Kể lại chuyện vu vơ cũ quá nghe buồn cười. Nhưng mọi sự đều bắt đầu từ “cái cũ”. Qủa thật, tôi “quên mất” Trần Nhương rồi, vì đã từ lâu tôi không gặp anh.
Có một lần, cách đây khoàng 7,8 năm gì đó, ngẫu nhiên gặp Trần Nhương, anh hỏi tôi: “Nguyệt có đọc trang Web Trannhuong.com không”. Tôi trả lời: “Em không đọc mạng, trang web nào em cũng không biết!”. Thế là ngay lập tức anh “nổ” cho một tràng liên thanh, giới thiệu về nó, và bảo tôi là lạc hậu, bảo thủ, bây giờ mà không biết sử dụng những công nghệ thông tin tiên tiến…thế thì đi đến đâu, biết được gì, chơi được với ai kia chứ…Tôi nghe ù hết cả tai, váng cả đầu và tôi nói luôn “Anh nói gì đấy, em chơi với ai còn lạc hậu như em thì em chơi, tiên tiến như anh thì em nghỉ luôn cho lành”. Anh đỏ mặt tía tai lên và còn nói gì đó ầm ĩ như nói cho kẻ “điếc đặc” là tôi. Tôi bảo “Anh điên thế, không nói chuyện được đâu, sao lại muốn ai cũng phải chấp nhận mình thế. Thích đọc, không thì thôi chứ. Mệt quá". Và tôi biến mất luôn.
|
Nhà thơ Trần Nhương và tác phẩm Khúc khích văn nhân |
Hôm nay, tôi nhớ lại Trần Nhương cách đây 39 năm. Hồi ấy, khoảng mùa thu năm 1978, tôi được đi học lớp đối tượng Đảng của Tổng Cục hậu cần (để chuẩn bị được kết nạp vào Đảng”. Thời gian học khoảng 5 ngày, sau đó làm bài kiểm tra (viết thu hoạch nhận thức giác ngộ của bản thân về lý tưởng và về Đảng. Thời gian 1 giờ). Hội trường rất đông, mặc áo lính như nhau cả, tôi không quen biết ai. Ở phòng tôi, tất cả các anh chị đều là đảng viên rồi, chỉ có một mình tôi còn sinh hoạt Chi đoàn, nên được đi học để xét kết nạp Đảng.
Hôm làm bài kiểm tra, một mình tôi ngồi ngay sau tôi thì có cả 2 người. Tôi tập trung viết, lo không kịp thời gian. Hai người ngồi sau thì cứ nói rì rầm, khó chịu quá.
“Này bạn gì ơi! Cho hỏi tí”.
Tôi không quay lại (có lẽ cậu trẻ này hỏi trêu tôi”.
“Em ấy viết dài thật.”- giọng nói của người lớn tuổi hơn một chút.
“Chú ý! Còn x phút nữa, đề nghị các đồng chí kiểm tra lại bài!”.
Lớp ồn ào, nhộn nhịp hẳn lên.
Trần Nhương hỏi tôi: “Em mới về phòng Công nghiệp à”. Anh là Trần Nhương ở phòng Tuyên huấn Tổng cục”.
“Em chào anh ạ!”.
“Ngoan thế nhỉ!”.
(Tôi cùng quân hàm Thiếu uý với Trần Nhương) thế là chúng tôi quen nhau. Tôi thấy ông anh này vui tính “có máu văn nghệ”. Tôi thì vốn thích thơ, nên dễ quen. Tôi rất nể sợ các ông anh trong phòng Công nghiệp của tôi, các anh hơn tôi nhiều tuổi, nghiêm lắm, và toàn là học về kĩ thuật, khoa học tự nhiên ở Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan về. Tôi và các anh không có chuyện gì ngoài công việc chung của phòng. Với Trần Nhương, tôi thấy thật là bình đẳng, mặc dù tuổi anh hơn tôi đến một giáp (Hình như Trần Nhương không có tuổi, đến bây giờ vẫn thế!)
Nhưng, tôi cũng chẳng tiếp xúc với Trần Nhương nhiều. Anh và tôi thỉnh thoảng gặp nhau ở cổng thành Cửa Bắc khi dắt xe vào cơ quan, hoặc ở cửa phòng gửi cặp bảo mật. Bao giờ anh cũng cười, và bảo “Anh! Chào cô em”- Cứ như một thoáng gió lướt qua,
“Em chào anh ạ.” Và thế biến mất. Chẳng biết Trần Nhương có nghe thấy tôi chào không, vì hồi đó tôi nói rất nhẹ. Thấy ai cũng to tát. Thời gian trôi, tôi chuyển đến làm việc ở cơ quan khác, rồi tôi đi nghiên cứu sinh ở 4 năm. Có lẽ gần chục năm tôi không gặp lại anh.
Có một lần, ngẫu nhiên, tôi và anh đều đang phóng xe máy ngược về lề đường. Bỗng tiếng gọi “Nguyệt!”. Và tôi dừng xe lại.
Hai anh em nói chuyện một lúc, thông báo là hiện đang làm gì ở đâu, rồi lại vội đi, như một thoáng lướt qua.
Khi đó, đầu năm 1991, Trần Nhương làm việc ở Nhà Xuất bản Quân đội. Tôi lại đang ôn tập bản thảo thơ đầu tay “Ngược gió”- mà chẳng biết nó xuất bản được không, vì chưa đủ tự tin, điều chỉnh nhất là vẫn chưa đủ tự tin rằng “ta làm thơ” (mặc dù đã có giấy phép của NXB Văn học, với lời giới thiệu rất hay của anh Vũ Quần Phương). Và vì, còn những thứ “Vân vi li ti” gì đấy ấy nữa. Chuyện dài lê thê.
Quay lại với Trần Nhương. Anh rất nhiệt tình vẽ ngay bìa cho quyển thơ của tôi, anh đưa cho nhà in mọi thứ cần thiết và phát hành hộ, để làm sao ra được sách rồi mà tiền vẫn còn trong túi. Anh nộp cho nhà in 250.000 đồng (lúc đó là rất to chuyện, số tiền đó in được 700 quyển sách thơ, dày 70 trang, khổ 13 x 19 cm). Anh bảo với vợ chồng tôi: “in đi cho vui! Sợ gì, thơ cậu hay đấy!”. Chúng tôi nhận từ anh mấy trăm tập thơ mà không khách sáo, không nói một câu nào. Nói cảm ơn, khó quá, có những sự sẻ chia không thể nói được lời cảm ơn đâu”. Anh hiểu lặng lẽ, chia sẻ lặng lẽ (đặc biệt là về tình cảm, lúc đó tôi đang rất buồn, vì cha tôi vừa mới mất hơn nửa năm. Mấy ai hiểu được ai đâu). Lại một làn gió thoảng lướt qua. Chắc điều này anh không còn nhớ. Tôi nhớ, vì tôi đã không thể quên những bài thơ của tôi. Những tập thơ tiếp theo, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ lặng lẽ của mấy người bạn, và họ đã quên. Họ không quên tôi nhắc mãi. Tôi xin lỗi.
Ai in thơ vào những năm đó (khi mà thơ còn nhẹ như gió, trong như nắng), thì chia sẻ với tôi bài thơ này sẽ sâu đậm đây:
“Tôi thấy vay tiền để in thơ
Món nợ ấy đến ngày nào trả hết
Miệng rao bán
Mà lòng không thế
Ai bán gió
Và ai bán trăng
Gió bán nắng
Gió bay hồn
Nắng đọng bỗng nên thơ
Lắng lọc thiên nhiên một chút tình
Mong tặng bạn những người cùng sống
Sợ mai ngày có thể chia xa…”
Mọi chuyện kể đều có câu “ngày xưa…đã lâu lắm rồi”- thế mà, hôm qua, mới hôm qua đây, 8/4 anh chị Trần Nhương đi đâu đó gần phía nhà tôi và rẽ vào chơi khoảng 20 phút để uống một hớp nước, tặng 2 tập sách “Khúc khích với văn nhân””, và bảo rằng “Anh chị đang vội, hôm khác nhé!”. Hai anh chị còn đi thăm ai… ai đó nữa. Một thoảng lướt qua.
Tôi đọc liền một mạch, hết được 1 tập sách Trần Nhương vừa đưa, chẳng biết ai với ai cả, thỉnh thoảng mới có một người mà mình cũng được “để bụng” một tí, vì họ là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng quá, hoặc có những bài thơ ấn tượng quá. Thế mà đọc vài nét chấm phá bằng mấy câu thơ kiểu “Bút Tre” và chân dung phác hoạ của Trần Nhương, tôi thấy cứ như là tôi biết được họ nhiều rồi. Tôi chẳng biết phân tích chi tiết “ngô khoai gì” thế nào cả, nhưng nó làm tôi xúc động. Lại một làn gió lướt qua.
Tôi gọi điện nói với Trần Nhương: “Anh đã tạc được tượng các bạn văn của anh rồi đấy”. Anh tài quá. Anh có tình với mọi người. Phác hoạ lướt như gió thế khó và mệt lắm.” (người thích gió thì thấy mát, người không thích gió thì thấy ơn ớn- tôi thi thoảng qua thế). Anh bảo: “Đúng thế, vâng, vui là chính, nhưng mà cả làng cùng vui được là tài rồi”. Trần Nhương cười to sảng khoái.
Những tượng được tạc bằng chữ của Trần Nhương, có thể có những nét chạm khắc tinh tế, có những nét còn thô ráp, và thậm chí dùng “chất liệu” chưa đặc tả. Nhưng, cái mà tôi nhìn thấy là một quần thể tượng đài rất đông vui, phải nói là tôi chỉ nghe thấy tiếng cười từ đó. Nó mang đến cho tôi một cảm giác là: Các nhà văn “không hề cô đơn như mọi người vẫn nghĩ”. Các nhà văn có cô đơn chăng, đó là họ cô đơn hộ cho cái kiếp người ở trần gian này. Họ quá giàu có, vì họ hàng ngày đang đào bới trầm tích của cuộc sống này, họ đào cả trầm tích của chính họ.
Họ phải viết thôi, vì họ không viết nghĩa là họ không sống. Họ không viết ra thì tình yêu của họ bị đóng băng như ở miền Bắc cực ấy. Họ phải làm cho nó tan chảy để học được ấm lên. Họ đang sản ra một năng lượng để họ hút hết năng lượng của chúng ta đấy, bạn đọc ơi- ta cô đơn, chứ nhà văn chẳng ai cô đơn cả. Hãy đọc “Khúc khích với Văn nhân” thì biết. Với nét khắc hoạ của Trần Nhương, thì 200 nhà văn trong sách ấy ai cũng biết như đang cười, đang vui, họ chẳng có nỗi khổ nào cả.
Mọi nỗi khổ đều được phóng thích bằng văn chương.
Quả là ngạo quá
“Đời không hiểu ư, đã có ta hiểu”
Nguồn: baovannghe