

Gã Tép riu, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn trình làng đầu năm 2013, thì ngay sau đó, trong các tháng 5 và 6 cùng năm đã rộ lên trên tạp chí Nhà văn, Cửa biển, trên các báo Văn Nghệ, Hà Nội mới, Văn Nghệ Công an, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Lao động Thủ đô, Người Hà Nội, Giáo dục Thủ đô, Anh ninh Thủ đô....cả loạt bài giới thiệu bình luận ngợi khen . Cuốn sách ngay lập tức được bạn đọc đón đọc và đã trở thành đầu đề bàn bạc khá sôi nổi trong dư luận- lâu rồi mới có được một hiện tượng đáng mừng như thế trong làng văn.

1/ Gã Tép riu là câu chuyện về quá trình tan vỡ hôn nhân của một cặp vợ chồng công chức nhà nước. Cốt truyện được tóm tắt như sau. Nhà báoTrần Xuân Tùng được đề bạt làm trưởng phòng quản lý báo chí xuất bản ở một Sở. Tuy chỉ là một tiểu công chức, một cái đinh ốc trong guồng máy công quyền, nhưng do kiến văn sâu rộng, và nhất là một bản lĩnh cứng cỏi của người trí thức, không chịu nổi những gì là thủ cựu, nên chỉ với các hoạt động trên bàn giấy, gã đã gây nên những chấn động trong công việc và các mối quan hệ. Và từ đó nẩy sinh ra mẫu thuẫn càng lúc càng căng thảng với cô vợ hãnh tiến là Diệu Thủy trong quan hệ vợ chồng và các công việc có liên đới. Rốt cuộc là dẫn tới cuộc ly hôn, nhất là khi Tùng đã có một mối tình mới

Một cốt truyện - tầng thứ nhất của văn bản - như thế, lại đặt trong bối cảnh cuộc sống hôm nay, với đủ các câu chuyện nóng hổi hơi thế sự, thời thượng, chẳng hạn chuyện quan hệ cấp trên- cấp dưới, quan hệ vợ chồng, tình dục và ngoại tình, được trần thuật bằng một giọng văn tươi dòng sự sống, hẳn nhiên đã là một ưu thế trội lộ thiên về sự hấp dẫn của cuốn sách !

2. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của Gã Tép riu chính là mối quan hệ chứa đầy mâu thuẫn giữa Tùng với những người ở phía đối lập, trong đó chủ yếu là xung đột giữa anh và vợ anh.

Gã Tép riu là một người như thế nào?

Gã Tép riu! Một con tép cá thể chỉ được đo đếm bằng mớ, một loại thủy sinh hạng bét. Anh chàng đầu binh cuối cán, một kẻ đầu sai, một nhân viên thừa hành, một gã tiểu công chức. Một loại hình nhân vật đã từng là đối tượng miêu tả của nhiều nhà văn cổ điển trên thế giới . Một anh chàng lẫn trong số đông nhan nhản, nhỏ nhoi, mờ nhạt, biểu trưng cho một đời sống nhàm tẻ và tầm thường.

Nhàm tẻ và tầm thường thật. Vì công việc hằng ngày ở đây của Tùng chỉ là ngồi đọc. Đọc tất cả các báo chí phát hành trên địa bàn để phát hiện ra sai sót so với các điều luật, rồi chấn chỉnh uốn nắn. Và biết Tùng vốn là nhà báo, một kẻ thạo chữ nghĩa nên giám đốc Sở thường yêu cầu chuyển văn bản đến cho anh xem xét. Hợp thời thay vì đọc, đi, nghĩ, viết là cẩm nang trong nghề báo của anh và thế là anh có cơ triển khai sở trưởng sở đoản của mình. Thừa hành trong chức phận của mình một cách mẫn cán, Tùng căn cơ, kỹ càng, tỉ mẩn chính xác đến từng câu chữ trong các văn bản gửi đi và tiếp nhận. Và như vậy thì với công việc nhàn nhã này, anh có thể sống ung dung trong vai một anh tiểu công chức cạo giấy. Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Đến cơ quan, chân đút gầm bàn, gậm nhấm chữ nghĩa, hoàn thành các văn bản một cách chỉn chu cũng có nghĩa là hoàn thành công việc mình phụ trách là quản lý các hoạt động báo chí và xuất bản.

Vậy mà Tùng không thế! Sống kỹ lưỡng với chữ nghĩa, ăn ngủ với chữ nghĩa, gã mới nhận ra rằng thiên hạ dùng chữ sai nhiều lắm. Hợp Chúng quốc lại nói là Hợp Chủng quốc. Thu hồiTịch thu là hai từ có nội hàm khác nhau mà cũng không hiểu. Không phân biệt nổi tình dục với tính dụcbản năng thú tính. Lẽ ra gọi là Cuộc vận động thì người ta lại đặt ra cái gọi là Quy ước... Mà chữ nghĩa đâu có phải chỉ là hình thức đơn thuần . Nó là cái vỏ vật chất của ý niệm. Dùng sai nó chứng tỏ học vấn kém cỏi, tư duy nông cạn sơ sài lỗ mỗ. Và nguy hiểm hơn nữa, cái xảy nảy cái ung, lãnh đạo chỉ đạo dùng sai chữ trong công văn chỉ thị có nghĩa là lãnh đạo chỉ đạo công việc cũng sai lầm nốt.

Cái gì cần đến thì đã đến! Tép riu Tùng vốn là kẻ không có chí làm quan, không có gan làm giàu, cũng không quá ham sắc dục, trong thâm tâm gã chỉ có một thích thú đặc biệt: Hễ việc gì cho là đúng là hữu ích thì làm bằng được, không phải cho mình mà cho xã hội. Gã coi kết quả của những công việc mới là giá trị đích thực của bản thân mình, phẩm giá mình( tr 327-328). Và đã có lần gã tự nhủ, rằng thì là... gã chỉ là một con tốt hỉn trong cuộc đời, nhưng là một con tốt với định tính trên bàn cờ là chỉ được phép tiến, không chịu lui một bước, không sợ bất cứ một thế lực cường quyền nào (tr 326)

Bằng cái việc nhìn bề ngoài thì là cãi cọ biện bẻ về chữ nghĩa, bị coi là kẻ phá thối chuyên bới lông tìm vết, mà thực chất là chống lại lối tư duy duy ý chí, những thế lực vô hình, là đấu tranh với chính mình để vượt qua nỗi sợ hãi vì cô độc, dẫu có lúc rơi vào hãm địa, nhưng cuối cùng gã cũng đã dành được thắng lợi mỹ mãn. Như nhờ lý sự mà ngăn cản được việc thu hồi Parabol vô lý của lãnh đạo (chương 7). Như chỉ bằng mấy câu chữ trong một văn bản, y đã xử lý êm một vụ xin họp báo có ý đồ không lành mạnh (chương 15). Hoặc bằng lý lẽ của một kẻ có nghiên cứu học thuật cứu nguy 5 cuốn sách khỏi bị thu hồi do quyết định độc đoán của các vị tai to mặt lớn quen thói muốn nói gian làm quan mà nói ( chương 32 ). Ôi, ghê gớm thay là cái con chữ, lợi thay là cái gã tự coi mình chỉ là nhãi nhép Trần Xuân Tùng.

Như vậy, Tùng là kẻ có trí tuệ độc lập, có cá tính, chịu vắt óc suy nghĩ, và đã nghĩ là nghĩ đến cùng kỳ lý. Cũng có nghĩa: công việc của gã đúng ra chỉ là ngồi ở bàn giấy, nhưng ngồi bàn giấy mà gã nhìn được bốn phương tám hướng, trông thấy mọi việc trên toàn cầu ( tr 215 ).

Không còn là loại tép tôm, đòng đong, cân cấn sống nơi ao chuôm, Tùng đã là con tôm hùm, con cá kình quẫy động, gây sóng gió trong cái vùng thủy sinh anh sống. Tùng là kẻ sống có trách nhiệm, có bản lĩnh. Tùng là một anh tiểu tri thức có nhân cách, có lý tưởng. Tùng tép riu- một nhân vật văn học độc đáo.

2/ Thế còn Diệu Thủy, vợ Tùng ? Cô này khởi nghiệp chỉ là một cô bí thư đoàn phường, rồi trở thành bí thư quận đoàn, thì cũng là một loại cán bộ phong trào, rồi Vụ phó vụ Pháp chế, Vụ trưởng vụ Tổ chức và kết thúc của tiểu thuyết là nhảy tót lên ghế Thứ trưởng.

Thôi thì cứ cho việc gợi ý của một nhân vật lãnh đạo cao cấp hoặc chủ trương bồi dưỡng phụ nữ là cái may mắn mà Diệu Thủy là được hưởng lộc Trời cho và chẳng qua cũng chỉ là kẻ thụ động , chẳng có lỗi lầm gì cả. Thì những bước tiến thân về sau của chị chàng có thế nào thì cũng không thể biện hộ là nó trong sạch và chính đính.

Tội nghiệp, tài đức không có mà thèm muốn quyền lực lại ngùn ngụt như hố lửa. Thành ra ngay từ lúc ngồi vào ghê một bà vụ phó, rồi đi thi cao học, chị chàng đã dở ngay cái ngón nghề mua chuộc đàn ông bằng nhan sắc của mình. (Thủy biết sức mạnh của mình. Mỡ bụng đã được hút, eo ra eo. Số đo vòng ba khá chuẩn. Chiều cao hơn mét sáu, thêm đôi dầy bảy phân là qua được rồi và nước da thì thôi rồi- tr 42). Đàn ông hư hỏng rồi mới thành đạt. Đàn bà thành đạt rồi mới hư hỏng. Có câu thành ngữ đó. Đã có cái khởi đầu rồi thì ngựa quen đường cũ. Người đàn bà này leo dần lên chức vụ cao hơn cùng lúc với sự xdụng triệt để đến trơ trẽn thói đĩ bợm của mình. (Lén lút. Vụng trộm. Ăn cắp. Ăn cướp. Được tất. Miễn là thỏa mãn, Một lần, hai lần nhiều lần càng tốt. Đấy là trao đổi sòng phẳng - tr 286). Trẻ con nó nhắc nhở nhau đúng hẹn, bằng cái ngoắc hai ngón tay út với nhau, một cử chỉ thật đáng yêu. Còn chị chàng nhắc người tình là ngài bộ trưởng đúng hẹn để làm tình bằng câu: Lời hứa của đảng viên đấy nhé! (tr 279). Thì sự suy đồi ê ẩm đã lên tới đỉnh điểm, bà thứ trưởng đã hiện nguyên hình là một con dâm phụ, một con điếm có bằng cấp lọc lõi trên tình trường.

Một người có nhân cách như Tùng làm sao có thể hòa hợp được với một người đàn bà như thế! Huống hồ, họ còn đối đầu với nhau trong cả việc công. Và những pha chạm vì bất đồng ý kiến trong chủ trương quan niệm ở công việc với nhau lại là thường xuyên. Trước nay ít người làm được việc này. Trước nay trong các câu chuyện tan vỡ hôn nhân, các tác giả thường chỉ dừng ở khâu đoạn vì một bên mắc tội ngoại tình. Cái tài và cái khó đã vượt qua được của nhà tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn chính là ở chỗ này.

Như vậy nghĩa là cái mầm của sự tan vỡ xét theo cảm nhận của phía Diệu Thủy còn là do tính cách của Tùng đã gây phương hại đến bước tiến thân của chị. Và đỉnh điểm của nó là bài báo của Tùng trên tờ Tạp chí nhằm phê phán những sai sót của Bộ, với kết quả là từ nay tôi không thèm nhìn mặt anh nữa (tr 194).

Không còn là chuyện cả thèm chóng chán, ông ăn chả bà ăn nem. Xung đột gia đình Tùng - Thủy là xung đột nhân cách. Nói một cách khách quan, không thiên vị bên nào là do cả hai bên. Tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Anh thì một mực dám xả thân vì lợi ích của cộng đồng (Tôi sẽ hiên ngang ra Hội đồng kỷ luật theo tinh thần Hoàng Văn Thụ- tr 369) Chị thì vì thèm khát thỏa mãn dục vọng cá nhân. Và do vậy từ đồng sàng dị mộng đến ly thân rồi ra tòa ly dị , chuyện đổ vỡ chỉ là chờ một ngẫu sự. Trong kết cấu tiểu thuyết, Nguyễn Bắc Sơn đã thật sự là nhà tiểu thuyết có nghề khi tạo ra cái nhấn tố ngẫu nhiên, cái tình huống để cởi nút hóa giải xung đột nọ: Dự đã được cài cắm sẵn, nay xuất hiện, tham gia vào kết cấu câu chuyện. Giọt nước tràn ly. Cái mầm ly cách đã thành hiện thực tất yếu.

3. Dự là con nhà lành. Sa ngã mà trở thành ca ve, rồi gái gọi. Tùng, kẻ sống sâu , sống kỹ cuộc đời nay, nhìn ra bản chất thiện lương của cô. Tùng đến với Dự là điều dễ hiểu.

Xét về nghệ thuật tiểu thuyết, một lần nữa, nhà văn đã tỏ ra là một tay nghề già dặn. Dự chẳng những là người lấp đi khoảng trống trong cuộc sống của Tùng. Mà còn là cơ hội để kéo câu chuyện về đời thường. Một dịp để Diệu Thủy thể hiện sâu thêm tính cách mình, tức là độc ác và khôn ngoan . Đồng thời cũng là dịp để thử thách Tùng.

Quả nhiên đời Tùng đã chẳng còn suôn sẻ dễ dàng, kể từ khi Tùng đèo bòng thêm Dự. Dẫu thế nào thì Dự trong thành kiến xã hội cũng là một thành phần bất hảo . Và dính líu với cô ca ve- gái gọi này liệu Tùng có còn giữ được vẻ đẹp của một nhân cách lý tưởng? Những trang viết về cặp vợ chồng mới này rất có kịch tính, nhưng may là cũng đã tránh được lối mòn.

4. Gã Tép riu còn những cấn cái, cần trao đổi. Cú đá song phi của Diệu Thủy tại tòa án (tr 429) là gượng gạo và không cần thiết, trong khi hành vi tàn ác của chị đã được thể hiện trong lần gặp Dự rồi (Chương 46). Đáng chú ý hơn và được mọi người bàn luận nhiều hơn là trường đoạn Dự sa đà vào chuyện làm tình với một lũ khách làng chơi chuyên nghiệp với những pha cụp lạc nhơm nhuốc kinh hoàng. Và được giải thích là Dự bị điều khiển bằng bản năng yếu đuối của đàn bà. Rất khó chấp nhận. Hoặc là tác giả muốn chứng tỏ cuộc hoàn lương của Dự hoàn toàn không hề dễ dàng gì. Hoặc là tác giả muốn chiều lòng một số lượng bạn đọc mà không muốn làm chủ chất liệu. Hoặc đặt Tùng vào cơn khủng hoảng để thử thách và cho ta thấy Tùng là kẻ cao thượng, biết thể tất và khoan dung. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà hình ảnh Dự bị tổn thương nghiêm trọng và mất đi sự chia sẻ cảm thông? Một vấn đề còn để treo đó ?

5. Nội dung được thể hiện qua hình thức biểu hiện. Đó là một nguyên tắc. Tách vấn đề cuốn sách được viết như thế nào, chẳng qua chỉ là một cách nhấn mạnh và không thể không nhấn mạnh.

Thế đấy! Là bởi vì Gã Tép riu hấp dẫn bạn đọc vì những câu chuyện mang ý ngĩa xã hội được viết bằng một ngôn ngữ hàn lâm, đầy kịch tính và một phẩm chất hiếm hoi nữa: một giọng kể đậm đà chất hoạt kê hóm hỉnh tươi dòng sự sống, chúng tạo nên một không gian nghệ thuật luôn mới mẻ, không nhàm chán. Trong văn xuôi hôm nay của ta, tôi đọc thấy cái phẩm chất này ở Hồ Anh Thái, ở Lê Minh Khuê, ở Nguyễn Quang Lập. Và bây giờ : Nguyễn Bắc Sơn. Đủ biết đó là của hiếm.

Thì ra, cuốn sách là một phần cuộc đời. Mà mọi thứ ở trên đời đều có thể xem là nghiêm trọng, đồng thời có thể là buồn cười. Nghĩa là cái hài là đặc tính vốn có của đời sống thực tại. Người thích đùa là một thành tố của đời sống . Như vở chèo nào cũng không thể vắng mặt chú hề. Mọi nơi mọi lúc đều có sẵn và vô thiên lủng những cái có thể gây cười.

Gã Tép riu tràn ngập niềm vui. Và Tùng là một hiện thân. Gã có tài biến hóa trong cách kể chuyện, nói vần nói vè, chế biến linh hoạt thêm mắm thêm muối vào các câu chuyện bình thường nhất. Thôi thì đủ. Hết hát nhại xuyên tạc bẻ queo ý nghĩa nghiêm chỉnh thành tếu táo. Như câu hát: Cho anh một lần , một lần thôi... Nay mai pháo của ta, nòng vươn cao. Ngày đầu chưa quen, đường cày chưa thẳng ngay… Như Tiếng chim hót trong bụi mận gai, nói lái thành Tiếng gai hót trong bụi mận chim. Suống sã mà vẫn ý nhị như gọi vợ chồng ân ái là Cuộc chiến trên sân vận động Hàng Chiếu. Vui vẻ vô tư như câu hát: Bướm vàng đậu trái lái mù u. Vợ chồng cãi lộn, thằng cu giảng hòa, triển khai thành khải triên . Có lúc lại hàm ý châm biếm chua chát . Như Bí thư chi bộ thành bí bô chi thự. Dàn hàng ngang mà tiến thành Dàn hàng tiên mà ngáng. Tiền phong chủ nghĩa thành tiền nghia chủ phóng...

Trong tiểu thuyết dài, chất hài còn có tác dụng tạo nên một mặt thoáng, một cái chiếu nghỉ đối với việc phải leo lên một tòa cao ốc, một phút thư giãn vì căng thẳng. Gã Tép riu có sức cuốn hút bạn đọc nhờ yếu tố này. Cùng với yếu tố sắc dục tràn trề (có lúc hơi quá đà) trong các trang viết, hài hước khiến cho cuốn sách mang một sắc thái hấp dẫn riêng, không lẫn lộn.

Người có tính hài hước là người thông minh, là người biết nhìn ra các tình huống hài, các chi tiết hài, biết cường điệu, giễu nhại, biết sử dụng các phép tu từ và làm cho cuộc sống vui vẻ nhẹ nhõm. Tùng là thế. Cái duyên trời cho này là một nét tính cách nữa của anh, khiến anh càng trở nên dễ mễn đễ gần. Tùng là một nhân vật sinh động, gây ấn tượng mạnh, một thành công của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, là kết quả của sự sống kỹ lưỡng đến cùng của nhà văn với nhân vật của mình.

*

Tiểu thuyết dù là luận đề cũng sống bằng nhân vật. Sức sống của nhân vật bảo đảm thành công của tiểu thuyết. Thông điệp của cuốn sách dù có mang ý nghĩa xã hội quan trọng đến gỉ gì gi đi chăng nữa cũng phải dựa vào sức sống của nhân vật và những gì nó để lại trong lòng bạn đọc. Gã tép riu là một thành công mới của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, sau những tác phẩm dày dặn của anh như Luật đời và cha con, Lửa đắng... trong đó, hình ảnh người công chức, anh cán bộ nhà nước hôm nay là đặc sản gần như của riêng anh./.

Báo Văn nghệ