Kính thưa bác Trần Nhương!
Em là Phạm Gia Văn. Hiện cư ngụ tại CHLB Đức. Em đã là độc giả từ rất lâu của trannhuong.com rồi. Vừa qua thấy trang Blog của bác đăng tải một số bài rất tâm huyết của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Nay lại có thêm các bài nghiên cứu rất có giá trị của các anh Lê Minh Phiếu và Dương Danh Huy. Tuy chưa thật đầy đủ mọi nguồn thông tin. Nhưng nó đã giúp nhiều độc giả quan tâm tới đề tài này một cái nhìn khá tổng quát của vấn đề thời sự nóng hổi này.
Noi gương các bậc đàn anh đi trước. Em cũng xin gửi tới bác Trần Nhương hai bài viết ngắn mà em vừa viết. Vậy nếu có thể dùng được thì tùy bác định liệu.
Xin gửi tới bác, qúi quyến cùng thân hữu lời chúc sức khoẻ để đón nẳm mới Kỷ Sửu tới với nhiều an lạc và may mắn!
Phạm Gia Văn
NGƯỜI LÁNG GIỀNG HẢO HẢO
Ở góc độ người dân thì ai cũng phải thừa nhận là nhìn chung người Hoa và Việt từ ngàn xưa là chưa bao giờ thù ghét nhau. Hay giận nhau được lâu.
Nếu không có cái mớ lý thuyết dân tộc cực đoan của giới trí thức khốn kiếp Nho giáo luôn coi tộc người Hoa Hạ và nước TRUNG HOA là trung tâm của vũ trụ (còn lân bang đều chỉ là ĐỊCH, DI, NHUNG và MAN cả) thì có lẽ con dân đất Việt ta lại không cơ cực như mấy ngàn năm vừa qua.
Nền văn minh lúa nước của tộc Việt mình xưa kia đâu có xoàng. Như thời lĩnh Nam kỹ thuật Luyện kim (đúc trống đồng và vật dụng đồ đồng), Lịch số (Qui lịch) và Văn tự (chữ Khoa Đẩu , với dạng chữ ký âm rất rễ phổ cập cho đại chúng).
Nhưng do tham vọng vô bờ của giới thống trị Trung Hoa mà mấy ngàn năm binh lửa, oán cừu ngất trời suốt từ thời nhà Tần, Hán cho tới bây giờ. Khiến trong máu mỗi con dân tộc Việt mình không ai là không ớn và oán cái tư tưởng bành trướng ngông cuồng ấy.
Ngày xưa thế giới hỗn mang. Cha ông ta đã anh dũng đứng lên giành độc lập dân tộc. Nhưng vẫn muốn hiếu hoà và muốn yên thân nên vẫn cứ xin “thần phục, cầu phong„ từ chính giới Trung Hoa. Hễ có cái gì tinh hoa nhất từ người (tướng tài, nhà khoa học, thầy thuốc giỏi…) tới sản vật, của ngon vật lạ trân qúi nhất (ngà voi, ngọc trai, trâu mộng, quế, yến, vây cá….) cũng đều cống nạp đều đặn chẳng bao giờ dám đơn sai. Đó là chưa kể mỗi lần bình định Nam Man theo cách chúng quan niệm, chúng đều bắt, giết sạch những người chống đối. Chúng cướp của cải, phá tất cả những gì gọi là di sản văn hoá qúi báu nhất để nhằm mục đích diệt tận gốc mọi nội lực của dân tộc mình để chúng dễ bề thực hiện dã tâm bành trướng bá quyền.
Ngày nay cái tư tưởng Đại Hán xưa đã không còn có chỗ đứng trong một xu thế Toàn cầu hoá của thế giới văn minh đa cực nữa. Nhưng nhìn cái cách mà người CS đàn anh TQ đối sử với CS đàn em VN cùng ý thức hệ trong vấn đề lãnh thổ trên bộ và trên biển suốt 50 năm qua như anh Huy Đức nêu ra ở trên là không người VN yêu nước nào có thể chấp nhận được.
Trong các tài liệu lưu trữ của triều nhà Thanh còn nghi rõ một nghi án lịch sử rằng, vào năm 1789, vua Càn Long đã sai Thành Lâm sang Thăng Long ban cho vua Quang Trung nhân đại lễ nhận sắc phong vương kèm một tấm áo khoác rất qúi. Trên đó có thêu bảy chữ:
XA TÂM CHIẾT TRỤC ĐA ĐIỀN THỬ
Bằng kim tuyến rất đẹp. Tất cả các quan Tây sơn lẫn Đại Thanh đều không ai hiểu nổi ý nghĩa thực của những chữ này. Hiểu theo nghĩa đen là: Giữa cái xe, trục bị gãy, đa số là do con chuột đồng gây ra…. Nghe như vậy thì quá ngô nghê và tối nghĩa. Nhưng ba năm sau, vào 1792, vua Quang Trung vốn rất khoẻ mạnh mới 39 tuổi, bị viêm màng phổi xuất huyết não, nằm bán thân bất toại mấy tháng và băng vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (15-9-1992) tại điện Trung hoà Phú Xuân. Thì người ta mới hiểu: Chữ xa với chữ tâm là chữ HUỆ, tên vua Quang Trung. Còn chiết trục là GẪY TRỤC, tức chết…. Thử là con chuột, chỉ năm TÝ, vua Quang Trung sẽ băng. Trong tấm áo đó đã bị người ta tẩm một loại thuốc cực độc ngấm dần vào da. Khi phát bệnh, nếu không có thuốc giải đặc hiệu của người chủ mưu là chỉ có tắc tử.
Những năm gần đây khi giới cầm đầu Trung Nam Hải vẫn có quan điểm rất rắn với ta về vấn đề biên giới cả trên bộ lẫn trên biển thì họ lại ban tặng chúng ta 16 chữ vàng lung linh:
“Láng giềng hữu nghị; Hợp tác toàn diện; Ổn định lâu dài; Hướng tới tương lai
Ai dám bảo rằng mười sáu chữ ấy kém đẹp hơn bảy chữ trước đây cuả hoàng đế Đại Thanh?
Nhiều người Việt mình hay nói cái câu “thâm như Tàu„!
Nhưng đã mấy ai dám vỗ ngực tự nhận mình đã tỏ được hết cái nho và thâm của đám diều hâu chính giới muôn đời của nước họ?
*
* *
NON SÔNG MỘT THUỞ VỮNG ÂU VÀNG
Một vấn đề bức xúc vào bậc nhất hiện nay của khá nhiều cư dân yêu nước xứ ta, chính là vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Cụ thể là vấn đề biên giới trên bộ và trên biển đang có tranh chấp với người bạn láng giềng khổng lồ phương Bắc.
Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, vấn đề nan giải này, tới hôm nay vẫn luôn mang tính thời sự nóng hổi.
Nhưng xét cho kỹ, nó qúa lớn, qúa sức với mỗi một cá thể nhỏ bé trong cộng đồng.
Tất cả các bên liên hệ, cả Việt Nam và Trung Quốc đều đưa ra các lập luận về chủ quyền lâu đời của mình trên các khu vực đang gây tranh cãi. Nhưng xem ra khi chân lý vẫn luôn thuộc về kẻ mạnh thì ta khó mà đòi và giữ được những gì vốn vẫn là của mình mà nay đã bị người ta chiếm đoạt và còn muốn chiếm thêm nhiều hơn nữa. Nếu nội bộ dân tộc ta vẫn còn chia rẽ. Như việc người dân không được tự ý tham gia bày tỏ thái độ của mình trong bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của quốc gia. Cũng như người dân hoàn toàn không có thực quyền tư hữu về mảnh đất sinh kế nói chung mà họ xứng đáng được thừa hưởng.
Ai cũng biết, thuở hồng hoang thì tất cả đất đều hoang vu, vô chủ. Nhưng tổ tiên của chúng ta đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt và cả máu nữa thì đất mới thành bờ xôi giếng mật trù phú như ngày nay.
Thời phong kiến lạc hậu xưa thì tất cả đất đều là của vua “ đất vua, chùa làng… „. Nhưng khi vua đã ban đất cho dân sử dụng thì đất đó lại trở thành của cá nhân. Nếu không phạm trọng tội với vua, bị tịch thu, thì đất ấy mãi mãi trở thành tài sản riêng của họ.
Nhà nước phong kiến còn có chính sách khuyến nông như miễn hay giảm thuế thích đáng cho những vùng đất mới khai hoang. Và tôn trọng quyền tư hữu hợp pháp của mỗi người dân trên phần đất ấy.
Khi chế độ phong kiến thực dân bị đánh đổ, chế độ mới của ta tuyên bố tất cả đất đai là thuộc quyền sở hữu toàn dân và tập thể. Thực chất đó là quyền sở hữu của đảng và nhà nước. Sở hữu quyền của những người giữ vai trò sinh sát trong guồng máy của chế độ. Còn người dân (toàn thể dân chúng) tất cả chỉ có quyền sử dụng có thời hạn (thực chất chỉ là tạm bợ, ăn đợi ở nhờ) trên chính mảnh đất mà cha ông họ đã dầy công khai phá, tạo dựng và trao gửi lại.
Đó chính là chỗ bất cập lớn nhất của luật đất đai của chúng ta.
Nó có tính cá biệt và xa lạ so với luật đất đai của phần còn lại của thế giới văn minh.
Luật đất đai hiện hữu của ta đúng hay sai, phản động hay tiến bộ thì xin hãy khoan bàn. Nhưng rõ ràng nó chưa hợp lý. Nên đó cũng chính là cội nguồn của những bức xúc và khiếu kiện dai dẳng của người dân về đất cát đã diễn ra rộng khắp trên toàn cõi Việt Nam ta hiện nay.
Bên Trung Quốc cùng ý thức hệ với Việt Nam. Một mặt họ có tham vọng rất lớn và rất rắn trong tranh chấp lãnh thổ với nước ta. Nhưng mặt đối nội, gần đây giới cầm quyền Trung Hoa đã trả lại nhiều tài sản nhà đất mà nhà nước đã công hữu hoá một cách vô lý. Đồng thời họ cũng đang từng bước thay đổi luật đất đai bất cập của họ bằng việc trả lại quyền tư hữu về đất đai trên một số vùng thí điểm. Để tiến dần tới xoá bỏ hoàn toàn chế độ công hữu phi lý. Để luật đất đai của họ ngày càng tương đồng với hầu hết mọi quốc gia trên toàn thế giới.
Là con dân Việt Nam còn có lòng với đất nước chắc chả ai không nhớ câu “việc nhân nghiã cốt ở yên dân„ của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Vậy nếu cứ kiên định mãi cái luật đất đai vô lý mất lòng dân như thế. Thì bao giờ chúng ta mới xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc?
Để tạo thành nguồn nội lực to lớn để dân giàu nước mạnh!
Để non sông lại MỘT THUỞ VỮNG ÂU VÀNG!