Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỂ CÓ "THƯƠNG HIỆU NGUYỄN KHẮC VIỆN"

Trung Sơn
Thứ bẩy ngày 29 tháng 4 năm 2017 9:11 PM


TNc: Theo ngày âm lịch, hôm nay là ngày giỗ của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện. Trang nhà xin giới thiệu bài viết về Nguyễn Khắc Viện của Trung Sơn.

Cuộc đời và sự nghiệp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (BSNKV – 1913-1997) thì thiên hạ đã biết qua những hoạt động hồi còn phụ trách phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp, và công tác đối ngoại, viết sách báo khi ông về nước làm giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, rồi sự nghiệp nghiên cứu tâm lý trẻ em lúc đã về hưu… Nhà nước ta đã tặng ông Huân chương Độc Lập hạng Nhất, tặng Giải thưởng Nhà nước cho tác phẩm “Việt Nam một thiên lịch sử”; Viện Hàn lâm Pháp tặng ông Giải thưởng Lớn về bản dịch Truyện Kiều và nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Pháp; các thành phố Hà Tĩnh, T.P. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… đã có tên đường Nguyễn Khắc Viện. (Riêng Hà Nội và Huế là hai nơi ông có nhiều gắn bó thì không hiểu vì … quên hay vì lý do gì chưa thấy đường Nguyễn Khắc Viện?)

Hẳn sẽ có bạn hỏi: BSNKV thì có “buôn bán” gì mà gọi là “thương hiệu”? Xin thưa: Có đấy! Một buổi trưa, tôi nghỉ lại căn buồng mấy chục mét vuông chật kín sách của hai ông bà trong ngõ Nguyễn Chế Nghĩa, bỗng nghe tiếng kêu: “Ông Viện ơi! Bán cho cháu quả cầu!” Chuyện xảy ra từ hơn 30 năm trước (thì năm nay, BSNKV qua đời đã tròn 20 năm!) khi BSNKV vừa đề xuất khôi phục môn đá cầu lông của dân tộc ta, tạo “sân chơi” thích hợp cho trẻ em, nhất là ở trong trường học. Ông nêu rõ, quân đội từ đời nhà Lý, nhà Trần đã lấy đá cầu làm môn tập luyên bắt buộc; ngày nay, tuy có bóng đá, nhưng một cái sân tốn 2-3 héc-ta đất, chỉ dành cho mấy chục người chơi; quả bóng đá hay tennis đều rất đắt tiền, có khi lên cả chỉ vàng. Còn quả cầu giá chỉ bằng 2 quả chuối, đứa bé nào cũng mua được; cái rẻ tiền nữa là bất kỳ chỗ nào cũng chơi được… Lý thuyết là vậy, nhưng để thành “phong trào” thì phải có thực tế chứng minh. Thế là BSNKV nhờ đứa cháu sản xuất quả cầu, đế bằng miếng cao su, các tua là sợi ni lông (đời xưa thì dùng lông gà, vịt). Trẻ con quanh phố gọi ông Viện mua quả cầu là vậy!

Đây chỉ là giai đoạn mở đầu, sau đó, BSNKV vận động Tổng cục Thể dục thể thao, gặp bà Nguyễn Thị Bình để đề nghị Bộ Giáo dục ủng hộ, năm 1983 đưa cả đội đá cầu của NXB Ngoại văn xuống Hải Phòng thi đấu, Bí thư Đoàn Duy Thành trực tiếp xem rồi chiêu đãi, tổ chức thêm trận đấu cho 1000 khán giả xem… Thế rồi Tổng cục TDTT và Bộ Giáo dục công nhận, đưa môn đá cầu là môn thi đấu chính thức và nay thì đã phổ biến khắp nước…

Nói kỹ một chút về “thành tích” này của BSNKV, tuy rằng có thể có người cho đây chỉ là “chuyện nhỏ” trong sự nghiệp của ông; nhưng từ “thương hiệu đá cầu” do BSNKV khởi xướng thành công, có thể rút ra một số điều gọi là “bài học” cũng được. Đó là muốn xây dựng một “thương hiệu” có uy tín thì trước hết, người chủ trì phải xuất phát từ lợi ích của cộng đồng đông đảo, chứ không chỉ nhằm cho lợi lộc phe nhóm; rồi phải biết tìm trong vốn quý của dân tộc, biết tính toán kinh tế và chứng minh bằng thực hành, đồng thời phải chú trọng công tác tuyên truyền, vận động.

Cũng có thể kể bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp là một “thương hiệu Nguyễn Khắc Viện.” Có lẽ nhiều người vẫn quen nghĩ “thương hiệu” là dành cho các sản phẩm vật chất mua bán ở thị trường (như ô tô, các loại máy móc, đồ dùng gia đình hay thực phẩm…), nhưng hoạt động văn hoá cũng rất cần phải tạo ra “thương hiệu” - nó không chỉ nâng cao danh dự, uy tín cho đơn vị, địa phương, cho quốc gia mà cũng đem lại giá trị kinh tế. Như với bản dịch Truyện Kiều của BSNKV, do được đánh giá cao (Tiến sĩ sử học - Nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt Charles Fourniau từng viết: “Tôi không thể mở Truyện Kiều mà không ngừng xúc động vì kiệt tác này; nỗi xúc động tăng lên gấp bội với sự hiện diện của Nguyễn Khắc Viện…”) nên NXB Ngoại văn (nay là NXB Thế giới) đã tái bản rất nhiều lần. Một “giá trị kinh tế” khác là nhờ có bản dịch Truyện Kiều (và nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Pháp khác nữa) BSNKV được nhận Giải thưởng Lớn của Viện Hàn Lâm Pháp với số tiền 400.000 Franc (gần 1 tỷ đồng Việt Nam) và ông đã dùng phần lớn góp vào Quỹ Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em, xây Trạm y tế ở quê nhà và một số việc công ích khác. Điều cần được nói thêm là để có được bản dịch Kiều xứng đáng gọi là “Thương hiệu Nguyễn Khắc Viện” như thế, dịch giả phải có một quá trình tích lũy vốn tri thức, văn hoá và lao động công phu trên cơ sở tình yêu nồng cháy đối với quê hương đất nước. Cũng chính tiến sĩ Charles Fourniau đã viết về BSNKV: “… Ngay từ những phút đầu tiên, tôi nhận ra ngay đây sẽ là bậc thầy của tôi. Và Ông mãi vẫn là bậc thầy của tôi… Vốn văn hoá của Ông, hay nói đúng ra là vốn các văn hoá của Ông, bởi lẽ Ông có đến ba vốn văn hoá, Việt Nam, Trung Hoa và Pháp… quả thật dường như là vô hạn…” Như vậy, nói một cách khác, nếu trí tuệ, văn hoá cùn mòn và làm ăn kiểu chụp giật, “đánh quả” thì khó có thể tạo ra “thương hiệu” có uy tín.

Có thể dẫn ra một số thành quả nữa nhờ “thương hiệu Nguyễn Khắc Viện”, như việc các bạn Thụy Điển, chỉ duy nhất căn cứ vào uy tín của BSNKV trên trường quốc tế và tình yêu Việt Nam, đã giúp in 40 vạn cuốn truyện tranh Tấm Cám rất đẹp tặng thiếu nhi Việt Nam. Nếu tính giá trị “kinh tế”, quà tặng văn hoá này có thể đến hơn 1 tỷ đồng (nếu tính giá mỗi cuốn là 30.000 đồng)…

Xin được dành phần kết bài viết để giới thiệu một “thương hiệu Nguyễn Khắc Viện” có ích cho mọi người, thậm chí, BSNKV vào những ngày cuối đời đã nói với tôi đại ý: Trong toàn bộ công trình của mình (mà ông Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, từng viết: “…Anh để lại cho những lớp người sau những di sản đồ sộ…”) có khi cái đáng kể nhất là “Bài vè tập thở” vì nó có ích với muôn người và mãi mãi.

Có thể BSNKV đã nói đúng, vì như tôi biết, đến nay, nhiều người đã thuộc bài vè giản dị này, hoặc ghi lên đầu giường; BS. Đỗ Hồng Ngọc trong nhiều buổi diễn thuyết về tập luyện và sức khỏe, cũng đã dẫn bài vè; mới nhất, tôi được nghe qua trang Youtube, bài giảng của thầy Thích Bửu Chánh tại chùa Hoàng Pháp (TPHCM) trước cả ngàn bạn trẻ, trong đó, Thầy đã đưa “Bài vè tập thở” của BSNKV làm nội dung chính, đọc và “hát” từng câu cho mọi người đọc theo đến thuộc. Nhân đây, ghi lại bài vè để ai chưa biết thì áp dung:

“Thót bụng thở ra / Phình bụng thở vào / Hai vai bất động / Chân tay thả lỏng / Mặt Phật ung dung / Tập trung theo dõi / Luồng ra luồng vào / Bình thường qua mũi / Khi gấp qua mồm / Êm, chậm, sâu, đều / Đứng ngồi hay nằm / Ở đâu cũng được / Lúc nào cũng được.”

Bài vè 13 câu, thật giản dị, nhưng đó là kết quả nghiên cứu và thực nghiệm luyện tập theo phương pháp Yoga hàng chục năm của ông. Từ khi còn ở Pháp, do bị bệnh lao mà khi đó chưa có thuốc đặc trị, BSNKV đã phải lên bàn mổ 7 lần, cắt hẳn lá phổi bên phải, 1/3 phổi trái và 8 xương sườn. Các bác sĩ ở Pháp đều nói ông sẽ chết sớm, nhưng nhờ luyện tập Yoga - mà chủ yếu là cách ‘thở bụng”, ông đã sống thọ 85 tuổi! Như vậy, nói cách khác, “Bài vè tập thở” là một “thương hiệu Nguyễn Khắc Viện”, vận dụng phương pháp Yoga, dành cho nhiều người có thể thực hiện, kể cả những người mù!

(Viết nhân kỷ niệm 20 năm ngày BSNKV “đi xa – 10/5/1997-10/5/2017)

T.S.

(Bài vừa đăng trên Tạp chí “Thương hiệu Việt” số 89+90 Tháng 4/2017)