Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRONG GIÓ BỤI

Nghiêm Lương Thành
Thứ tư ngày 3 tháng 5 năm 2017 10:38 AM


Truyện 

5. Dòng đời vẫn chảy

Mấy năm trước, lớp đại học tổ chức một ngày họp mặt. Xứng đến trường vừa lúc gặp cả Thắng và Hoà, hai thằng bạn gần gũi trong lớp, cũng vừa dừng xe. Thắng từ chiếc Toyota Corolla 2.0 đen bóng trang trọng bước ra, mình mẩy thơm phức, mặt mũi phởn phơ, tóc tai hàng lối. Hoà lóc cóc trên chiếc Way made in China ọc ạch mù khói, râu tóc lởm khởm, răng lợi vàng khè, áo quần xộc xệch, thật chẳng khác gì mẹ bổi đương thì con mọn. Ba chàng nhận ra chiến hữu thì mừng húm, vội kéo nhau ra vườn hoa phía trước hội trường. Sau một hồi huyên thuyên xích đế, Xứng hỏi Thắng:

“Này, loay hoay thế nào mà thành đại gia chóng thế?”

Thắng ưỡn ngực, lạnh lùng:

“Chứng khoán”

“Thế thằng Hoà, sao đến nỗi tiều tuỵ thế kia?”

“Chống tham nhũng” - Hoà rầu rĩ.

Xứng xững người giây lát, thở dài, hỏi tiếp:

“Còn con gái mày, cái con bé Hoạ mi học Nhạc viện ấy, giờ ra sao rồi?

“Rách như bố”.

“Nó là đứa … tài năng mà?”

Hoà cười, cái cười phô ra cặp vành môi méo dẹo:

“Ừ, nhưng mà … kiên định với trường phái Âm nhạc vị phần hồn”

*

Năm nay, vẫn họp lớp, gặp lại nhóm bạn, thấy Thắng đến trường trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng made in Guangzhou khuyết cái chắn bùn trước, đầu tóc rối tinh, môi thâm má hóp, người hôi như cú. Hoà đi cái Matiz Nam Hàn cũ nhưng trông vẫn gọn gàng sạch sẽ chắc chắn, tóc tai gọn gàng, áo quần phẳng phiu, khoan thai chừng mực. Xứng trố mắt nhìn hai thằng. Sốc. Sốc phản vệ luôn. Không nén được, hỏi luôn Thắng:

“Sao ra nông nỗi này?”

Thắng so vai, lạnh lùng:

“Chứng khoán”

Xứng nhìn Thắng chằm chằm, rồi thở hắt ra: “À … tao hiểu” – Đoạn, quay sang phía Hoà:

“Còn thằng này, có vẻ như đang trên một tầm cao mới. Chắc bỏ việc nhà nước, ra lập công ty riêng, làm ăn khấm khá?”

“Lập công ty riêng á? Đào đâu ra vốn? Mà dở hơi à?” – Hoà trề môi, giễu cợt.

“Thế thì truyền cho bọn tao cái chiêu kiếm tiền của mày ngay”

“Có truyền thật cặn kẽ, bọn mày cũng .. đếch làm được”

“Khó đến thế sao?” – Xứng hỏi, cặp mắt cười cười.

“Dễ thèo” – Hoà phán, giọng buông như một tiếng thở dài.

“Dễ … mà chúng tao không làm được? Thế đó là chiêu trò gì?” – Thắng bắt đầu sốt ruột.

“Nghe này …” - Giơ cả hai tay, túm lấy tóc Xứng Thắng kéo lại, ba chàng chụm đầu, Hoà thầm thì - “Nối vòng tay nhớn … chậc, thuận thời lý”.

“Thế là thế nào?” – Thắng há hốc mồm, nhìn Hoà, rồi quay sang nhìn Xứng.

“Tối dạ!” – Hoà cười buồn – “Là ủng hộ tham nhũng”

Nói, rồi Hoà phá lên cười trước hai khuôn mặt đang đần thối. Tiếng cười lấc khấc, khô khốc dội vào đôi tai Xứng. Cái cười có gì đó tựa như trạng thái bùng toé của thứ hoa nhựa, một hợp thể lủng củng những sự méo mó, tàn nhẫn, cấn cá, không thoát. Hắn rút thuốc lá, châm, rít một hơi, phà khói rồi cúi đầu thủ thỉ nói tiếp, khó mà xác định được hắn nói với hai thằng bạn hay với chính mình:

“Làm người tốt cô đơn, héo hon lắm. Đấy, cái anh giáo Đỗ Việt Khoa chống tiêu cực trong thi cử ở Phú Xuyên ấy, ngay đến người nông dân cùng thôn, cùng xã, cùng huyện cũng còn tỏ thái độ căm ghét, khinh nhạo, thù địch, cô lập anh ta, thậm chí còn doạ đánh. Làm người tốt thì thế đấy; chỉ tổ mệt mỏi, thua thiệt và, tóm lại, chắc chắn rước hoạ vào thân. Mưu mô của chúng nó nhiều như rắn vàng năm Quý Tỵ uốn luồn nhủi nấp trong bụi rậm ấy chứ, đến tài thánh cũng không thể thấy hết. Thủ đoạn của tụi nó thì, chậc chậc … trăm phương nghìn chước, hiểm tạo vô biên, tàn độc vô hạn. Người tốt lục bề thọ địch, hung hiểm rình rập, hoạ chăng chỉ có giời mới tránh nổi. Còn làm người trung tính, chăm chỉ thực thà cun cút cần lao thì suốt đời so dụi; vừa lo kiếm cơm, vừa lo đóng thuế nộp phí, lại còn các khoản học hành, ốm đau, lá rách đùm lá rách hơn… các chi phí của xã hội, gì gì chả đến tay. Việc lớn, việc nhỏ, việc gì cũng phải có tiền mới thuận. Có cái việc cỏn con như ra phường ra xã xin cái triện áp vào tờ khai sinh cho con cháu, để sau này lấy cái cho công an hộ khẩu làm căn cứ cấp thẻ căn cước cho chúng kiếm ăn lương thiện, cũng bị mấy đứa thư lại tân thời nó quát cho đến tái tê cả bàng quang lẫn đại tràng …”.

“Còn con bé Hoạ mi?”

“Bỏ trường phái Âm nhạc vị phần hồn rồi”

“Bây giờ làm gì?”

“Chuyển sang môn phái Âm nhạc mua vui giá cao sành điệu” – Hoà nhìn các bạn, nét mặt càng buồn bã – “Hoạ mi đếch gì. Nó bảo với lũ bạn: Đằng nào chả chết, chọn cách chết này dễ chịu hơn. Tí tuổi đầu đã học đòi tiêu cực, phí phạm khả năng, huỷ hoại sự nghiệp. Tài mà làm gì?” - Hoà lắc đầu, thở dài – “Thời với buổi, đến phẩm giá cũng đem ký gửi bán lẻ. Mà, chết tiệt, dễ bán lắm, có điều, giá bèo. Còn các loại tài năng đúng nghĩa thì ai biết, ai chuộng? Ế vữa, có đem bán với giá không đồng lại kèm thêm khuyến mại cũng chẳng đứa mả mẹ nào nó màng, không chừng còn rước bích (big) hoạ vào thân”.

Xứng và Thắng cùng nhếch mép mà không sao cười được.

Buổi chiều, cả lớp chia tay. Một chút vui vẻ. Một chút níu kéo. Một chút bịn rịn. Hoà và Xứng là hai kẻ cuối cùng bước ra khỏi hội trường. Hoà nhìn Xứng, vẻ ngập ngừng, rồi nhất quyết kéo Xứng sang một quán cà phê trong cái ngõ nhỏ gần cổng trường.

Ngày nghỉ cuối tuần. Quán vắng hoe. Hai gã chọn một cái bàn bên cửa sổ, trông ra một mảnh sân nhỏ có những giá khung nhôm đặt các khay nhựa trồng rau theo kiểu thuỷ canh.

Trầm ngâm.

Hai tách cà phê nóng đã thôi bốc khói.

Quay sang nhìn bạn, Xứng cảm thấy Hoà có điều gì muốn nói mà không thoát, bèn gợi chuyện:

“Kinh tế của mày cũng kể như tạm thời ổn thoả, nhưng phải hết sức tỉnh táo, thận trọng”.

Hoà rầu rĩ:

“Mệt mỏi, cô đơn, hiểm hoạ, nghèo khó mà chẳng nên công ích gì thì không chịu được. Không chịu được thì đành phải cùng chí với mấy thằng mình vừa chống. Mày xem, cái thanh nam châm luôn có hai cực; trừ tiết diện trung tính, các tiết diện còn lại, không thuộc cực này thì phải thuộc về cực kia. Tiết diện trung tính chỉ có một, mà chỉ có bậc thánh nhân mới xác định được toạ độ của nó. Tao, tuy là hạng phàm phu, lắm lúc nghĩ cũng thấy hèn, thấy buồn hổ, cô nhục”.

“Vẫn buồn cô ư? Tao không tin”

“Mày nói thế, là theo lẽ thường. Những đứa trước đây coi thường, khinh rẻ, xa lánh tao thì bây giờ chúng bợ đỡ, xúm xít xung quanh như giòi bọ. Ở đời, cái lợi cái quyền nó gớm lắm, mà cũng ảo diệu lắm. Nó có thể dễ dàng biến cái thằng người thành thứ súc sinh và ngược lại. Vô khối thằng đểu. Đã đểu còn hèn. đã không có được tí nhân cách vụn nhưng lại luôn cao ngạo đắc ý, tự cho mình thuộc đẳng cấp khôn ngoan và có giáo dục. Thớt không có mùi tanh, đến nhặng què cũng còn không thèm đến, hỏi lấy đâu ra cái duyên để hấp dẫn, để quyến được thứ ruồi chưa què? Tao, bây giờ cũng tạm cho là có chút vốn liếng, thân có vẻ nhàn đấy mà sao không thấy ấm, tâm bất an nên lụi héo xác xơ. Phẩm giá đã sang tay giá bèo cho chúng nó, chẳng thể nào chuộc lại. Trên bàn cờ, làm thân con tốt liệu có đường về quê mẹ không? Đồng tiền thủ đắc bằng thứ tư duy lưu manh học đại cương sao có thể coi là ổn thoả? Dù, nói theo cách của giới ruồi thời thượng, có hạ cánh an toàn, tự trong lòng mình cũng không sao tìm lại được sự an tĩnh thảnh thơi tự tại. Chẳng phải là cái tâm đang bị đọa lạc giữa trần ai bể nhục đó sao?”.

Nghe bạn trải lòng, lại nghĩ về cảnh trạng của mình, lưng Xứng muốn xụm xuống.

“Chẳng nhẽ không có lối thoát?” – Xứng hỏi cho có hỏi.

“Tao cũng nghĩ nhiều rồi. Đầu thú thì quá đơn giản, chẳng phải mệt óc” – Hoà lảm bẩm – “phần mình mắc vòng lao lý, dám làm dám chịu, đã đành một nhẽ, nhưng sẽ để lại những hệ luỵ khó lường về phẩm giá cho con cháu. Ê chề lắm, khủng khiếp lắm. Rồi chúng nó có dám ngẩng đầu lên không? Ha ha … vừa muốn vận cà sa thánh thiện, vừa đam mê xà xẻo quỹ công, liệu chuyện ấy có được không? Một thứ Lý Thông biến thái. Bố láo bố khoét!”

“Thì đem những đồng tiền ấy rửa đi” – Xứng buột miệng.

“Nực cười! Rỗi hơi. Cần gì phải rửa? Ở cái xứ mình, với một hệ thống tài chính ngân hàng như đang thấy, làm sao kiểm soát được đức hạnh của những đồng tiền trong cái dòng lưu thông không bao giờ ngừng nghỉ ấy? Nhà nhà dùng tiền mặt, người người tiêu tiền mặt, lấy gì để phân biệt đâu là đồng tiền sáng? Xã hội chỉ có thể phân loại được kẻ nào là ngữ tiêu tiền không sạch, ai là người tiêu tiền sạch một cách định tính. Mà đặc điểm cố hữu của định tính lại vốn lờ mờ nhân văn. Pháp luật không coi trọng cái lờ mờ. Cứ rờ thần hồn! Điều luật về sự vu khống đôi khi lại trở thành cái bẫy vô cùng nguy hiểm đối với những kẻ lăm le bảo vệ tài sản công cộng khi hành động bảo vệ đó chỉ dựa vào sự định tính. Và, rốt cuộc, những đồng tiền không sạch trông vẫn chẳng khác gì những đồng tiền sạch. Thế là Ổn. Còn muốn gì hơn? Vậy thì, các bạn tiền bẩn dính liền với khúc ruột của tôi ơi, cứ ngẩng cao đầu mà đường hoàng mạnh bạo tham gia vào lưu thông nhé. Còn tớ, quý chủ sở hữu rất mực dịu dàng và chu đáo của các bạn, cũng ngẩng cao đầu, như các bạn, cứ thoả chí phong lưu, trong sáng ngời ngời trong gió bụi cuộc đời, giữa chồng chồng kinh bổn”.

“Thế thì, với mày, Hoà ơi, hết thuốc rồi. Đoạn đời từ giờ cho đến lúc khăn gói quả mướp đi gặp các bậc tiền bối chẳng phải địa ngục thì là gì?”

“Chính thế!”

“Tao không tin. Phải tìm ra cách gì chứ? Trên đời này không có đường cụt. Vấn đề của các nhà quy hoạch thiết kế cầu đường là phải thành tâm động não mà khảo sát địa hình, vạch đường thông tuyến. Vạn cùng, nếu phải “chết” thì hãy “chết” như một gã thông minh”.

“Lý thuyết. Hão!”

“Phải… Nhưng hai thằng thử cố nghĩ xem”

Hoà cười mỉm, cái cười của kẻ thừa biết phần đúng thuộc về mình. Rồi, vừa cười, vừa kéo khoá cái túi nhỏ từ đầu vẫn đặt bên cạnh, lấy ra hai cái bọc gói bằng giấy báo, đặt lên mặt bàn và đẩy nhẹ đến trước mặt Xứng.

“Cái gì đây?” – Xứng, hết nhìn hai cái bọc lại nhìn Hoà.

“Tiền”

“Để làm gì?”

“Rửa… Ừ, rửa …”

“Rửa thế nào?”

“Ừ … thì dùng nó làm thành thứ có ích cho người khác, cho xã hội thì cũng là rửa, nhưng rửa bằng tâm …”

Xứng trố mắt, còn chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao thì Hoà đặt tay lên hai cái bọc, nói tiếp, vẫn cái giọng đều đều nhưng trầm hẳn xuống:

“Đây là ý định đã từ lâu của tao… Ấy, để tay xuống bàn. Làm ơn lịch sự một chút đi. Đừng có chực cắt ngang lời tao như thế. Nghe tao nói này: Ở Hà nội, tao vẫn theo dõi tình hình mày với thằng Thắng đấy. Thằng Thắng và tao thì như vậy, mày thấy rồi. Còn mày … mày là thằng “nhà quê xịn”, là thằng thông minh giỏi giang thực thà, là bậc quan sạch làm được nhiều việc lành cho công cộng. Điều kinh khủng là thứ quan như mày hiện đang có xu hướng tuyệt chủng. Gia cảnh của mày đang quá bí bết, mà sức người thì có hạn, liệu có đủ hơi sức mà làm việc lành được mãi không?” – Hoà ngừng lời, nhìn Xứng với vẻ cầu xin – “Hai cái bọc này tao đã đề tên từng thằng. Nhờ mày chuyển cho Thắng bọc của nó, nói là tao cho vay vô thời hạn để khắc phục hậu quả kinh tế gia đình. Còn phần của mày, tao biếu … mà không, tao không có tư cách nói chữ biếu … Làm ơn, ít nhất, hãy nghĩ đến cha mẹ vợ con mà nhận giúp tao, thằng bạn đã được mày chở che, cho thêm một mạng sống từ thuở đạn bom khốc liệt nơi chiến trường. Gia đình có đỡ khó khăn thì mới giữ được cái nết hồn nhiên, mới phát huy được hết công suất tài trí, mới toàn tâm toàn ý hầu hạ hết mình cho công cộng được. Hơn nữa, việc mày sử dụng những đồng tiền này cũng có nghĩa là mày đã làm phúc, giúp tao giảm nhẹ một phần cái gánh nặng tâm tư đang chứa chất, dằn vặt trong cái đầu còm cõi này. Còn, tuy gần như không tưởng, nhưng nếu vạch được cho tao một lối thoát, tức là … mày lại cho tao thêm một tương lai đáng sống đấy”.

*

Từ sau lần hội lớp lần hai và ngồi cà phê với Hoà, sau dịp thù tiếp yếu nhân hàng tỉnh và cuộc gặp gỡ tình cờ với mẹ con thiếu phụ ngoài bãi sông, … Xứng bỗng như trở thành một người khác hẳn: Ít nói, ít cười, hay quên, hay thở dài, đầu óc mậm mụ, công việc không được thông bén như trước. Nhiều lúc, chẳng hề chủ định mà tự dưng cứ đắm vào những ý nghĩ mông lung, đau đớn, dằn vặt, hổ thẹn.

Hừ, chẳng gì thì mình cũng đường đường là một cán bộ có hạng trong tỉnh, giữ cái ghế giám đốc của một sở chuyên ngành mà không ít đấng mày râu khí phách nghiêng trời cũng phải xao xuyến khát khao; khiến bao thiếu nữ chân dài cá tính mạnh mẽ tự chủ tự tin tự đài tự các là thế mà trái tim cũng phải mòn mỏi nát tan. Khách làm việc bước chân vào sở, kể cả hạng mạnh bạo ngỗ ngược, dù không hề có ý tự điều chỉnh hành vi mà sao tự nhiên anh nào cũng thoắt lột xác thành người đi nhẹ nói khẽ, dịu nhã đến mực. Ấy thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo.

Nhìn những chiếc cặp lồng cơm trưa của anh em trong sở với những thức chẳng khác gì cách đấy mấy chục năm là bao: Rau luộc, đậu phụ kho, cá kho, dưa cà muối, thịt băm rang đậm với thứ mắm tép mặn mòi truyền thống xứ đồng chiêm trũng … đã bao lần khiến lòng Xứng quặn thắt, bất lực. Ấy vậy mà công việc của họ ở cơ quan vẫn trơn tru, rành mạch, đâu ra đấy. Dân trong tỉnh vẫn thường nói đùa: Cánh cán bộ sở Đầu tư Địa phương, chậc chậc … tuyền là Thần giữ của cho dân nước. Vậy mà chưa thấy vị lãnh đạo nào trong tỉnh hạ khen lấy một lời, dù chỉ chiếu lệ, khen cho có. Lạ. Quá lạ. Siêu lạ. Cán bộ thanh tra, kiểm toán đến rồi lại đi; lúc đến oai phong rầm rộ, khi đi mặt buồn rười rượi. Lâu dần, họ đến cũng chỉ vì máy móc chấp hành cái lịch công tác định kỳ của ngành dọc.

Cha mẹ vợ con ai chẳng có, học hành làm người cho con cháu là việc chẳng thế hệ nào dám lơ là bê trễ, ốm đau bệnh tật thăm nom hiếu hỷ vẫn là lẽ thường muôn thuở. Tất cả chỉ trông vào đồng lương luôn hụt hơi trước sự tăng trưởng ngoan cường, không khoan nhượng của chỉ số GDP và các loại giá cả trên thị trường. Vậy mà, anh em trong sở, họ vẫn sống đấy thôi. Mà đã thấy ai so bì cái sở Đầu tư Địa phương này với các đơn vị khác, chê trách giám đốc nguyên tắc cứng nhắc, không chịu năng động xoăy xoả, để anh em phải vất vả trong khi cả nước không ai không biết con số thất thoát vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản do bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra, luôn không dưới 30% tổng vốn đầu tư. Một điều nữa, tuy không thành văn nhưng không địa phương nào không thuộc nằm lòng: cơ quan cấp vốn bao giờ cũng được bên thụ hưởng đầu tư tế nhị cảm ơn bằng vật chất. Trước khi ký hợp đồng trao thầu, bên B phải lại quả cho bên A theo một tỷ lệ nào đó, tuỳ theo giá trị hợp đồng và các thứ vân vân. Khoản này đã thành lệ, không có trong bất cứ văn bản hoặc chương trình thương thảo chính thức nào. Nhiều trường hợp, do tính chất béo bở của công trình và tính “phải đạo” năng động của bên A, giá trị của khoản này là con số khó lường. Khước từ chấp hành cái lệ này chỉ có thể là hạng cù lần vở sạch chữ đẹp, kiêm thông kinh đạo. Làm việc nhà nước, việc nói đạo lý thì vẫn phải nói, chứ nói thế nào phải làm đúng như thế thì đến Thánh Gióng cũng đố hoàn thành được nhiệm vụ chính trị được giao. Nếu buộc phải nói sao làm vậy, thử hỏi, liệu, trên cái đời kiêm ái vị nhân chan chan này, có được mấy ai đủ dũng khí hoặc có hứng thú dấn thân làm cái nghề đầy tớ nhọc nhằn cho công cộng?

Chống tiêu cực phá tệ lệ, vẫn biết là việc tốt, việc cần làm ngay, nhưng, nói như dân gian, chống ai, ai chống, lấy gì để đảm bảo an ninh cho người chống? Không có ninh thì lấy ai ra mà hưởng phú quý thọ khang, bồi đắp nền độc lập tự do hạnh phúc tươi đẹp? Có bị dở hơi không? Người Việt ngoài truyền thống cần cù, còn có cả cái nết tinh khôn một cách chí công nữa. Nhiều gương tày đình vẫn còn đấy, chống thì cũng chỉ như đánh bùn sang ao, ném đá xuống ao bèo tây. Người chống, đã có mấy ai thành tựu? Mà dù có tốt số, chống được một lần thì cuộc đời cũng te tua tơi tả, “nan khả phục hồi”. Còn lại, không khéo, nhẹ thì mất việc, nặng thì mắc vòng lao lý, khổ cha khổ mẹ, khổ vợ khổ con, khổ cả người thân, khổ sang bè bạn. Công nghệ massage, tẩm quất ngày càng tối tân, càng tinh càng xảo; chớ thấy người ta gọi mình là đồng chí mà vội ấp ủ niềm tin yêu hy vọng của hôm nay và mai sau. Kẻ đang ủ mưu bao giờ chả diễn trò bao dung trong sáng. Người đang ủ bệnh, bao giờ môi chả đỏ, nước da chả hồng tươi mịn màng mơn mởn. Nhà nước bảo tham nhũng là nạn nội xâm, kêu gọi chống tham nhũng đã cả non nửa thế kỷ nay; lực lượng hùng hậu, quyết tâm quyết liệt quyết chiến quyết thắng quyết quyết đến thế mà nghe đâu cũng mới chỉ khống chế được cái quốc nạn nội xâm này ở cái mức ổn định. Anh đã là cái thá gì? Nguyên hơi còn chẳng ăn ai, nữa là nhí nhắng mấy ngài dở hơi, dở hơi thì cứ còn xơi …!

Bị ngoại xâm thì có thể mất nước, dân chúng làm thân tôi mọi, nhục. Nội xâm thì không thế, vẫn là người mình điều hành đất nước mình, có điều, người dân chẳng được hưởng sự chăm vỗ thực tâm của chính phủ và cuộc sống vẫn đầy rẫy những gian nan trở ngại, hung hiểm không đáng có. Bước chân ra đường cái rộng tám thước, cứ trông thấy xã hội màu là tim đập thình thịch, hồn vía bay sạch, cũng khổ nhục lắm thay. Cây mọc từ đất, quả mọc từ cây. Không chăm lo cho đất, đất lấy gì nuôi cây? Không chăm lo cho cây, sâu bệnh tràn lan, bòn rút tiệt nhựa sống, cây lấy gì để đơm hoa kết trái? Thực sự, cây cũng đau xót lắm đấy. Cứ trông cảnh cành khô lá úa thì biết.

Ngoại xâm thì cũng có năm bảy đường, có khi trên cả một đất nước chẳng có bóng một mống ngoại tộc nào mà rốt cuộc người nước ấy chẳng quyết được việc nào theo ý mình, tài nguyên trong nước làm gì có chân mà sao cứ đội mũ phớt, lạnh tanh Ăng lê mà thoăn thoắt ra đi. Tránh voi chẳng ai cho là xấu mặt, nhưng sợ cả Bodega đến mức mụ mẫm, bạc nhược thì biết lấy gì để làm bản vị? Bạc nhược và mềm dẻo là hai khái niệm rất dễ bị đánh tráo hoặc nhầm lẫn bởi chúng đều bị hiểu là thiếu vắng độ cứng. Ngày nay, một bộ phận không nhỏ các cậu ấm cô chiêu cá tính mạnh mẽ, phong cách sành điệu, đầy phè tự tin còn ngông cuồng, hước ngạo nghi ngờ về tính cao thượng, lòng tự tôn dân tộc, khí phách nghiêng trời trong tinh thần của cụ Trần Bình Trọng trước kẻ thù ngoại tộc tham bẩn truyền kiếp. Lạy cụ mớ bái, xin cụ xuống cho hai chữ đại xá; các cháu nó, tiếng là đã hết thì thanh xuân, mà thực ra vẫn chưa kết thúc được cái nết mải ăn mấy cả mải chơi.

Họ, anh em trong sở, vẫn sống đấy thôi? Thế là thế nào? Hầy, chẳng còn cách giải thích nào khác: hẳn anh em trong sở đều là những người được thụ hưởng một nền giáo dục văn hoá xưa cũ, đều hồn nhiên giữ được bẩm tính thiên lương.

Hay là - Xứng giật thót người - mình đã làm nhiều điều sai trái, ác độc mà không hề tự biết, để đến nỗi giời phật phải chiểu theo luật nhân quả mà tạo tai giáng hoạ để răn dạy? Nhưng còn mẹ con người phụ nữ ở ngoài bãi sông, còn những người dân đang ngập trong cảnh đoạ sinh vật vờ vì không có tư liệu sản xuất, không có việc làm, vì giá thành thu mua lúa gạo chỉ bằng hoặc nhấp nhỉnh hơn giá thành sản xuất chút xíu, vì đang sống ngập mình trong môi trường của trăm thứ chất thải vô lương …? Rồi biết bao thân phận khổ đau tủi mọn đang mòn mỏi trong bệnh tật mà không tiền không thuốc chạy chữa, trong hạn hán úng lụt ngập mặn, trong thuế phí chất chồng với niềm mơ ước thoát nghèo nhỏ nhoi, cháy bỏng và khắc khoải; biết bao thiếu nam thiếu nữ trong trẻo thiện lương tài hoa nhân ái, nguồn nhân lực ưu tú dồi dào của đất nước, đã và đang không có tiền để đến trường… đang hiện hữu mồn một, đầy rẫy trên mặt các loại báo chí hàng ngày? Không nhẽ họ cũng đều làm việc xấu để đến nỗi giời phật phải giáng hoạ răn đe?

Buổi tối. Ngồi một mình trong căn buồng tập thể. Im ắng. Vắng lặng. Im ắng đến mức có thể nghe thấy cả tiếng động của những con gián đang lăng xăng di chuyển bên dưới gầm giường. Vắng lặng đến mức tưởng sẽ làm dịu được mọi nỗi u uẩn bất hạnh bế tắc. Vậy mà Xứng vẫn không sao định được tâm, vẫn cảm thấy căn buồng sao quá tối tăm, chật trội, bức bối, khó thở. Cái im ắng vắng lặng chỉ khiến Xứng thấy rõ hơn, rốt cục, mình cũng chỉ là một giám đốc tồi, một kẻ làm con bất hiếu, một gã chồng rẻ cả mã lẫn cùi, một người cha bất lực đến thê thảm, một công dân thuộc loại nếu không có mặt trên đời thì chợ có lẽ còn đông hơn.

Làm gì chứ? Mà làm gì? Trong hoàn cảnh này? Câu hỏi cũ mèm, nhưng để thực hiện được lại cần phải có cái gì đó, ít ra không giống cái cũ. Cái cũ là gì? Là nội xâm. Nội xâm là gì, ngoài tham bẩn, nhiễu nhương? – Là tiếp tay phá hoại văn hoá và đạo đức xã hội? Là làm ngơ trước sự suy hoại trong nền tổ chức công cộng? Là thây kệ cho các bè đảng thu vén lợi ích cá nhân bằng cách nhắm mắt tiếp tay cho bọn phá hoại môi sinh? Là khiếp nhược trước sự ngông ngược làm tổn thương danh dự công dân của lũ cường hào xã hội màu? … Tất cả những cái đó có phải là “diễn biến hoà bình”? Tất nhiên, Đức Mahatma Gandhi hiều hậu khiêm nhường có lẽ sẽ nổi giận nếu ai đó cả gan quy nạp rằng: Mọi sự việc diễn tiến trong hoà bình đều xấu xa.

Mà trớ trêu thay, như một định mệnh khắc nghiệt, cái mới lúc khởi đầu thường non bấy yếu bớt lại luôn là đối tượng huỷ diệt mà cái cũ kỹ, già nua, vị kỷ, thô lậu, nanh độc không ngừng tìm đến, nhắm tới. Sự huỷ diệt luôn khoác bộ cánh giản dị, nói lời lớn lao, không ngừng nhân danh những điều cao cả, cao cả đến mức tuyệt đối … hoang đường. Vì sao? Vì cái bản xác nó chỉ có thể dung chứa sự vị kỷ nhỏ nhen hiểm độc, dám chà đạp lên tất cả và huyếnh hợm cả gan cười nhạo cả Đấng nhân từ toàn năng toàn thiện.

Trong trạng thái trì bế, như kẻ rờ rẫm trong lòng hang tối, phía trước chẳng hề có dấu hiệu gì, dù chỉ một tia sáng mỏng manh yếu ớt, Xứng thờ thẫn, mở cửa phòng đi ra phố. Đôi chân vô định dẫn Xứng ra con phố phía bờ sông lúc nào không hay. Giờ này, chắc thiếu phụ vẫn còn bán hàng rong trong phố chưa về. Đứng trên đường nhìn qua bãi cỏ mọc hoang, về phía đầu rặng cây, thấy vẫn le lói một ánh đèn dầu hoả lọt qua khe cửa sổ. Tháng trước thằng bé con vừa đoạt giải nhì học sinh giỏi toán toàn tỉnh, giờ này có lẽ nó vẫn đang mải miết học bài dưới ánh đèn kia. Ừ, mà giờ này, trên cả cái dải đất hình con cá ngựa lưng còng bụng phưỡn này, tụi trẻ cũng đang cặm cụi, đánh vật với bài vở cả. Xứng thở dài. Nhưng sao phải vật vã với bài vở đến thế? Để làm gì? - Để lấy bằng được những cái chứng chỉ nào đó trong khi có bao kẻ đã đạt tới trình độ bằng gì cũng có, quy trình gì cũng OK, nếu muốn? - Để có được những kiến thức thực sự nào đó? Tốt thôi. Nhưng mỗi đời người chỉ được trải qua có một lần tuổi thơ. Sao phải giết chết cả một tuổi thần tiên hồn nhiên trong trẻo trời cho bằng cách tự đoạ đến nhọc nhằn làm vậy? Và, không thể cười được, khi kỹ sư chế tạo máy đi làm nhân viên bán hàng cho các hãng công nghiệp chế tạo ôtô xe máy, chế tạo máy chuyên nghành xây dựng, chế tạo máy thi công công trình giao thông … của nước ngoài mà vẫn thấy mình là kẻ may mắn; cử nhân, thạc sỹ kinh tế đi làm kế toán, kiểm toán khắp cả nước mà vẫn mừng rằng mình sinh đúng thời; tiến sỹ dân tộc học thì khoác đồng phục, khiêm nhã đón đưa khách trọ nơi cửa khách sạn êm đềm hoa lệ mà thấy cuộc đời vẫn đẹp sao; tiến sỹ hàng chợ, giáo sư nợ chứng chỉ ngoại ngữ thì “toạ thủ miếu địa” tại bàn các hội đồng bảo vệ khoa học, khảo hạch luận văn của các tài năng trẻ, hoặc hồn nhiên đanh thép đưa ra những lời bình luận có cánh cho những luận văn không do kẻ bảo vệ đích thân viết ra; nhà văn từng khuynh đảo cả văn đàn thì mở quán thịt chó; nghệ sỹ nhân dân thì năng động mở quán giải khát; nhà thơ tổ hưu cao cấp thì âu yếm nâng niu cuốn sổ lương, đam mê làm thơ về tình yêu nhau và ca ngợi cuộc sống thực thà nhân nghĩa tử tế; kẻ lưu manh, đứa phá hoại thì, đoành một phát, được vinh danh dữ dằn ở cấp quốc gia cộng hoà xã hội chủ nghĩa; còn cánh xã hội màu lại tích cực chủ động, vô tư cống hiến tài đức sức lực cho công cuộc trị an bằng những thức hung khí thuộc dòng vốn tự có: Mồm lưỡi, cẳng chân, cẳng tay, gậy gộc cùng những hỗn hợp hữu cơ có xuất xứ từ cuối quá trình sinh hoá tạo năng lượng cho các cơ thể sống, hoàn toàn thân thiện với giới thực vật, và do đó, môi sinh xanh.

Xứng thở dài, quay trở về, chậm chạp bước dọc theo một con phố mới, nhà cửa cái nào cũng to kềnh, sáng choang trong tâm thế phô trương vẻ viên mãn hãnh tiến. Con phố thênh thang này, trừ những ngày lễ tết, thường vắng người qua lại. Bên thị chính chưa kịp gắn biển đặt tên nhưng không hiểu sao dân trong thành phố đều gọi nó là phố Dần Tiên. Gọi mãi thành quen, đến như người ở các huyện xa về, ít ai không biết. Hồi đầu, tò mò, Xứng vào google lục tìm, nhưng vẫn chưa tìm ra danh nhân đất Việt hoặc địa danh lịch sử oanh liệt nào có cái tên như thế hoặc na ná như thế. Một lần, vô tình nghe hai đứa bé chỉ đường cho một người hỏi thăm: Dạ, bác cứ đi thẳng đến ngã ba thì rẽ phải sang phố Phùng Quán, đi hết phố Phùng Quán rẽ trái là tới phố Dần Tiên. Hỏi, sao lại gọi phố ấy bằng cái tên Dần Tiên? Chúng nhìn Xứng, ánh mắt vẻ mặt sao xác cảnh giác, không nói gì và vừa cười rụt rè vừa lấm lét kéo tay nhau bỏ đi.

Đường phố sạch sẽ thoáng mát, càng về khuya càng vắng. Đầu nóng hâm hấp, miệng nhặng đắng, đôi chân rã rời như chân đi mượn. Xứng ngồi tạm xuống bậc thềm đá hoa cương bóng láng của một ngôi nhà, lưng tựa vào cánh cửa gỗ hương chắc lỳ. Bất giác đưa mắt nhìn lên, nhận ra một khoảng trời đêm lộ ra giữa những tán lá của hàng cây sữa sùm xoà. Trong khoảng trời đó, không hiểu vì lý do gì, những vì sao li ti kia vẫn không ngừng nhấp nháy, nhóng nhánh đổi màu. Trong lòng vừa cảm thấy chút thư dịu thì, từ đâu đó, một giọng hát con trẻ trong trẻo, da diết vút lên:

Souls in the wind

must learn how to bend
Seek out a star
hold on to the end …

Tâm hồn trong gió bụi phải học lấy cách bền dẻo. Hãy tìm lấy một vì sao và hướng tới đến cùng. Ồ … tiếng hát của hai cháu gái đang bước dọc theo vỉa hè con phố, ngang qua chỗ Xứng ngồi. Giọng hát dịu dàng, mát lành như nước suối, đôi chân thanh thoát nhẹ đưa như chưa hề bén đất, đôi mái tóc tơ cùng duyên dáng nhịp theo tiết tấu, tay nắm tay vung nhẹ theo nhịp đưa mái đầu, trông khác nào những chú chim mềm mại non tơ đang dang cánh vỗ, cùng hướng về phương trời có ngôi sao lớn đang không ngừng lấp lánh rực rỡ.

In the dark we'll dream about the sun
In the dark we'll feel the light
Warm our hearts and everyone

Trong tăm tối chúng ta mơ về vừng dương. Trong đêm đen chúng ta cảm nhận ánh ngày. Hãy sưởi ấm trái tim mình và trái tim mọi người …

Chợt nhớ, vào những năm 80 thế kỷ trước, khi tình trạng kinh tế trì bế của cả nước đã đưa đời sống kinh tế xã hội lâm vào tình thế quẫn bách, một vị cấp cao vọng trọng đã bảo: Chúng ta phải tự cứu lấy mình trước khi Trời cứu. Vậy, Trời là ai? Trời với chúng ta có quan hệ thế nào? Chúng ta là ai, sức lực đến đâu? và trí đức của chúng ta nằm ở tầng nào trong cái khối kiến trúc kỳ vĩ Trời – Đất – Người này?