Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"LỤC BÁT LÀ GIAI ĐIỆU CẢM XÚC TRONG TÔI"

Anh Việt
Thứ tư ngày 16 tháng 6 năm 2010 5:36 AM
TP - “Lục bát là giai điệu cảm xúc trong tôi”- Khi tuyên bố như thế, Khúc Hồng Thiện đã nói thật. Nhưng có thể, anh chưa biết những thử thách và cạm bẫy đang chờ đón mình phía trước. Bởi không có gì khó khi gieo vần sáu tám, và không có gì dễ hơn là sa vào những câu thơ sáo mòn. 
 
Nhưng nhà thơ sinh năm 1983 ở Hưng Yên này tỏ ra vững trên con đường lục bát với lóe sáng kiểu Làng mình vào hội hay chưa?/ Để cho tôi được lên chùa nhận con.
Hiện là sinh viên Khóa 10 Khoa Sáng tác và Lý luận - Phê bình Văn học (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du) - Đại học Văn hóa Hà Nội, Thiện còn đi dài trên con đường gập ghềnh, con đường mà chính anh tự thấy hão huyền thơ phú đôi vần.
L.A.H

Bập bênh
KHÚC HỒNG THIỆN
 
Bập bênh ngày bập bênh đêm
Chang chang bên trắng êm đềm bên đen
Bập bênh cả những ngọn đèn
Phía leo lét đỏ phía lèn lẹt xanh
Phía nào cũng rặt mong manh
Nửa quỳ sát đất nửa thành mây cao
Phía im lặng phía xôn xao
Quê đủng đỉnh phố ào ào bán mua
Một thôi thanh thản chuông chùa
Lại vang vang tiếng mõ khua trống rền
Sống cõi tục thác cõi tiên
Ở lành thì sẽ gặp hiền, chắc không
Bóng cò cặm cụi dưới đồng
Diều hâu đã lượn mấy vòng trời khơi
Bập bênh à bập bênh ơi
Buồn vui thì vẫn một đời kập kênh.
(Theo Tạp chí Văn nghệ quân đội số 708 – đầu tháng 3/2010)
Lời bình của Anh Việt
 
 Khúc Hồng Thiện là một nhà thơ trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi làm thơ. Nhiều vất vả trong quãng đời đã qua khiến anh có cái nhìn sâu sắc, từng trải. Điều này thể hiện thật rõ nét trong thơ, nhất là thơ lục bát – sở trường. Đọc liền một lúc hàng chục bài thơ lục bát của Thiện, ta không hề có cảm giác nhàm chán, bởi mỗi bài đều lóe sáng nhận thức, tình cảm mới lạ từ những đối tượng thẩm mỹ quen thuộc; cấu tứ, hình ảnh nhất quán và thường dồn đẩy đến những câu kết bất ngờ thú vị; ngôn từ mang sắc thái cá nhân đậm nét... Tất cả đều để lại dấu ấn của trí tuệ thông minh và tâm hồn đáng trọng. Bài thơ Bập bênh không nằm ngoài phong cách ấy.
 Lối tư duy biện chứng trong minh triết phương Đông nhìn sự vật đều có hai mặt, hai chiều: âm – dương, ngày – đêm, thiện – ác, chính – tà, và hai phương diện đó xen lẫn, đối lập, tranh giành. Cái tứ của bài thơ có lẽ cũng bắt nguồn từ triết lý đó? Nhưng là thơ nên phải nói bằng hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu chắt lọc điển hình và phải gửi gắm một giá trị nhân văn nào đó đem đến những rung động thẩm mỹ sâu xa.
 Toàn bộ bài thơ là sự «chưng cất» hình ảnh cuộc đời, càng về cuối càng đi vào nhân lõi với cảm nhận về kiếp nhân sinh. Cũng dễ thấy tác giả khai thác tính bập bênh hai mặt của đời sống theo một chiều kích khác: từ thời gian đến không gian với màu sắc, ánh sáng, âm thanh và thu lại ở điểm chót là cuộc sống con người.
 Để tạo ấn tượng về sự «bập bênh», tác giả triệt để khai thác thế mạnh của tiếng Việt và cách ngắt nhịp tuyệt vời của lục bát. Đó là sự xuất hiện dày đặc các từ láy tượng hình, tượng thanh, gắn kết nó với những từ gọi lên hình ảnh đối xứng: chang chang bên trắng/ êm đềm bên đen, leo lét đỏ/ lèn lẹt xanh, quê đủng đỉnh/ phố ào ào, thanh thản chuông chùa/ vang vang tiếng mõ. Đó là cách ngắt nhịp 3/3 trong dòng Lục và nhịp 4/4 trong dòng Bát – những sáng tạo đã có từ ca dao, Truyện Kiều và cả những cách ngắt nhịp ít phổ biến khác:
  Quê đủng đỉnh/ phố ào ào bán mua (3/5)
  Ở lành thì sẽ gặp hiền/ chắc không (6/2)
 Đó còn là sự lựa chọn từ ngữ mang tính chia tách (phía, bên, nửa) và đối lập (đêm – ngày, xanh – đỏ, im lặng – xôn xao, sống – thác, cặm cụi – lượn, buồn – vui...)
 Cùng với nó là những câu thơ thật sự tài hoa mang tính phát hiện :
  Bập bênh cả những ngọn đèn
  Phía leo lét đỏ phía lèn lẹt xanh
  Phía nào cũng rặt mong manh
  Nửa quỳ sát đất nửa thành mây cao.
 Ngọn đèn mong manh đã được ảo hóa, chấp chới, rung rinh, mờ tỏ… Ngọn đèn vượt qua nghĩa thông thường để trở thành nghĩa biểu trưng cho sự phân cực của nhân cách – một liên tưởng thật xa nhưng có lý: Nửa quỳ sát đất nửa thành mây cao.
 Sự đối lập đạt đến đỉnh cao khi tác giả cảm nhận về cuộc sống thực tại của con người thể hiện qua một nhận xét có tính phản biện với những quan niệm tưởng như đã trở thành truyền thống. Và đây chính là điểm sáng đặc biệt của bài thơ vì sự khác lạ:
  Sống cõi tục thác cõi tiên
  Ở lành thì sẽ gặp hiền, chắc không
 Điều mọi người còn vân vi nghĩ ngợi nửa tin nửa ngờ thì tác giả đã nói thẳng ra; ngay sau đó là chứng minh thuyết phục:
  Bóng cò cặm cụi dưới đồng
  Diều hâu đã lượn mấy vòng trời khơi.
 Thiết tưởng, không nên nói gì thêm, hãy để cho mọi người liên tưởng đến cuộc sống của con người ngàn năm như thế, và như thế…
 Tính triết luận của bài thơ ngưng kết ở hai câu cuối dưới dạng thức một lời ru:
  Bập bênh à bập bênh ơi
  Buồn vui thì vẫn một đời kập kênh.
 À ơi ru cái bập bênh của cõi người, cái buồn vui của một kiếp người kập kênh, đó là một thái độ nhân sinh độc đáo. Tưởng như tác giả đã nhìn thấu suốt lẽ đời để mà an nhiên, bình thản. Cuộc đời vốn thế, không có gì phải sốt ruột, hãi hùng.
 Xét đến cùng sự tĩnh tâm bao giờ cũng bắt nguồn từ nhận thức ở một tầm cao.
A.V
(Theo Tạp chí Phố Hiến số 66 – tháng 6/2010