Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SỰ “TRẦN TRỤI” ĐEN TỐI ...

Trần Bất Bình
Thứ tư ngày 26 tháng 4 năm 2017 8:50 AM


TNc: Việc trao đổi về văn chương tôi nghĩ cần thiết, và trang nhà tôn trọng sự khác biệt


Sau khi đọc cuốn: “Bão không có gió” của nhà văn Kiều Vượng do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2012, chúng tôi - Công dân đọc có một vài thiển ý như sau:

- Cái gọi là “Tiểu thuyết du ký: “Bão không có gió” của tác giả là hết sức phản động, sặc mùi hận thù giai cấp. Xa rời chức năng của văn học nghệ thuật chân chính – chức năng: Chân – Thiện – Mỹ. Tác giả mượn cái gọi là " Hiện thực phê phán" để bôi nhọ, bêu rếu, đả kích Đảng.Trong “Bão không có gió” Kiều Vượng dựng lên một hệ thống lãnh đạo cấp tỉnh qua 5 đời bí thư (có quan hệ “anh em” thân thiết” với tác giả (!). Một ban lãnh đạo vô học, dốt nát về chính trị, yếu kém về năng lực lãnh đạo, xuống cấp về đạo đức. Nổi bật lên tư tưởng độc đoán, chuyên quyền, tham lam, vụ lợi. Tương ứng với nó là một hội văn nghệ (trong đó có tác giả) không còn là hội văn nghệ nữa. Mà là một lũ người cơ hội, hãnh tiến, lố bịch, kiêu ngạo. (Những người làm văn hóa mà không có văn hóa(!)). Đảng từ tỉnh xuống đến xã hiện lên trong “Bão không có gió” của tác giả với những bộ mặt méo mó, hết sức hèn hạ, bỉ ổi như: Trần Oánh, Trần Lợi, Lê Xuân, Hoàng Văn Đàm, Xuân Nội… Dốt nát mà lộng hành, độc đoán, chuyên quyền như bí thư Thụ, bí thư Tinh, bí thư Nhân, bí thư Hợi, chủ tịch Phạm v.v. theo Vượng họ là những người thiếu học, thiếu hiểu biết, tham lam quyền lực vô độ. Mang tư tưởng nông dân để làm cách mạng. Thiết nghĩ năm 80, 90 của thế kỷ trước nhà nước Việt Nam đã là một thể chế hoàn chỉnh từ Trung ương xuống đến địa phương. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng. Nhưng theo tác giả, Trung ương quan liêu đã để cho mấy ông chúa đất xứ Thanh (một tỉnh lớn nhất nước) tác oai, tác quái, làm mưa làm gió, gieo họa cho muôn dân. Người đọc không thể tin và không thể chấp nhận được. Sự nghiệp hào hùng của nhân dân Thanh Hóa qua mấy cuộc kháng chiến, đóng góp sức người, sức của hết sức to lớn và vô cùng quan trọng cho sự nghiệp chung của cả nước. Được Đảng và Nhà nước đánh giá cao, lại do những người như thế cầm lái mà có được sao(?). Và sự nghiệp xây dựng hòa bình, đổi mới hôm nay những lớp cán bộ lãnh đạo sau này đã kế thừa và phát huy một cách xuất sắc, lớp người đi trước. Xây dựng Thanh Hóa hôm nay là một tỉnh mạnh của cả nước. Vậy mà tác giả viết như thế này xin dẫn ra đây một số đoạn: “ Một bộ máy công quyền, lộng hành, tha hoá, biến chất xem dân như bọt bèo nổi trôi. Chơi bời trác táng, vung tiên bạc của dân như tiền chùa, tiền lá. Trong lúc các hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng đói rách, đâu đâu cũng ca thán vì oan ức. Nhiều người chỉ còn biết kêu trời ... (Trang 334 sđd). "Cảnh lật đổ nhau tranh chức, giành quyền kéo dài triền miên ...(Trang 449 sđd). :Thượng bất chính thì hạ tắc loạn, đó là một thực tế khó tránh, họ mua bán, phe phái đủ kiểu, cá lớn ăn hiếp cá bé ..." (Trang 338 sđd). "Cái máu quyền lực của vùng đất này được bộc lộ ở tất cả mọi thang bậc của từng loại ghế ngồi. Chức tước không đi lên từ tài đức mà đi lên từ tiền bạc và dây mơ rễ má, họ bồng bế con ông cháu cha để tung lên cao". (Trang 13 sđd). "Biết bao quyết định sai lầm do non kém và lòng tham lam vô độ, để lại nhiều tai tiếng, nhiều thực tế không sao xoá nổi. Ông Chủ tịch UBND thành phố được một phen của nả như nước lũ dồn dập đổ vào nhà và lẽ đương nhiên phải cung phụng để đứng vững, phải chia chác nhiều phần"(Trang 485 sđd). Rồi tác giả mỉa mai "Làm gì ở đất này lại có chuyện dân chủ, càng không có chuyện vì dân, do dân. Các anh là nhà báo phải nói như vậy củng chỉ vì miếng cơm, manh áo như chuyện em chèo đò trên sân khấu thôi mà"(Trang 230 sđd). Và Kiều Vượng còn "Đặc tả" những việc như thế này: " Trong một lần tôi đang làm việc với ông chủ tịch tỉnh thì chuông điện thoại reo và ông nói rất to với người bên kia “Đảng là tao, Nhà nước là tao, pháp luật cũng là tao” mày sợ cái gì? Báo chí à, họ ăn lương thì họ phải viết ..."(Trang 6 sđd). “8 năm sau trong một buổi duyệt kịch bản phimChiến thắng máy bay Mỹ”. Bí thư tỉnh ủy đã nói rằng: Nhiều người không hiểu mà họ vẫn cầm bút viết, họ vẫn nói rằng Bình ngô đại cáolà của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi chẳng qua là cái anh thư ký cho vua Lê Lợi, vua bảo viếtBình ngô đại cáothì ông ta viết. Cũng như thằng Nam là thư ký của tôi, tôi bảo viết cái gì thì viết cái đó, còn khi duyệt sửa ra sao là quyền của tôi chứ" (trang 6, 7 sđd).

Có thể nào tác giả đang tâm mang những lời lố bịch, vô học, vô giáo dục, bất nhã như vậy ngoắc vào miệng những con người đáng kính như thế thì thật vô đạo đức nghề nghiệp hết chỗ nói. Và nữa: “một vị chủ tịch xã sa cơ lỡ vận phải đi ăn mày, ăn xin trên các chuyến tàu khách để lấy tiền nuôi con. Dù ăn mày xa ngái đến mấy thì tối ngày 14 hàng tháng anh ta vẫn về dự cuộc họp thường kỳ của chi bộ và chọn những đồng bạc mới nhất ăn xin được để trao tận tay đồng chí bí thư chi bộ để đóng Đảng phí (!!)” (trang 384 sđd). Thiết nghĩ Chi bộ Đảng là một pháo đài, người đảng viên là một chiến sĩ kiên cường trên pháo đài ấy (theo cách nói của Đảng). Vậy pháo đài của anh ta ở đâu? Nhiệm vụ chính trị của người đảng viên là đi ăn mày, đi ăn xin sao (?!). Nực cười thay điển hình đó lại được Đảng (ông bí thư tỉnh ủy) tung hô, tán thưởng lên tận may xanh, coi đó là điển hình văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới (!). Rồi chuyện này nữa: “Một bà cụ già nông thôn, vén váy đái vào thửa ruộng phần trăm của nhà mình giữa lúc có đoàn xe của khách thăm quan đi qua (ở một xã điển hình). Đã bị chính quyền bắt, truy bức, dọa nạt, khảo tra về ý đồ phá hoại phong trào để tìm kẻ cầm đầu. Cụ quá hoảng sợ lâm bệnh chết. Hôm đám tang chính quyền còn không cho kèn trống nữa". Và cuối cùng tác giả hạ một câu “Cái tội chính vì cụ là nông dân (!)"..."(Trang 230 sđd).

Cán bộ là gốc của công việc, của cách mạng. Công tác cán bộ là một nội dung quan trọng bậc nhất trong đường lối cách mạng của Đảng. Công tác cán bộ có “quy chuẩn – quy trình – quy định” cho từng cấp hẳn hoi, nghiêm chỉnh và minh bạch. Vậy mà tác giả viết thế này: “Đại hội Trung ương lần thứ V vào tháng 2 năm 1982 anh Thụ bị chồng bà Nguyệt gạt ngay ra để anh Tinh lọt vào Ủy viên dự khuyết Trung ương và chính thức làm bí thư Tỉnh ủy thay anh Thụ” (Trang 258 sđd). Làm gì có cái gọi là “Đại hội Trung ương lần thứ V” (?!). Rồi chuyện ông Hoàng lãnh đạo Công an tỉnh "Đặt bẫy" hảm hại ông Nghệ cấp dưới của mình (Vì không ăn cánh). Rồi việc ông Hoàng đã bị ông Tinh (Bí thư tỉnh uỷ) khai trừ khỏi Đảng lại được ông Nhân (Bí thư tỉnh uỷ mới) phục hồi và đề bạt lên cấp trưởng và sau đó lại chính ông Nhân đề bạt ông Hoàng lên ghế thứ trưởng Bộ Công an khi ông ra làm phó ban tổ chức Trung ương Đảng (?!). Còn ông Lê Huy Ngọ (tên Nhân trong truyện) thì Kiều Vượng viết thế này: "Gần 30 năm xa quê, lang thang kiếm sống, có lúc ngồi bán nước mắm ở chợ Đồng Xuân Hà Nội lại trở về với cái chức bí thư tỉnh ủy mới là điều đáng nói” (trang 386 sđd). Còn ông Trịnh Trọng Quyền (nhân vật Hợi trong truyện) thì tác giả viết thế này: “Một lính TNXP khỏe như trâu đất, được đồng đội tin yêu luôn cử đi lấy mo nang, cây vầu về thay dép rồi học mãi, "lang nhang" mãi để gặp vận số lên làm Bí thư tỉnh uỷ thì trách làm gì” (trang 498 sđd). Còn khi nói về ông Hoàng Văn Hiều (tên Thụ trong truyện) Vượng viết thế này: “Đi xuống huyện kiểm tra, khi cơm nước đặt ra bàn thì anh lại đánh xe về tỉnh. Nhiều lần đi thăm đồng, anh đem mo cơm đi theo. Anh không thể biết rằng sự trong sạch ấy lại là sự bạc bẽo với bao nhiêu người đã theo anh, vì anh mà sống chết với công việc. Cái tấm gương lồng lộng và vô cùng linh thiêng ấy lại là nỗi đau đớn, xót xa cho cả cuộc đời tôi. Không phải mình tôi mà bao nhiêu người theo anh đều có kết cục ấy …”(!) (trang 238 sđd).

Thiết nghĩ, tác phong đó của ông Thụ là tác phong học theo tác phong Hồ Chủ Tịch, đáng biểu dương và khích lệ chứ? Sao lại là bạc bẽo với mọi người, với dân (?) để những người “anh em” như Kiều Vượng không chịu nổi (!). Thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước là thời điểm đất nước vừa mới bước qua cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, nhân dân vô cùng thiếu đói và gian nan (như tác giả đã Viết). Ông Thụ một bí thư tỉnh ủy làm sao mặc nhiên đánh chén lu bù với mấy ông cán bộ cơ sở mỗi khi đi kiểm tra? Một cán bộ lãnh đạo thanh liêm, không hẫu cánh, chia chác, không nâng đỡ loại người như tác giả là bạc bẽo, là không có đạo đức sao (?). Thật buồn! Tác giả đã không hiểu được đâu là cao thượng – đâu là thấp hèn, đâu là đúng – sai; phải – trái(!). Kiều Vượng “rất thật” trong bộc lộ quan điểm và nhận thức của mình (!)

Trong : "Bão không có gió" có câu chuyện Quảng Lộc là ký chăng? vì có địa danh đúng, tên người đúng. Đó là sự kiện đấu tranh chống tham nhũng của nhân dân đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhưng vì động cơ bồi bút, tác giả đã nhẫn tâm xuyên tạc, vu khống, bóp méo sự thật, đánh tráo bản chất sự kiện. Tuyên truyền trước một bước trên báo chí (lúc bấy giờ) để dọn đường cho ông Hoàng - Giám đốc Công an tỉnh bắt tống giam, bỏ tù những người dân đấu tranh, đẩy họ vào cảnh bần cùng khốn khổ chưa từng thấy. Và một lần nữa Kiều Vượng còn viết sách (Bão không có gió) xuyên tạc, bêu rếu người dân Quảng Lộc với những tình tiết hết sức đê tiện, bỉ ổi. Vu khống người dân đấu tranh chống tham nhũng là "Bạo loạn", "cướp chính quyền" (!). tác giả bịa đặt, xuyên tạc "đưa tin mập mờ, ám chỉ" kiểu như "cách mạng hoa hồng" hay "cách mạng màu da cam" ở Đông Âu thời kỳ đó. Tác giả tự mâu thuẫn với mình như thế này: "Lợi dụng đổi mới hàng loạt điểm nóng bùng lên, một số người nổi lên dựng cờ, tự xưng là "nhóm phong trào" ... thảo ra cương lĩnh gồm 16 chương đánh máy chữ gửi đi nhiều nơi đòi thành lập một chính quyền mới. Do Hà Văn Vinh cầm đầu và tự xưng là chủ tịch của "nhóm phong trào". Vinh đứng ra chống lại bọn người hư hỏng, tham ô, ăn cắp trong Đảng để gây bạo loạn".(trang 388,389,395 sđd). Đọc đến đây người ta thấy tác giả lộ ý đồ ăn cắp Thuỷ Hử một cách lố bịch và vụng về, Tuồng như Quảng Lộc là thảo khấu "Lương Sơn Bạc" và ông Hà Văn Vinh là "Tống giang thời đại".

Xin hỏi Kiều Vượng: Cờ gì? Cờ ba sọc hay cờ búa liềm (?!) Phong trào gì? Phong trào plestin hay phong trào khai sáng (?!) Chính quyền gì? Chính quyền Xô Viết hay chính quyền IS (?!) Cương lĩnh gì? Cương lĩnh Gô ta hay cương lĩnh mặt trận DTGPMN (?!) Kiều Vượng không định danh và không định tính được (!). Mà sao lại là "Nhóm phong trào"? Nếu có thì chỉ là "phong trào đấu tranh chống tham nhũng" thôi chứ. Chữ nghĩa gì mà ngu tối đến vậy (?!). Người dân đấu tranh chống tham nhũng bị bắt, bị bỏ tù thì tác giả không đưa tin (không viết). Chính quyền tham nhũng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì tác giả lại viết họ bị bắt, bị xử tù rất nặng (!). Người dân đấu tranh viết đơn (viết bằng tay) khiếu tố lên huyện, tỉnh, Trung ương thì tác giả vu khống là "Thảo ra cương lĩnh gồm 16 chương đánh máy gửi đi nhiều nơi, đòi thành lập chính quyền mới". Tác giả viết: "họ ép buộc dân phải theo họ để đấu tranh với chiêu bài đòi công bằng xã hội" (trang 396 sđd). Xin hỏi Kiều Vượng họ là ai? là IS hay Anqueda? "Công bằng xã hội" là mục đích, thậm chí là lý tưởng nữa của Nhân dân và Đảng, nó luôn được đặt ra trong tất cả các Văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước. Và trong các bài phát biểu của các vị nguyên thủ Quốc gia. Vậy mà Kiều Vượng lại gọi là "chiêu bài" (!).

Tác giả phịa ra chuyện ông Vinh cho 2 “xe kích đuổi theo tác giả (!) rồi phịa ra chuyện rào làng với chuyện người dân đấu tranh mang súng ống ra thị uy (?!). Súng ở đâu? Ai trang bị? xe kích ở đâu? Tác giả viết như vậy đủ cơ sở để buộc người dân đấu tranh vào tội “bạo loạn vũ trang cướp chính quyền” rồi còn gì (?!). Động cơ nào mà Kiều Vượng dựng lên bao chuyện động trời như vậy. Và viết tiếp: "Ông Hoàng Giám đốc Công an tỉnh ngắt lời: phải dập tắt ngay bằng mọi giá, nếu để nó bung ra nhiều nơi cùng làm theo thì vô cùng nguy hại, chỉ có anh mới giúp được tình hình lúc này ... biết đâu sau vụ việc này mình lại viết được cái gì đó nên hồn ..." và "Cái nên hồn" của Kiều Vượng là thế này chăng (?!). Xin dẫn ra đây một đoạn để thấy Kiều Vượng "Điếm văn", "ma giáo", "láu cá" đến mức nào: “Căng thẳng thế này bí thư nên cho ta một chén rượu chứ” (!). (Trong truyện tác giả nói đến uống rượu rất nhiều lần với nhiều người mà toàn uống rượu nút lá chuối với lạc rang(!) thì đích thị tác giả là tay “Bợm rượu” rồi )(!) thậm chí tác giả còn bôi bác Ông Nhân (ông Lê Huy Ngọ) mới ở Hà Nội về thay ông Tinh làm Bí thư tỉnh ủy chưa được bao lâu mà đã rành quán thịt chó bà Lạc ở đường Nguyễn Trãi rồi rủ Kiều Vượng ra đó đánh chén (!). Tác giả tiếp: “Nếu các anh thật sự lo lắng cho dân, thì ta hãy uống cạn hết chỗ rượu này rồi hãy bànanh Nhân đứng phắt dậy nâng cốc rượu đầy sóng sánh và tuyên bố: Cả “3 anh em tacạn một hơi nào. Chỉ trong chốc nhát cả 3 cái cốc không còn rượu đã được đặt kịch xuống bàn ..." (!). và tác giả lại tiếp: “Vì tôi với Vinh là bạn học, bạn thân một thời nên rất có thể vì nể tôi nên Vinh sẽ rút dân về. Nhưng thưa anh Nhân kính mến! biết đâu ngay chiều nay sẽ có lệnh bắt tôi vì tôi là người cầm đầu vụ này thì sao (?!). Anh không phải là kẻ cầm đầu thì tại sao anh vừa ló mặt ra nói một lời đã giải tán được dân …” (!!!). Xin thưa với Kiều Vượng rằng: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nhân dân Quảng Lộc bao gồm hàng ngàn dân, hàng trăm đảng viên tham gia, nòng cốt là những cán bộ hưu trí, những anh bộ đội Cụ Hồ. Nhiều người là sĩ quan cấp uý, cấp tá, cựu chủ tịch huyện, kĩ sư, giám đốc xí nghiệp. Họ có một quá khứ oanh liệt trong sự nghiệp vệ quốc vĩ đại. Trong số họ có nhiều người được Đảng và Nhà nước cho học hành tử tế ở các trường đào tạo. Học đạo làm người chân chính để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Biết phân biệt phải trái, yêu, ghét rõ ràng. Biết cao thượng, thấp hèn. Chứ đâu phải như Kiều Vượng, chỉ đi dự một lớp bồi dưỡng, rồi "viết lách xằng xiên". Không biết đến liêm sĩ là gì. Họ ngàn lần thanh sạch hơn Kiều Vượng. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nhân dân Quảng Lộc biểu thị một ý thức công dân cao. Một bản lĩnh chính trị vững vàng, họ hiểu việc họ làm vì sự công bằng và tiến bộ xã hội, là đỉnh cao của giá trị nhân văn. Không ai ngăn cản hoặc lôi kéo được họ cả. Đứng ở thời điểm năm 2013 trên lập trường quan điểm nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về nội dung “Xây dựng Đảng cấp bách thì việc làm của nhân dân Quảng Lộc thập niên 90 của thế kỷ trước là đáng biểu dương hơn là bắt tù tội. Là phong trào tiên phong của cả nước cách nay 1/4 thế kỷ. Có lẽ vì ngu xuẩn, dốt nát và một phần vì vụ lợi đã không cho Kiều Vượng hiểu được điều đó. Kiều Vượng lu loa lên rằng mấy ông lãnh đạo tỉnh " rồi họ sẽ cưỡng dâm lịch sử như chơi" (trang 7sđd). Còn Kiều Vượng thì sao? Tác giả là kẻ xuyên tạc, vu khống, báng bổ lịch sử. Ai đọc hơn 500 trang "Bão không có gió" của Kiều Vượng đều thấy như thế. Sự kiện Quảng Lộc thập niên 90 của thế kỷ trước là lịch sử ( lịch sử bi tráng của những con người đi tiên phong của thời đại). Những kẻ cầm bút viết lách như Kiều Vượng thực ra là tội đồ của lịch sử, cản trở bước tiến của xã hội. Là "tai ương chướng hoạ của nhân quần". Trong truyện tác giả nói nhiều đến tâm linh - phúc hoạ - báo ứng. Và rất tin vào luật nhân quả. Nghĩa là Kiều Vượng tin vào NGHIỆP. Xin hỏi tác giả viết như vậy là hành nghiệp ác hay nghiệp lành? Làm phúc hay gieo hoạ cho người dân Quảng Lộc (?). Không lẽ viết theo đơn đặt hàng, vì chút lợi riêng mà tác giả táng tận lương tâm, bẻ cong ngòi bút, đang tâm "ngậm máu phun người", bôi tro trát trấu vào mặt người dân kiên dũng như thế ? Viết lách, tuyên truyền kiểu như thế thì người dân Quảng Lộc phải tan cửa, nát nhà, phải tù tội, phải chết là phải (!). Hơn 500 trang "Bão không có gió" của tác giả chỉ nói láo, nói phét, nói bậy bạ, vô trách nhiệm. Duy chỉ có một điều Kiều Vượng nói thật về mình: “Nghề ngỗng không có, văn chương lớm khởm, viết lách lăng nhăng; tôi bắt đầu nghe lời anh Phụng răm rắp... Viết xong thông qua một nhân vật quan trọng, nếu ông ấy gật thì cậu đổi đời, cậu sẽ có tất cả. Tôi mừng ra mặt, vâng dạ rối rít rồi nhận lời ngay"(trang 268 sđd) . "Đang lúc khốn khó lại có người cứu vớt thì còn gì bằng…”Gạo, vịt, lợn đã ăn tiêu rồi, nếu tác phẩm chưa được chấp nhận thì cũng nguy” (trang 236 sđd). Đích thị tác giả là một gã bồi bút đã rõ. Tác giả còn là một tên lưu manh, láu cá có hạng, rất giỏi mánh khóe, lừa đảo, làm tiền. Thậm chí làm tiền cả Bí thư tỉnh ủy (trang 500, 501 sđd). Tác giả còn ngậm máu lợn làm giả máu người thổ ra tay để lừa cấp trên là mình bị lao phổi (!) v.v và v.v. Kiều Vượng quả đúng như nhạc sĩ Hoàng Sầm nhận xét (trong truyện): “Là tên lưu manh vô cùng xấu xa” (!) (trang 450 sđd). Kiều Vượng tự thú nhận "Dẫu ông Xuân có mượn danh anh Tinh ép buộc tôi làm tan đàn, xẻ nghé cả giới văn nghệ tỉnh nhà" .(trang 297 sđd). Để rồi tác giả lại than trách rằng đi đến đâu cũng bị anh em bạn bè thân thiết đá đít, quay lưng (!) và chua chát thốt lên "Mãi về sau này tôi mới nhận ra mọi cuộc kết nghĩa anh em này nọ chẳng qua chỉ để phục vụ cho lợi ích đương thời của một nhóm người đó mà thôi" (trang 489 sđd). Đó là lời ăn ăn muộn màng nhưng thật lòng của kiếp bồi bút của tác giả (!).

Người xưa có câu: “Văn dĩ tải đạo”. Văn hào Macxim Gook Ki thì nói: “Văn học là Nhân học” có nghĩa là đối tượng phản ánh chủ yếu của văn học là con người và xã hội của nó. Tuy nhiên, nội hàm của câu nói ấy còn đề cập đến vai trò chủ thể của người cầm bút nữa. Đó là lập trường – quan điểm – tư tưởng của nhà văn. Vậy ĐẠO VĂN và NGƯỜI VĂN của Kiều Vượng là như vậy sao (?!). Một nhà văn chân chính họ phải là “thư ký trung thành của thời đại” như văn hào Banzăc đã nói. Họ phản ánh, mô tả, biểu đạt hiện thực khách quan trong mối tương quan lô gíc biện chứng của nó và thông qua sự phản ánh, mô tả biểu đạt đó để phát hiện và kiến giải một cách sâu sắc các hiện tượng, sự vật ...

Hiện thực cuộc sống là vô cùng phong phú, đa dạng, phức tạp: Hiện tượng và bản chất; tiến bộ và lạc hậu; cao thượng và thấp hèn; thiện và ác luôn luôn biểu hiện hết sức sinh động khôn lường. Nhà văn cần có TÂM và có TẦM, phải nắm được “biện chứng pháp lịch sử” và “biện chứng pháp tâm hồn”. Phải có một nhỡn quan chính trị - triết học sâu sắc thì anh ta mới ngang được “tầm chiến lũy”, mới đi kịp cùng thời đại của mình, mới khả dĩ hoàn thành sứ mệnh của người cầm bút. Nhưng xem ra sự thiếu hụt về kiến thức, sự vênh váo về lập trường, quan điểm, tư tưởng đã làm cho bút lực của Kiều Vượng hết sức hạn chế, mâu thuẫn và không thuyết phục. Kiều Vượng đi nhặt nhạnh trong cái mớ hỗn tạp của dư luận, một số thiên kiến chủ quan phù hợp với tư tưởng của mình đem nhào trộn với những mảnh rời rạc, vụn vặt của cái gọi là "Kí ức" "Hoài niệm" của cá nhân mình để thành một mớ hổ lốn. Văn Chương của Kiều Vượng là thế. Nhưng cũng là điều dễ hiểu ở Kiều Vượng thôi. Ngoài kiến thức hạn chế Kiều Vượng còn bị chi phối bởi 2 điều chủ yếu cơ bản đó là: "lập trường giai cấp" và "động cơ bồi bút". Kiều Vượng công khai bộc lộ tư tưởng của mình trong từng trang viết ngay từ những trang đầu: "May mà có quá nhiều biến cố, quá nhiều đảo điên trong từng giai đoạn lịch sử như thế nên em mới "quay sang" viết văn, "mới trở lại làm con người thật hôm nay"". Kiều Vượng nói với ông Thụ (trang 14 sđd). Tác giả hằn học cay đắng khi viết như thế này: “… Bác Hồ và Đảng đánh đổ người giàu, người có của ăn của để, địa chủ, phú nông để lấy rộng đất chia cho người nghèo” (trang 88 sđd). (trong đó có gia đình Vượng). “Tôi ngồi bên mộ bố rất lâu, nhưng không nói được lời thành tiếng – oan ức cho bố quá bố ơi” (trang 87 sđd). “Không ngờ cái lý lịch ấy thành gánh nặng đè lên vai làm tôi lao đao khốn đốn mấy chục năm trời” (trang 153 sđd). "Tổ chức ư? chính cái hệ thống tổ chức này đã làm tôi kiệt quệ ... trong mọi ngôn từ tôi sợ nhất là 2 từ tổ chức" (trang 30 sđd). Và tác giả còn bịa ra một chuyện đầy thâm ý như thế này: Nhà ông Bát Hảo bên hàng xóm nghèo rớt mồng tơi. Hai cha con kéo rùng bắt được nhiều vàng lắm. Lời đồn đại đó là có thật nên chỉ một thời gian sau nhà ông giàu sụ lên làm nhà ngói tòa ngang dãy dọc, con ăn đứa ở trong nhà đông vui tấp nập. Ông ban phát làm phúc cho bao người nghèo khó trong làng. Thời gian giầu sang triệu phú của Ông chỉ được 4 năm thì cuộc cải cách ruộng đất bùng nổ. Nhà Bát Hảo bị đưa lên thành phần địa chủ cường hào ác bá. Ông bị lôi ra sân đình đấu tố hàng chục đêm liền… “Tối nào tôi cũng nghe cái âm hưởng “Đã đảo Trần Bát Hảo cường hào gian ác bóc lột nông dân” vang lên với bao lời lẽ đẹp đẽ lạ lẫm(!). Hôm ông Bát Hảo bị đưa lên chợ Bùi bắn. Một ông Đội cải cách hỏi: -“Tên địa chủ cường hào ác bá kia mày có cần nói lời cuối cùng không?” giọng ông nhỏ nhưng đủ nghe: “Trời cho tôi và trời đòi lại là lẽ công bằng. Đáng ra trời chỉ nên đòi của lại chứ đổi mạng người bằng của thì thật bất công”…Mà sao Đội lại chọn toàn những người từng ăn ở được ông cưu mang trong nhà cầm súng bắn ông (!)(trang 39- 40 sđd). Ngày đó Việt Nam đâu đã có luật tư pháp hoàn chỉnh để có toà án đúng nghĩa và động thái “lời nói cuối cùng”. Và tác giả nghiến răng không che đậy: “Đó là sự thật làm tôi luôn phải nhìn vào đầu các ngón tay cầm bút của mình” (trang 494 sđd). Thời đại lịch sử mà tuổi trẻ cả nước hân hoan lên đường "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước-Mà lòng phơi phới dậy tương lai".(Tố Hữu). Cái tuổi đôi mươi ngùn ngụt hoài bão, lý tưởng, sống cao đẹp sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn "Yêu biết mấy những con người đi tới Hai cánh tay giơ như hai cánh bay lên. Ngực giám đón lấy phong ba giữ dội. Chân đạp bùn không sợ những loài sên" (Tố Hữu). Thì tác giả lại giả vờ làm "một nhà nhân đạo", "nhân văn" rởm để than vãn: "Xót xa thay cho những lãng mạn của tuổi hai mươi" (trang 116 sđd). Để rồi tác giả lên án: "Sao họ ác thế? sao họ đầy đoạ chúng ta mãi đến chết mòn ở đây" (trang 75 sđd). Mặc dù Kiều Vượng đi chiến trường không được mấy ngày do không đủ tiêu chuẩn (!). Tác giả viết: "Cái trò đem con bỏ chợ thế này đây ... nếu biết chỉ lừa bịp nhau để bỏ xác giữa biển làm mồi cho cá thế này thì ai dại mà đi" (trang 146 sđd). Nếu tác giả viết những dòng này những năm 60, 70 của thế kỷ trước thì chắc chắn Kiều Vượng phải vào nhà đá "bóc lịch" rồi (!). Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta thắng lợi. Chúng ta phải khẳng định rằng vai trò lịch sử vô cùng quan trọng của chế độ XHCN ở Miền Bắc. Mà nền kinh tế tập trung kế hoạch hoá là hết sức cần thiết trong việc thống nhất ý chí và tổ chức huy động sức người, sức của của hậu phương lớn Miền Bắc cho tuyền tuyến lớn Miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Sự quá độ tồn tại hình thức kinh tế tập trung "là một tất yếu lịch sử" và khi thống nhất đất nước (giang sơn thu về một mối). Chúng ta đổi mới, mở cửa, hội nhập cũng là một "tất yếu biện chứng". Tuy nhiên mọi sự lột xác để đổi mới bao giờ cũng rất khó khăn, thậm chí là đau đớn nữa. Để rồi chúng ta có được một "tầm vóc Việt Nam " như ngày hôm nay.

Nhưng vì lòng hận thù giai cấp không nguôi ngoai, tư tưởng chủ đạo của ngòi bút Kiều Vượng là: "phủ định tất cả" "xuyên tạc tất cả". Từ đó tác giả mỉa mai: "có một thời CNXH là tất cả cùng lên sân khấu, tất cả hát đồng ca; CNXH là nông trang hoá, là nông trường hoá, là hợp tác hoá, “là được hoá nhiều thứ lắm”. Nhiều người cứ nói CNXH làm gì có bi kịch" (!) (trang 297 sđd). Từ ngày Đảng thiết lập chính quyền cho đến này (nhất là sau ngày thống nhất đất nước 1975). Mọi hoạt động, phong trào của nhân dân "nhất cử, nhất động" đều xuất phát từ chủ trương đường lối của Đảng. Vậy mà tác giả tuỳ tiện xuyên tạc phịa ra thế này: "Năm 1989 nạn đói hoành hành và đây là thời điểm toàn dân nơi nào cũng vung tay đập phá chùa chiền, miếu mạo dưới khẩu hiệu là thực hiện triệt để việc chống mê tín dị đoan. Đâu đâu cũng rầp rập không khí đòi đổi mới. Tất cả xuống đường đòi đổi thay tất cả nên không khí thật sự nhốn nháo. Tượng phật từ các đền chùa, miếu mạo bị đập phá, hàng trăm pho tượng sơn son phết vàng bị vứt ra các lối đi như một cuộc hành hình tới mức vô thức" (trang 369 sđd). “Nhiều vùng quê các dòng họ nổi lên. Nạn cá lớn ăn hiếp cá bé ngày một nặng nề không chỉ ở các làng xã mà ngày cả từ trong các dòng họ …” ."Lợi dụng đổi mới hàng loạt điểm nóng bùng lên. Tại vùng đất Trung Du một số xã đã rào làng chống lại chính quyền vô cùng quyết liệt".(trang 388 sđd). Làm gì có chuyện như vậy. Mà sao lại là "lợi dụng đổi mới" (?!). Đổi mới là một chủ trương lớn của Đảng, đổi mới là một phạm trù. Tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng là một phạm trù khác. Đồng nhất hai khái niệm đó là một sai lầm cơ bản về mặt lý luận. Ngõ hầu dẫn đến sai lầm trong thực tiễn. Năm 1990 của thế kỷ trước công cuộc đổi mới bắt đầu bằng đổi mới cơ chế kinh tế. Trong nông nghiệp : xoá bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp. Thực hiện cơ chế khoán trực tiếp đến người lao động. Toàn bộ tư liệu sản xuất, tài sản của tập thể được mãi giá tháo khoán. Cũng chính từ đây tệ tham nhũng được cơ bùng phát, bất công bằng xã hội được đẩy lên đỉnh điểm, mâu thuẩn trong nội bộ nhân dân trở nên sâu sắc. Và đấu tranh chống tham nhũng xảy ra như một hệ quả tất yếu mà Vượng gọi là "hàng loạt điểm nóng bùng lên". Nhưng tiếc thay Kiều Vượng không hiểu được điều này (!). Hay là tác giả cố tính xuyên tạc, đánh tráo bản chất sự kiện (?).

Đọc Kiều Vượng người ta không thể yêu Đảng được. Không thể thừa nhận Đảng là ánh dương được. Và dường như còn là tội đồ của lịch sử nữa(!). “Đó là một thành công của Kiều Vượng”. Tác giả nung nấu một ý đồ trả thù. Cân nhắc kĩ càng thời cơ ra đòn: Năm 2012 là thời cơ chín mùi, thích hợp nhất. Đó là tình hình bối cảnh xã hội ra đời Nghị quyết IV - BCH Trung ương khoá XI. Và công to việc lớn trong nhà đã hòm hòm như: Công ăn việc làm của con cái, bia đá nhà mồ cha mẹ đã xong. Tóm lại việc âm việc dương coi như đã hoàn tất. Thật là “hoan hỉ mãn nguyện”(!). Hơn nữa cũng đã "Ngấp nghé miệng lỗ" rồi còn gì nữa mà sợ. Và tác giả quyết định giáng một đòn chí mạng vào "kẻ thù tư tưởng" của mình. Quyết định trình làng "Bão không có gió" - đứa con tinh thần quan trọng nhất trong đời cầm bút của Kiều Vượng. Những điều mà tác giả đã gửi gắm, ký thác sâu xa vào đó.

Nhân sinh quan, thế giới quan của một nhà văn in đậm vào “Đứa con tinh thần” của mình. Một nhà văn chân chính xấu hổ thay, không chịu nổi khi đọc những câu này của Kiều Vượng: “Cái đặc tính của nhà văn là “Khi thích” thì vị tha tất cả, vứt bỏ tất cả nhưng khi một cái gì đó chạm đến nhân cách của họ thì họ quyết không tha...” (trang 304 sđd). Xin hỏi tác giả: “Khi thích” là khi nào? Sao lại “Vị tha tất cả” (?) “Vứt bỏ tất cả” là vứt bỏ cái gì? Và còn nói“…nhà văn chỉ hầu hạ có 2 người đó là cha mẹ và người đẹp (đàn bà). Cha mẹ là người sinh thành, nuôi nấng, dạy dỗ anh thành người anh phải hầu hạ. Người đẹp khi nhận ra tài năng của anh, họ cảm phục tài năng và “TỰ NGUYỆN DÂNG HIẾN” cho anh (!). Đó là người đáng hầu hạ. Còn mọi thứ khác chỉ là rác rưởi…” (!!!) (trang 367 sđd). Có đúng vậy không các nhà văn yêu kính của chúng tôi(?!) Phải chăng đây là “Tuyên ngôn bất hủ” là cái “tiết tháo” của Kiều Vượng nhà văn (?!). Đàn bà “TỰ NGUYỆN DÂNG HIẾN” cho nhà văn là dâng hiến cái gì (?). Tổ quốc - nhân dân và Đảng là rác rưởi sao (?!). Văn học cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm. Đã "lột xác để nhận đường" từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước. đâu còn là "như thuyền ngư phủ lạc trong sương" (Xuân Diệu). Văn học cách mạng đã khẳng định khuynh hướng nghệ thuật rõ ràng giữa "nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh" . Xác định Tổ quốc - nhân dân - Đảng là tinh thần thượng tôn của nghệ thuật. Phát ngôn trên của Kiều Vượng là khuynh hướng gì? "nghệ thuật vị nghệ thuật" hay " nghệ thuật vị nhân sinh" ? tất cả đều không phải. Mà nó là một khuynh hướng bệnh hoạn, thô lố. Phát ngôn của con "yêu râu xanh" hơn là phát ngôn của một nhà văn - một kiến trúc sư của tâm hồn. Kiều Vượng muốn làm người "phát ngôn gây xốc" như một số kẻ theo "mốt thời thượng" vẫn thường làm để được "nổi danh chẳng" (?!).

Về phương diện văn chương học thuật "Bão không có gió" cái gọi là "tiểu thuyết du ký" của Kiều Vượng thực ra chỉ là "hồi ký tự truyện". Vì đã là tiểu thuyết thì phải có cốt truyện – nhân vật. Nhưng không hề có một cốt truyện đúng nghĩa. Mà nhân vật thì cũng không hoàn toàn. Nhân vật phải có tâm lí, tính cách, số phận hoàn chỉnh, nhưng ở đây chỉ thấy những nhân vật què quặt từ trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên để tác giả mượn họ phát ngôn bừa bãi. Còn ký cũng không ra ký. Đã là ký thì sự kiện, nhân vật, thời gian, địa lý phải có tính trung thực khách quan. Nhưng ở đây tác giả đã đánh tráo bản chất sự kiện, nhân vật vì động cơ bồi bút của mình (ví dụ như sự kiện Quảng Lộc chẳng hạn hoặc mấy ông người đã thay tên đổi họ để tác giả miệt thị, báng bổ, châm chích). “Bão không có gió” là mớ hổ lốn không đại diện cho một bút pháp nào cả. Thiếu tính lôgic, nhiều trùng lặp, lôn xộn, mâu thuẩn, vụn vặt, lan man. "Con cà, con kê, dây cà, dây muống" về cuộc đời hơn 30 năm thăng trầm "bất như ý" của KiềuVượng. “Bão không có gió” viết sau gần cuối cuộc đời (2012). Sau bao biến thiên vật đổi sao dời. Những nhân vật trong truyện hầu như đã chết cả rồi, không còn ai sót lại trên chính trường tỉnh Thanh Hoá nữa. "Còn gì nữa mà sợ" (!). Mấy ai biết thực hư ra sao, mà có biết tác giả viết bậy, viết láo thì cũng có làm gì (!), chuyện vỉa hè người dân xứ Thanh có ai còn lạ gì (!). Tác giả gian trá, nguỵ trang gián cho nó cái mác "Tiểu thuyết du ký" để mặc sức xuyên tạc, bóp méo sự thật "mập mờ đánh lận con đen", mặc sức bôi đen, tô hồng cho một dụng công nham hiểm: (Ký là có thật – tiểu thuyết là bịa – ai hiểu sao thì hiểu). Chẳng bắt bẻ được Kiều Vượng đâu (!). Kiều Vượng là cây bút lưu manh, láu cá có hạng nên đánh lừa được các tổ chức và rất nhiều người. Tác giả luôn biết cách đánh bóng tên tuổi của mình một cách khéo léo, trâng tráo khoác cho mình một cái áo “chính nhân quân tử” Con đường tiến thân của Kiều Vượng là nhờ vào đức tính bẩm sinh ấy” (!). Tác giả còn trơ trẽn viết như thế này : “Ông Kiều có làm chủ tịch tỉnh cũng không quá đáng. Cái số ông ta chỉ làm văn nghệ nhưng đến làm chủ tịch Hội cũng không được. Nay ông Kiều chỉ còn một việc là lau bàn ghế, ấm chén để hầu hạ các anh, vậy mà các anh cứ cố tình không cho việc làm thì tôi không thể hiểu nổi …”(trang 377 sđd) – Lời ông Bí thư Thành ủy.

Văn của tác giả cũng thường thường bậc bét” thôi. Nói vậy không phải người đọc không thấy "Thái sơn" ở đâu, mà thực ra Kiều Vượng cũng chỉ là đụn đất, gò hoang nơi cư ngụ của loài rắn rết, cú vọ mà thôi. Văn chương dở là chuyện thường tình xưa nay, chẳng ai trách chuyện đó. Mà người đọc trách ở Kiều Vượng cái đạo làm người – cái đạo làm văn của Kiều Vượng. Nghề văn là nghề “gạn đục, khơi trong”. Trước tiên phải là người có liêm sỹ, có liêm sỹ thì mới tiếp cận được đến: chân – thiện – mỹ. Mỉa mai và nực cười thay cho tác giả! Tác giả cao ngạo rằng: “viết về cuộc đời riêng để cho hậu thế phải nhớ” (!) (trang 435 sđd). Thông điệp của tác giả là gì? cuộc đời riêng của Kiều Vượng có gì để hậu thế phải nhớ đây (?!). Và “Văn chương chỉ có một chữ “HAY” thôi, ngoài ra không có gì đáng nói cả…” (!) (trang 389 sđd). Tác giả nói vậy để người đọc ngộ nhận rằng: "Văn Kiều Vượng hay lắm lắm" (!). Văn của Kiều Vượng được gọi là hay thì thứ văn chương như thế ở trong thiên hạ chứa đâu cho hết (?). Một tác phẩm văn học được gọi là hay thường có “giá trị cứu rỗi tâm hồn con người”. Nhưng hơn 500 trang “Bão không có gió”, ngoài những lời xuyên tạc, bóp méo, thóa mạ lịch sử bằng một thứ văn chương hạ đẳng ra thì chỉ còn lại một cái “TÔI” to đùng vừa ngô ngê, hợm hĩnh, vừa pha tạp, vừa láu cá. Đọc Kiều Vượng dễ làm người ta thấp xuống, hèn đi. “Bão không có gió" đã vi phạm nghiêm trọng tính Đảng trong Văn học nghệ thuật.

Văn nghệ xứ Thanh và những người dân quan tâm đến đời sống văn nghệ tỉnh nhà đều biết đến lời đồn: Kiều Vượng viết thì tồi nhưng lách thì cực kỳ giỏi. Nhất là khâu chạy chọt và lừa đảo làm tiền. Từ những năm 90 của thế kỷ trước đã là người giàu nhất trong làng văn nghệ xứ Thanh. Vào thời điểm đó dân tình còn vô cùng nghèo đói (kể cả khối viên chức nhà nước). Nhưng Kiều Vượng đã có một cơ ngơi bề thế giữa trung tâm thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa). Tác giả suốt ngày cỡi “con đê đê” lùng sục vào các cơ quan, công sở, xí nghiệp, trường học để “quan hệ ngoại giao” và gần đây nghe nói còn lấy danh nghĩa nhà văn đem sách vào cơ quan trường học để bán và tán tỉnh mấy cô giáo làng (!!!)...

Kiều Vượng có thể đã có “Tên” có “Tuổi”. Song tuyệt nhiên không bao giờ là một người chân chính. Bởi lẽ người chân chính không bao giờ hành xử và viết lách như vậy.

Chúng tôi rất lấy làm lạ là tại sao viết lách như Kiều Vượng trong “Bão không gió” mà vẫn cứ được đăng, in ? Tác giả phù phép kiểu gì mà lọt được lưới kiểm duyệt?

Qua đây chúng tôi xin góp một "tiếng nói phản biện" trước một hiện tượng trong đời sống văn hoá văn nghệ nói trên. Những ý kiến trên thuần tuý trên phương diện lập trường - quan điểm - tư tưởng văn học cách mạng. Không bàn nhiều đến tính văn chương học thuật.

Nhân đây chúng tôi cũng xin kiến nghị với BCH Hội Nhà văn Việt Nam xem xét lại tư cách nhà văn của Kiều Vượng. Chúng tôi thiết nghĩ rằng: Sự tồn tại những cây bút kiểu Kiều Vượng nhà văn sẽ làm cho văn đàn và đời sống văn hóa xã hội không được lành sạch, thậm chí là nguy hại!.

Thanh Hoá, tháng 03 năm 2017

T.B.B