Trang chủ » Tin văn và...

BẢO TÀNG ANH THÔI BÁN ĐỊA CẦU CÓ HÌNH LƯỠI BÒ

Theo BBC
Thứ năm ngày 14 tháng 9 năm 2017 5:50 AM


Ông Tĩnh muốn bảo tàng thay địa cầu có Hoàng Sa và Trường Sa ghi bằng tiếng Anh và không có đường chữ U.Bản quyền hình ảnhLE TRUNG TINH FACEBOOK
Image captionÔng Tĩnh muốn bảo tàng thay địa cầu có Hoàng Sa và Trường Sa ghi bằng tiếng Anh và không có đường chữ U.


Một bảo tàng tại Anh Quốc cam kết không bán địa cầu lưu niệm có chi tiết gây tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông sau thư phản ánh của người Việt.

Trong thư trả lời ông Lê Trung Tĩnh, hiện sống và làm việc tại Anh, Bảo tàng Hoàng gia Greenwich hứa sẽ ngưng đặt mua thêm địa cầu được mô tả là “có đường chữ U” và ghi Hoàng Sa,Trường Sa (cách gọi của Việt Nam) theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa và Nam Sa.

Thư điện tử đề ngày 6/9/2017 chia sẻ trên Facebook cá nhân, ông Tĩnh cho rằng bảo tàng này nên chọn quả địa cầu có chú thích “trung tính” bằng tiếng Anh đối với các quần đảo hiện đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông cũng như tránh cái gọi là “đường chữ U” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

“Việc bên thứ ba thể hiện lãnh thổ có tranh chấp với những tên gọi mà mỗi bên tuyên bố có chủ quyền đưa ra có thể là sự ưu ái cho bên đó.

“Tôi không nghĩ rằng đây là mục đích của Bảo tàng Hoàng gia Greenwich cũng như của các quầy hàng lưu niệm,” ông Tĩnh viết.

Ông Tĩnh nói rằng ông mong bảo tàng “nắm được vấn đề này và giải quyết vấn đề nhanh chóng.

Biển Đông: VN phản đối việc TQ tập trận

Bảo tàng Hoàng gia Greenwich hứa sẽ ngưng đặt mua thêm địa cầu được mô tả là “có đường lưỡi bò” .Bản quyền hình ảnhLE TRUNG TINH FACEBOOK
Image captionBảo tàng Hoàng gia Greenwich hứa sẽ ngưng đặt mua thêm địa cầu được mô tả là “có đường lưỡi bò” .

“Một trong những hành động chúng tôi hy vọng là sản phẩm này sẽ không được tiếp tục bày bán và bảo tàng kiểm tra độ chính xác [của sản phẩm] sau này.”

Ông cũng nói ông ấn tượng về mục tiêu của bảo tàng là “kết hợp di sản đáng tự hào về việc bảo tồn lịch sử với một sự cam kết cho sự hiểu biết tiến bộ” và qua đó hy vọng rằng “trẻ em và người lớn dùng quả địa cầu mua tại đây sẽ có hiểu biết tốt nhất về lịch sử thế giới.”

Bà Rachel Kennedy, Giám đốc Bộ phận Mua sắm của bảo tàng, trong thư trả lời ông Tĩnh, nói họ nghiêm túc giải quyết các khiếu nại chính thức và cam kết “quả địa cầu được nói tới sẽ không được đặt mua lại để bán nữa và bộ phận mua hàng đã được nghe trình bày về thư phản ánh [của ông Tĩnh] để lưu ý sao cho các quả địa cầu mang bán trong tương lai là phù hợp.”

Viết trên Facebook ngày 9/9, ông Lê Trung Tĩnh nói ông rất vui đã nhận thư trả lời của bảo tàng này.

“Tôi đi bảo tàng, nhà sách nào cũng kiếm khu vực bản đồ, địa cầu coi qua. Nếu không thấy đường chữ U và thấy Hoàng Sa và Trường Sa ghi bằng tiếng Anh [Paracels và Spratlys] thì thở phào một cái.

“Tiếc là càng ngày càng thấy nhiều đường chữ U và các tên Hoàng Sa và Trường Sa bằng tiếng Tàu hay của Tàu,” ông Tĩnh viết.