Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BAO GIỜ LẠI CÓ QUANG TRUNG

Nguyễn Hữu Quý
Thứ bẩy ngày 12 tháng 6 năm 2010 3:51 PM
Có lẽ tất cả các thế hệ người Việt hôm nay, khi đã hiểu biết ít nhiều về lịch sử dân tộc, ta đều thống nhất một điểm cơ bản rằng, lịch sử của dân tộc VN là quá trình của những cuộc đấu tranh giữ nước, chống lại các thế lực ngoại xâm, mà trong đó chủ yếu là chống lại sự xâm lăng, đồng hóa của dân tộc Trung Hoa ở phương Bắc. Cũng chính từ sự thật lịch sử ấy, đã luôn tạo cho tâm thế người Việt từ bao đời nay, chỉ biết đến “phòng và chống”, mà chưa từng nghĩ đến “lấy lại những gì đã mất”!?
Có thể có người cho rằng, đấy là những suy nghĩ điên rồ, hoang tưởng... nhưng cũng thật đơn giản, nếu không giám nghĩ thì đồng nghĩa với không bao giờ giám làm! Một dân tộc không có hoài bão sẽ là một dân tộc bất định, hoặc sẽ bị diệt vong, hoặc chí ít cũng làm thân nô lệ, chấp nhận làm thiểu số... và cuối cùng để đi đến sự diệt vong.
Nếu không có tinh thần và khát vọng ấy, ông cha ta đâu có đặt Quốc hiệu ngay sau khi dành được độc lập là ĐẠI VIỆT, tương tự như thế, Lý Công Uẩn sẽ chẳng giám dời đô và đặt tên là THĂNG LONG với khát vọng “rồng bay”! Nếu không có tinh thần ấy, thay vì phục kích, đợi giặc đến để nghênh chiến, thì Ngô Tuấn-Lý Thường Kiệt đâu giám chỉ huy 40.000 quân thủy cùng voi chiến đánh thẳng sang nhà Tống để phòng trừ hậu họa bị xâm lược.
Trước khi nói đến Nguyễn Huệ-Quang Trung, ta hãy lấy ví dụ về khát vọng vươn lên của một dân tộc đó là Triều Tiên, có điều kiện lịch sử và văn hóa tương đồng với VN; trong khi Bắc Triều Tiên chỉ là “con rối” cho TQ ngày nay, vẫn độc đảng và tệ sùng bái cá nhân, các quan chức cao cấp chỉ là đám “tôi tớ ăn theo nói leo” đối với chủ tịch Kim Jâng il để được vinh thân, phì gia; thì ngược lại, Hàn Quốc, với một nền dân chủ đích thực đã trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới; cách đây 30 năm, ai giám nghĩ hãng SAMSUNG của Hàn Quốc sẽ vượt mặt hãng SONY lừng danh của Nhật Bản, để ngày hôm nay thống lĩnh thị trường Thế giới! Rõ ràng là, phải có một nền dân chủ đích thực mới đảm bảo là môi trường ươm mầm để khát vọng dân tộc bay cao.
Đối với Nguyễn Huệ-Quang Trung (1752-1792), một thiên tài quân sự, bách chiến bách thắng, do những chiến tích vang dội, Nguyễn Huệ được các giáo sĩ Tây phương so sánh với Alexandros Đại đế(1) và Attila(2); cái chết đột ngột của ông ở tuổi 40 là một tổn thất để lại sự tiếc nuối lớn nhất cho lịch sử dân tộc ta. Nếu ông không mất đột ngột, thì Lưỡng Quảng đã thuộc về Đại Việt, để ngày nay TQ đâu còn Lưỡng Quảng tiếp giáp với Biển Đông và đâu có cơ hội xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của VN và đang mưu chiếm 80% diện tích cả Biển Đông.
Bên cạnh chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút (1785) tiêu diệt 2 vạn quân Xiêm La và chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu 1789, tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, đã làm nên trang sử vàng chói lọi, nếu ông còn sống thêm 10-20 năm nữa thì chưa biết biên giới Đại Việt sẽ được mở rộng đến đâu!?
Mặc dù nhà Tây Sơn chỉ tồn tại được 24 năm (1778-1802), trong đó niên hiệu Quang Trung mà ông là Hoàng Đế chỉ có 4 năm ngắn ngủi (1788-1792), lại đang trong giai đoạn thời loạn, (vừa phải tập trung đối phó với thù trong giặc ngoài là nhà Hậu Lê và quân Vạn Tượng-Xiêm La, với Nguyễn Ánh-Pháp, với lực lượng Tàu Ô ngoài Biển Đông), cho nên Ông chưa có thời gian bình ổn và chưa kịp để lại cho hậu thế những trước tác về quân sự như Trần Hưng Đạo với “Binh thư yếu lược”, hoặc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các tác phẩm nổi tiếng hiện nay, cho nên, ông không được xếp vào các thiên tài quân sự thế giới; tuy nhiên, ông mãi mãi là anh hùng dân tộc và thiên tài quân sự, trường tồn trong lòng người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Tinh thần ĐẠI VIỆT trong con người Nguyễn Huệ-Quang Trung được thể hiện ở góc độ nào?
Dưới triều đại Quang Trung tuy ngắn ngủi, ông tiến hành tổ chức bộ máy, Ông đồng thời cũng cho soạn một bộ luật tên là "Hình luật thư", nhưng chưa xong thì ông đột ngột mất nên mãi không hoàn thành; Ông tổ chức thu hút nhân tài bằng việc ban “chiếu cầu hiền”; đặc biệt, Quang Trung thể hiện một tinh thần dân tộc mạnh mẽ bằng việc bỏ Hán ngữ để thay bằng hệ thống chữ Nôm. Ông quy định các bài hịch, chiếu chỉ phải soạn bằng chữ Nôm; đề thi viết bằng chữ Nôm, và các sĩ tử phải làm bài bằng chữ Nôm. Ông còn chủ trương thay toàn bộ sách học chữ Hán sang chữ Nôm nên năm 1791 đã cho lập “Sùng chính viện” để dịch kinh sách từ Hán sang Nôm v.v..
Không chỉ là một viên tướng thiện chiến, Quang Trung còn là một nhà cai trị tài ba. Ông giỏi chiến thuật quân sự, giỏi về chiến lược ngoại giao và lại biết thu dụng nhân tài để xây dựng đất nước...
Sau đây là một vài lời nhận xét về công cuộc cai trị của Quang Trung:
- "Ông không chỉ là cầm quân mà còn là nhà cai trị rất giỏi... Đồn binh vững vàng khắp đường sông, cửa biển; kỷ luật nghiêm minh, đồng thời lại rất nhân từ với nhân dân..."(3)
- "Lòng nhân hiếu cảm đến đất trời... Với các sĩ phu thì cuốn vào máy, thu vào lồng, tìm trong hang núi, hỏi chốn thôn quê, thu hái chẳng sót loài cỏ mọn"(4)
- Quang Trung là ông vua anh dũng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền tài văn học. Khi ngài ra đất Bắc Hà, những người như Ngô Thì Nhiệm, Phan Huy Ích đều được trọng dụng và nhất là đối với một xử sĩ như Nguyễn Thiệp thì thật khác thường(5).
Sau khi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, ngay hôm sau ông cất đại quân ra Bắc, Ông thể hiện tinh thần và khí phách dân tộc Việt qua “chiếu xuất quân” nổi tiếng:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Theo dõi lịch sử dân tộc ta, trong khoảng 1000 năm trở lại đây thì cứ khoảng 150-350 năm lại xuất một nhân vật kiệt xuất, chẳng hạn:
Lý Công Uẩn: 974-1028
Trần Nhân Tông: (1258-1308); Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn: (1232?-1300)
Lê Lợi-Lê Thái Tổ: (1385-1433), Nguyễn Trãi: (1380–1442)
Nguyễn Huệ-Quang Trung: (1752-1792),
Hồ Chí Minh: (1890-1969); Võ Nguyên Giáp: (1910-?)
Như vậy, chúng ta lại hy vọng, lịch sử dân tộc lại sẽ sinh ra một bậc vĩ nhân để đưa dân tộc sang trang vào nửa cuối thế kỷ 21 này(!?); tuy nhiên, để có thể xuất hiện nhân vật lịch sử ấy, thế hệ hôm nay cần phải tạo ra một môi trường dân chủ thật sự, như là tạo ra một vườn ươm có đầy đủ điều kiện để những hạt giống có cơ hội nẩy mầm và mang trong mình những tố chất cần thiết, để từ đó sản sinh ra một bậc vĩ nhân và đồng thời để đưa cả dân tộc thăng hoa.
Tiếc thương Nguyễn Huệ-Quang Trung, cái chết của ông ở tuổi 40 để Triều Nguyễn lên ngôi, để rồi nước ta phải trải qua các cuộc chiến tranh xâm lược của các nước Pháp-Nhật-Mỹ-TQ kéo dài hơn 120 năm (từ 1858-1979);
Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là gì? Nếu chúng ta chưa giám nghĩ đến “lấy lại những gì đã mất” hoặc như: “cái gì của Cesar hãy trả về cho Cesar”. Thì ít nhất, phải tự mình dần thoát ta khỏi vòng kim cô “phòng và chống” như hàng ngàn năm nay dân tộc VN như mặc nhiên chấp nhận! tạo tiền đề cho các thế hệ tiếp theo có nền tảng nghĩ đến “lấy lại những gì đã mất”!?
Để làm được điều này, không ai khác mà phải là các bậc “sỹ phu”, phải là các bậc “hiền tài” của cả dân tộc hiện đang ở cả trong và ngoài nước; hãy bỏ ra ngoài đối với những kẻ “tham, sân, si” cơ hội chính trị, “nhóm lợi ích”... đang ngày đêm bòn rút tài nguyên đất nước để lấy đô la gửi ở các nhà băng nước ngoài.
Ai giám bảo rằng, việc cho thuê đất rừng 50 năm giáp biên giới TQ là không mất? vậy thì, chuẩn bị tinh thần “đòi lại những gì đã mất” ngay từ bây giờ cho thế hệ con cháu chúng ta là những việc cần làm ngay từ hôm nay.
Cần một Nguyễn Huệ-Quang Trung ở nửa cuối thế  kỷ 21 là hiểu theo như thế! Trong sự diễn biến lịch sử sẽ diễn ra như thế!
*****
(1), (2) nguồn Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
(3) Legrand de la Liraye trong tác phẩm Notes historiques sur la nation annamite (Bút ký lịch sử về dân tộc An Nam).
(4) Ngô Trọng Khuê, một đại thần cũ Nhà Hậu Lê, trước đây đã từng chối từ lời mời của Quang Trung.
(5) nhận xét của Trần Trọng Kim.
12.6.2010
Nguyễn Hữu Quý
----------------------------------------------------------------------------------------
Danh sách các vua nhà Tây Sơn
Nhà Tây Sơn từ khi vua Thái Đức lên ngôi năm 1778 đến khi Cảnh Thịnh bị bắt năm 1802 được tất cả 24 năm, có 3 vua:
1. Thái Đức đế Nguyễn Nhạc (1778 - 1793)
2. Thái Tổ Vũ hoàng đế Nguyễn Huệ - Quang Trung (1788 - 1792)
3. Cảnh Thịnh đế Nguyễn Quang Toản (1792 - 1802)
Nếu tính từ khi Nguyễn Nhạc khởi binh từ năm 1771 thì cộng tất cả là 31 năm.
------------------------------------------------
Lý Công Uẩn; 974-1028
Trần Nhân Tông (1258-1308),
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1232?-1300)
Hồ Quý Ly (còn có tên là Lê Quý Ly 1336–1407)
Lê Thái Tổ (Lê Lợi) 1385-1433,
Nguyễn Huệ (1752-1792),
Hồ Chí Minh (1890-1969)
-----------------------------------
Để bổ sung cho luận điểm này, ta lấy Nhật Bản làm ví dụ: Triều đại Minh Trị Thiên hoàng (có niên đại tương đương với Nhà Tây Sơn), bằng tầm nhìn chiến lược (cử một phái đoàn đi học hỏi kinh nghiệm mô hình phát triển từ các nước phương Tây) đã trở thành quốc gia hùng mạnh, gây nên hai cuộc chiến tranh thế giới I và II, và TQ chính là nạn nhân cho tầm nhìn chiến lược ấy của Nhật Bản, và đã tạo nên “thế kỷ nhục nhã” của Thiên triều Trung Hoa và đất nước TQ; để đến hôm nay Nhật Bản vẫn là mối căm thù lớn nhất đối với dân tộc Trung hoa hiện đại.