NGUYỄN LÊ TRUNG
Phổ thành ca khúc: Minh Quang
Thể hiện: Phương Thảo, Lê Trung, Anh Thơ,…
Tiếc gì một miếng trầu cay,
không mua cho mẹ?
để mẹ lắc (lắt) lay… cõi lòng!...
Hai triền sông Lam… mòn vẹt!
Hai triền sông Lam… gió…!
Một chuyến đò nan
chênh chênh
đẩy đưa thân mẹ,
(lênh đênh)
tóc xanh tận bạc mái đầu…
Một đời (mẹ) lận đận,
lận đận nuôi con
Một đời
đồng sâu,
sương muối…
À ơi!… ơ à ơi!...
cay đắng lá trầu!
À ơi! mẹ hát…
riêng mình mẹ đau…
Lòng người,
ai thấu nông sâu?!…
Chấp chới!... chấp chới!...
về nơi cõi Hiền!
Chấp chới!... chấp chới!...
về nơi cõi Thiền!
Mẹ ơi!...
sao không thương mình?
Lớn khôn tìm mẹ,…
Mẹ còn nữa… đâu!?…
***
Hai triền sông Lam… bồi lở!
Hai triền sông Lam… nhớ…
Một cánh cò bay
chênh chênh,
cõng bao duyên nợ
phu thê
nặng đạo… Tam tòng!
một đời (mẹ) lặn lội,
lặn lội mom sông,
ngậm bồ hòn
nuôi con lớn…
À ơi…, ơ à ơi!
cay đắng lá trầu,
À ơi! miệng tiếng Tam tòng
quặn đau!
Bồ hòn ngọt chát
thay cau…
Chấp chới!..., chấp chới!…
về nơi cõi Hiền!
Chấp chới!..., chấp chới!…,
về nơi cõi Thiền!
Mẹ ơi!
sao không thương mình?
Lớn khôn tìm mẹ,
Mẹ còn nữa… đâu!
Mẹ ơi!…
sao không thương mình?
Lớn khôn tìm mẹ,…
mẹ về… nơi… đâu!?
Chép, 5/5/2017. ĐV
MỘT KHÚC CA HAY… VỀ “MẸ”
(Bình ca khúc phổ thơ “Chấp chới sông Lam”
của Nguyễn Lê Trung – Minh Quang)
ĐƯỜNG VĂN
Kính dâng hương hồn Mẹ!
Tặng ông thông gia Nguyễn Văn Sâm
và những người bạn thân của tôi!
Ở Việt Nam ta, trong khoảng vài ba năm lại nay, từng xuất hiện và phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên các trang mạng, trong phạm vi nghe, biết của riêng tôi, thấy có 2 bài thơ – ca về Mẹ rất xúc động, chân thành và hay…! Tại đây, thơ - nhạc hòa quyện, nâng nổi, lời ca trong giai điệu âm thanh chắp cánh cho nhau, giúp người đọc, người nghe cùng được bồng phiêu trong cảm xúc, thăng hoa lòng kính yêu và biết ơn lắng sâu vô cùng về Mẹ. Đó là bài Mẹ tôi của Trần Tiến; Trần Thu Hà, Tùng Dương… từng hát. Và gần đây là Chấp chới sông Lam: Thơ Nguyễn Lê Truyền, Nhạc: Minh Quang; Phương Thảo, Anh Thơ, Lê Truyền… thể hiện. Tất nhiên, mỗi bài hay mỗi vẻ, với hai phong cách âm nhạc khác nhau. Nhưng cả hai ca khúc trữ tình đậm chất hồi cố, nghiệm suy, đều da diết, khắc khoải, đắng xót, nuối tiếc và ăm ắp nỗi niềm, hoài niệm của trái tim những đứa con trai mà mẹ rứt ruột đẻ ra, nay cũng đã già rồi; song vẫn thủy chung như nhất lòng yêu thương, biết ơn thành kính, vô hạn vô hồi mà chiêm bái hướng lên đấng từ mẫu sinh thành; Người, giờ đây, đã ngồi trên áng mây vàng, đang thích thảng ngao du trong thế giới người Hiền, nơi cõi Thiền - Cực lạc…
Khoảng cuối mùa xuân năm ngoái, mỗi khi ngồi một mình trong những đêm đại tang âm u, vắng rợn, lặng nghe Tùng Dương thổn thức ca bài Mẹ tôi trên nền nhạc ghita đệm, bên ngọn nến leo lét tỏ mờ, trong tiếng băng kinh niệm đều đều, văng vẳng bên tai: Nam mô A di đà Phật, lòng tôi cứ rưng rưng lên nỗi cô lẻ, ngậm ngùi, cứ muốn rời thoát cái cõi dương bụi bặm này mà bay theo Mẹ tôi ngay, chẳng hề bợn, gợn một mảy vấn vương, nuối tiếc!…
Lại đến những sáng cuối xuân, đầu hạ mệt mỏi năm nay, được ông bạn thông gia quê xứ Nghệ mách, mời, rủ cùng nghe lại ca khúc Chấp chới sông Lam của một tác giả thơ không chuyên đồng hương với ổng và do nhạc sỹ quân đội Minh Quang phổ nhạc, qua giọng hát cao vút, trong sáng và trữ tình dòng dân ca: Phương Thảo, phát trong buổi truyền hình VTV1, giới thiệu tác phẩm mới, tuần cuối tháng 4/ 2017. Ông thông gia ngồi lặng lẽ bên máy, mặt đăm đăm buồn, mắt ầng ậng giọt sương tuổi U80 tưởng nhớ cụ thân mẫu của mình đã khuất núi từ lâu… Còn tôi?... Tôi vừa lắng nghe từng câu hát buồn vừa tự đưa lòng trở về với tâm trạng thảng thốt, hụt hẫng, mất mát, chênh vênh, khổ sở hồi cuối tháng ba năm 2016 (Bính Thân), những ngày mẹ tôi vừa đột ngột rời bỏ anh em chúng tôi, rời bỏ làng Trèm – Thụy Phương để về với tổ tiên họ Lê, họ Nguyễn. Giọng nữ cao ca sĩ trong vắt, thánh thót, bất chợt vút lên, bắt vào đoạn cao trào như những tiếng nấc nghẹn, đứt quãng, xót xa, hờn tủi, tiếc thương, ân hận của tấm lòng con muốn gào thét cùng đất trời, mây gió:
Chấp chới…! Chấp chới!... về nơi cõi Hiền!
Chấp chới!... Chấp chới!... về nơi cõi Thiền!...
Mẹ ơi!... sao không thương mình?!
Lớn khôn tìm mẹ,… mẹ còn… nữa đâu?
Câu hát khơi vơi, chênh chao, chênh chao gợi lên hình ảnh bảng lảng, thực hư, ảo huyền, như có, như không của một vong linh, hương hồn Mẹ đang mải miết vân du, thích thảng, thênh thênh khắp cõi không màu cùng thế giới các đấng - bậc Tiên Hiền…
Nhưng sao lại chấp chới? (chỉ sự chuyển động, lay động, chênh vênh, chưa cố định, ổn định, chưa vững của sự vật hay cái gì đó). Từ láy tượng hình này được sử dụng làm nhan đề cho bài thơ - bài ca, ở đây, theo tôi là cực kỳ ám ảnh và ấn tượng, đa nghĩa: chấp chới hồn linh, chấp chới bóng ảnh mẹ hiền, chấp chới dòng sông Lam quê hương thao thiết tiễn Hồn linh Người Mẹ bay đi, chấp chới những tấm lòng cháu con cồn cào, nôn nao thương nhớ mẹ già, những mong chỉ một lần được gặp lại mà chỉ còn biết cầu trời, khấn Phật tụng niệm: Nam mô Bồ tát cứu khổ, Phật Tổ phù hộ chúng sinh… Từ láy chấp chới trong văn cảnh này, tỏ ra thật đắc dụng, mới lạ, và hết sức linh động. Nó còn muốn chứng tỏ sức sống, tình yêu cuộc sống, con người nơi dương thế mà mẹ vừa phải chia ly vĩnh viễn, nhưng vẫn luyến lưu, bịn rịn chưa thể nguôi ngoai! Tâm trạng con cháu khao khát muốn níu kéo, trì giữ một lần nữa hình bóng mẹ già, mà từ nay đã thoắt trở thành âm dương ngàn trùng cách biệt…
Nếu hồi nao, dòng sông Mã xứ Thanh gầm lên khúc độc hành – bản bi hùng ca tiễn người lính Tây Tiến về đất Mẹ (Quang Dũng), thì giờ đây, dòng Lam giang xứ Nghệ chấp chới, chấp chới những khúc trữ tình lả mềm, đò đưa, đắng xót, nâng con đò Mẹ chênh chênh vươn tới những Đài Sen – lung linh cõi Phật, nước Trời.
Hai câu cuối cùng:
Mẹ ơi!... sao không thương mình?
Lớn khôn tìm mẹ,… Mẹ còn nữa đâu?!
vang lên nhỏ dần, chậm dần, như tiếng thầm thì gọi mẹ, trách mẹ, nũng nịu cùng mẹ, như thuở con còn bé dại. Giản dị, sâu lắng, tự giận mình, trách mình, không biết thương mẹ, không biết hưởng hạnh phúc những năm tháng may mắn ngắn ngủi được sống bên mẹ… đến khi khôn lớn, hiểu biết, muốn tìm mẹ để phụng dưỡng, để báo hiếu, thì… hỡi ôi! … đã quá đỗi muộn màng!… Mẹ còn nữa đâu?!...
Nhạc sỹ Minh Quang từng chia sẻ với tác giả bài thơ cùng bạn xem truyền hình, rằng tứ nhạc chủ chốt làm nên linh hồn, câu kết bài hát tương lai đã lập tức nảy sinh trong đầu ông, khi vừa đọc hai câu thơ ấy trên tờ giấy chép bài thơ, đặt trên linh sàng bà mẹ anh bạn thơ Nguyễn Lê Truyền.
Tôi cho rằng, về hình thức chữ nghĩa, đó là hai câu nói thông thường, chẳng có gì là thơ, không có những hình ảnh tu từ, trau chuốt… Vậy mà lại thẫm đẫm, tràn ngập ý thơ, chất thơ, tình thơ. Chất thơ mộc mạc, thăm thẳm, gắt đậm vị đời, thiêng liêng tình mẫu tử, máu thịt, ruột già.
Đây cũng là 2 câu hay nhất của bài thơ khóc mẹ, hai câu kết xứng đáng của ca khúc phổ thơ.
Mới hay, đúng như lời một nhà thơ lớn đã từng cùng ta chiêm nghiệm những câu chuyện tâm tình về thơ. Đại ý:
Đọc câu thơ hay khiến chúng ta dường như quên hết câu chữ, không còn nhớ đó là tiếng nói của ai; chỉ còn lại tình đời, tình người. Quên rằng đó là tiếng nói của ai, mà như là tiếng ca vang lên từ chính lòng mình, từ trái tim mình vậy.*
Nhưng cũng từ cái ẩn ý ân hận, xót xa, mặc cảm có lỗi của đứa con nghĩ mình chưa làm tròn bổn phận với mẹ ấy rồi bắt sang duyên cớ để đưa vào 3 câu mở đầu bài thơ, mà thoạt đọc, tôi cứ tưởng như có cái gì đó sai nhịp, lạc ý:
Tiếc gì một miếng trầu cay,
không mua cho mẹ,
để mẹ lắc (lắt) lay cõi lòng!?
Hình ảnh miếng trầu, lá trầu không quen thuộc, dân dã này sẽ còn được nhắc lại 2 lần nữa, ở đoạn giữa bài: trong tiếng ru à ơi, cay đắng lá trầu, nhằm ôn lại một khúc tình duyên đắng cay, hẩm hiu, vì phải tuân theo đạo Tam tòng của mẹ; và nhất là hình ảnh quá đỗi ngậm ngùi, đắng - ngọt - chát ngậm bồ hòn thay cau…! (Từ câu thành ngữ: Ngậm bồn hòn làm ngọt), đều chắt lọc từ một thi ảnh trong ca dao trữ tình truyền thống để tượng hình và khái quát nỗi bất hạnh thực sự cố giấu của những người con hiếu, khi có dịp cần phải kể về cuộc đời của mẹ mình công khai trước bàn dân thiên hạ!
Nếu hình ảnh chấp chới sông Lam thiên về hư ảo, phi thực thì hình ảnh:
Hai triền sông Lam… gió; nhất là hai triền sông Lam … mòn vẹt,
đã vẽ đậm nét màu sắc, tính chất điạ mạo kỳ lạ của thiên nhiên dòng chảy qua đoạn sông miền Trung này. Cả đôi bờ, theo thời gian, cùng bị mòn vẹt, (chứ không phải theo quy luật phổ biến: bên lở, bên bồi, bên trong, bên đục…). Vì cùng bị xói lở, nên phù sa từ thượng nguồn lắng về mới bồi tụ ở cánh bãi giữa dòng, làm thành một dải đất mom sông phì nhiêu, màu mỡ, để mẹ lặn lội thân cò, tần tảo nuôi chồng, chăm con… cũng y như hình tượng bà vợ cụ Trần Tế Xương thành Nam Định.
Từ láy đắt giá thứ hai được vận dụng trong bài thơ cũng là 1 từ láy đôi phụ âm đầu ch tượng hình: chênh chênh. So với chấp chới, chênh chênh dường như có vè hiền hơn, tĩnh hơn và cũng mong manh hơn, cơ hồ dễ xiêu, dễ đổ, dễ ngã hơn. Chênh chênh gắn với con đò nan đang sang sông, gắn với cánh cò đang bay trong gió cả cuối chiều, gắn với hình dáng thon thả, mảnh mai, gầy yếu của Mẹ… Chênh chênh là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng quen thuộc cho cuộc đời – số phận đầy bất trắc của người mẹ miền Trung xứ Nghệ nghèo cực, lam lũ, lận đận, tảo tần, oan khổ, từ buổi thiếu thời cho tới lúc lấy chồng, sinh còn… và rồi buộc phải dứt áo ra đi, trong oan khuất, tủi nhục,… Mẹ chỉ còn để lại trên dòng sông Lam mòn vẹt chút bóng ảnh chấp chới trên cánh cò, trên lá buồm nương gió chênh chênh, trong tiếng ru à ơi não nùng, văng vẳng đâu đây của mẹ và tiếng khóc mẹ ơi!… còn đâu?! tức tưởi của đàn con côi cút, kéo lê thê mãi tận tới khi tuổi chúng cũng đã già rồi!
Vẫn ngồi nhớ mẹ, khóc như trẻ con!
(Trần Tiến)…
***
Bài thơ của Nguyễn Lê Trung –khúc ca tình mẹ của Minh Quang, tiếng hát Anh Thơ – Phương Thảo - Lê Trung… mỗi lần thưởng thức, sao cứ xót xa, đau buốt như dao cứa vào trái tim người nghe, người đọc, nhất là những người quê xứ Nghệ, gốc Nghệ… như ông bạn già thông gia của tôi?!
Ý hẳn không chỉ vì cái giọng điệu dân ca đặc biệt mộc mạc miền Nghệ Tĩnh, không chỉ vì cách tạo nhịp thơ, ngắt, liền tự do, phóng túng theo nhịp cảm xúc, khi làm lời khóc mẹ của người thơ, cũng không chỉ vì chút liên tưởng tình đồng hương, đồng khói… nên dễ lây lan, đồng cảm, đồng điệu; mà chủ yếu vì cái mẫu số chung tiềm ẩn tự ngàn đời, muôn đời, trong tâm khảm mỗi tâm hồn chúng ta - những đứa con trai, con gái của Mẹ, càng về già, càng có tuổi, càng trải nghiệm sự đời, tình đời, càng thêm trĩu nặng tấm lòng nhớ thương, kính yêu, tưởng vọng về những người MẸ HIỀN – TỪ MẪU… của mình.
Phải chăng đó mới chính là một trong những lý do phổ quát, cơ bản nhất, lý do tạo nên cái hay, sự hấp dẫn, truyền lan, cộng cảm tất yếu mà tự nhiên, hồn nhiên toát lên từ những sáng tạo văn chương nghệ thuật đích thực như ca khúc Mẹ tôi hay sông Lam chấp chới!? - những bài tụng ca hiện đại về BÀ MẸ VIỆT NAM./.
Nông Lâm – Trèm, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
- chiều 8/5/2017. ĐV
* Tố Hữu: Câu chuyện về thơ (1963); trong sách: Xây dựng một nền văn nghệ nhân dân… NXB Văn học, 1978).