Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“LƯỚI TRỜI...” CHƯA BAO GIỜ THỦNG!

Thanh Kiên
Thứ bẩy ngày 13 tháng 5 năm 2017 3:04 PM






Người Việt ta thường gửi lương tri vào “Trời”! Khi bắt gặp những tư tưởng, việc làm phi đạo lý, bóp méo sự thật, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, khát vọng của nhân dân mà cứ ngang nhiên tồn tại, ta thường dự cảm: “Tránh sao khỏi lưới trời” hoặc “Lưới trời lồng lộng đấy”. Trong văn học, mỗi người cầm bút khi cho ra đời tác phẩm đều mang trong đó tư tưởng, máu thịt của tác giả. “Đứa con” ấy là “hơi thở của nhân sinh” hay “đi ngược chiều...” đều mang hình hài tác giả, không thể “biến ảo” gắn cho nó “cái mác” bên ngoài mà khác được. Trong quá trình gìn giữ, xây dựng và phát triển nền Văn hóa của dân tộc, những năm gần đây, chúng ta đã có tác phẩm “đi ngược chiều”. Trong số lẻ loi đó, theo chúng tôi là tiểu thuyết “Vùng trời thủng” và tiểu thuyết du ký “Bão không có gió” của tác giả Kiều Vượng. Nhân đây tôi cũng nói lại vài tư liệu về tác giả mà ở một số sách và báo ghi chưa chính xác. Cụ thể là:

- Nhà văn Kiều Vượng không phải là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nên chưa từng là Bí thư Đảng ủy Đoàn vận tải Lam Sơn, Bí thư Đoàn, chưa từng “chỉ đạo” vận tải trên sông, trên biển và thanh niên mở đường.

- Do lai lịch gia đình và chưa học hết cấp 3 nên không đủ tiêu chuẩn làm nghề dạy học mà chỉ dạy bổ túc văn hóa lớp thấp, ngắn hạn.

- Là “Thanh niên tình nguyện” (Dân sự) chứ không phải “Thanh niên xung phong”

Để làm rõ tư tưởng “ngược chiều”, trong bài viết này tôi xin dẫn chứng ở hai tác phẩm:

*.Tiểu thuyết “Vùng trời thủng” Ra đời năm 1988. Viết khi Đảng có chủ trương, đường lối đổi mới trong Văn hóa văn nghệ. (Tác phẩm nhận giải thưởng văn học sông Mê Kông 2012 và có đề nghị Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016). Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành 2003. Sau đây gọi là: (Sđd 1)

*.TIỂU THUYẾT DU KÝ ?: “Bão không có gió” N.X.B Hội nhà văn năm 2012 (Tác phẩm ra đời gần đây nhất và có số trang viết nhiều nhất). Sau đây gọi là: (Sđd 2)

Xin người đọc nhớ là hai tác phẩm này ra đời cách nhau 24 năm để thấy được ý đồ xuyên suốt quá trình viết của tác giả.Và đều lấy bối cảnh sau năm 1975, khi đất nước ta đã hoàn toàn ĐỘC LẬP, TỰ DO, DÂN CHỦ và tất cả nhân vật đều là những CON NGƯỜI MỚI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA trong CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.

A. “NGƯỢC CHIỀU...”

“Nhân vật máu thịt” trong hai tác phẩm đều có tên Kiều. Tư tưởng “ngược” của nhân vật Kiều có nguồn gốc sâu xa, âm ỉ của một người do nhận thức, do bản năng, do lương tri hạn hẹp đã oán hận chế độ, hằn học với Cách mạng nên nuôi giữ ý đồ thể hiện bằng ngòi bút. Chính vì vậy, khi tuổi đã xấp xỉ tứ tuần Kiều mới bắt đầu viết lách.

1. Tư tưởng chính trị, lập trường giai cấp

Tư tưởng bao trùm tác phẩm là Kiều coi thường vai trò của Đảng, bôi nhọ nhiều cán bộ cốt cán của Đảng. Khinh miệt tư tưởng chính trị và lập trường giai cấp. Hằn học cách mạng. Ca thán chế độ, nhân quyền. Đổ lỗi cho tổ chức.

Trước hết tên gọi năm đời Bí thư Tỉnh ủy kế tiếp nhau mà tác giả đặt tên cho là: THỤ, TINH, NHÂN, BẢN, HỢI. Trong 12 con giáp, Hợi là con gì? chắc người đọc nào cũng biết. Rõ ràng là tư tưởng thâm thù, đối nghịch. Nhân vật Kiều đã nghĩ, thấy và viết:

* -Chuyện chính trị hay chuyện ở tỉnh em nghe cũng như chuyện ngoài đường

ngoài chợ cả thôi. Anh nói với em làm gì những chuyện ấy”. (Trang 194, Sđd 1)

- “Đảng ở lòng ta...Đừng vì sông vắng đường xa mà MỜ...” ?(Trang 97, sđd 2). Mờ ở đây là gì? Là mù, mờ mắt, mờ mịt, mờ nhạt để rồi rời xa Đảng, hay Kiều định mượn ý trong tác phẩm “Những thiên đường mù của ai ...?

- “...tuyên bố kết nạp tại trận mà không cần đến lai lịch, quan điểm, thành phần giai cấp và không cần phải thủ tục.” (Trang 127, sđd 2).

- “... ông Oánh tin là anh đã chết thật nên mới gọi anh em ra nhà xác để đọc quyết định kết nạp Đảng cho anh.”.(Trang 129, sđd 2). Nhà xác là nơi chỉ có xác chết... Viết như vậy rõ ràng Kiều oán hận Đảng từ trong máu của mình.

* - “Đại hội Trung ương lần thứ 5 vào tháng 2 năm 1982 anh Thụ bị chồng bà Nguyệt gạt ngay ra để anh Tinh lọt vào Ủy viên dự khuyết trung ương và chính thức làm Bí thư Tỉnh ủy thay anh Thụ.” (Trang 258, sđd 2). Kiều “cần gì” hiểu Đảng! “Đại hội đại biểu toàn quốc lấn thứ V” của Đảng chứ sao lại “Đại hội Trung Ương lần thứ 5” và Đại hội diễn ra từ ngày 27/3 đến 31/3 năm 1982, không phải tháng 2/1982. Viết thế này sao có thể trốn được vào cái bóng “tiểu thuyết du ký”. Cứ cho là tiểu thuyết đi, sáng tạo, hư cấu để có “văn chương” nhưng cụ thể thế này mà sai sự thật là có ý đồ. Còn nữa, chồng bà Nguyệt là ai? mà anh Thụ bị ông ấy gạt ra để anh Tinh lọt vào “Ủy viên dự khuyết Trung Ương”? Một cán bộ cao cấp của Đảng! Nguyên tắc tổ chức của Đảng là “Tập trung dân chủ” có Điều lệ, Nghị quyết, kỷ cương, bài bản chứ đâu có như cái đầu Kiều suy diễn. Hay là Kiều biết mà cố tình bôi nhọ?

- “Một con người sớm phải lang thang, bươn chải kiếm sống, nhưng gần ba mươi năm xa quê lại trở về với cái chức Bí thư tỉnh ủy mới là điều đáng nói (Trang 386 sđd 2).

- “ ... Thôi thì cái vị lớn lên từ thanh niên xung phong rồi học mãi,“lang nhang mãi” để

gặp vận số lên làm Bí thư mình trách làm gì” (trang 498, sđd 2).

- “... Anh không thể biết rằng sự trong sạch ấy lại là sự bạc bẽo với bao nhiêu người đã theo anh...” (trang 238, sđd 2).

-Đảng là tao, nhà nước là tao, pháp luật cũng là tao mày sợ cái gì. Báo chí à? Họ ăn lương thì họ phải viết ...” (Trang 6, sđd 2).

Làm việc để gần gũi với quần chúng lao động, để hoạt động cách mạng thì có gì thấp kém mà “mới là điều đáng nói”. Đáng nói cái gì? “lang nhang mãi” như thế nào, “vận số gì”? Kiều lấp lửng, “úp mở” vậy ý rằng: - Ông này... “có vấn đề... tôi biết rõ!” để hạ uy tín cán bộ của Đảng, để bóng gió “dọa” một vài người có chức, có quyền. Thực ra cỡ như Kiều thời ấy, mà lý lịch lại “có vấn đề...” nữa thì khó mà gặp được Bí thư Tỉnh ủy chứ nói gì đến chuyện của các ông ấy.

- “một vị chủ tịch xã sa cơ lỡ vận phải đi ăn mày, ... Dù ăn mày xa ngái đến mấy thì tối ngày 14 hàng tháng anh ta vẫn về dự cuộc họp thường kỳ của chi bộ và chọn những đồng bạc mới nhất ăn xin được để trao tận tay đồng chí bí thư chi bộ để đóng Đảng phí (trang 384, sđd 2).

- “Khốn khổ, mẹ em chạy vội đến đám lúa phần trăm của mình ở sát đường ngồi thụp xuống kéo váy đái. Cũng chính là lúc có đoàn xe của khách tới. Cụ bị bắt ngay vì tội chủ tâm đái trước mặt khách... Cái tội chính vì cụ là nông dân (Trang 229, sđd 2).

Kiều oán hận Đảng nên luôn luôn nung nấu, thể hiện trên ngòi bút. Chắc Kiều nghĩ

rằng: Đảng không sinh ra Kiều nên Kiều có quyền phán xét, có quyền viết... Nhưng Kiều có biết nửa đời người cầm bút để viết những dòng như thế, mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu nữa của dân, của Đảng đã nuôi Kiều. Có dân, có Đảng, có Đất nước, Kiều mới có được cái “mác nhà văn”, mới được “xoay ngửa”, “lật ngang” trên cái ghế quan trường văn nghệ mấy chục năm trời. Còn với cách mạng:

- “...Tất cả mọi người trong tiểu đội đều phải xử lý “Hoa cách mạng”) “Cách mạng cách miếc cái ma tây chi. Cứ nói là bôi thuốc ghẻ cho xong(Trang 88, sđd 1)

- “...nếm trải quá nhiều cay đắng của một vùng quê nông dân làm cách mạng.” (Trang 6, sđd 2). Đảng đã chỉ ra “sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Đất nước ta vẫn còn hơn 70% là nông dân mà Kiều “cay đắng nông dân làm cách mạng”. Đây là quan điểm tư tưởng ngược lại hoàn toàn đường lối của Đảng.

* - "... Làm gì ở đất này lại có chuyện dân chủ, càng không có chuyện vì dân, do dân đâu. Các anh là nhà báo phải nói như vậy cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo như chuyện em chèo đò trên sân khấu thôi mà" (Trang 230, sđd 2). Đất này là đất nào? Đất nào cũng một Đảng duy nhất lãnh đạo, chịu trách nhiệm, có hệ thống tổ chức là một khối thống nhất từ Trung Ương đến cơ sở.

- “...Trong lúc các hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng đói rách, đâu đâu cũng ca thán vì oan ức. Nhiều người chỉ còn biết kêu trời ...” (Trang 334, sđd 2).

- “Ôi Thượng đế! Thượng đế đã sinh ra kiếp người sao lại để quá nhiều kẻ ác cứ nhởn

nhơ tồn tại. Họ tồn tại để trả thù chính con người đã và đang phải gánh chịu bao khổ

ải ở trần gian.”(Trang 208, sđd 1)

- "Sao họ ác thế? sao họ đầy đoạ chúng ta mãi đến chết mòn ở đây" (trang 75, sđd 2).

- “Mà làm việc thời này mình có quyền gì với chính bản thân mình đâu” (Trang 194,

sđd 1).

* - “Tôi chỉ nghĩ về tổ chức từ tỉnh, họ thay ê kíp để làm được cái tích sự gì mà dẫn

những người tận cùng chúng tôi nơi cuối đất cùng trời này cũng phải lún vào con

đường cùng đến vậy(Trang 208, sđd 1)

- "Tổ chức ư? chính cái hệ thống tổ chức này đã làm tôi kiệt quệ với những việc vô cùng vô bổ. Trong mọi ngôn từ tôi sợ nhất là 2 từ tổ chức". (trang 30, sđd 2).

- “Tôi biết mọi tai họa sẽ dồn lên đầu lớp tận cùng là người lao động. Ở vùng đất tôi

sinh ra, quả thật chưa có lần thay đổi tổ chức nào lại làm lớp người tận cùng được sung sướng hơn lên” (Trang 201, sđd 1)

Quá rõ ràng trong từng lời lẽ. Do thiếu kiến thức nên Kiều không hiểu được nội hàm của hai từ “tổ chức” cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Oán hận, miệt thị, ca thán không từ một dòng máu đỏ...

2. Động cơ cầm bút:

Chính vì tư tưởng chính trị như vậy nên không khó nhận ra động cơ cầm bút của nhân vật Kiều:

- “Tôi ngồi bên mộ bố rất lâu nhưng không nói được lời thành tiếng. Oan ức cho bố quá. Sao lại có cái chỉ tiêu giao cho từng làng phải đủ con số đầu hộ là địa chủ để bố phải nằm đây.” (trang 87, sđd 2).

- “Cái từ địa chủ đã hành hạ tôi gần hết cuộc đời.”

-“... Đó là sự thật làm tôi luôn phải nhìn vào đầu các ngón tay cầm bút của mình”

(trang 494, sđd 2).

... Cái chết của bố Kiều có thực là oan ức không? Sao Kiều không dám nói?

Xin dẫn thêm một chút đời thực của tác giả để thấy được sự “đồng cảm xương máu ” của tác giả với Kiều: Chính cương của Đảng lao động Việt Nam (2-1951) xác định rõ: “Nhiệm vụ cơ bản… của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội” (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 12/10/2016).

Theo tôi biết, Bố đẻ tác giả thời ấy là Hương kiểm, một chức dịch quan trọng bậc nhất trong bộ máy cai trị của bọn thực dân phong kiến ở địa phương. Cụ chết năm 1951(Thời kỳ đấu tranh chính trị). Cái chết của Cụ “oan ức ?” như thế nào chỉ có những người trụ cột trong dòng họ Kiều ở làng là biết rõ... Còn tác giả khi ấy một đứa trẻ bảy tuổi làm sao nhớ hết, hiểu hết được để rồi cho nhân vật trút hận lên ngòi bút? để mà “nhìn vào đầu các ngón tay cầm bút”...

- “May mà có quá nhiều biến cố, quá nhiều đảo điên trong từng giai đoạn lịch sử như thế nên em mới quay sang viết văn, mới trở lại làm con người thật hôm nay”. (trang 14 sđd, 2). Thật rõ ràng! Kiều “viết văn”, để “trở lại làm con người thật” để “miệt thị” rằng giai đoạn lịch sử mà Kiều sống, có “quá nhiều biến cố, quá nhiều đảo điên”.

3. “Tuyên ngôn cầm bút...”

Tôi không thể dùng từ “nghệ thuậtthay từ “cầm bút”. Với hai tác phẩm trên, có quá ít

cái gọi là “văn”, là “nghệ thuật”. Kiều núp miệng nhân vật khác để “ngạo mạn”:

-“… Nhà văn chỉ hầu hạ có 2 người đó là cha mẹ và người đẹp. Cha mẹ là người sinh

thành, nuôi nấng, dạy dỗ anh thành người anh phải hầu hạ. Người đẹp khi nhận ra tài năng của anh, họ cảm phục tài năng và tự nguyện dâng hiến cho anh đó là người đáng hầu hạ. Còn mọi thứ khác chỉ là rác rưởi…” (trang 367, sđd 2).

- “Cái đặc tính của nhà văn là khi thích thì vị tha tất cả, vứt bỏ tất cả nhưng khi một cái gì đó chạm đến nhân cách của họ thì họ quyết không tha (trang 304, sđd 2)

- “Tác phẩm phải hay, chỉ có một chữ hay thì mới đáng nhớ…”(trang 367, sđd 2).

Đọc những lời lẽ trên ta tưởng như nghe thấy tiếng “tru” hoang dại, của một con thú bỏ đàn, cô độc giữa cánh rừng khô.

- "... Dẫu ông Xuân có mượn danh anh Tinh ép buộc tôi làm tan đàn, xẻ nghé cả giới văn nghệ tỉnh nhà" .(trang 297, sđd 2).

Kiều khinh thường giới văn nghệ nghĩa là coi thường “Đường lối văn nghệ của Đảng”. Đây rõ ràng là tư tưởng: “Cầm bút vị oán hận, cay cú, vị ngạo mạn”

4. Tầm văn hóa của tác giả

Một Nhà văn dù có bị oan khuất, đau đớn trong cuộc đời, có đối nghịch quan điểm, lập

trường tư tưởng chính trị với Đảng cầm quyền, với tổ chức, thì khi viết họ vẫn có đẳng cấp văn hóa nhất định. Nhưng còn đây, tầm văn hóa của “nhân vật viết văn”:

- Nghề ngỗng không có, văn chương lởm khởm, viết lách lăng nhăng; tôi bắt đầu

nghe lời anh Phụng răm rắp... Viết xong thông qua một nhân vật quan trọng, nếu ông ấy gật thì cậu đổi đời, cậu sẽ có tất cả. Tôi mừng ra mặt, vâng dạ rối rít rồi nhận lời ngay" (trang 268, sđd, 2)

- “Một vùng đất có quá nhiều Vua Chúa nên đến tận bây giờ họ còn nằm lển nghển khắp đầu đường, bờ mương, ven chợ.” (Trang 6, sđd 2)

- “... Họ vẫn nói rằng Bình ngô đại cáolà của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi chẳng qua là cái anh thư ký cho vua Lê Lợi, vua bảo viếtBình ngô đại cáothì ông ta viết." (trang 6, 7 sđd 2).

- “Cụ bị bắt ngay vì tội chủ tâm đái trước mặt khách... Cái tội chính vì cụ là nông

dân.” (Trang 229, sđd 2). Thật là bồi bút, báng bổ lịch sử dân tộc và phản cảm.

... Và như đã nói trên năm ông Bí thư Tỉnh ủy trong tác phẩm (sđd 2) mà tác giả đặt tên cho là: THỤ, TINH, NHÂN, BẢN, HỢI ? Đó là thứ “văn hóa hoang dã” và “chỉ có một chữ hay”của Kiều!

* Trong hai cuốn sách trên, đều dùng một lối “viết ám chỉ”. Ám chỉ người này, việc nọ để hư cấu, bôi đen hiện thực. Những người viết văn có lương tri rất khinh thường lối “viết ám chỉ” này. Chính vì cứ nhăm nhăm ám chỉ, viết để bôi nhọ, viết cho “hả bút” nên chân tướng của “nhân vật máu thịt” cứ lộ nguyên hình...

Điều nữa tôi muốn nói về tên của hai tác phẩm. Tôi không suy diễn, quy kết nhưng đọc hết tác phẩm ta mới thấy rõ “bóng đen hằn học” trong ba chữ: “Vùng trời thủng”... Còn “Bão không có gió”? Nơi tâm bão là nơi tĩnh lặng đến rợn người. Sau tĩnh lặng là cuồng phong tàn phá. Tác giả “gợi ý” hay “mong ngóng” tìm bạo loạn của những kẻ đi ngược lại lợi ích dân tộc sẽ “làm” một trận cuồng phong như trong tâm bão.

B. “LƯỚI TRỜI...

Đọc hai cuốn sách, tôi mới hiểu vì sao ngoài một vài “môn đệ” của tác giả, còn hầu như không có ai viết bài nhận xét, đánh giá, phê bình. Văn vẻ như thế có đáng để đọc, đáng để cầm bút mà nhận xét không? Thứ nữa nhận xét gì trong cái màn văn đặc màu u xám ấy? Thế mà “Con cá độc” vẫn lách mình bơi ngược dòng chảy của thời đại, đi ngược chiều lịch sử dân tộc và tâm tư, khát vọng của nhân dân... Hơn hai mươi năm, tác giả cùng với “sách của mình” đã “quẫy cựa” lọt lưới, lập lờ ẩn hiện lẫn vào những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học nước nhà.

Không! Lương tri và trách nhiệm công dân, tự tôn dân tộc, tự hào Đất nước chẳng nhẽ để lọt lưới “tư tưởng đi ngược” hành trình đất nước trong giới văn nghệ? “Cá ngược” đã lọt mấy lớp lưới. Chẳng lẽ cả khu vực Bắc Trung bộ không có một nhà văn Đảng viên nào có đủ năng lực, tài, đức để làm Trưởng đại diện tờ báo Văn quan trọng, danh giá bậc nhất của cả nước mà phải dùng một con người có những lời văn trên? Và những lần “lọt lưới” sau để có các giải thưởng, để được xuất bản sách. Tác giả và “sách” như thế này mà lại có giải thưởng sao?

Một tác giả có “nhân vật máu thịt viết văn”, có “sách...” viết để thỏa mãn lòng oán hận chế độ, bôi nhọ Đảng, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, lợi ích của Dân tộc, sao lại được chính Dân tộc ấy tặng giải thưởng cho “sách...” ấy?

Dù còn có ít người lầm tưởng hoặc cố công “tô vẽ” để tác giả thành “sao văn”, được nhận giải này, giải nọ, dù có “đóng hộp mạ bóng một đời văn” thì với đông đảo người đọc, tác giả vẫn chỉ là con “cá ngược chiều”, núp trong bèo bọt. Nét mực “bầm tím” đã che mắt nên tác giả ấy không thể biết rằng: Mỗi người đọc là một “mắt lưới” đan kết vào nhau, đó mới thật sự là tấm “lưới Trời”. Có thể lưới Trời còn có mắt thưa nhưng bao giờ cũng giăng kín nghiệp đời, giăng khắp nhân gian... Trái tim Dân tộc, tình yêu Đất nước và lương tri của đông đảo người đọc là lưới trời tinh tường nhất... bền vững nhất chưa bao giờ thủng!

Tháng 4 năm 2017

T.K