Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THỬ TRUY TÌM NGUYÊN NHÂN TÌNH CẢNH ĐÁNG BUỒN CỦA ĐIỆN ẢNH

Nhà văn Nguyễn Hiếu
Thứ tư ngày 11 tháng 10 năm 2017 10:47 AM


Nếu ai đó ít nhiều để ý đến văn học – nghệ thuật trong thời gian gần đây dễ nhận ra hiện tượng đáng buồn và có thể xem là bất thường đang làn tràn ở nhiều lĩnh vực này. Văn học Việt nam hiện đại trước đây từng có những tượng đài về hài hước như Nguyễn Công Hoan, Đồ Phồn, Vũ Trọng Phụng, Tú Mỡ...Nhưng hai, ba chục năm trở lại đây, mảng hài hầu như vắng bóng trong nền văn học Việt nam mặc dù xã hội lúc này hơn bao giờ hết đang cần ngòi bút hài hước để “cất lên tiếng cười tiễn biệt cái xấu”( Các Mác) và nhu cầu thưởng thức hài của người dân ngày càng cao. Tình trạng thiếu vắng này đã gây bức xúc đến độ liền trong hai Đại hội Hội Nhà văn Việt nam, Hội nhà văn Hà Nội có nhà văn đã phải lên tiếng. Trong âm nhạc hiện trạng các nhà sáng tác, kể cả một số người có đôi chút tiếng tăm thi nhau đạo, nhái lại tác phẩm của nước ngoài. Còn trong điện ảnh thì tình trạng làm lại phim nước ngoài đang trở thành phổ biến đến mức báo động.
Nhìn vào tình trạng “phim làm lại” này tôi cảm thấy hình như không ít các nhà làm nghệ thuật nước ta thiếu hẳn lòng tự trọng, thiếu hẳn trách nhiệm đối với người đọc, người xem, người thưởng thức. Họ tự nguyện khom lưng chấp nhận một sự xâm thực bằng văn hóa và ngoan ngoãn trở thành những kẻ nô lệ trong tư duy nghệ thuật. Nói nghiêm chỉnh hơn những người làm văn hóa nghệ thuật kiểu này đang đi ngược lại yêu cầu của Đảng giao phó là cần phải nhanh chóng “ xây dựng nền văn học- nghệ thuật Việt nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc “( NQTW 5 khóa 8). Cách đây hơn hai thập niên,mở bất kênh đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương chỉ thấy phim Trung Quốc hết đuôi sam Mãn Thanh, lại đến các viên tướng đời Hán,Tống, rồi Bến Thượng Hải, phim Hàn Quốc với những mối tình tay ba sụt sịt, rồi bệnh máu trắng, ung thư...còn gần đây thì các kênh lại tràn ngập phim Việt hóa các kịch bản,phim của Hàn Quốc,Hồng Kông, Itxaren...Từ người phán xử,sông chung với mẹ chồng đến sắc đẹp ngàn cân,yêu đi đừng sợ, ngựa hoang, em là bà nội của anh, cô nàng ngổ ngáo...
Nói về sự làm lại phim từ phim, kịch bản, tác phẩm văn học nước ngoài của các nền điện ảnh kể cả quốc gia có nền điện ảnh đạt trình độ cao như Mỹ, Pháp là chuyện bình thường. Nhưng xin nói luôn các phim làm lại, với phiên bản mới hầu hết là những danh tác, những tác phẩm nổi tiếng và có tầm phổ quát rộng trên thế giới. Các nhà làm phim của Mỹ, Anh, Pháp ...thi nhau mua bản quyền Anna Ka rê nin na để làm phim là một ví dụ điển hình. Người xem các nước đó có thể thấy một nàng An na kiều diễm, một công tước Bôn côn xki lãng tử trong lốt diễn viên Pháp, Mỹ, Anh...nhưng tâm hồn, khí chất vẫn đậm Nga. Còn ở ta trong thời gian gần đây, người xem Việt nam chỉ thấy tràn ngập những bộ phim nước ngoài tầm tầm hoặc nổi trội hút người xem đôi chút được Việt nam hóa một cách thụ động, thậm chí không ít chỗ sống sượng.
Hai bộ phim truyền hình ăn khách gần đây là “người phán xử “, và “sống chung với mẹ chồng” được Việt hóa từ kịch bản của Reshef Levi ( Ít sa ren)và Giả Hiểu ( Trung Quốc). Dù hút khách đến bao nhiêu thì hai phim này đều lộ ra yếu điểm trầm trọng của hầu hết các phim làm lại từ kịch bản nước ngoài là cách kể, diễn biến tâm lý, hành động, sự ứng xử, kể cả không ít trường đoạn trong phim hoàn toàn xa lạ nếu không muốn nói không hợp với tâm lý, tập tục của người Việt Nam. Đó là chưa kể tình trạng có thể gây ra hiệu ứng xấu đối với người xem khi nó được chiếu rộng rãi trên truyền hình. Bài báo tôi đăng trên tạp chí “thế giới điện ảnh” tháng 6, tôi đã đề nghị dừng không chiếu “người phán xử” vì đã lạm dụng quá nhiều sự mô tả thế giới ngầm, ca ngợi những nhân vật cộm cán trong xã hội đen, biến họ thành những anh hùng trong mắt người xem, nhất là người xem thanh, thiếu niên. Còn phim “sống chung với mẹ chồng”thì có quá nhiều cảnh có thể hợp lý với người Trung Quốc nhưng lại sống sượng, khiên cưỡng đối với người xem Việt.
Vì sao lại có tình trạng các nhà sản xuất phim nước ta đua nhau hâm lại một cách tràn lan kịch bản nước ngoài như vậy ?
Ngoài những điều tôi nói về bản lĩnh yếu kém của những nhà làm phim phải kể đến yếu tố thương mại, lợi nhuận. Người ta bất chấp tất cả mọi hệ lụy đối với người xem cốt là có đông người xem. Nhưng ở góc độ một nhà văn tôi cho rằng hiện tượng này thêm một lần ghi nhận tình trạng xuống cấp đáng lo ngại của văn hóa đọc không chỉ ở người dân bình thường mà còn ở hàng ngũ những người đáng ra phải luôn luôn đọc như các người làm phim ( nhất là các nhà sản xuất, biên kịch).
Tôi nhớ gần ba mươi năm trước khi truyền hình bắt đầu có nhu cầu làm phim cũng như phim chiếu rạp thì phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học đã xuất hiện như ”sóng ở đáy sông”( từ tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu), phía nam hàng loạt tác phẩm dựa vào tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng ra đời. Phim chiếu rạp cũng có nhiều phim đáng xem như “những người thợ xẻ” dựa truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, “ cánh đồng bất tận “ của Nguyễn Ngọc Tư, “mùa hoa cải bên sông” theo truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều. Bản thân người viết này cũng có hàng loạt tác phẩm được chuyển thành kịch bản phim, như chuyện vừa” làng êm ả bên sông” thành phim hai tập“chuyện đột ngột của làng ven sông” ( 1996- Đạo diễn Nguyễn Huy Hoàng). Sau lại được đạo diễn Nguyễn danh Dũng dựa vào làm thành phim một tập. Tiểu thuyết “vàng dưới đáy sâu”( Đài TH Bình Dương chuyển thành phim hai tập vào năm 2000-Đạo diễn Nguyễn Tất Thắng ). Tiểu thuyết “bốn bước đến chân trời “( thành phim bốn tập ” dòng sông cuộn chảy”. Đài THTW 2001)...Gần đây có thể nói là hiếm hoi cho sự chịu đọc của các nhà làm phim là trường hợp đạo diễn Nhuệ Giang có phim”sự đời” nhiều tập dựa trên hàng loạt tác phẩm của nhà văn Vũ Trong Phụng....
Chính vì lười đọc nên những người làm phim không tìm thấy trong tác phẩm văn học đương đại có rất nhiều những vấn đề được đề cập một cách thời sự và đạt chiều sâu thời đại. Trong tác phẩm văn học của các nhà văn Việt nam cũng không thiếu những câu chuyện có kết cấu ly kì, đầy chất điện ảnh với những tính cách, tình huống đa dạng, hấp dẫn không thua gì “người phán xử””sống chung với mẹ chồng” . Tôi đưa ra dẫn chứng, nếu các nhà làm phim chỉ cần chạm đến các tác phẩm văn học được viết ra trong hai cuộc vận động sáng tác ”vì an ninh tổ quốc ,vì bình yên cuộc sống” gần đây của Bộ Công an và Hội nhà văn chắc chắn sẽ tìm thấy không ít những cốt chuyện đủ làm nên những bộ phim hay và mang đầy thực tế Việt nam.
Lại nói đến một đề tài lớn nữa mà các nhà làm phim hay quan tâm là nông thôn. Sau mấy phim gây được tiếng vang về nông thôn lấy sự phê phán sự ngột ngạt của một thời bao cấp thì hàng loạt phim về nông thôn kế tiếp đã thất bại như “ làng ma sau mười năm”,” bão qua làng “ vì rập lại mô típ của các phim trước, trong khi đó hàng loạt vấn đề nổi cộm đang cuốn hút người xem và cả dư luận xã hội, mang những cốt chuyện cuốn hút người xem và tạo ra đất cho đạo diễn, diễn viên như vấn đề đô thị hóa nông thôn, sự tranh chấp đất đai ,sự băng hoại tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm khi đồng tiền lên ngôi, sự thất nghiệp của người nông dân trên mảnh đất của mình, đạo đức cổ truyền bị thử thách trước cơn lốc thương mại, rồi môi trường nông thôn bị xâm hại, làng nghề bị mai một, những người nông dân đi xuất khẩu vv và vv ....Toàn những vấn đề nóng bóng mà các tác phẩm văn học đã thể hiện đầy đủ, phong phú còn giới điện ảnh,làm phim hầu như không hề biết. Ngay việc phê phán bao cấp đầu chỉ toen hoẻn đề tài phê phán sự thủ cựu, duy ý chí của các vị lãnh đạo nông thôn trong khi thực tế có biết cung bậc đa dạng, kì ảo không chỉ dành cho văn học mà cả giới làm phim.Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết hài “ năm hào đi qua ba tỉnh” kể về cuộc thách đố của hai thanh niên làm sao chỉ có 5 hào ( tiền thời bao cấp )mà đi được qua ba tỉnh. Qua sự biến báo của anh chàng láu cá này mà hiện thực thời bao cấp ở ba tỉnh, thành phố hiện lên với đủ mọi sắc thái đủ tình huống bi hài đan xen. Hay cuốn tiểu thuyết”chân trời vỡ đôi” nói về số phận người nông dân bị lạm dụng và lợi dụng như thế nào qua các chuyển động của xã hội- Một bi kịch có thể làm chất liệu cho một tác phẩm điện ảnh lớn nếu rơi vào các nhà làm phim tài ba.Hoặc cuốn tiểu thuyết hài “tây tây, ta ta “ kể về một làng quê đồng bằng Bắc bộ bị xáo trộn ra sao khi có một gã rể tây xuất hiện (tiểu thuyết này xuất hiện trước đây gần 20 năm mà không được giới làm phim khai thác)...
Chỉ điểm qua một số tác phẩm văn học mà người viết bài này được biết để thấy sự lười đọc cùng với tâm lý chuộng ngoại một cách nô lệ đã khiến các nhà làm phim nước ta liên tiếp mắc vào những sai lầm tệ hại là ăn đong bằng kịch bản nước ngoài. Chính sai lầm về việc sự ăn xổi,vọng ngoại đã khiến nền điện ảnh nước ta ngày càng ít đi những tác phẩm đích thực phản ảnh cuộc sống phong phú của nước ta trong quá trình phát triển, làm hỏng thị hiếu của người xem- nhất là lớp người xem trẻ tuổi.
Chèm ngày 3/9/2017
Nhà văn Nguyễn Hiếu