VH- Ngày 25-27.8 tại Bangkok, Thái Lan đã diễn ra lễ trao “Giải thưởng văn học sông Mekong” lần thứ 8.2017 của 6 quốc gia có chung dòng Mekong huyền thoại gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Việt Nam có hai nhà văn được trao giải là nhà văn nữ Kim Quyên với tiểu thuyết Tình không biên giới và nhà văn Trần Nhương với tiểu thuyết Bến đỗ đời anh.
Tham gia lễ trao giải có 40 nhà văn của 6 quốc gia sông Mekong, cùng hơn 500 nhà văn, nhà thơ, bạn đọc Thái Lan. Ngài Thanasak Patimaprakorn, Phó Thủ tướng Thái Lan cùng ngài Vira Rojpojchanarat, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thái Lan đã dến dự và trao giải thưởng cho 12 tác giả.
Phát biểu tại lễ trao giải, ngài Phó Thủ tướng Thái Lan gửi thông điệp đến các nhà văn của 6 quốc gia sông Mekong, mong muốn những tác phẩm văn học sẽ là cầu nối tình đoàn kết hữu nghị và hiểu biết nhau ngày càng bền chặt và vững mạnh. Và để chứng tỏ sự trân trọng các nhà văn, nhà thơ, ngài Phó Thủ tướng cùng ngài Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thái Lan đã ngồi suốt buổi để nghe từng lời đáp từ, nghe từng bài thơ của các tác giả được trao giải đọc.
Lời đáp từ của hai nhà văn Việt Nam được trao giải đã nhận nhiều tràng vỗ tay của mọi người tham dự: “Văn chương không có biên giới, và văn chương chính là sứ giả để các dân tộc xích lại gần nhau, hiểu biết nhau, kết bạn tri âm. Tôi có một mong muốn, cuốn tiểu thuyết của tôi được dịch ra ngôn ngữ các quốc gia Đông Nam Á và có thể thêm nhiều quốc gia khác, để có thể truyền đạt thông điệp yêu thương đi xa hơn…”, nhà văn Kim Quyên nói. Nhà văn Trần Nhương thì chia sẻ: “Dòng sông Mẹ Mekong đã gắn kết chúng ta. Phù sa và nước mát của nó đã nuôi lớn mỗi con người, mỗi dân tộc. Mỗi một nước có số phận riêng, có văn hóa, hồn cốt riêng nhưng đều được dòng sông Mekong nuôi nấng. Việt Nam chúng tôi có câu tục ngữ “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Chúng ta như dây bầu dây bí tuy giống khác nhau nhưng đều trên một giàn đó là dòng Mekong”.
Trong buổi giao lưu các nhà văn của 6 quốc gia đều có chung mong muốn tác phẩm của mình được dịch sang các ngôn ngữ khu vực, để có thêm nhiều bạn đọc, và trên hết là làm phong phú thêm nền văn học của mỗi quốc gia, đồng thời đóng góp cho nền văn học khu vực và thế giới những tác phẩm có giá trị lâu dài và có sức chinh phục rộng lớn đối với các thế hệ bạn đọc. Trước mắt, nếu có thể dịch ra tiếng Anh - Pháp để các tác phẩm xuất sắc còn đi được xa hơn, đến được với đông đảo các tầng lớp bạn đọc toàn cầu, để cho thế giới biết đến một nền văn học “sông Mekong” rất nhiều giá trị văn hóa… Lễ bế mạc cũng đã trao cờ Giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 9 cho Việt Nam, và các nhà văn, nhà thơ hẹn gặp nhau tại Hà Nội.
Hoài Hương