Những ngày đầu mùa đông năm Quý Tỵ, tôi nằm điều trị tại Bệnh viện tỉnh (Yên Bái). Chập tối, cô điều dưỡng viên đưa vào phòng một bệnh nhân già. Người điều dưỡng nhẹ nhàng: - Cháu mời cụ vào nằm giường số 2! rồi cô trải đệm, lót ga trắng. Người bệnh nói lời cảm ơn bằng giọng Nam Trung bộ.
Giường số 2 khoa Nội C liền sát giường tôi. Ổn định, tôi chủ động thăm hỏi “vị khách” mới. Thì ra cụ bị chứng viêm phổi. Khí hậu chuyển mùa, người già không kịp thích nghi.
Ngày thứ ba, sức khỏe cụ bệnh nhân xem chừng hồi phục, tuy chậm chạp nhưng cũng đủ làm cho ông vui hơn, nhẹ nhàng tiếp chuyện các bạn phòng. Ngẫu nhiên thế nào, ở giường số 1 là một bệnh nhân huyết áp - ông Phúc, tuổi 81. Giường số 2, là cụ - Bùi Đỉnh, một cán bộ miền Nam tập kết, tuổi 91. Còn tôi, giường số 3, đàn em, 61. Ông già Phúc hóm hỉnh: - Phòng ta, có ba cái “mốt” tuổi già, vui thật đấy!
Bùi Đỉnh sinh năm 1923 ở xã Tĩnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thân phụ là cụ Bùi Cùi, thân mẫu là Nguyễn Thị Điều, gia đình bần cố nông, cả nhà đi làm thuê, đi ở đợ. Ông Đỉnh là anh cả, em gái Bùi Thị Bưng bị Mỹ - Diệm cầm tù tàn bạo theo luật 10/59.
Một chiều, đang gánh nước thuê ở thị xã Quảng Ngãi, cậu bé Bùi Đỉnh bất ngờ gặp một thanh niên, cũng là người làm mướn trong làng, anh thanh niên khuyên đi theo anh. “Làm gì?” Đỉnh hỏi? “Góp muối, gạo cho chiến khu!”. Thế là đi.
Nhật đảo chính Pháp. Cách mạng từ đâu dội vào Tam Kỳ. Cậu bé Đỉnh thấy mình phấn chấn mà không hiểu vì sao. Có người đến bảo: “- Em chuyển cái này đưa tận tay cho chú Tư”. Rồi lại có người tìm đến: - Em lên Trà Khúc, ở đó, có người giao việc! Bùi Đỉnh nhỏ người, nhanh nhẹn lại thông thạo đường quê. Vĩnh Tuy - Trà Khúc là Chiến khu của Quảng Ngãi, người giao việc là một chú khăn áo bà ba, chú chỉ dặn miệng mà không trao tay thứ gì. “Chỉ thị” không văn bản ấy Bùi Đỉnh chuyển trực tiếp cho chú Tư (Trung tướng Phạm Kiệt - HLK) Đội trưởng Đội Du kích Ba Tơ. Từ hôm đó Bùi Đỉnh ở hẳn trên Chiến khu và trở thành liên lạc viên giữa Chiến khu và Đội Du kích nổi tiếng. Cho đến một ngày, tuổi 17, Bùi Đỉnh được điều động vào đơn vị bộ đội địa phương Quảng Ngãi đóng ở Thị trấn Tam Kỳ, đó là Trung đội Võ Tui do Nguyễn Đại làm Trung đội trưởng (sau này Nguyễn Đại, người Thọ Xuân, Thanh Hóa, bị giặc bắt, cầm tù Côn Đảo).
Quảng Ngãi giải phóng. Không bao lâu, giặc Pháp tái chiếm. Bùi Đỉnh được giao nhiệm vụ phụ trách Ban trinh sát theo dõi địch ở vùng đèo An Khê, rồi Đồng Xoài, Hữu An, Thạch An. Tham gia trong đội xây dựng hai cơ sở cách mạng trọng điểm đó là làng An Bình và làng Thạch An. Đầu năm 1946 Bùi Đỉnh được cấp trên lựa chọn làm người dẫn đường cho đơn vị Cận vệ đưa cụ Huỳnh Thúc Kháng đích thân đến An Khê kiểm tra tình hình khu vực, chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Cũng trong thời gian này, ngày 26 tháng 6 năm 1946, Bùi Đỉnh được tổ chức (Đại đội trưởng Nguyễn Đại) tuyên bố kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.
Pháp thúc đẩy việc giành quyền kiểm soát địa bàn chiến lược Trung Bộ, lập hàng loạt đồn bốt, dồn dân bắt lính. Trước tình hình nóng bỏng ngày một gia tăng, ta quyết định đánh đồn An Thạch thuộc xã Thạch An - một mắt xích chỉ huy của Pháp ở Quảng Ngãi. Sau khi trinh sát thấy địa hình không lợi thế, chỉ huy buộc phải sử dụng lực lượng cảm tử. Bùi Đỉnh phụ trách một tiểu đội yểm trợ cho tiểu đội xung kích, chiến sỹ Ngô Mây (người Bình Định) dẫn đầu tiểu đội cảm tử xung kích, đã ôm bộc phá áp sát tường rào đồn An Thạch. Tiếng nổ vang trời, phá vỡ bức tường, mở cửa cho cả Đại đội tấn công. Xóa xổ đồn làng An Thạch, “Đại đội Ngô Mây” củng cố lực lượng, trang bị vũ khí, ngay hôm sau Bùi Đỉnh cùng tổ trinh sát lên sơ đồ đánh đồn Thạch An. Sau trận nhổ đồn Thạch An, chiến sỹ Bùi Đỉnh tham gia tiếp các trận: Hà Thành (Quảng Ngãi), Chợ Các (Bình Định), Thanh Quýt (Quảng Nam). Ở trận Hà Thành Bùi Đỉnh rất phấn khởi được đích thân Trung đoàn trưởng Đàm Quang Trung vỗ vai khen ngợi về chiến công diệt Pháp. Ông được công nhận là Đảng viên chính thức trước thời hạn một tháng. Cứ thế Bùi Đỉnh tham gia các đợt trinh sát, và các trận đánh lớn nhỏ. Năm 1951 ông được đề bạt là Trung đội trưởng rồi Đại đội phó và phong quân hàm Trung úy.
Hiệp đinh Giơ ne vơ ký kết, ông Bùi Đỉnh nằm trong đội hình Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108, Sư đoàn 305, xuống tàu thủy tại cảng Quy Nhơn ra Bắc tập kết, tạm để lại người vợ trẻ là bà Nguyễn Thị Phương và đứa con trai chưa đầy tháng tuổi. Sau thời gian chỉnh huấn, chỉnh quân, học tập văn hóa, và học tập ngành nghề chuẩn bị lâu dài cho kế hoạch xây dựng Nam bộ sau này, 1/2 Sư đoàn 305 trở lại miền Nam, còn ông, cấp trên điều về Trung đoàn 96 xây dựng Nông trường Thanh Sơn (Phú Thọ). Học xong chương trình ngắn hạn chuyên ngành, Bùi Đỉnh được tăng cường về Tổng cục Lâm nghiệp nằm trong ngạch quân nhân dự bị Nam tiến. Nhưng rồi “Nam tiến” không đến với ông, Bùi Đỉnh cầm quyết định ra quân và quyết định về Ty Lâm nghiệp Yên Bái.
Từ đây Cựu chiến binh “Đại đội Ngô Mây” Bùi Đỉnh ngoặt sang con đường dân sự. Năm 1961 được chỉ định làm Phó Giám đốc Lâm trường Minh Bảo, ông là người trực tiếp khảo sát và cùng Lâm trường Minh Bảo mở đường lâm trường (Đường Kim Đồng thành phố Yên Bái hôm nay).
Giặc Mỹ đánh phá miền Bắc. Bộ Lâm nghiệp thành lập Lâm trường Việt Cường và điều ông Bùi Đỉnh về làm Giám đốc, cuối năm 1964 Bộ Nội vụ giao chuyển “Nông trường Âu Phi” từ nhiều nơi ghép về phối hợp với Lâm trường Việt Cường lao động sản xuất. Thực chất của sự điều chuyển 300 lính Âu Phi còn ở lại Việt Nam lúc này là bởi đất nước đang trong tình trạng chiến tranh, cần có một giải pháp an ninh. Đến đầu năm 1967, Âu Phi đi, tù binh Ngụy Đường 9 Nam Lào về thế chỗ trong đó có cả Đại tá Nguyễn Văn Thọ. Lúc này tỉnh Yên Bái cử ông Gấm, Phó Chủ tịch huyện Trấn Yên về làm Giám Đốc, còn ông Bùi Đỉnh chuyển về quản lý Lâm trường Việt Hưng. Rồi làm Chủ tịch công đoàn cho đến ngày nghỉ hưu năm 1982.
Đã sang buổi trò chuyện thứ hai. Kể đến đây cụ bệnh nhân già Bùi Đỉnh khẽ nói: - Với mình, Quảng Ngãi là nới chôn nhau cắt rốn, còn Yên Bái là quê hương thứ hai. Tôi tò mò hỏi cụ về gia cảnh trong Nam ngoài Bắc. Người cựu liên lạc của Du kích Ba Tơ, và là chiến sỹ cảm tử một thời bộc bạch chuyện riêng tư: Sau khi ra Bắc (1954), ông được tin Mỹ - Diệm chà sát vùng quê Sơn Tịnh rất ác liệt, bà Phương và đứa con nhỏ mà ông bà đặt tên là Bùi Bình (cùng cụ Bùi Cùi và bốn người trong gia đình) bị chúng bắt giam ở đồn Mang Cá vì tội có chồng đi tập kết. Giam cầm, rồi chúng cũng phải thả, bà Phương lợi dụng sự vô can đã tham gia tổ chức phụ nữ hoạt động bí mật ngay ở thị trấn Sơn Tịnh. Bà được tặng Huân chương và Bằng có công với Cách mạng. Biết không thể trở lại Nam Bộ sau hơn 4 năm xa quê, năm 1958 được tổ chức cho phép, ông Bùi Đỉnh kết hôn với bà Lê Thị Điều một nữ du kích huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), và là Đội trưởng một đội dân công phục vụ chiến dịch Tây Bắc giải phóng Nghĩa Lộ năm 1952. Tôi không dám hỏi rõ về mối quan hệ gia đình sau ngày miền Nam giải phóng nhưng dường như hiểu ý, cụ Bùi Đỉnh nhỏ nhẹ: Cuối năm 1975 tôi về quê, gặp lại mẹ con bà Phương, mừng mừng tủi tủi. Từ đó, cứ hai ba năm vợ chồng tôi và các cháu ở Bắc, lại về. Bà Phương, bà Điều, coi nhau như chị em một nhà. Còn con trai Bùi Bình đã là Phó Chủ tịch huyện Sơn Tịnh mảnh đất Anh hùng, quê hương của các tướng lĩnh Phạm Kiệt, Trần Quý Hai, Nguyễn Đôn, Võ Bẩm, Trần Văn Trà. Ở Bắc các con cũng đều trưởng thành, công tác ở nhiều ngành trong tỉnh, trong đó có 5 người tham gia lực lượng vũ trang, có một là Đại tá quân đội.
Nửa tháng sau ngày ra viện tôi tìm đến nhà riêng cụ Đỉnh ở tổ 70 phường Minh Tân thành phố Yên Bái. Cụ ông cụ bà rất vui, theo ngỏ ý của tôi, cụ Bùi Đỉnh mở hòm lấy ra một cặp “tài liệu”, ấy là các quyết định: Thăng quân hàm Trung úy (1951), 3 tấm Huân chương, do Bác Hồ ký (1958), Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký (1963), Chủ tịch Trường Chinh ký (1985), và tấm “Bằng chứng nhận: 8 năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí Bùi Đỉnh đã đánh 30 trận, trực tiếp diệt 10 tên địch, thu 4 súng, xây dựng 2 làng kháng chiến, cứu thương 20 liệt sỹ, thương binh nặng...” Thủ trưởng Chính trị Chính ủy Trung đoàn 108 Lê Văn Lợi ký, và nhiều Bằng khen, Danh hiệu thi đua, Kỷ niệm chương khác. Cụ Bùi Đỉnh cũng đã vinh dự nhận Huy hiệu 65 tuổi Đảng do Tỉnh ủy Yên Bái trao tặng. Tiếng là nghỉ hưu, nhưng khi bà con xóm phố tín nhiệm cao, người cán bộ tập kết lại thấy trong mình hừng hực bầu máu Nam bộ, thế là, cụ gắn bó thêm 16 năm làm Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố. Cụ trở thành mối dây vô hình của phố phường, của gia đình họ tộc kết gắn tình cảm Bắc Nam xuyên suốt những năm tháng sau ngày đất nước thống nhất.
Ngồi hầu chuyện cụ tại bàn trà ngoài hành lang căn nhà nhỏ, tôi mạo muội: - Thưa ông, ở tuổi thượng thượng thọ rồi, ông còn nhớ những kỷ niệm sâu sắc không?
- Trời, nhớ chứ. Kỷ niệm sâu sắc thì nhiều, chẳng hạn như lần cùng với các đồng chí Thân và Lừng vào trinh sát đồn An Thạch, trở ra bị vướng vào dây thép gai, “nó” bắn sáng trời. Rồi, khi Ngô Mây bước lên trước hàng quân tự nhận làm cảm tử quân số 1, tôi như muốn khóc vì thương anh. Rồi, trận Hà Thành (Sơn Hà) khi buộc phải đánh giáp lá cà, tôi đâm chết một thằng Tây. Ngay sau trận thắng Hà Thành, anh Đinh Núp về, người Thượng ở đây nghe theo Anh hùng Núp tự rời bỏ các đồn bốt địch ở huyện Sơn Hà.
- Thế còn ngày ông làm lãnh đạo các lâm trường ở Yên Bái?
- Cũng có đấy. Kỷ niệm, như cái “đám” lính Âu Phi, nó lười lắm, giục đi làm, cứ ỳ ra, vậy mà lãnh đạo lâm trường vẫn phải lo cho nó ăn no. Rồi như, sau tụi lính Đường 9 Nam Lào đi, thì Bộ Công an lại đưa các tướng tá Ngụy Sài Gòn lên Yên Bái cải huấn. Trại giam thuộc Đoàn 776 đóng trên đất Trấn Yên, Lâm trường có nhiệm vụ hỗ trợ quản lý an ninh địa bàn. (Điều cụ Đỉnh kể, trùng lặp với lời kể của Đại tá Phan Nguyệt nguyên Trưởng phòng Chính trị Công an tỉnh Cao Bằng mà tôi có dịp hỏi chuyện, trong số các tướng Ngụy Sài Gòn giam ở Yên Bái năm 1976-1977 có Trung tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Trung tướng Nguyễn Hữu Có, Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá...)
Vâng! Xin cảm ơn cụ Bùi Đỉnh, một người lính Cụ Hồ của quê hương Quảng Ngãi và quê hương Yên Bái. Biết rằng chuyện đời về cụ còn dài và nhiều sự lạ, nhưng đã ở cái tuổi ngoại cửu tuần, dẫu còn minh mẫn như cụ, lớp hậu sinh cũng vẫn không nỡ đòi hỏi gì thêm.
Yên Bái, 22.12.2013
Bài viết đưa lên trang mạng nhân cụ Bùi Đỉnh sang tuổi 95 và đón nhận huy hiệu 75 tuổi Đảng