Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ILYA ERENBURG KỂ VỀ ERNEST HEMINGWAY

Tô Hoàng dịch và giới thiệu
Thứ hai ngày 15 tháng 5 năm 2017 6:16 AM






 

Trong cuốn hồi ký nhiều tập “ Con người, Năm tháng, Cuộc đời” nhà văn, nhà báo Nga Ilya Erenburg đã phác dựng chân dung nhiều nhà văn hóa lớn. Chịu đi, thông thạo ngoại ngữ, chính kiến mạnh, lại kết giao với khá rộng với giới nhà văn, họa sỹ, nhạc sỹ, nhà quay phim.. nổi tiếng trên thế giới- điều này tạo nên một trong những nét đặc sắc trong những bút ký chân dung của ông..

Xin giới thiệu bạn đọc gương mặt của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway…


Điều đó xẩy ra tại Madrid, vào tháng 3 năm 1937. Tôi ở tại khách sạn Palas cũ, nay đã biến thành một bệnh viện dã chiến. Thương binh rên la, khắp nơi nồng nặc mùi phenon. Các gian buồng không có lò sưởi. Thực phẩm khan hiếm, hệt như ở Moskva vào năm 1920. Cứ thiếp ngủ đi tôi lại mơ thấy được bỏ vào miệng một mẩu bơ.

Vào một buổi chiều tôi quyết định tìm tới khu Gailord, nơi ở của các cố vấn Xô Viết để gặp Colsov. Ở đấy tôi sẽ được sưởi ấm, được ăn no.

Trong các gian phòng nơi Colsov làm việc, lúc nào cũng đông đúc-người quen và người chưa gặp bao giờ. Gailord không chỉ quyến rũ mình tôi. Vừa tới tôi đã nhận ra trên bàn bày sẵn một tảng dăm bông lớn và những chai rượu. Mikhail Efimovist Colsov thì thầm: “ Có Hemingway! “. Tôi bối rồi và như quên ngay món dăm bông ngon lành.

Mỗi người đều có một nhà văn mà mình yêu quý, coi là thần tượng. Còn hỏi tại sao lại quý yêu nhà văn đó chứ không phải nhà văn khác, câu trả lời cũng khó như phải giải thích tại sao yêu người đàn bà này mà không phải là người đàn bà kia. Trong tất cả các nhà văn hiện đại, tôi yêu quý và đánh giá cao Hemingway hơn cả!

Vào năm 1931, tại Tây Ban Nha Toller có tặng tôi cuốn “ Và khi mặt trời mọc” của một nhà văn còn chưa có tiếng tăm.” Hình như viết về Tây Ban Nha, thấy trong sách miêu tả những trận đấu bò tót. Sách có thể giúp bạn khám phá điều gì chăng…” Đọc xong cuốn sách, tôi tìm ngay cuốn “ Giã từ vũ khí”. Hemingway đã giúp tôi không chỉ hiểu biết các cuộc đấu bò tót mà là hiểu biết đời sống nói chung..

Vì thế hỏi tại sao tôi không bối rối được khi nhận ra một con người vóc dáng cao lớn, gương mặt cau có ngồi phía sau một chiếc bàn và đang nhẩn nha nhấp những ngụm rượu uytxki. Tôi bắt đầu tỏ ý ngợi ca ông, điều này chắc làm ông khó chịu nên ông càng cau có hơn.Chai rượu thứ hai được khui ra, cả mấy chai này hóa ra Hemingway mang tới, và ông uống nhiều hơn mọi người ngồi quanh bàn.

Tôi hỏi, hiện ông đang làm gì ở Madrid; ông đáp ông đến đây theo yêu cầu của một tờ báo.Hemingway nói với tôi bằng tiếng Tây Ban Nha, còn tôi nói với ông bằng tiếng Pháp.” Ông chỉ chuyển qua telephon về tòa soạn những bài bút ký hay cả tin tức nữa? “-tôi hỏi. Hemingway đứng vụt dạy, vung chai rượu trong tay, cau mặt nhìn tôi: “ Tôi biết ngay là cậu định diễu cợt tôi đây mà ! “. “ Tin tức”- tiếng Pháp là “ nouvelles”, mà tiếng Tây Ban Nha “ novellas” là tiểu thuyết. Có ai đó giằng lấy chai rượu từ tay nhà văn. Mọi sự hiểu lầm được sáng tỏ. Cả Hemingway và tôi cười mãi. Hemingway giải thích, ông bực bội với tôi bởi các nhà phê bình thường cho rằng văn chương của ông « mang phong cách điện tín ». Đến lượt tôi lại cười và nói : « Họ cũng nói rằng văn chương của tôi như thứ thịt băm ». Hemingway bổ xung : « Cậu còn có một thói xấu nữa là không thích uống uytxki. Rượu vang chỉ làm ta khuây khỏa, uytxki mới thực sự hâm nóng ta lên ! ».

Khi đó nhiều người vẫn còn thắc thỏm muốn biết Hemingway thực sự đang làm gì ở Madrid ? Đương nhiên là ông nhà văn này gắn bó với Tây Ban Nha rồi. Đương nhiên là ông căm thù chủ nghĩa phát xít.Ngay trước ngày cuộc chiến ở Tây Ban Nha bùng nổ, khi người Ý tấn công Ethiopi, Hemingway đã công khai lên tiếng chống sự xâm lược. Nhưng vì sao ông ở lại Madrid ? Ban đầu thì ông cộng tác với đạo diễn Hà Lan Ivens làm một bộ phim, thỉnh thoảng ông gửi những bài phóng sự về Mỹ. Hemingway sống tại khách sạn Florida, trong khu Gran-Via, không xa từ tòa nhà của một trạm bưu điện, nơi đạn pháo của bọn phát xít luôn rót tới. Khách sạn đã bị những mảnh đạn pháo làm thủng mái. Không ai còn ở đây cả, ngoài Hemingway. Ông nấu cà phê bằng những viên cồn khô, ăn cam, uống rượu uytxki và đang viết một vở kịch về tình yêu. Ở Mỹ, tại Florida, ông có một ngôi nhà nhỏ, ở đấy ông có thể làm bất cứ một việc gì : câu cá, ăn bypstec và thanh thản viết vở kịch của mình.Tại Madrid ông luôn luôn bị bỏ đói, nhưng điều này không cản trở gì ông cả. Người ta gọi ông quay về Mỹ, Hemingway giận dữ từ chối bằng những bức điện tín : « Tôi ở đây bình thường mà.. ».Ông không thể nào xa cách với không khí của Madrid.Nhà văn như bị sự nguy hiểm, cái chết và những chiến công quyến rũ.

Tại khu Gailord, Hemingway thường gặp gỡ với những chiến binh của chúng ta.Nhà văn rất thích Hadji, anh lính Hồng quân can trường đã lọt sâu vào hậu phương quân địch để thu thập những tin tức cần thiết ( anh chiến sỹ này quê vùng Kavcas, nên rất giống một người Tây Ban Nha). Rất nhiều điều được Hemingway miêu tả trong cuốn tiểu thuyết « Chuông nguyện hồn ai » về các hoạt động của du kích là do Hadji cung cấp chất liệu. ( Thật may sao, sau chiến tranh Hadji vẫn còn sống và nhà văn rất sung sướng được gặp lại anh).

Tôi cũng đã từng sống, làm việc cùng Hemingway ở Gvadalahar.Kiến thức quân sự của ông rất khá nên ông nhanh chóng hiểu mọi việc. Tôi nhớ rõ, Hemingway đã ngắm nghía rất kỹ những quả lựu đạn cầm tay của quân đội Ý, nom giống những trái phúc bồn tử được phóng to, phẩy tay cười : « Mình biết rõ những con ốc bươu này rồi ! ».

Trong Chiến tranh Thế giới I, Hemingway tình nguyện chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Ý-Áo. Ông bị thương nặng bởi những mảnh đạn pháo. Tuy tham gia chiến tranh nhưng ông rất căm ghét nó. Ông rất thích thú khi thấy những người lính Ý quăng súng đi. Fred Henry-nhân vật trong cuốn tiểu thuyết « Giã từ vũ khí » của ông rất tán đồng hành động này. Cuộc chiến tàn khốc, vô nghĩa cùng nền văn minh máy móc hàng ngày đã cuốn vào chảo lửa cả chục ngàn người. Và nhà văn đã đồng tình với nhân vật Fred. Anh ta ( không phải Hemingway mà là Fred Henry) đã yêu một cô gái người Anh tên là Ketrin. Mối tình này, cũng như các mối tình khác trong tiểu thuyết của Hemingway đều là sự hòa quện tuyệt vời giữa cảm xúc và sự trong trắng. Fred đã buông bỏ vũ khí : « Tôi quyết định không bao giờ còn nghĩ tới chiến tranh nữa. Tôi ra nhập một thế giới hoàn toàn khác ! ».

Ấy thế nhưng tại Gvadalahar, trong thành phố của các trường đại học Hemingway đầy thiện cảm ngắm nhìn những khẩu súng máy trong tay những người lính tình nguyện quốc tế. Nhưng người Hy Lạp cổ đại đã nói : « Thời gian thay đổi và chúng ta cùng thay đổi với thời gian ». Trong một cuộc gặp gỡ, Hemingway đã nói với tôi : « Tôi rất mù mờ về chính trị và tôi cũng không thích nó. Nhưng chủ nghĩa phát xít là như thế nào thì tôi biết rõ. Ở Tây Ban Nha này người ta đang cầm súng vì một sự nghiệp trong sáng ».

Hemingway thường xuyên đến với Đạo quân 12 do tướng Lakast- tức nhà văn Hungari Mate Zalka chỉ huy. Trong những năm Thế chiến I, hai người ngồi trong chiến hào của hai chiến tuyến đối lập nhau.Còn tại Madrid bây giờ họ vui vẻ trò chuyện với nhau. « Chiến tranh à ? Thật dơ dáy ! »-Mate Zalka thốt lên giọng buồn buồn. « Đúng là như thế !- Im lặng một lát, Hemingway nói tiếp- Bây giờ ông tướng, hãy chỉ cho tôi thấy bọn phát xít bố trí pháo ở những nơi nào ! ». Hai người ngồi nán lại rất lâu trước tấm bản đồ mở rộng, vạch ngang vạch dọc bởi những đường bút chì xanh, đỏ.

( Tình cờ tôi còn giữ được một bức ảnh nhỏ do Plasno Ibarra- một người nhiếp ảnh tay ngang chụp. Trong ảnh tôi ngồi bên cạnh Hemingway, Ivens, Reglor. Hemingway lúc này nom còn trẻ, gày gò, hơi mỉm cười ).

Có một lần nào đó Hemingway nói với tôi : « Hình thức, đương nhiên là luôn thay đổi rồi. Nhưng còn đề tài…Thử hỏi tất cả các nhà văn trên thế gian này đã viết, đang viết về điều gì đây ? Có thể đếm được trên đầu ngón tay- Tình yêu, cái chết này ; lao động, chiến đấu này. Tất cả những gì còn lại cũng đều từ những đề tài ấy mà ra. Chiến tranh ư ? Thậm chí Biển cả nữa.. ».

Một lần khác chúng tôi đàm đạo về văn chương tại một quán cà phê trên đường Puerta-del-Sol. Bằng một phép màu nào d0o1 quán cà phê này còn sót lại giữa hai căn nhà đổ nát. Ở đó chỉ bán nước cam bỏ đá. Thời tiết khá lạnh. Hemingway rút từ túi sau chiếc quần lính ra một chai Uytxky và rót vào ly. « Tôi luôn có cảm giác là nhà văn không bao giờ có thể miêu tả lại được mọi diễn biến- Hemingway nói-Đương nhiên có hai cách giải quyết. Hoặc là ghi lại mọi chuyện diễn ra trong ngày, mọi ý nghĩ,mọi cảm xúc. Hoặc là cố gắng truyền đạt cái chung nhất, ví như xẩy ra trong một lần gặp gỡ, một cuộc trò chuyện. Tôi chỉ lưu tâm đến những chi tiết và cố sao cho chi tiết thật là..chi tiết ».Tôi nói với ông, trong tất cả các tác phẩm của ông, hơn mọi điều, tôi sửng sốt vì đối thoại của các nhân vật. Và tôi không hiểu ông đã tạo ra những đoạn đối thoại tuyệt vời ấy như thế nào. Hemingway cất tiếng cười : « Một nhà phê bình người Mỹ gắng gỏi chứng minh rằng tôi viết đối thoại ngắn gọn , vì tôi luôn dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh.. ».

Đối thoại nhân vật của Hemingway với tôi mãi mãi là một câu đố. Lẽ dĩ nhiên tôi đọc một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn của ông mà tôi thích, tôi không bao giờ nẩy sinh câu hỏi nhà văn đã viết đối thoại giữa các nhân vật ra sao. Bạn đọc thì cứ bị cuốn sách cuốn hút, còn sau đó nhà văn bắt đầu phải suy nghĩ những gì gắn với cái nghề thủ công của mình. Khi tôi đã bắt đầu hiểu ra các kỹ năng, kỹ sảo của nghề viết, tôi mới có thể nói rằng cuốn sách được viết ra tồi, trung bình, khá hay rất khá. Cuốn sách làm tôi thích, thậm chí làm tôi sửng sốt.Dẫu sao đối thoại nhân vật trong các tác phẩm của Hemingway vẫn là một câu đố đối với tôi. Trong nghệ thuật, điều lớn lao nhất, bí ẩn nhất là khi ta không thể hiểu nổi sức mạnh cuốn hút toát ra từ tác phẩm là do đâu.Bởi thể, nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi luôn đọc thầm mấy câu thơ này của Blok :

Anh gọi em mà em không ngoái lại,

Nước mắt đã chảy rồi, em có sót sa đâu…

Không, trong hai câu thơ này không hề có ý tưởng gì mới lạ buộc ta phải ngẫm nghĩ ; cũng không có chữ nghĩa gì đặc biệt. Hệt như trong những đoạn hội thoại của Hemingway : chúng giản dị nhưng vẫn là một câu đố.

L.Iu Brik, một lần khách tụ họp ở nhà bà, đã cho đặt máy ghi âm trong phòng. Sau đó chúng tôi được bà cho nghe lại cuộc trò chuyện giữa chúng tôi. Và chính chúng tôi không hiểu nổi mình đã nói gì, bởi những câu « làm văn » dài thòng. Các nhân vật của Hemingway nói năng một cách khác : ngắn gọn, dường như chẳng có ý tứ gì, nhưng cùng với điều này những đoạn trò chuyện giữa họ lại như nở bung ra trạng thái tâm hồn của chính họ.. Khi chúng ta đọc những cuốn tiểu thuyết, những truyện ngắn của Hemingway, chúng ta luôn có cảm tưởng là những con người ngoài đời ăn nói chính là như vậy. Nhưng trên thực tế, tuyệt nhiên đó không phải là những gì nghe được, ghi âm được, mà là thứ chưng cất lời ăn tiếng nói của mọi người với nhau ở ngoài đời. Thông qua phép mầu phù thủy của nhà văn. Đến đây, ta có thể hiểu được nhà phê bình người Mỹ khi ông này cho rằng người Tây Ban Nha ăn nói theo kiểu của Hemingway. Vâng, Hemingway không dịch lời ăn tiếng nói từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác. Mà ông đã dịch từ ngôn đời thường sang ngôn ngữ nghệ thuật.

Nếu ai đó tình cờ gặp Hemingway, họ có thể nghĩ rằng ông là đại diện cho loại người mộng mơ, phiêu đãng hoặc một gã nghệ sỹ nghiệp dư có học. Ông uống rượu, thích gây gổ, ưa phiêu du khắp thế giới, thích câu cá ngoài biển, săn bắn ở châu Phi, biết đến chi li các thủ tục đấu bò tót.. và không thiết gì nữa cả, khi đã cầm bút ngồi vào bàn. Ông là một gã lao động khổ sai. Ngay giữa khu « Florida « .hoang tàn, đổ nát hoàn toàn không thích hợp với công việc viết lách, ông cũng ngồi xuống ghế và viết. Hemingway nói với tôi rằng, cần phải làm việc kiên nhẫn mỗi ngày, không đầu hàng. Nếu viết xong một trang, thấy nhạt nhẽo, vô vị, hãy viết lại nó, viết tới lần thứ 5, thứ 10…

( Xin xem tiếp phần 2 )


ESNETS HEMINGWAY (  Tiếp theo và hết )


TÔ HOÀNG chọn dịch

Tôi học được ở Hemingway rất nhiều điều. Trước ông, các nhà văn thường kể chuyện về con người, đôi khi kể rất xuất săc. Nhưng Hemingway không bao giờ kể mà là thể hiện về họ. Ở chính điểm này tìm ra lời giải thích ảnh hưởng của ông đối với các nhà văn ở các nước khác nhau. Không phải mọi nhà văn đều yêu thích ông, nhưng rõ ràng tất cả bọn họ đều phải học ông.

Hemingway trẻ hơn tôi 8 tuổi, và tôi đã sửng sốt khi nghe ông kể lại chuyện ông đã từng sống ở Paris vào đầu những năm 1920, hệt như tôi đã sống ở đó 8 năm trước, khi tôi ngồi tại quán cà phê “ Selekte” –bên cạnh quán “ Rotonda” để ước ao những mẩu bánh mì sớm mai thơm phưng phức. Tôi ngạc nhiên vì vào năm 1922, tôi có cảm tưởng những năm tháng anh hùng của Monpanas đã lùi về phía sau và tại quán “ Selekte” đang nhâm nhi nhũng tách cà phê nóng hổi là những khách du lịch giàu có người Mỹ. Hóa ra vào thời diểm ấy còn ngồi đó cả cháng trai Hemingway bụng đói mà vẫn cắm cúi làm thơ và nghĩ ngợi về cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình.

Hồi tưởng lại quá khứ, tôi và ông nhận ra rằng chúng tôi có những người bạn chung: nhà thơ Blez Sandra, họa sỹ Paskin. Hai người bạn này có gì đó giống với Hemingway, có lẽ cũng vì có cuộc sống sục sôi; cũng có lẽ đều mê đắm chạy đuổi theo tình yêu, sự hiểm nguy, cái chết.

Hemingway tính tình vui vẻ, gắn bó máu thịt với cuộc sống, có thể kể hết giờ này qua giờ khác về một con cá to chưa từng thấy bơi sát bờ biển Florida; về những trận đấu bò tót; về những niềm mê say đủ kiểu, đủ loại của mình.. Một lần, Hemingway đột ngột dừng ngang câu chuyện cá mú, và nói: “ Dẫu sao thì trong cuộc sống cũng có những ý nghĩa nào đó…Lúc này tôi đang nghĩ về phẩm giá của con người.Hôm kia, gần thành phố Trường Đại học một người Mỹ đã bị giết. Anh ta đã hai lần đến thăm tôi. Một chàng sinh viên…Chúng tôi nói Chúa trời biết tới những điều gì, biết về thơ ca, sau đó biết tới những chiếc súc sích nóng hôi hổi. Tôi đã có ý định giới thiệu chàng thanh niên này với anh. Cậu ta nói rất hay như thế này: Còn gì đáng phỉ nhổ hơn chiến tranh. Nhưng chính ở chiến lũy Madrid này tôi bỗng hiểu vì sao tôi sinh ra. Phải xua đuổi chiến tranh ra khỏi Madrid- Im lặng một lát, Hemingway nói thêm- Anh thấy đấy, muốn buông bỏ vũ khí đâu có dễ ! “.

Tôi nhớ thêm một cuộc đàm đạo khác.Hemingway nói rằng, những nhà phê bình nếu không phải là những thằng ngu thì cũng là những thằng giả vờ ngu.” Tôi đã đọc thấy họ viết tất cả các nhân vật của tôi đều là những con bệnh tâm thần. Làm sao khác được khi cuộc sống chó má đến như vậy. Nói chung ra, họ bị coi là tâm thần khi những điều quá xấu xa chất lên đầu lên vai họ. Con bò tót trên đấu trường quả là thần kinh không bình thường, nhưng khi được thả về đồng cỏ nó hoàn toàntỉnh táo, khỏe mạnh. Vấn đề là ở đó! “

Vào cuối năm 1937 từ Teruely tôi trở lại Barselona. Dọc bờ biển những cây cam đã nở hoa. Nhưng ởTeruely chúng tôi vẫn thấy cóng buốt, hắt hơi liên tục. Trên xe đến Barselona bị xe dằn sóc mạnh hóa ra lại ngủ rất say. Tôi chỉ bừng tỉnh khi có ai đó lay mạnh vai tôi: Hemingway xuất hiện ngay trước mặt.” Sao, chọn Teruely à? -Hemingway nói- Mình tới đây với Kapa!”. Trên bậu cửa là bạn tôi, nhà nhiếp ảnh Kapa ( Anh đã hy sinh trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương ). Tôi đáp: “ Tôi không quyết định. Hình như mọi chuyện đã khá hơn…Mọi người nói rằng bọn phat xít đang điều động thêm quân dự bị”.Tôi bừng tỉnh hẳn, dướn mắt ngạc nhiên nhìn Hemingway: ông vận trên mình trang phục mùa hè. “ Anh diên rồi sao? Vẫn còn lạnh cắt da cắt thịt”. Nhà văn cất tiếng cười: “ Mình biêt tự sưởi ấm chứ !”, vừa nói ông vừa kéo từ chiếc túi hộp phía sau quần ra chai rượu uytxky. Nom ông tỉnh táo, cười liên tục: “ Tất nhiên còn khó khăn..Nhưng dẫu sao bọn phát xít cũng đang bị sé lẻ..” Tôi trao cho ông địa chỉ những người chỉ huy quân Tây Ban Nha để ông tìm Grigorovist: “Anh ta sẽ giúp bạn!”. Chúng tôi chia tay theo kiểu người Tây Ban Nha vung tay vỗ mạnh lên vai nhau. Hemingway còn giữ được một tấm ảnh chụp hồi đó:Tôi ngồi trên giường, ông ta đứng bên tôi. Tấm ảnh này được đưa vào một cuốn sách xuất bản tại Mỹ về cuộc đời của ông.

Cuối tháng 6 năm 1938 tôi trở lại Tây Ban Nha. Hemingway không còn ở đó. Hình ảnh ông trong ký ức của tôi là một chàng trai trẻ, dáng cân đối. Tôi không còn nhận ra ông nữa, khi mười năm sau tôi nhìn thấy ông trong một bức ảnh: Hemingway đã là một ông già phục phịch với hàm râu bạc trắng.

Tôi gặp lại Hemingway một lần nữa vào cuối tháng Bảy năm 1941. Tại Moskva hầu như đêm nào cũng có còi báo động phòng không, người ta xua chúng tôi xuống hầm. Muôn ngủ cho đủ giấc tôi cùng với B.M Lapin quyết định qua đêm tại khu nhà nghỉ bỏ trống của Visnhevsky tại Peredenkino. Người ta chuyển cho tôi bản dịch tiểu thuyết “ Chuông nguyện hồn ai” của Heminway. Thế là vẫn mất ngủ, tôi và Lapin truyền tay nhau đọc hết trang này tới trang khác. Sáng hôm sau Lapin đáp tầu đi Kiev và anh đã không bao giờ còn trở về nữa. Súng phòng không vẫn liên tục nhả đạn lên trời, còn tôi vẫn đọc và đọc. Tiểu thuyết viết về Tây Ban Nha, về chiến tranh. Đọc hết trang cuối tôi cất tiếng cười một mình.

Đó là một cuốn sách rất buồn..Và trong sách là niềm tin ở con người, là tình yêu tuyệt vọng mà thánh thiện,là chủ nghĩa anh hùng của một nhóm du kích hoạt động phía sau lưng quân thù do Robert Dzordan-một người lính tình nguyện Mỹ chỉ huy. Những trang cuối của cuốn tiểu thuyết là sự khẳng định cuộc sống, lòng dũng cảm, chiến công. Robert Dzordan nằm trên đường với đôi chân dập nát, yêu cầu đồng đội của anh nhanh chóng rút quân. Anh ở lại một mình với cây súng tiểu liên. Anh có thể tự kết liễu đời mình, nhưng anh vẫn muốn được chết khi giết thêm vài tên phát xít. Hemingway tìm tới với lời độc thoại nội tâm, và đây một trích đoạn ngắn:”…Mọi điều sẽ diễn ra thật tuyệt vời khi có một viên trái phá rơi trúng nơi này- anh nghĩ-Nhưng sẽ còn hạnh phúc hơn khi quả đạn rơi lúc mình đã xuống được dưới gầm cầu. Thời gian trôi đi sẽ gíúp mình khỏe hơn, tỉnh táo hơn. Những làn sóng điện là thứ chúng ta đang cần. Quả là chúng ta đang cần nhiều thứ. Vì như mình có được một chiếc chân dự phòng…Mà nghe đây, cũng có thể mình không kịp làm điều đó, khi bỗng nhiên mình ngất đi. Bọn chúng sẽ tóm cổ mình, bắt mình trả lời hết câu này tới câu khác..Điều đó thật không tốt!...” Và đoạn độc thoại nội tâm ấy kết thúc như sau: “Thật hạnh phúc cho Robert Dzordan đã không phản bội lại mình, bởi vì rằng vào chính giây phút đó đội kỵ binh đã phóng ra khỏi rừng, cắt ngang con đường...”

Tên gọi của cuốn tiểu thuyết này Heminway lấy từ những vần thơ của một nhà thơ Anh thế kỷ 17, Djon Donn.

Những vần thơ ấy có thể trở thành lời đề từ cho tất cả những gì Hemingway đã viết. Thời buổi đã đổi thay, ngay cả bản thân nhà văn cũng đổi thay, nhưng trong Hemingway mãi mãi còn lại cảm giác của mối quan hệ giữa một người với tất cả mọi người-điều mà chúng ta thường gọi theo kiểu sách vở là “ chủ nghĩa nhân văn”.

Sau khi Hemingway qua đời, tôi đã đọc được bài báo trên báo Mỹ, một nhà phê bình đã gắng thuyết phục mọi người tin rằng cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha đối với nhà văn cũng chỉ là một khoảnh khắc tình cờ giữa những cuộc đấu bò tót và những lần đi săn tê giác. Điều này thật là sai. Hemingway không phải ngẫu nhiên ở lại giữa thành phố Madrid bị vây hãm; không phải ngẫu nhiên trong thời gian Thế chiến hai vốn là một phóng viên chiến tranh, ông có thể ngồi ở các ban tham mưu, Hemingway lại lên đường xuất trận cùng những người du kích Pháp; cũng không phải là ngẫu nhiên Hemingway đã lên tiếng chào mừng thắng lợi của những người ủng hộ Phiden Castro. Trong cuộc đời ông có những đường hướng riêng của mình.

Vào tháng 8 năm 1942, trong một thời điểm rất xấu, tôi đã ghi vào nhật ký những dòng sau đây: “ Tôi muốn gặp lại Hemingway sau những ngày cùng chung lưng đấu cật chống chủ nghĩa phát xít tại Tây Ban Nha. Chúng ta cần bảo vệ cuộc đời này. Đấy chính là nghĩa vụ thiêng liêng với thế hệ bất hạnh chúng ta. Mà nếu chúng ta không làm được việc đó thì nhiều người khác trong chúng ta cũng nhất định nhìn thấy khúc hải hoàn ca của chiến thắng- những ai không quên anh lính tình nguyện Mỹ còn lại một mình trên đường với khẩu tiểu liên trong tay và một trái tim lớn.”.

Tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai “ đã chịu một số phận không ngọt ngào gì. Một phía là ông già và biển cả; một phía kia là tuổi trẻ và cuộc chiến tranh vì phẩm giá con người. Những người khác nhau mắng mỏ nó theo những cách khác nhau. Một số phẫn nộ ví Heminhway tựa như đã biện hộ cho chiến tranh khi bị cuốn hút vào cái nhất thời; số khác không thích cách miêu tả quá tỉ mỉ những gì xẩy ra trong cuộc nội chiến…

Vào mùa xuân năm 1946 khi tôi sang Mỹ, tôi đã nhận được một bức thư của Hemingway. Ông rủ tôi sang Cuba chơi với ông. Mong muốn ấy của tôi không thành. Trước khi từ giã cõi đời không bao lâu Hemingway gửi lời chào tôi, hy vọng chúng tôi sẽ được gặp nhau. Tôi cũng mong như thế…

Và rồi tới bức điện xuất hiện trên các mặt báo… Đã nhiều lần thiên hạ loan tin ông từ trần. Ví như vào năm 1944 hay như 10 năm sau, khi một chiếc máy bay tan xác trên bầu trời của xứ Uganda, Hemingway có mặt trên chuyến bay đó…Tiếp theo là những dòng tin cải chính. Bây giờ thì không thể cải chính được nữa rồi. Chưa khi nào Hemingway kể cho tôi nghe cụ thân sinh ra ông đã tự vẫn. Tôi chỉ được biết điều này qua đám bạn bè chung của hai người. Nhân vật trong tiểu thuyết “ Chuông nguyện hồn ai” vào những phút giây cuối cùng của cuộc đời đã suy nghĩ như thế này: “ Mình không muốn làm điều đó như ông già đã làm. Mình sẽ làm nếu thấy cần thiết, nhưng tốt nhất là sự cần thiết ấy không xẩy ra.Mình kháng cự nó. Mình không nghĩ tới nó đâu!”. Hemingway đã quyết định mọi chuyện không giống như nhân vật Robert Dzordan của ông. Cái chết ùa ập đến với ông ngay tức khắc, hoàn toàn không môt giây phút đắn đo, cân nhắc. Ông chết cũng như sống vậy.

Còn tôi, khi ngoái lại chặng đường đã qua của mình, tôi tự thấy trong số các nhà văn mà tôi có diễm phúc được gặp gỡ, trò chuyện, có hai người đã không chỉ giải cứu tôi khỏi thứ tình cảm yếu đuối, ủy mị; khỏi những suy ngẫm triền miên, những tầm nhìn hạn hẹp mà còn trợ gíup tôi hít thở, làm việc, đứng vững được trên đôi chân của mình..Hai nhà văn đó là Babel và Hemingway!