Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRI PHỦ VĨNH TƯỜNG VÀ NHÂN VẬT CHIÊU HỔ LÀ AI?

Phạm Ngọc Khảnh
Thứ tư ngày 26 tháng 4 năm 2017 10:37 AM


 

Ghi chép 




1) Lai lịch Tri Phủ Vĩnh Tường*

Hồ Xuân Hương trong sự nghiệp văn chương đã để lại cho chúng ta nhiều thi phẩm để đời, xứng đáng được suy tôn – Bà chúa thơ nôm! Về mối quan hệ đàm đạo thơ phú và cuộc tình lận đận thường nói đến Tổng Cóc, Chiêu Hổ và ông Phủ Vĩnh Tường. Ở đây tôi chỉ xin nói rõ hơn về lai lịch Tri Phủ Vĩnh Tường, qua những cứ liệu mà chúng tôi có được.
Như chúng ta đều biết, Hồ Xuân Hương là vợ lẽ Tri Phủ Vĩnh Tường, nhưng Tri Phủ Vĩnh Tường là ai và sống vào thời nào, trước nay chưa ai biết rõ. Vì vậy tìm ra được lai lịch, cũng như phát biểu quan điểm chính xác nhân vật này, chắc sẽ làm sáng tỏ nhiều điều về tiểu sử và thơ Hồ Xuân Hương mà nhiều người còn băn khoăn suy nghĩ.
Qua “tư liệu dòng họ Phạm, lưu hành nội bộ” ghi vẻn vẹn “đời 15 có Cử nhân Phạm Viết Ngạn đỗ 1842 làm Tri Phủ Vĩnh Tường; chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương”.
Qua tìm hiểu và những tài liệu từ Thượng Trại, xã Hải Phú, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nơi con cháu Phủ Vĩnh Tường di cư về đây lập ấp có: sách Triệu Tông Phả do chính tay con trai út Phủ Vĩnh Tường viết năm Tự Đức thứ 35 – Nhâm Ngọ (1882). Sách hiện còn lưu trữ trong tủ sách của cụ Phạm Cát Lũy, hậu duệ chi thứ họ Phạm ở thôn Phú Lễ, xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định và sách Trà Lũ Xã có chép về Tri Phủ Vĩnh Tường. Nội dung lai lịch Tri Phủ Vĩnh Tường và mối quan hệ Hồ Xuân Hương – Tri Phủ Vĩnh Tường như sau:
Tri Phủ Vĩnh Tường chỉ là danh vị được mọi người tôn xưng cửa miệng. Theo Triệu Tông Phả phần viết nối tiếp Phạm Gia Tộc Phả, nhân vật này mới ở chức Đồng tri phủ phân phủ Vĩnh Tường họ Phạm tên Viết Ngạn, húy Đại, tự Thành Phủ; khi thăng chức Đồng tri phủ phân phủ Vĩnh Tường cải là Viết Lập. Ông sinh ngày 13/8 năm Nhâm Tuất, Gia Long nguyên niên (1802), quê gốc ở Sơn Tây. Ông nội Phạm Viết Ngạn đến làng Trà Lũ xã Xuân Trung, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định cũ, dạy học. Đến năm Bính Ngọ (1786) di cư hẳn về làng Trà Lũ và trở thành người làng Trà Lũ.
Phạm Viết Ngạn đỗ Tú tài năm 24 tuổi, năm 41 tuổi đỗ Cử nhân tại trường thi Nam Định, khoa Nhâm Dần – Thiệu Trị thứ 2 (1842). Năm Mậu Thân Tự Đức nguyên niên (1848) được hậu bổ. Tháng 4 năm sau – Kỷ Dậu (1849), được điều đi giữ chức Nhiếp biện ấn vụ huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), rồi nhận chức Giáo thụ phủ Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Khoa thi hương năm Canh Tuất (1850) Phạm Viết Ngạn được sung sơ khảo trường Nghệ An; khoa thi hương năm Giáp Dần (1854) lại được sung phúc khảo trường Nghệ An … Năm Mậu Ngọ (1858) được bổ tri huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Đầu năm Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15 (1862) được thăng chức Đồng tri phủ phân Phủ Vĩnh Tường, tháng 3 năm ấy tham gia trận “Đánh thổ phỉ vượt biên giới” tràn sang vùng địa phận Phủ Vĩnh Tường, thắng trận. Đến ngày 14/4 cùng năm Phạm Viết Ngạn mất tại lỵ sở, thọ 61 tuổi. Vậy là ông nhậm chức ở Vĩnh Tường chỉ được chưa đầy 4 tháng…

Lần theo “Triệu Tông Phả” do Phạm Viết Thiệu, người con út của Phạm Viết Ngạn viết năm Nhâm Ngọ (1882) “Bố ta vâng nhậm chức giáo thụ phủ Thiệu Hóa bỗng sinh ta nhân đấy đặt tên là Viết Thiệu”. Phạm Viết Thiệu chép tiếp về đời tư của bố mình: “Vợ cả húy Châu đã chết (người làng Thọ Vực), sinh được hai trai hai gai(là anh chị em cùng cha khác mẹ của Phạm Viết Thiệu ); vợ kế (người làng Vị Xuyên theo bài vị thờ là họ Nguyễn); vợ thứ là em gái họ người vợ kế), cũng không có con” (sách đã dẫn). Hai người vợ sau của Phạm Viết Ngạn đều không có con.
Phải chăng do cấm đoán của lễ giáo cộng với lòng đố kị của những người trong gia đình nên Phạm Viết Thiệu không được chép gì về người mẹ đẻ của mình trong nội dung chính của Triệu Tông Phả?
Những điều tìm hiểu trên cho thấy cả 3 bà vợ (vợ cả, vợ kế, vợ thứ) của Phạm Viết Ngạn đều không phải là mẹ đẻ của Phạm Viết Thiệu. Như vậy, người vợ nào của Phạm Viết Ngạn là mẹ đẻ của Phạm Viết Thiệu?
Không còn nghi ngờ gì nữa, mẹ đẻ Phạm Viết Thiệu chính là Hồ Xuân Hương, người mà cho đến nay trong họ ngoài làng vẫn thừa nhận chứ không thể là ai khác.
Lại chiếu trong sách Nam Định dư địa chí do Khiếu Năng Tĩnh hiệu khảo và Ngô Giáp Đậu biên soạn năm 1916 cho biết “Phạm Công Đại, nguyên tên húy là Ngạn, người làng Trà Lũ, đậu Cử nhân khoa Nhâm Dần đời Thiệu Trị (1842) làm đến Đồng tri phủ phân phủ Vĩnh Tường, chết trong lúc làm quan. Ông có tiếng thanh liêm, giản dị. Nhà thơ Hồ Xuân Hương là thiếp của ông.” Thấy trùng hợp với lai lịch trích dẫn trên kia.
Khi Phạm Viết Ngạn mất tại lỵ sở Vĩnh Tường, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã khóc ông bằng một bài thơ vô cùng thống thiết:
Trăm năm quan phủ Vĩnh Tường
Cái nợ ba sinh có thế thôi
Chôn chặt văn chương ba tấc đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời
Nắm xương dưới đất chau mày khóc
Hòn máu trên tay nhoẻn miệng cười
Đã thế thì thôi cho mát mẻ
Trăm năm quan phủ Vĩnh Tường ôi!


2) Nhân vật Chiêu Hổ là ai?

Câu hỏi này đặt ra không phải là không có lý, vì lâu nay có nhiều quan điểm, nhiều lập luận trái chiều; có lúc tưởng như bế tắc. Mặc dù trong dân gian, qua nhân vật Hồ Xuân Hương (1815- 1893) với thơ phú của bà thì Chiêu Hổ là một người tình - “trục trặc” của Xuân Hương để bà phải “vơ” liều Tổng Cóc…
Ta thử điểm lại câu chuyện này xem sao. Trước nhất hãy tìm hiểu về những nhân vật có liên quan:
Về Phạm Đình Hổ trong “Lược Truyện các tác gia Việt Nam”, tập1, NXB KHXH, 1971 của Trần Văn Giáp (Chủ biên); cũng như “Từ điển Văn học Việt Nam”, NXB Giáo dục, 1999 của Lại Nguyên Ân. Đều ghi rất rõ Phạm Đình Hổ (1768 – 1839); tự Tùng Niên và Bỉnh Trực, hiệu Đan Sơn và Đông Dã Triều, người làng Đan Loan huyện Đường An (sau là Bình Giang tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng), cuối năm 1826 thăng Tế tửu Quốc Tử Giám … Có người nghi ngờ ông là Chiêu Hổ, thường xuyên xướng họa với Hồ Xuân Hương.
Về nhân vật Chiêu Hổ, người đã từng họa thơ với Hồ Xuân Hương là ai? Theo Nguyễn Hữu Tiến biên soạn, xuất bản sách “Giai nhân dị mặc” đến những tập thơ Hồ Xuân Hương in sau này (1912, 1914). Ông đã có công tìm hiểu quê hương, lai lịch, nhưng không quyết đoán được đành ghi: “Chiêu Hổ người làng Đan Loan, phủ Bình Giang tỉnh Hải Dương …”. Hơn 20 năm sau Dương Quảng Hàm lại giải đáp dứt khoát: “Chiêu Hổ là Phạm Đình Hổ (1768 – 1839)” mà không cho biết từ nguồn gốc tư liệu nào? Nếu theo giả thiết Chiêu Hổ, tức Phạm Đình Hổ quả thật là người bạn thơ xướng họa của Hồ Xuân Hương thì Tri phủ Vĩnh Tường phải kém nữ sĩ đến mấy chục tuổi. Vì Tri phủ Vĩnh Tường đến năm Nhâm Tuất (1802) mới sinh.
Tảo Trang trong bài “Chiêu Hổ và Phạm Đình Hổ” (Tạp chí văn học số 3 năm 1962) nêu ý kiến: Chiêu Hổ không dính líu gì đến Phạm Đình Hổ.
Để chứng minh luận điểm này (dựa theo Trần Tường, sách đã dẫn). Chúng ta quay trở lại tìm hiểu về phong độ, tài thơ văn của Tri phủ Vĩnh Tường – Phạm Viết Ngạn: xin nêu hai câu thơ trong 3 bài thơ chữ Hán của ông như sau:

Thỏ phách tà xuyên khuê diệp lãng
Phụng chi ám giữ quế hương luân


Tạm dịch:
Trăng nghiêng xuyên lá buông khuê rợn
Cành phượng tỏa ngầm hương quế lan


Gia phả họ Phạm (Trà Lũ) còn chép lại một bài thơ liên quan đến cái chết của ông ở Lỵ Sở:

Tạm dịch thơ:
Dân trong sáu nước đã dân Tần
Hào lão thôi đành chịu khuất thân
Khổ ải đầu xanh đều trắng tóc
Tâm hùng giáo mộc khó thân gần
Trăm năm vun đắp xem Trang, Hiếu
Một cuộc phàn nhương ngán Hang, Trần
Cảm nghĩa giờ đây thân chịu mệnh
Ta người đất Bái cũng dân Tần


Những trích dẫn trên đây tuy ít ỏi, cũng đủ chứng minh Phạm Viết Ngạn là một người khoa cử có văn tài, ông còn là người rất tài hoa, giỏi cả cầm, kỳ, thi, họa.
Bốn bài thơ xướng họa giữa Xuân Hương với Chiêu Hổ - “…chơi cung nguyệt, … mó hang hầm…” như ta đã biết. Thể hiện hai nhà thơ rất phóng khoáng, đằm thắm và đồng điệu; ngôn ngữ thơ rất hàm súc, trong sáng và giản dị. Đặc biệt cách chơi chữ của hai người rất tài hoa, hóm hỉnh, thử thách tài năng của nhau… cá tính và văn phong hai nhà thơ không khác cá tính của Hồ Xuân Hương và Phạm Viết Ngạn.
Ngoài ra cần nói tới đôi câu đối nổi tiếng, vế ra của Xuân Hương, vế đối của bạn thơ: Mặc áo giáp dải cài chữ đinh mậu kỷ canh khoe mình rằng quý/ làm đĩ càn tai đeo hạt khảm tốn ly đoài khéo nói là khôn. Phải chăng đôi câu đối này có gài ngầm “mật mã”, chiết tự, đồng âm dị nghĩa…
Theo các bộ trong chữ Hán ghép lại thấy vế ra có hàm chứa từ Thành Phủ - tên tự của Phạm Viết Ngạn; vế đối có hai từ Xuân Hương, ta thấy hai nhân tài văn chương gặp nhau thật đáo để.
Lại nữa theo những địa danh sáng tác của Hồ Xuân Hương với những nơi Phạm Viết Ngạn từng công cán. Ở Thanh Hóa có 3 bài: Ông chồng, bà chồng (tức hòn Trống, hòn Mái), chơi hang Thanh Hóa (hang ở Thanh). Ninh Bình có 2 bài: Kẽm Trống, Đèo Ba Dội, 2 câu đối: thơ chuông vần uông, câu đối Cửa Đó. Sơn Tây (Vĩnh Tường) 3 bài: Hang Cắc Cớ, chơi Chùa Hương, chợ Giời Sài Sơn.
Một sự trùng lặp bất ngờ và thú vị là nơi sáng tác của Hồ Xuân Hương và nơi nhậm chức của Phạm Viết Ngạn khớp nhau như hình với bóng.
Cuối cùng khi Phạm Viết Ngạn mất ở Lỵ Sở bài thơ “Khóc ông phủ Vĩnh Tường” của Xuân Hương, nó như một bài điếu văn bà đã chắt lọc, khắc họa chân dung quan phủ Vĩnh Tường mà trước nhất ông là một văn nhân “chôn chặt văn chương ba tấc đất…” và sau mới đến trí trai “Hồ thỉ bốn phương trời”.
Đến đây chúng ta có thể khẳng định Chiêu Hổ tức Phạm Đình Hổ không phải là bạn xướng họa thơ của Hồ Xuân Hương. Chiêu Hổ chỉ là tên người đời sau đặt vì tưởng lầm người bạn xướng họa thơ họ Phạm của Hồ Xuân Hương là Phạm Đình Hổ tức Chiêu Hổ. Thực ra người bạn thơ họ Phạm ấy là: “Phạm Viết Ngạn, tự Thành Phủ, người bạn đời của Hồ Xuân Hương; từ khi ông còn là thầy đồ dạy học, đợi khoa thi hương và khi đã đỗ Cử nhân có chức vị xã hội chỉ là một: Tri Phủ Vĩnh Tường.