Trang chủ » Tin văn và...

NHÀ VĂN ĐÀO QUANG THÉP TẠ THẾ

TN và Nguyễn Xuân Hưng
Thứ năm ngày 24 tháng 8 năm 2017 10:30 AM



Nhà văn Đào Quang Thép sinh năm 1943 tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng, cựu Quyền TGĐ Đài Truyền hình Hà Nội,
Kết quả hình ảnh cho Nhà văn Đào Quang Thép
 Đương kim Phó Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn VN. Do bênh lâu ngày, ông đã từ trần ngày 21-8-2017 tại Hà Nội. Hưởng thọ 75 tuổi.

Lễ viếng từ 9 giờ ngày 25-8-2017 tại Nhà tang lễ bệnh viện Bạch Mai. Sau đó hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ. An táng tại An Lạc viên.
Trang TNc xin chia buồn cùng gia đình, cầu mong anh linh nhà văn Đào Quang Thép thanh thản về Trời...

Tác phẩm chính của Đào Quang Thép: Bộ tiểu thuyết 4 tập (Cuốn nào cũng đầy đặn trên dưới 400 trang) Đó là Kẻ đi ở (1997) Khát chữ (1998) Xóm chiều (2001) Dị hình, 2007


Xin giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Xuân Hưng về Đào Quang Thép

ĐÀO QUANG THÉP – NGƯỜI KHÔNG CHUẨN BỊ LÀM NHÀ VĂN


Một thời gian dài, khá nhiều người Hà Nội chỉ biết cái tên Đào Quang Thép là ông Giám đốc Đài truyền hình Hà Nội. Nhưng hoá ra ông là một nhà văn cự phách viết về đời sống thị dân. Nhân vật của ông dường như sống cùng với ông suốt hành trình cuộc đời, quen thuộc như là ông kể chuyện ở đám nhậu về một người nào đó quanh đây. Ông am hiểu tâm lý anh nông dân trở thành thị dân, anh thị dân nào xuất thân từ nông dân, thì không thoát được mắt ông, ông phát hiện ra ngay cái đặc chất nông dân.

Hãy xem ông Thép kể chuyện này: một bà nông dân ra thăm chồng đang công tác ở thành phố, khi ra phố mang cho chồng giỏ cua, tính để nấu cho chồng bữa tươi. Nhưng ông chồng ở phố thời bao cấp xưa, vốn công tác xa nhà, khi nhìn thấy bà vợ thì khó cưỡng nổi lòng yêu. Không đợi vợ kịp hoàn hồn, vừa đến phòng ở, ông chồng đã “tấn công” luôn, bà vợ không trở tay, giỏ rơi ra, cua bò lổm ngổm. Bà vợ tiếc cua, mà lại cũng muốn chiều chồng, thế là ông chồng thì “làm việc” bà vợ, còn bà vợ thì… nhặt cua. Cứ loay hoay như thế, người hấm người hứ mà nên chuyện nọ chuyện kia…

Kể chuyện đến như vậy, nếu không sống qua cuộc sống thời bao cấp khi xưa, sống đến tận cùng để biết đến cái chất sâu thẳm của nó, thì không thể nào viết được như thế. Những quyển sách chỉ đọc cái tên thôi, đã thấy một mảng đề tài của Nhà văn Đào Quang Thép, những “Kẻ đi ở”, “Khát chữ”, ‘Xóm chiều”… Một thời giam đối với một dân tộc thì chỉ là chớp mắt, nhưng đó là cuộc biến đổi làm xô lệch những số phận con người. Chỉ có nhà văn mới nhìn thấy tận trong sâu thẳm tâm hồn con người những đợt sóng ngầm dữ dội thế nào, cái giá phải trả cho những chiến công, mặt trái của tấm huân chương chiến thắng. Nhân vật của ông Thép giống như những người từ quê ra tỉnh, cứ như đồng sàng dị mộng với thực tế, hồn nông dân da thị dân, những loại Lý Toét và Xã Xệ đời mới vậy.

Tiểu thuyết “Dị hình” có lẽ là đỉnh cao trong sự nghiệp văn học của ông Thép, đọc ông, như là đọc một bản án đối với mặt sau của tấm huân chương của chế độ tươi đẹp của chúng ta. Loại ếch nhái nhảy lên làm phượng hoàng, chế độ nào cũng có, buồn thay. Nhưng nếu chỉ có thế thì cần gì đến ông Thép viết thành tiểu thuyết.

Nhà văn Đào Quang Thép dù viết về nỗi đau, vẫn có vẻ ung dung như kể câu chuyện khôi hài. Đó là cái tạng của anh nhà văn đã thấm lắm nỗi đời, biết mười viết một. Dường như, con chữ của ông là những giọt chắt lọc từ chính cuộc đời mà thành. Đọc văn của ông lúc tả buồn thì nặng trĩu, lúc tả vui thì sâu sa.

Nhà văn Đào Quang Thép xuất thân là một quân nhân, là công an vũ trang, rồi làm báo. Nếu văn chương không vận vào ông, có lẽ ông cứ ung dung làm quan báo, giám đốc một Đài truyền hình lớn mà cơ cấu thành cán bộ thành phố, bổng lộc càng nhiều. Nhưng hoá ra một khi anh đã làm nhà văn đích thực, thì con người nhà văn trong anh không bao giờ ngủ yên, dù có cố thì con người quan chức vẫn không thành. Ông Thép thực ra mới tại chức giám đốc đúng 1 năm ở Đài Truyền hình Hà Nội, rồi từ giã nó nhẹ như thay cái áo lỗi mốt.

Ông Đào Quang Thép giao du rộng, quảng giao, lại ham vui, nói chuyện rủ rỉ mà thâm trầm, chuyện ông người xung quanh cười nghiêng ngả còn ông chỉ cười trong ánh mắt, miệng vẫn nói rất tươi. Cá tính ấy là của anh nghệ sĩ đích thực, sao lại là tính nết của một ông quan được? Chuyện ông Thép không ồn ào, không nói năng hùng biện, mà luôn nhỏ nhẹ, rủ rỉ, kể cả lúc nói chuyện mọi người cười bò ra thì ông vẫn chỉ cười bằng mắt. Có lẽ ông bẩm sinh luôn cười cười từ trong lòng mình, biểu hiện ra cái miệng tươi như thanh niên mới dậy thì, không cười thành tiếng mà là một cái cười hiện hình rất rõ. Ông không chỉ kể chuyện vui, mà còn hành xử đôi khi có mầu Tú Xuất. Câu chuyện ông Thép lái xe cũng thật là vui.

Ông Đào Quang Thép tự lái ô tô ngay từ hồi còn chưa về hưu, mặc dù đang làm Giám đốc Đài Truyền hình Hà Nội, có lái xe riêng, nhưng ông vẫn cứ thích tự lái. Một hôm, ông Thép đang lái xe lù dù đi đến một ngã tư gần cơ quan Đài Truyền hình Hà Nội thì bị công an giao thông thổi còi bắt dừng lại. Ông Thép xuống xe, chào hỏi nghiêm trang xong thì nói luôn: “Công an của ta giỏi thật, như các chú được đào tạo thật tuyệt vời”. Anh công an đang ngạc nhiên, ông Thép bảo: “Mới trông thấy anh từ xa, mà các chú biết ngay là anh không có bằng lái”

“Mời anh ký biên bản nộp phạt và giao xe để giữ 15 ngày”

“Các chú thi hành công vụ thế là tốt. Anh công nhận là anh sai rồi, nhưng các chú có thấy anh quen không nào? Các chú không quen anh thì anh quen các chú. Chúng ta quen nhau thì hoãn xử lý một chút đi...”

“Ông này... Tán vớ tán vẩn. Ông làm ở đâu?”

Ông Thép chỉ cái cột anten cao ngất của Đài truyền hình Hà Nội: “Anh làm ở cái chỗ cột cao cao kia kìa. Anh làm giám đốc, hôm nay đang thu hình chương trình an toàn giao thông, anh đang đóng vai vi phạm luật giao thông”

Anh công an nhìn quanh, nghi ngờ: “Máy quay đâu?”

“Bọn anh cũng để máy quay bí mật như các chú bắn tốc độ. Hai bên phải kết hợp công tác...”

Vừa nói đến thế, anh công an bảo: “Thôi xin bố, bố đi cho con nhờ, con không thích lên truyền hình”.

Lúc đó thì còn ít xe ô tô, mà ông Thép còn khoẻ mạnh. Sau đó thì ông Thép đã về hưu rồi, có bằng lái rồi, lái xe đi uống bia chiều chiều, dường như công an Việt nam giỏi thật, không bao giờ bắt xe ông Thép vì nhìn xa là biết ngay ông ấy có bằng rồi.

Hỡi ôi, cứ nhìn thấy ông Đào Quang Thép không lái xe được nữa, đi đâu là có một anh chàng đi kèm, tôi bỗng chạnh buồn, buồn lắm. Một con người phong lưu mã thượng, dọc ngang trời đất như ông Thép, giờ đi lại đâu cũng khó, thì thật là trời không chiều người. Ai cũng phải qua một cái cửa ải tuổi tác khắc nghiệt vô cùng. Tuy vậy, con người mấy năm chiến đấu với bệnh tật như vậy, mà vẫn hàng ngày hàng tuần làm tờ báo cuối tuần Người Hà Nội, vẫn viết đều đều và ra sách. Quyển sách gần đây nhất của ông Thép có tên “Bỏ làng ra phố”.

Nhà văn Đào Quang Thép dù có làm Phó giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn, hay làm ông Chủ tịch Hội đồng quản trị một Công ty làm truyền thông, thì những danh chức ấy cũng chỉ là “chơi cho vui”, giống như uống rượu bia với bạn bè, còn văn chương mới là cuộc sống, là thức ăn nước uống để sống đời.

Nếu không làm văn, thì ông Thép có lẽ sẽ đi buôn bất động sản, biết đâu ông Thép lại trở thành một đại gia, một ông Đào Quang Đất nào đó giàu ú ụ. Nhưng ông Thép lại viết văn. Không ai dạy ông viết văn, ông cũng không chuẩn bị làm nhà văn, thế mà ông là một nhà văn thâm trầm, thế mới lạ.

NXH