Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“BÁCH NHẬT” THI SỸ HOÀNG CẦM

Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh
Thứ hai ngày 23 tháng 8 năm 2010 6:23 AM
Mồng 6 tháng 5 hai ngàn mười, ngày nhà thơ Hoàng Cầm mất, tôi cứ đinh ninh trong bụng là sẽ đăng lại bài của nhà văn Đỗ Chu viết về cụ, trang văn độc đáo “vẽ” chân dung Hoàng Cầm mà tôi thích nhất. Nhưng rất tiếc vì cất kỹ quá nên tìm không ra, tôi đành xin khất cụ.
Cuốn Tùy bút “Tản mạn trước đèn” của Đỗ Chu tặng tôi từ hồi gặp nhau ở Tạp chí Diễn Đàn khi anh Phạm Tiến Duật còn làm TBT. Đọc Đỗ Chu thật hấp dẫn, anh viết cứ như chơi, nhưng sâu sắc và tài tình đến vậy. Tôi mê nhất là đoạn thoại giữa cậu công an và Hoàng Cầm ngày cụ bị nhốt trong nhà tù Hỏa Lò. Tôi thuật lại đoạn văn ấy để khoe với cụ. Nghe xong nhà thơ tỏ vẻ băn khoăn. Cụ bảo chưa thấy Đỗ Chu tặng cuốn sách này nên tôi vội về phô-tô đoạn văn ấy, đóng thành quyển hẳn hoi rồi mới đem đến tặng cụ. Hoàng Cầm xem xong, cười móm mém. Cụ khen “Đỗ Chu viết khéo thật!”
Cuốn tùy bút “Tản mạn trước đèn” của Đỗ Chu là một ấn phẩm đẹp, bìa cứng, dày dặn và sang trọng. Ông không bán mà chỉ tặng bạn bè và những người ông quý hoặc họ quý ông. 300 trang văn ngay ngắn, đầy thông tin, đầy trải nghiệm với một thái độ cẩn trọng, đúng mực viết về các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ…nổi tiếng mà ông có dịp quan hệ, tiếp xúc. Dưới ngọn bút tài hoa của Đỗ Chu, những người thật việc thật ấy dường như cao thêm, đẹp đẽ thêm, để được gần gụi mọi người thêm. Đặc biệt trong đó có những trang viết chân thực, nghẹn ngào đến mức thảng thốt, đắng đót, bi hài về thi sỹ Hoàng Cầm quê ông.
Đầu tháng rồi, tôi uống rượu với hai anh Đỗ Chu và Nguyễn Duy ở quán Bầu bạn. Khi chia tay, Đỗ Chu bảo tôi chở anh về rồi tiện thể vào nhà chơi, xem tranh chân dung anh vẽ. Đỗ Chu có hẳn một phòng riêng trong căn hộ trung cư ở Khu Đốc Ngữ để anh thỏa sức vui vầy với cọ, với mầu. Đời cũng thật lạ, anh nhà văn thì nhảy bổ sang vẽ tranh, còn anh họa sỹ lại mon men “mổ cò” gõ phím để viết lách. Âu cũng là thú chơi của những nghệ sỹ bóng đời đang “ngả sâu xuống thung lũng thời gian”. Tôi vẽ Đỗ Chu mấy lần rồi mà vẫn không ra anh, cứ thêm  bộ râu mỏng, dài vào cằm là Đỗ Chu như bị “lạc hồn lạc cốt”, bới thế mới có chuyện trong triển lãm của tôi chưa thấy chân dung Đỗ Chu.
Mới đấy mà đã hơn 100 ngày vĩnh biệt thi nhân họ Hoàng. Nhân dịp Bách Nhật cụ, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà văn Đỗ Chu như mượn một ly rượu nồng dâng cả hai tay lên trời để khóc nhà thơ Hoàng Cầm. (ĐQT)
 
SÂN TRƯỚC MỘT NHÀNH MAI

Đỗ Chu
 

Hình như khi về già người ta đều muốn lui vào, cho nên nhà ông lang Bách mới nằm trong một ngõ nhỏ của phố Tràng Tiền, ông Hoàng Cầm lại ở trong một cái hẻm khác trên đường Lý Quốc Sư, còn ông Kim Lân là xóm Hà Hồi. Đều quanh quẩn gần Hồ Gươm, rất trung tâm mà lại rất khuất nẻo, khuất mà lại không vắng, thế mới khéo. Muốn vào thăm các ông chỉ mất vài mươi bước chân nhưng phải chịu khó một chút, phải dám len lỏi giữa dãy thúng mủng quang gánh, giữa những vòng vây của muôn tiếng ồn ào của kẻ mua người bán, rồi mùi hành mùi tỏi, mùi mắm mùi ớt của một đời thường ngàn năm nay vẫn vậy, người chen lấn xô đẩy nhau, dẫm đạp lên nhau, lựa nhau trông nhau mà sống.
Ông Hoàng Cầm vừa bò ở bệnh viện ra là lập tức vơ vội lấy cây bút. Tết nhất đang gọi cửa mỗi nhà, đang gọi cửa ông, phải tranh thủ gặt lấy vài triệu để ra Giêng còn có cái mà tiêu pha. Không phải viết vài ba bài mà mười bài trở lên, thơ có, hồi ức có, chuyện vui chuyện buồn cũng có. Cả nước giờ đang có gần năm trăm tờ báo, rất rộng đất dụng võ, tha hồ mà vẫy vùng, báo nào cũng quyết ra số đặc biệt, đều mong ông góp một tiếng nói, chuông điện thoại reo ran cả căn gác nhỏ nhà ông suốt từ sớm đến nửa đêm. Một khi đã định viết thì ông có thiếu gì cái để viết, chỉ vài năm nữa là qua tuổi tám mươi, cũng không còn ít ỏi gì nữa, mà lại chìm nổi nhiều bề, lúc sống chẳng ai mong gặp những rủi ro cay đắng, nhưng khi đã về già nhìn lại chính nhờ nó mà mình trở nên từng trải. Những trang viết của những người từng trải đọc chẳng thấy khó nhọc gì, vậy mà không dễ có, nó chứa nhiều u uất, nhiều nỗi niềm xa xăm, nó chính là lẽ đời được chắt lọc từ trong gan ruột họ.
Bởi thế sau một năm bươn chải, được mấy ngày xuân thư thả người ta mới có dịp cầm lên tay tờ báo Tết. Ai nấy đều có ý ngóng gặp ông nhà thơ mình hằng ngưỡng mộ xem thử năm nay ông muốn nhắn nhủ mình điều gì và cũng là để yên lòng rằng ông còn đang lăn lóc quả cảm cùng sống với mình.
Ông Hoàng Cầm dáng lòng khòng thư sinh, môi đỏ, tóc trắng, nụ cười nhút nhát rung rinh và ánh mắt đảo sắc như sắp lên đồng. Một giọng ngâm trầm ấm mê man “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”. Đời ông hóa ra cũng chỉ quanh quẩn cùng con sông đào ấy, vùng quê ấy, mấy chị mấy em ấy, vậy mà cũng đủ để ca hát suốt một đời dài. Ông là một nhà thơ thiên bẩm, như sinh ra là để làm thơ. Thơ ca với ông là một đam mê không dứt nổi, nó chính là định mệnh. Hạnh phúc và khổ đau trong đời ông là điều từ thơ mà ra. Ngoài thơ ông chẳng biết làm gì cho ra hồn mặc dù đã có lúc ông làm đến chức tiểu đoàn trong quân đội. Trước cách mạng ông đã từng cả gan thi vào văn phòng Phủ toàn quyền Đông Dương và đã trúng tuyển, được lựa chọn để làm tham làm phán gì đó, nhưng rồi chẳng bao lâu ông cũng tự bỏ mà đi diễn kịch, đi theo mấy bà Kiều Loan, Kiều Trinh thì đúng hơn.
Tết này ông sắp có một mối tình nữa. Mối tình thứ một trăm. Lại sắp sửa có một bà lăn vào lòng ông trong một kiếp phù sinh. Nom ông linh hoạt lắm, ông lúng túng trao cho chàng họa sỹ trẻ cùng quê mà ông tin cậy một phong bì rất lớn, còn lớn hơn bất kỳ một bộ hồ sơ chuyên án nào. Trong đó là đủ cả, một lá thư tỏ tình, có thể hiểu là một huyết lệ thư, kèm theo là một xấp thơ mới làm, tự tay ông chép với một nét bút tài hoa hiếm thấy. Chỉ có thi hào Gốt-tơ sống lại mới cảm thông nổi với nỗi lòng ông lúc này. Ai đó vô tình thở dài ôi dào, có mà đốc chứng! Ông liền quắc mắt ngạc nhiên thực sự, rồi ông dằn giọng, cớ gì mà ôi dào, làm sao không thế? Ai dám định tuổi cho tình yêu, phàm đã làm một nhà thơ thì còn thở là còn phải yêu, còn phải mang lòng thương nhớ một ai đó. Lòng ham sống, lòng thèm yêu trong ông là cả một sức mạnh quật khởi, là không bao giờ mệt mỏi chán nản. Nào có tội tình gì ở đây, nếu không muốn nói đây cũng là một vẻ đẹp. Ông Hoàng Cầm không chịu biết đến tuổi tác, bất chấp tháng ngày, bất chấp mọi đúng sai khôn dại của người đời, ông cứ sống như ông đã sống, rất sinh động và rất đáng yêu.
Nội nhật đêm nay, cùng lắm là sáng mai lá thư nặng trữu của ông sẽ được chuyển đến một căn gác quạnh hiu trong thành phố. Giữa cái thành phố mênh mang phập phù gió bấc này sẽ có một người đàn bà đốt cháy ngọn lửa lòng lên để sưởi ấm cho lòng một thi sỹ.
Thành thử kinh đô càng trẻ đẹp, Rập rờn tóc trắng tập hồi xuân. Tình rung nhịp sống rung vương phủ, Quận chúa rời cung rung ngực trần.
Năm cuối của thế kỷ này được cả nhân loại nhất trí xem là năm của người già, với ông cũng sẽ là một năm hồn thơ ngào ngạt sắc hương, ở vào cái đận đã có thể xem thân nhàn mà tâm cũng nhàn. Cũng phải đến cái tuổi ngót bát tuần ông mới tìm được chữ nhàn ấy, tử vi của ông nó vất vả lắm, Không kiếp, Đào hoa, Phục binh, Hóa kỵ chen chúc trong mệnh, hiền hậu là thế cũng cứ phải vài ba lần vào khểnh trong Hỏa Lò. Nằm trong ấy, ông trân trân nhìn lên trần nhà mà nghĩ vẩn vơ suốt ngày. Có chú công an lấy làm quái lạ, một hôm nhìn vào hỏi, ông nghĩ gì mà nghĩ gớm thế. Ông thong thả ngồi dậy nói rằng chẳng nghĩ gì cả, đấy là mình nghĩ lại xem mình đã có bao nhiêu mối tình trong đời, bà nào đã mất, bà nào vẫn đang sống. Rồi ông quen mồm mời cậu ta vào nhà chơi nói chuyện cho vui. Nó cười rất hiền. Cũng là người cả, cho dù có gan đồng tim sắt gặp người như thế cũng phải mềm lòng. Rồi một hôm nó vừa mở khóa vừa gọi rối lên, ra đi, ông được về rồi, làm thơ nhiều vào cho chúng cháu đọc ông nhé. Đấy cũng là vì tuy cung mệnh kém nhưng may mắn cung phúc đức của ông vẫn có Thiên quan, Thiên phúc kéo lại. Cho nên ở đời với ai cũng thế, sợ nhất là các bà, sau đến mấy anh công an, nhưng ông Hoàng Cầm lại được cả hai loại người ấy thương yêu, ông quanh quẩn buồn vui cùng họ cả một đời không chán, không ngại, giống như anh chàng con rể ông Tạ Duy Hiển tối tối vẫn quen nằm với hổ vậy. Bắc Ninh quê ông lắm người tài, mặc cho thiên hạ đánh giá thế nào là tùy, với người Bắc Ninh thì chỉ có hai người được xem là tài nhất, là niềm tự hào nhất của họ, một là ông Hoàng Cầm, hai là nhạc sỹ Hồ Bắc  người làng Phù Lưu, Phủ Từ Sơn. Nhạc sỹ Hồ Bắc ít tuổi hơn, xem ông Hoàng Cầm là bậc anh, họ cũng quý nhau lắm. Hồ Bắc đã từng phổ nhạc bài thơ Bên kia bờ sông Đuống trong lúc còn đang học dở ban tú tài. Rồi anh cũng có cả Làng tôi. Làng tôi của Văn Cao hay một cách, của Hồ Bắc lại hay một cách. Đến sau này khi anh có hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc và Tổ quốc yêu thương thì thôi rồi, nam nữ thanh thiếu niên khắp tỉnh đều hát. Những đêm thơ nhạc của thầy trò mấy trường trung học trong tỉnh là để trình bày thơ nhạc của hai ông Hoàng Cầm, Hồ Bắc, từ mấy chục năm nay vẫn vậy. Sống để được quê nhà yêu quý như hai ông thật hiếm thấy. Phương Tây có câu “Không ai hiển thánh nổi ở quê hương mình” đấy là nói đến cái khó khăn của mấy anh thánh chẳng ra thánh, thằng chẳng ra thằng, chứ với những người thực tài, thực tâm thì chưa hẳn đã vậy. Quê hương là rất khe khắt nhưng cũng rất rộng lòng, là không nhầm lẫn vào đâu được.
Hoàng Cầm, Hồ Bắc là ngọn gió lành, là hồn cốt của xứ Kinh Bắc, là sự hoành tráng sang trọng, là âm vang của miền đất ngàn năm văn vật. Sau những đêm thơ nhạc của hai ông, đứng nấp bên cánh gà sân khấu đã có nhiều con trai con gái khóc vì quá xúc động và hạnh phúc.
(Trích trong tùy bút “Tản mạn trước đèn” của Đỗ Chu)      
(*) Chân dung nhà thơ Hoàng Cầm
Tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh
(**)Nhà văn Đỗ Chu (ảnh KTS)