Năm 2010, đang là đại tá, phó TBT báo CAND, tôi xin về hưu sớm 5 năm để sang làm “ thuê” cho Tập đoàn Dầu khí – mà cụ thể là làm báo NL Mới.
Lúc ấy, có người bảo tôi “ chập choeng” – Đang giữ cương vị như thế, thu nhập cao ngất ngưởng như thế, nay lại xin về hưu, đi làm thuê? Cũng có người dè bỉu : “ Nó sang dầu khí vì bên ấy lắm tiền”. Nhưng chỉ có anh em báo CAND và anh chị em báo NL Mới biết rằng, lương và thu nhập của tôi bên này không bằng thu nhập của một Phó ban báo CAND.
Nhưng lúc ấy, tôi quyết về hưu non là bởi vì nổi máu giang hồ muốn khép lại một chặng đường làm báo công an và sang một lĩnh vực mới…
Khi về và làm quen với dầu khí. Tôi đúng là thằng học trò và phải học từ “ vỡ lòng” về cái nghề “ ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” này.
Và tôi lọ mọ đi gần hết các công trình lớn của Tập đoàn Dầu khí ( PVN).
Tôi có mặt ở sa mạc Sahara, ở Cực bắc nước Nga, ở rừng rậm Amazon; ở vùng hoang mạc Venezuela – nơi có lô Juni 2 mà đang được nói đến ( mà hầu hết là chẳng hiểu gì, mà cứ nói lấy được)…
Tôi cũng đã lênh đênh cả tuần trên gian khoan tự nâng PVD 6 khi kéo từ Singapore về VN
Tôi cũng đã lọ mọ đến nhiều giàn khoan – Hiện đại, siêu hiện đại như giàn Hải Thạch – Mộc Tinh
Tôi cũng đã đến nhưng giàn cũ kỹ, ọp ẹp , bởi có tuổi đời đến hơn ba chục năm như một số giàn của Vietsovpetro…
Tôi cũng đã chứng kiến niềm vui tột đỉnh của người thợ khi tìm thấy dầu trong rừng rậm Amazon – mỏ Piranha ( Peru)…
Tôi cũng đã chứng kiến những giọt nước mắt của anh em khi mũi khoan bị kẹt mà không cách nào cứu được.
Tôi cũng đã thấy những con người mà trí tuệ của họ, khát vọng của họ đã tìm ra dầu đã cứu cho đất nước ta khỏi sụp đổ về tài chính vào năm 1988.
Và đến giờ, tôi mới “ ngộ” ra được những điều rằng :
Hình như không có loại nghề nào mà lại có sự rủi ro cao đến thế. Cao đến mức mà các Tập đoàn khai thác dầu thường phải liên doanh với nhau mà mục đích chính của việc liên doanh này để chia sẻ rủi ro.
Tôi mới biết rằng để khoan được 1 mũi khoan vào lòng đất sâu hàng 5-7km, và phải có sự tham gia của…60 ngành khoa học, trong đó có cả hạt nhân, cả thiên văn học…
Tôi mới biết được rằng sức chịu đựng và cường độ lao động của người thợ dầu khí là “ đạt đến giới hạn” chịu đựng của con người. Ở ngoài giàn khoan, họ phải làm 12 giờ một ca. Và nắng cũng như bão… Khi mũi khoan còn quay, thì họ phải đứng canh, phải thay mũi, nối ống khoan… và không được một phút sao lãng.
Anh em đi làm ở Lô Juni 2, hầu như ai cũng đã bị cướp dí súng vào đầu và lột sạch… Vì thế, đi đâu, anh em phải mang theo một lượng tiền đủ để làm “ vui lòng” bọn cướp. Bởi lẽ, nếu không có chút tiền thì sẽ bị ăn đòn!
Anh em đi làm ở Lô 67 Peru, trong rừng rậm Amazon, khi ăn cơm, ăn luôn cả … muỗi là chuyện bình thường.
Anh em làm ở mỏ Bir Seba ở sa mạc Sahara, ban ngày chịu nắng nóng 50 đến 54 độ C, ban đêm lại chỉ còn vài ba độ, và miệng lúc nào cũng có cát…Và khi họ ở dưới khu mỏ, thì chỉ khác mỗi thằng tù là không bị khóa chân, bởi không ai dám đi ra ngoài, và cũng không được phép đi ra ngoài nếu như không có …hộ tống của cảnh sát. Mà muốn được cảnh sat bảo vệ thì phải… thuê.
Moi lên được một lít dầu là vô cùng gian khổ và phải đầu tư rất lớn. Lớn đến mức độ mà không một Tập đoàn kinh tế tư nhân nào ở VN dám đầu tư khai thác dầu. Bởi lẽ, cứ 5 giếng khoan thăm dò thì may ra được 2 giếng có dầu. Và cứ 5 giếng có dầu thì may ra mới có giếng có được dòng dầu thương mại…Mà một giếng khoan, trong điều kiện thuận lợi hoàn hảo, ở độ sâu mức nước 50 mét thì chi phí cũng ngót… 20 triệu USD. Còn ra mức mực nước sâu trên 100 mét, hoặc vài ba trăm mét, thì chi phí là gấp cả chục lần.
Những kẻ không biết thì dè bỉu rằng “ mấy thằng dầu khí, cứ chọc mũi khoan xuống hút dầu mang đi bán, làm gì chả lắm tiền”.
Nếu đơn giản như họ nghĩ, thì chắc chắn VN bây giờ đã có hàng chục công ty khai thác dầu khí…
Lại có những kẻ cũng danh xưng là “ chuyên gia kinh tế” thì gào lên rằng : “ Giá dầu giảm, hãy đóng mỏ lại, để dành khi nào giá lên” – Đúng là giá dầu giảm, mỏ nào có chi phí cao thì phải giảm sản lượng… Nhưng không ai dám đóng mỏ, đóng giếng khoan, bởi vì khi đã bóng giếng, lúc mở lại, tốn kém khủng khiếp…Và kỳ lạ là những ý kiến dốt nát về chuyên môn cũng lại được tung hô...
Nhiều năm qua, PVN hàng năm đóng góp cho GDP từ 25 thậm chí đến 30%. Nhưng đã có vị lãnh đạo PVN buồn bã kêu lên rằng: “ Thế này thì buồn quá.” – Hổi ra mới biết ông buồn là quy mô của nền kinh tế VN quá nhỏ bé. Một tập đoàn mới chỉ đóng góp mỗi nằm vài ba chục tỷ USD, mà đã được coi là “ trụ cột”, là “ công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô” thì rõ ràng là GDP của ta quá nhỏ…so với số dân … quá cao!
Làm nhiều, có đúng, có sai, có lúc thắng, có lúc bại… Nhưng quan trọng là mọi sự đánh giá phải được công bằng. Và đừng có “vơ đũa cả nắm”.
Chút thông tin về dự án Juni 2 ở Venezuela.
Có vẻ như rất nhiều người đang rất bức xúc trước thông tin Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chi hàng trăm triệu đô la cho dự án Juni 2 ở Venezuela mà chưa được lít dầu nào, và còn có nguy cơ mất trắng...
Việc dự án Juni 2 đang bị dừng tiến độ là có thật.
Việc PVN đã chi vào đây hàng trăm triệu USD mà chưa thu được kết quả là có thật.
Nhưng không phải nhiều người đã biết rằng : Để Chính phủ Venezuela ngày ấy mà đứng đầu là Tổng thống Hugo Chavez dành cho Việt Nam ( chứ không phải cho PVN ) lô Juni 2 là cả một nỗ lực ngoại giao to lớn của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, và không thể không nói đến tình cảm đặc biệt của TT Hugo Chavez dành cho VIỆT NAM. Để có một một lô tương tự như vậy , TRUNG QUỐC đã phải cho Venezuela hàng tỷ đô la, trong đó viện trợ cho rất nhiều thiết bị quân sự...
Một việc nữa, không phải ai cũng biết, tại sao lại phải đưa PVN đầu tư ra tìm kiếm , thăm dò, khai thác ở nước ngoài, ấy là vì nguồn dầu khí ở thêm lục địa VIỆT NAM sắp hết rồi, không đầu tư ra nước ngoài thì việc đảm bảo An ninh năng lượng cho hàng chục năm sau sẽ khó khăn.
Vào thời điểm chúng ta sang Venezuela, giá dầu đang lên cao ngất ngưởng - trên 100USSD/ thùng. Và nếu khai thác được ở Juni 2 thì dù là dầu nặng - siêu nặng, cũng vẫn có lãi lớn...
Nhưng ở đời, ai đoán được chữ " ngờ".
Nêu ông Chavez không chết, nếu chính trị Venezuela không đảo lộn, nếu giá dầu vẫn cứ cao như thế, hoặc giảm xuống chỉ còn 70-80 USD, thì dự án này sẽ " đại thắng". Và lúc ấy, hẳn chúng ta lại tung hô rằng PVN có " tầm nhìn xa trông rộng, có tầm nhìn chiến lược, và dám quyết..."
Nghề khai thác dầu khí là thế. Là nghề siêu lợi nhuận, nhưng cũng siêu rủi ro. Sự rủi ro trong khai thác dầu khí được tính là cao nhất trong tất cả các các ngành nghề. Rủi ro của dầu khí không chỉ " ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ", mà còn chịu sự rủi ro về chính trị, về thời tiết, về sự cạnh tranh và về giá dầu...Chính vì sự rủi ro cao, mà ở VIỆT NAM, có doanh nghiệp tư nhân nào dám đầu tư thăm dò khai thác đâu. Một mũi khoan không thấy dầu là đi tong hàng chục, thậm chí cả trăm triệu USD.
Ở VIỆT NAM, nhiều Tập đoàn Dầu khí danh tiếng trên thế giới như BP, Total... cũng đã mất tổng cộng gần tỷ USD , mà có được lít dầu nào đâu...
BP chẳng hạn, mất toi gần 500 triệu USD để thăm dò mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh trong thời gian là 8 năm, cuối cùng đành bỏ, và " tặng "lại cho PVN 4 tấn hồ sơ. PVN nhận lại, và quyết làm, cuối cùng đã thành công, thành công rực rỡ...Nói thêm một ví dụ ấy, để các bạn thêm hiểu tý chút về dầu khí.