Dương Quốc Việt
Ngày ấy vào cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi đó mới vào nghề, tôi dạy ở một trường cao đẳng sư phạm miền núi. Cơ quan tôi tổ chức ăn tập thể cho những hộ độc thân. Vì một trường ở miền núi, nên hầu hết chúng tôi phải ăn tập thể. Một lần đi dạy muộn về, tôi lao đến nhà ăn, thì chứng kiến cảnh to tiếng giữa một ông giáo già tuổi ngoài 50 với một bà nhà bếp đang chia cơm, vì cái tội cả cơm và rau của ông đều bị bà chia ít hơn mọi người.
Bạn biết rồi đấy, ngày đó cả nước thiếu lương thực trầm trọng. Bọn chúng tôi mỗi tháng chỉ được 7 cân gạo nếp bản-một thứ gạo nếp của đồng bào Thái, còn lại là độn sắn khô. Trong cảnh xa nhà, mỗi ngày trưa tối hai bữa cơm tập thể, với lượng gạo ít ỏi chia ra cả tháng là 60 xuất ăn, thử hỏi được bao nhiêu? Nên dẫu chỉ bớt đi một chút, cũng sẽ thành nhiều. Tình cảnh thật tội nghiệp cho ông giáo già! Cũng chỉ vì cái tội, ông không biết ngon ngọt với bà chia cơm kia. Hơn nữa đâu chỉ một lần, quanh năm suốt tháng phần cơm của ông bị bớt đi, làm sao ông chịu nổi, mà nói ra thì chưa biết chừng ông bị bêu rếu nhục mạ, như một kẻ nhỏ nhen.
Khi ông ra về thì tại một bàn ăn nơi góc khuất bỗng một tiếng nói cất lên: người ta đã phục vụ sớm hôm lại còn mặt lưng mày vực chả biết suy nghĩ-câu nói như ám chỉ ông giáo già. Tôi giật mình thì ra lời ấy phát ra từ cái miệng ráo hoảnh của anh chàng bí thư chi đoàn giáo viên, người lên công tác trước tôi 3 năm. Ối giời “miếng ăn là miếng nhục”, cô chấp cái ông ấy làm gì. Anh chàng giáo viên chính trị đang là đối tượng Đảng vừa nói vừa nhìn bà chia cơm với cặp mắt vuốt ve. Rồi một tiếng đũa đập mạnh xuống bàn, tôi hết chịu nổi cái lão ấy, già mà vẫn còn tham ăn như trẻ con!? Tôi nhận ra giọng của gã giáo viên hóa hay gạ tôi mua mật ong, hắn kiếm được từ các bản xa. Chưa hết, một cậu cùng lên công tác và cùng bộ môn với tôi sấn đến chỗ cửa chia cơm. Cháu chịu cô tốt nhịn phúc hậu, thế mới biết các cô làm dâu trăm họ khổ thật! Đã thế cậu ta còn bóng gió như trách tôi không lên tiếng bảo vệ lẽ phải, như muốn trả thù vì cái tội tôi khinh cậu ta dốt. Đang định hình xem cậu này muốn xoay trò gì với mình, thì bỗng một tiếng lanh lảnh: chả bù cho bọn cháu “nhường cơm sẻ áo cho nhau”. Tôi nhìn vào thì là một cô dạy văn-phụ trách nữ công. Cô ta còn nói tiếp: đúng là thầy đồ…, mai cô cứ lấy cơm của mâm này chia thêm cho ông ấy. Nhân đây cháu xin đại diện 5 anh em cám ơn cô đã chăm sóc. Đừng chấp ông ấy cô ạ! Với lại còn 5 anh em chúng cháu bảo vệ cô kia mà, cô lo gì!?
Tôi kể lại câu chuyện này, như nhớ lại một kỷ niệm buồn, hy vọng rằng đó là một thời kỳ một đi không trở lại. Có người bảo độ cảm xúc khi nghe câu chuyện này phụ thuộc vào nhân cách, lại có người bảo nó tỉ lệ nghịch với độ sắt đá của con tim… Còn những người chỉ biết hóng hớt thông tin, chê cụ Nguyễn viết Truyện Kiều dài dòng văn tự… thì chắc họ sẽ bảo câu chuyện có thông tin gì mấy đâu!? Rồi những ông cái gì cũng biết…, bội thực thông tin, thì chuyện này với họ chắc cũng chỉ như mọi thông tin, hoặc giả nước đổ đầu vịt. Còn kia những bác theo chủ nghĩa MAKENO, chỉ biết quan tâm đến cái dạ dày thì sao? Đặc biệt những bậc khả kính ta đây “biết hết”, nhưng ta không nói, vì ta thanh cao, ta biết giữ mình, để ta còn tập trung lo việc “công danh to nhớn”… Rằng có vẻ như những vị này còn đang bận cái việc muốn bác bỏ tiên liệu của cụ Chế: “Hạnh phúc nhỏ đựng trong tà áo… Giấc mơ con đè nát cuộc đời con“… Và còn nhiều nữa, những kẻ bị tê liệt thần kinh cảm xúc “chết lâm sàng” trong chốn công quyền yếm khí… đâu còn biết đến phải trái, thì biết đâu có khi lại còn chê trách ông giáo kia là cư xử kém (!?)… Rồi mong chi những người đang ung dung “nhân danh thanh bình, cứ gậm cỏ đi thôi“ (Pushkin) cảm thấu… Câu chuyện dường như đang bị đắp chiếu chờ người phán xét (!?)
Còn tôi khi đó thì khóc thầm nước mắt chảy vào trong, trước cái cảnh man rợ khốn cùng này!? Bà chia cơm tính nết thế là một nhẽ, ông giáo già gặp cảnh trớ trêu cũng là một nhẽ, nhưng còn những người đang hành nghề giáo dục kia thì biết nói sao đây? Tôi quyết định ngay tối hôm đó đến nhà riêng gặp bà. Một cuộc đối thoại thành công, kết thúc trong cái cảnh cả hai đều rơi nước mắt, những giọt lệ như rửa đi tội lỗi của những ngày đã qua. Nhưng còn “thành quả” quan trọng hơn, hứa hẹn sẽ được thu hoạch trong vài ngày sau đó.
Các anh còn trẻ nên nhường cho ông lão lấy cơm trước đi, bà chia cơm nói, trước ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người xung quanh. Khi chỉ còn 5 người “quân tử” kia, những người đã từng nịnh bà, nói xấu ông. Cô già cả giận mất khôn lại ít học, sao các anh không biết can cô, mà lại đẩy cô mắc thêm tội với ông ấy, bà nói trong nước mắt với 5 người cùng mâm đang ăn kia… Thôi có lẽ câu chuyện kể đến đây cũng là đủ.
Giờ thì ông giáo già và bà chia cơm ngày ấy đều đã thành người thiên cổ, 5 thầy cô giáo kia sau này cũng đều nắm những trọng trách trong ngành giáo dục. Nghe nói người phán xét cuối cùng câu chuyện tôi vừa kể-thuộc về các vị thống soái tư tưởng, thì họ bảo: “mọi thay đổi nhận thức đều phải có quá trình”. Điều này thì quá đúng rồi, nhưng nó có vẻ vẫn còn rất xa vời-không khác gì như lảng tránh câu chuyện (!) Có người đã hỏi tôi, cậu làm thế nào để thuyết phục bà cấp dưỡng thực chất là nông dân kia dễ dàng như vậy? Rồi lời phán xét cuối cùng cho câu chuyện trên là gì? Kinh nghiệm mách bảo, cũng như bao lời giải hữu hiệu khác, người ta đã tìm ra nó từ những làng quê thuần khiết, còn ít ô nhiễm bởi những lý thuyết “đầu Ngô mình Sở”, những con người còn chưa bị “tẩu hỏa nhập ma”, chân lý đối với họ thường đơn giản thiết thực. Vì thế nên chăng câu chuyện này cứ phải nhờ làng phán xét!