Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Kiểu NGỒI của NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

Nguyễn Phước Bảo Nhân
Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2009 1:20 PM
 
Nguyễn Bình Phương là nhà văn, nhà thơ đáng chú ý của văn học Việt Nam đương đại. Ở tiểu thuyết và thơ, Nguyễn Bình Phương đều tạo được nhiều dấu ấn và đóng góp riêng, rất đáng ghi nhận. Sáng tác tiểu thuyết từ năm 26 tuổi với tác phẩm đầu tay: Bả giời (1991), đến nay Nguyễn Bình Phương đã có đến bảy tác phẩm, trong đó đặc biệt thành công với Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thủy (2004) và gần đây nhất là Ngồi (2006). Dẫu chưa đủ để tạo bước đột phá quan trọng như Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài đã làm với thể loại truyện ngắn, song với sự tích hợp nhiều kiểu tư duy nghệ thuật và những thử nghiệm mới lạ về mặt hình thức trong các tác phẩm trên của Nguyễn Bình Phương, cho thấy, đây là một nhà văn có phong cách, là một hiện tượng lạ của tiểu thuyết Việt Nam hôm nay.
 
 
TRÀNG TIẾNG MÕ TRONG TIỂU THUYẾT NGỒI
      NGUYỄN PHƯỚC BẢO NHÂN
      Nguyễn Bình Phương là nhà văn có một gu sáng tác rất riêng lạ. Bên cạnh sự tích hợp phong phú nhiều kiểu tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết hiện đại và đương đại thế giới, ở nhà văn này còn có một kiểu tư duy nghệ thuật khá độc đáo. Những trang viết quái lạ của anh thường tạo cảm giác khó hiểu ở người đọc. Hình như nó không dành cho những độc giả “dễ tính, hời hợt” lại vốn chỉ quen với những tác phẩm và cách đọc truyền thống. Hiệu ứng tiếp nhận này thể hiện xuyên suốt từ Bả giời cho đến Ngồi. Có lẽ chính Nguyễn Bình Phương cũng đã nhận ra và tiên liệu tiếp điều này, cho nên, trong lời đề từ của Ngồi – tác phẩm khép lại một kiểu tư duy – nhà văn đã viết: “Cho sự kiên nhẫn cuối cùng... và...”
      “Và” thật thế, ngay khi vừa mới xuất hiện, Ngồi đã gây nên những hiệu ứng khác nhau trong cách cảm thụ của người đọc. Điển hình, chúng ta có thể kể đến hai bài viết trên báo Văn nghệ vào cuối năm 2006: Tiểu thuyết như là trạng thái tìm kiếm ý nghĩa của đời sống của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thạch và Về cuốn tiểu thuyết Ngồi của Nguyễn Bình Phương của tác giả Nguyễn Huy Thông. Đúng là người đọc tiềm ẩn không và không phải bao giờ cũng trùng khít với người đọc thực tế. Hai bài viết này xuất phát từ hai cách cảm thụ hoàn toàn trái chiều nhau trên nhiều phương diện, phần nào cho thấy thực trạng phân hoá trong cách tiếp nhận văn học của người đọc tiểu thuyết Việt Nam hiện nay.
      Ở đây chúng tôi muốn cắt nghĩa Ngồi – tác phẩm được nhà văn xem là “chín chắn, kín đáo hơn” so với các tác phẩm trước – từ một dấu hiệu nghệ thuật rất nhỏ trong tác phẩm là tràng tiếng mõ tụng kinh, mà nói như lời giới thiệu của nhà xuất bản, “bí ẩn, đều đều, tưởng chừng như vô cảm nhưng lại chứa đựng những nỗ lực tiến tới một sự khải minh” [tr.8].
      Trên báo điện tử Vietnam.net, Từ Nữ Triệu Vương đã có đề cập đến vấn đề này trong một bài phỏng vấn: “Anh cho tiếng mõ cất lên khắp tác phẩm của mình như thế là có hàm ý gì không? Nó cứu vớt cuộc sống à? Nó dẫn chúng ta tới “sự khải minh” như trong lời nói đầu của nhà xuất bản sao?”. Nhà văn Nguyễn Bình Phương trả lời rằng: “Khi viết chính tôi cũng không biết tiếng mõ ấy có giải quyết được gì không. Nó đã cất lên thì cứ để nó tồn tại, vậy thôi. Giống như nhạc nền ấy mà, có ý nghĩa hay không thì tùy thuộc vào cảm nhận của từng người” (NPBN nhấn mạnh). Còn trong bài viết Về cuốn tiểu thuyết Ngồi của Nguyễn Bình Phương, khi “nghiêm khắc” nhận xét hình thức nghệ thuật của cuốn sách, tác giả Nguyễn Huy Thông cho rằng những sự tìm tòi “từ cách xây dựng tính cách nhân vật đến ngôn ngữ, hình ảnh và hành văn [...] đều chỉ đẻ ra những bí hiểm, gây bực tức cho người đọc”, đặc biệt, “người đọc có cảm giác bực dọc về 18 trang sách đơn điệu vô cùng, cứ nhắc đi, nhắc lại âm tiết “cốc” của tiếng mõ vang lên trong khu nhà tập thể” [tr.9].
      Như vậy tràng tiếng mõ “khá ấn tượng” với tư cách là dấu hiệu nghệ thuật giá trị trong tác phẩm vẫn chưa được cảm nhận đúng “hương vị” của nó, hay nói cách khác, vẫn còn đang bỏ ngỏ để người đọc tiếp tục tham gia luận bàn và suy ngẫm. Phải chăng, tràng tiếng mõ tụng kinh này chỉ thuần tuý là trò chơi ngôn ngữ vô nghĩa hay vẫn ẩn chứa những chức năng và giá trị nào đó trong chỉnh thể tác phẩm?
      Với quan niệm của thi pháp học, tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật. Một yếu tố, nếu tách riêng biệt sẽ không có ý nghĩa gì về mặt hình thức, nhưng đặt trong hệ thống sẽ mang lại ý nghĩa. Thế nên, mọi yếu tố hình thức mang tính quan niệm trong tác phẩm đều có khả năng soi chiếu lẫn nhau. Khi nghiên cứu bất kì một yếu tố thuộc hình thức nghệ thuật nào, đòi hỏi người nghiên cứu phải đặt nó trong tương quan với chỉnh thể của tác phẩm. Nếu không đặt trong hệ thống, sẽ không thấy hết giá trị của từng dấu hiệu nghệ thuật và dễ đưa đến những đánh giá sai lạc.
      Ngồi là tác phẩm hết sức cô đúc và tràng tiếng mõ ở Ngồi là một yếu tố hình thức nghệ thuật cũng cần được quan niệm như thế. Để hiểu được ý nghĩa của nó, chúng ta nên đặt nó trong chỉnh thể của tác phẩm này. Trước hết, chúng ta cần thức nhận rằng, thế giới của Ngồi là một thế giới dung chứa quá nhiều hỗn tạp. Tiếng chửi rủa của gia đình vợ chồng người thương binh cạnh nhà Khẩn. Tình trạng vây cánh ô dù, đấu đá lẫn nhau giữa các phe cánh trong nội bộ cơ quan của Khẩn, đáng lưu ý là giữa bí thư đảng uỷ Tước và giám đốc Thìn. Nhiều ung giọt trong đời thường vẫn nghiễm nhiên tồn tại. Quân mất tích. Nhiều hiện tượng ngẫu nhiên phi lý vẫn thường xuất hiện trong cuộc sống như bức ảnh có chữ Niểu và hình ảnh người đàn ông ngồi, tấm vải đen óng, sáu chiếc cúc áo kì lạ... và nhiều thứ phức tạp khác. Đặc biệt, việc Quân mất tích không chỉ đơn giản là hành động chạy trốn tội biển thủ hơn 500 triệu đồng của cơ quan mà cái chết bi thương của chính nhân vật này do bạn bè – Trương – thủ tiêu (liên hệ nhiều chi tiết trong tác phẩm: giọng lẩy bẩy, thất thanh [tr.31] của Trương khi gặp lại Thuý, Khẩn “nhìn thấy một con bướm trắng tuyền nằm thoi thóp trên bậc thềm” [tr.38] khi ở lại nhà Thuý, can thuy [tr.54], một vùng sáng lạ kì [tr.42] ánh lên ở hồ nước nước sát mép “mảnh vườn rung lên như có người nào đó đang giãy giụa” [tr.111] sau nhà của Trương và nhiều lần “chuông điện thoại reo, Thuý thất thần nhổm nhạy nhấc máy áp vào tai chờ đợi nhưng chỉ có tiếng ì oạp diệu vợi” [tr.156]) khiến chúng ta suy ngẫm... Trong tác phẩm, những trạng thái mê vọng xung quanh này làm cho Khẩn cảm thấy đau đầu chóng mặt và chán chường với cuộc sống. Để ví về đồng loại, đồng nghiệp trong cuộc đời, có lúc “Khẩn đau đớn nghĩ đến hình ảnh một búi lươn trong chậu, cứ nhằng nhíu, hỗn độn quấn xiết lấy nhau cho tới khi một gáo nước sôi bất thần đổ xuống. Tại sao lại vô nghĩa đến thế cơ chứ?” [tr.89]: Dĩ nhiên, môi trường “dồn nén sinh lý” với nhiều đổ vỡ, hỗn tạp ấy chính là cơ hội tốt cho cái bản năng dục tính trong con người trỗi dậy. Nhung, Khẩn, Thái, Nghĩa, Hùng, lão Việt, Thuý, Minh, người đàn bà bán khoai nướng... đều là chúng sinh đói khát nhục dục. Họ tìm đến những công viên, những gốc cây, những quán Karaoke trá hình.., là để xả những stress, những mớ hỗn tạp của cuộc sống căng thẳng và mệt mỏi, đồng thời nhằm “mở cửa xác thịt” dưới nhiều hình thức. Nhưng rồi, tất cả những hành động tìm kiếm đầy phóng đảng đó lại khiến cho cuộc sống và chính họ càng trở nên phức tạp và khó hiểu. Thái mắc bệnh HIV. Thuý buông xuôi để đi theo một cái gì bí ẩn khác. Khẩn không tìm ra được ý nghĩa hiện hữu của bản thân, mệt mỏi ngồi lại bên lề đường trong trạng thái thoạt kỳ thuỷ của mình, trước vô vàn khuôn mặt người khẩn trương, vùn vụt qua phố...
      Trên cái nền của xã hội thác loạn này, tác phẩm nổi lên hai dấu hiệu nghệ thuật đặc sắc: 1. Chuỗi kí ức yên ả của Khẩn về Kim; 2. Tràng tiếng mõ tụng kinh cốccốccốc mà chúng tôi cho là hai ấn tượng khó quên hay hai con mắt của tác phẩm để lại nơi người đọc. Tình trạng xã hội thác loạn và “hai con mắt có hồn” trên là những mảng sắc đối lập nhau, như hai màu trắng và đen, sáng và tối trong một bức tranh thủy mặc, thể hiện nhiều ý đồ nghệ thuật của tác giả. Tràng tiếng mõ đều đều và thế giới yên ả, nghiêm túc trong kí ức của Khẩn chính là sự tương phản với hiện thực suồng sã, bát nháo và phàm tục của cuộc sống đời thường.
      Ý đồ xây dựng một thế giới lưỡng cực: một bên là sự thác loạn, nhốn nháo còn một bên là sự yên ả âm thầm như trên phần nào đã chi phối đến nghệ thuật của tiểu thuyết. Ngồi ở tác phẩm là một tư thế và tâm thế nước đôi đặc biệt: “giống như một vị bồ tát, lại giống như một cô gái miễn cưỡng chuẩn bị bước vào cuộc làm tình” [tr.17]; “nửa như của một vị thiền sư, nửa như của một lão hành khất” [tr.47]. Nhân vật chính của tiểu thuyết đầu và cuối đều ngồi chứ không đứng không đi không nằm, nhưng tên của anh ta lại là Khẩn - khẩn trương, khẩn thiết, khẩn cấp. Ngồi được xây dựng theo mô hình hai thế giới: một thế giới thực tại và một thế giới ảo giác. Bút pháp trong Ngồi đan xen giữa “hiện thực đến mức nghiêm ngặt” ứng với thế giới thứ nhất và “huyền ảo tâm lý” ứng với thế giới thứ hai. Ngôn ngữ của tác phẩm gồm hai lớp: một trần trụi, đầy tính khẩu ngữ, không thiếu những từ thô tục và một “đầy chất thơ, thầm thì và tinh tế”. Những chuỗi tiếng mõ khi ngắn ngủi khi kéo dài và những đoạn thơ bậc thang ở cuối các chương là nhạc nền trường canh của bản giao hưởng hai cung bậc trong đời sống của Khẩn.
      Lần đầu tiên tràng tiếng mõ xuất hiện là ở chương hai, được Khẩn cảm nhận cùng với tiếng chửi rủa của gia đình vợ chồng người thương binh cạnh nhà: tiếng mõ tụng kinh vang lên đều đều không rõ chính xác từ ngôi nhà nào của khu tập thể đối diện [tr.12]. Từ đó cuối chương hai và cuối một số chương về sau, mà cụ thể tất cả là 17 chương, tràng tiếng mõ này luôn được nhà văn nhắc đến. Có khi nó chỉ tồn tại một tiếng “cốc” như ở chương 13 và 22 của tác phẩm; có khi nó là một tràng nhiều tiếng, nhiều nhất là 116 tiếng [tr.281] như ở chương 48 – chương gần cuối của tác phẩm. Đặc biệt, tràng tiếng mõ qua các chương của tác phẩm cũng có tiết tấu “phú bần” – khi nhanh khi chậm – được Nguyễn Bình Phương thể hiện qua nhiều cách trình bày: có khi đều đều thành từng tiếng cụ thể “cốc cốc cốc cốc cốc cốc cốc cốc cốc cốc cốc” [tr.19] nhưng cũng có khi lộn xộn dẫm bước lên nhau như “cốc cốc cốốc cốc...” [tr.238] hay: 
      cốc
      cốc
      cốc
      cốc
      cốccốccôốc cốccốccôốc [tr.268].
      Như ở đầu chương hai của tác phẩm, nhà văn cho biết, đó là “tiếng mõ tụng kinh vang lên đều đều không rõ chính xác từ ngôi nhà nào của khu tập thể đối diện” [tr.12]. Trong truyền thống Phật giáo, mõ là một loại nhạc khí trong sinh hoạt nghi lễ. Tiếng mõ trong tụng kinh có mục đích giữ trường canh cho hành trình buổi lễ khi có nhiều người tụng. Thế nên, người đánh mõ được gọi là “duyệt chúng” [người làm vui lòng chúng]. Còn tiếng chuông tụng kinh có chức năng ra hiệu “dứt câu, chuyển đoạn, kết thúc bài” như dấu câu trong ngữ pháp, cho nên người đánh chuông được gọi là “duy na” [người điều khiển buổi lễ]. Mõ còn là pháp khí biểu trưng cho sự tỉnh thức. Trên cái mõ người ta thường khắc hình con cá vì cá là loài động vật ít ngủ, không khi nào nhắm mắt và thích hoạt động. Tiếng mõ có ý nghĩa đánh thức những con người đang triền miên trong “giấc mơ mở mắt” (chữ dùng của Nguyễn Du: Trần thế bách niên khai nhãn mộng).
      Xét trong chỉnh thể tác phẩm Ngồi, từ cái nền một xã hội được nhà văn khắc rõ tính chất hỗn loạn và mê vọng, từ sự sa đọa - bệnh hoạn của hầu hết con người trong tác phẩm, và đặc biệt, từ ý nghĩa biểu trưng của tiếng mõ cũng như ý đồ nghệ thuật của nhà văn, chúng ta hoàn toàn có thể suy ra rằng: những kí ức yên ả nghiêm túc chính là sự tự cứu rỗi hay lối thoát của chính nhân vật Khẩn còn tràng tiếng mõ tụng kinh âm thầm vang khắp tác phẩm chính là sự cứu rỗi, sự thức tỉnh cuộc đời.
      Nhưng là sự cứu rỗi kiên nhẫn, bởi vì những con người như Khẩn có khi nghe được, có khi không nghe được và cũng có khi nhận ra thấy thiếu vắng nó: Khẩn sực nhớ rằng không nghe thấy tiếng mõ như mọi khi [tr.21]. Khi nhân vật sực nhớ ra chứng tỏ tiếng mõ kiên nhẫn đã trở thành một phần cứu rỗi trong cuộc đời của Khẩn. Thế nên tiếng mõ ẩn dụ rằng trong cuộc sống chúng ta vẫn luôn còn đó những con người kiên nhẫn âm thầm giúp đỡ đồng loại, tế độ cuộc đời. Nói theo thuật ngữ Phật học thì đây chính là niềm tin bất hoại của Nguyễn Bình Phương và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tác phẩm. Cuộc sống dẫu tồn tại nhiều trá hình, nhiều đổ vỡ, rời rạc, nhiều hỗn tạp mê vọng, song vẫn còn đó những sự cứu rỗi bền bỉ âm thầm của ai đó để con người khỏi trượt đà sa đọa và để giữ trạng thái cân bằng cho chính cuộc sống. Thậm chí, nếu đặt trong tương quan với những kết cục buồn giữa đời sống hỗn tạp của hầu hết các nhân vật về cuối tác phẩm như trước đã nêu, chúng ta có thể ngầm hiểu thêm rằng: cuộc sống của mỗi con người ở thời điểm nào đó là cuộc giao tranh qua lại giữa thánh và phàm, nhưng sau đó thì chỉ còn lại cái bã, rã rời, mỏi mệt. Ý nghĩa của cuộc sống vẫn đang còn phía trước. Đây cũng chính là chỗ sâu sắc của tác phẩm. Nó đặt ra vấn đề phản tư về đời sống và ý nghĩa của sự hiện hữu. Thế nên, nói như nhà văn Dương Tường, giọng văn của Ngồi lạ, không dễ đọc, phải đọc vài lần mới thẩm thấu. Nhìn bề ngoài thì rất bình lặng nhưng tầng sâu thẳm lại chất chứa những bùng nổ lớn.
      Nguyễn Bình Phương được xếp vào nhóm nhà văn Việt Nam thuộc “khuynh hướng hậu hiện đại”. Cũng như thế giới tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái và Thuận, những dấu hiệu kỹ thuật của văn chương hậu hiện đại ở tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương chuyên chở nhiều cảm thức: sự đau đớn bơ vơ và tình trạng bất an của con người trước cuộc đời hỗn tạp, sự đổ vỡ của những trật tự xã hội và gia đình, sự ngắc ngoải ngưng đọng của đời sống, sự đánh mất bản ngã, phương hướng, sự băng hoại đạo đức... Tuy nhiên, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra một Nguyễn Bình Phương qua tiểu thuyết Ngồi: dẫu cũng là con người mang cảm quan hậu hiện đại, thất vọng trước những phi lí, ngẫu nhiên, rời rạc, sa đoạ của cuộc đời, nhưng nhà văn nói - như ai đó, với tư cách là “trụ đỡ tinh thần cho thời đại” - vẫn luôn còn giữ lại một niềm tin nào đó về con người trước cây thập giá cuộc đời khắc nghiệt.

      Tài liệu tham khảo:
Thụy Khuê (2007), Thế tĩnh tọa trong tác phẩm Ngồi của Nguyễn Bình Phương,
http://thuykhue.free.fr.
Nguyễn Bình Phương (2006), Ngồi, Nxb Đà Nẵng.
Phạm Xuân Thạch (2006), Tiểu thuyết như là trạng thái tìm kiếm ý nghĩa của đời sống, báo Văn nghệ, (45), tr.9.
Nguyễn Huy Thông (2006), “Về cuốn tiểu thuyết Ngồi của Nguyễn Bình Phương”, báo Văn nghệ, (51), tr. 9.
Từ Nữ Triệu Vương (2006), Nguyễn Bình Phương: “Ngồi” vì nhân vật... muốn ngồi chứ sao!,
http://www.vietnam.net.vn.