Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỞ “KHO” HÁT VÍ NGỌC THAN

Ghi chép của Đỗ Quốc Bảo
Thứ năm ngày 17 tháng 6 năm 2010 5:29 PM

Ghi chép của ĐỖ QUỐC BẢO
Xưa, thời nào làng cũng có vài chục “nhà thơ chân đất”; nay thì có cả nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, hội viên các hội chuyên ngành ở TƯ (Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Nhạc sĩ, Hội Kiến trúc sư…). Sáng tác văn nghệ không phải là “đặc quyền” của các nhà khoa bảng, các nhà giáo mà của mọi người, cả trong lúc lao động và lúc nghỉ ngơi. Họ đọc, kể, hát cho nhau nghe trong các buổi uống nước chè xâu, các cuộc vui và cùng phẩm bình rôm rả. Trong “kho” văn học dân gian của làng thì phong phú nhất, độc đáo nhất là thể loại hát ví.
MỘT KHO BÁU THỰC SỰ
Ngọc Than là một làng của xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai, Hà Nội). Đường Láng - Hoà Lạc chạy qua đồng làng; từ làng ra thủ đô Hà Nội chỉ 19,5 kilômét. Đây là điểm tham quan nằm trong cụm danh lam thắng cảnh Hoàng Xá (thị trấn Quốc Oai), chùa Thầy (Sài Sơn).
Đám Than (lễ hội chính của làng) nổi tiếng ở Xứ Đoài về cả quy mô tổ chức lẫn tính chất độc đáo của các tiết mục trình diễn:
Bơi đăm, Rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy chẳng tầy Đám Than
Bên cạnh đó là Hội “Du xuân giao điệt” (chơi xuân đánh vật), thi bơi bắt vịt dưới ao, chọi gà, đánh cờ... Còn kho tàng văn học dân gian của làng thì do tính chất truyền miệng nên chưa có điều kiện phổ biến rộng rãi. Những năm gần đây, qua sưu tầm, khảo cứu tại địa phương, bước đầu đã tập hợp được hàng chục câu chuyện văn hoá làng, hàng nghìn câu hát ví, ca dao, câu đố, tục ngữ, hò, vè… Đó thực sự là những tác phẩm văn học quý giá, phản ánh truyền thống văn hiến nghìn đời của làng khoa bảng “bút Ngọc Nghiên Than”, có Đặng Trần Chuyên (1818-1869), đỗ Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thân (1848), là tiến sĩ khai khoa; thời hiện đại có 9 Tiến sĩ, 4 phó Giáo sư, 2 Nhà giáo ưu tú. Việc tinh tuyển các tác phẩm đang được tiến hành để giới thiệu với bạn đọc gần xa.
CẢNH CÒN ĐÓ, NGƯỜI CÒN ĐÂY
Hát ví Ngọc Than chủ yếu diễn ra vào tháng Tám, từ khi có giăng (trăng) buổi tối Mười hai (12) cho đến khi muộn giăng (khoảng nửa tháng); không kể các cuộc hát giải (thi) hay hát theo yêu cầu (khao vọng, lễ đám…). Địa điểm hát ví rất linh hoạt. Có khi bên trên thuyền, bên trên bờ; có khi hai “phe”ở hai bên bờ ngòi, cũng có khi cùng đứng trên bãi đất rộng… mà hát ví, đối đáp với nhau.
 Trong số những nghệ nhân đã mất thì nổi tiếng nhất là ông Hai Khinh và bà Hai Ty (người Bương Rổ, xã Nghĩa Hương, lấy chồng Ngọc Than là ông Hai Ty). Cuộc hát “vô tiền khoáng hậu” nổi tiếng Phủ Quốc là cuộc hát ví năm 1942 tại buổi khao Chánh tổng của ông Hồ, xóm Trại (ông Hồ là con ông trùm Tuần, là cháu cụ phó Liễu). Quan khách thiên hạ và dân làng đã chứng kiến cuộc thi tài kéo dài 3 ngày 3 đêm mà bên nam, bên nữ vẫn bất phân thắng bại. Kết quả là cái giải mà ông Chánh Hồ treo thưởng vẫn còn nguyên. Ông Hai Khinh vốn là nghệ nhân hát Chèo, có giọng tốt, ví giỏi. Nếu ngồi một chỗ bảo ông đọc cho nghe những câu, những bài hát ví thì ông… chịu, nhưng cứ vào cuộc hát thì ông như người khác hẳn: ý tứ, câu chữ cứ tuôn ra ào ạt như nước chảy. Còn bà Hai Ty thì mang cả “vốn” hát ví ở quê Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1473) về Ngọc Than nên đã được xếp vào hàng “đàn chị” về hát ví.
Hiện nay, vẫn còn đó nhiều nghệ nhân sẵn lòng dẫn du khách vào thăm “kho” hát ví. Đó là cụ Bùi Thị Tần, nhà ở xóm Quán, lấy chồng xóm Trại Mới, đã 94 tuổi vẫn còn ví. Đó là cụ Bùi Thúc Cát, 84 tuổi, xóm Trại Mới, một “quái kiệt” còn nhớ hàng nghìn câu ví. Đó là cụ Đỗ Thị Phách, người xóm Ô, lấy chồng thôn Du Nghệ (thị trấn Quốc Oai), cũng đã ở tuổi 84 nhưng vẫn rất minh mẫn, nhớ được nhiều bài hát ví, nhiều câu tục ngữ, đố, vè, chuyện dân gian…
VÍ VẦN NHƯ VỢ VỚI CHỒNG
Hát ví Ngọc Than là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian bắt nguồn từ lao động, sản xuất, lễ hội. Nội dung ví rất phong phú, bày tỏ nhận thức xã hội, thái độ ứng xử, tình cảm riêng tư, tình yêu đôi lứa… Có hai dạng thức chính là hát ví lẻ và hát ví có lề lối.
 Hát ví lẻ là những câu “tức cảnh sinh tình” trước một sự kiện, nhân vật nào đó; hoặc là hát đối đáp trong thời gian ngắn, không phát triển thành một cuộc hát. Hát ví lẻ không phụ thuộc không gian diễn xướng và đề tài rất linh hoạt, tuỳ thuộc vào đối tượng và khả năng của đôi bên tham gia. Một cô gái đi cắt cỏ, gặp một anh chàng đã có chủ ý từ trước và nay gặp dịp, liền đùa ghẹo bằng cách lấy liềm của cô. Cô gái không phải vừa, bật ngay ra cách giải thoát cho mình, cách nói rất khéo để chàng trai khỏi phật ý:
Ví dù nhẫn bạc nhẫn vàng
   Thì em trao lại cho chàng tận tay
   Liềm sắt cắt nắm cỏ môi
   Xin anh trao lại liềm này em xin.
Chàng trai chưa thể đối lại nên đành phải trả liềm cho cô gái, chờ một dịp khác để tỏ tình. Cũng có trường hợp , chàng trai ví trước:
Ở nhà anh mới ra đây
   Thấp bé thế này em có yêu chăng
   Có yêu thì nói phải rằng
   Chả yêu thì ngỏ cho lòng anh hay.
 Nhưng vì cô gái chưa “bén” ý nên không ví đáp lại.
Hát ví có lề lối ở Ngọc Than cho thấy vẻ đẹp lung linh của loại hình ca hát dân gian này. Nó lấy cơ sở từ hát ví lẻ nhưng trong hoàn cảnh sinh hoạt đông người nên có điều kiện phát triển thành một cuộc hát. Các cuộc hát ví ngày xưa thường diễn ra ở gò Bồ Quân hoặc Cầu Hà, nơi trai gái Ngọc Than ra hát với trai gái của các làng, xã lân cận. Một cuộc hát ví thường có 3 chặng chính với các lề lối và các thủ tục nhất định:
Chặng thứ nhất: ví chào (mời, thăm hỏi).
Thoạt vào chào lụa chào the
Em nghe các bác dừng lại mà nghe anh chào
Chào mơ, chào mận, chào đào
Chào người thục nữ, chào người hiền nhân
Chào xa em lại chào gần
Để cho kẻ Tấn người Tần chào nhau.
Nếu cuộc hát diễn ra tại một gia đình thì chủ nhà được ra lời trước. Hai bên vừa ăn trầu, hút thuốc, vừa trò chuyện và chuẩn bị hát tiếp. Cuộc hát có thể mở đầu bằng câu đánh tiếng và lời thách hát. Chẳng hạn, cô gái “phủ đầu”:
Vào cuộc, cứ theo lệ làng
Cấm đố, cấm hỏi, cấm chàng hát chua (hát đế)
Hát xong ta lại phân vua (bua)
Từ tối đến sáng, được - thua cấm cười
Đã hát, cấm cả người xui
Ở trong đám hát có tôi với chàng
Được - thua, thua - được rõ ràng
Kẻo mà mang tiếng là chàng thua em.
  “cấm đố”, “cấm hỏi”, “cấm cười”... như trêu chọc, như thách đố, tuy rất nhẹ nhàng; chả nhẽ đấng nam nhi lại chịu kém? Vậy là cuộc hát giữa đôi bên đã được khơi mào. Chàng trai lên tiếng. Vậy là có xướng có hoạ, hai bên “bắt giọng” nhau, chấp nhận cuộc chơi. Có điều lạ, các cô gái vốn hiền lành trong đời thường bỗng trở nên sắc sảo, luôn luôn “lên nước” trước các chàng trai:
Anh có hát kết để em giao hẹn
Anh có tài tình thề nguyện bóng giăng (trăng)
Anh hát phần trắc em hát phần bằng
Hát xuôi hát ngược hát giăng trên trời
      …Ví vần như vợ với chồng
Hỏi chàng có gảy được không hỡi chàng?
 Tất nhiên, bên nam “chấp nhận” và có người “đủ tài” đứng ra làm đối trọng để cuộc hát tiếp tục.
Chặng thứ hai: ví giao duyên (ví xe kết, ví tìm, ví gặp, ví ước...)
Chàng trai ví:   Anh đi tứ xứ giang hồ
    Về đây lại thấy xôi khô mọc mầm
         …Thuyền quyên hỏi thực má đào
    Hỏi rằng đã có nơi nào hay chưa?
 Cô gái đáp:   Em có chồng, em vẫn còn chê
    Thấy anh nhan sắc nhiều bề
    Mượn người giả của để về tay anh.
Cuộc hát phát triển sang phần ví đố, ví hoạ, ví thách cưới, dẫn cưới... Cô gái mượn việc thách cưới để bày tỏ niềm tự hào về quê hương, đất nước hoặc bày tỏ tâm tư, tình cảm:
Người ta thách thịt thách xôi
    Mẹ em thách cưới một nồi khoai lang
    Bao nhiêu cái (củ) lớn cho làng
    Bao nhiêu cái bé họ hàng ăn chơi
    Bao nhiêu cái mối cái hà
    Vứt cho con lợn con gà nó ăn
    Còn bao nhiêu cái lăn tăn
    Vợ chồng ta nhặt mà ăn kẻo hoài.
Chặng thứ ba: ví giã, ví tiễn.
Cô gái  hát:  Anh về em chẳng cho về
Em nắm lấy áo em đề bài thơ
Đề cho 3 chữ rành rành
Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba
Hiếu trung là bác mẹ già
     Chữ tình là vợ chồng ta ở đời.
Còn chàng trai, tiếc nuối vì phải tạm dừng cuộc hát, liền ví “hẹn”:
Mặt trăng đã ghé tà tà
Em gần thì ở, anh xa thì về
Mặt trăng đã dé mái gianh
Còn dăm câu nữa để dành đến mai.
Câu ví mộc mạc nhưng chứa đựng tình cảm chân thành, sâu sắc. Người nông dân xưa tuy ít được học hành nhưng lối sống lành mạnh, tình yêu lao động và con tim nhiệt huyết yêu đời đã cất lên tiếng hát.
Hát ví Ngọc Than là vốn quý của văn học dân gian Việt Nam, cần được bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài./.