Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thương nhớ Nguyễn Khải

Tâm Huyền
Thứ tư ngày 14 tháng 1 năm 2009 1:25 PM
 
 
Kỷ niệm 1 năm nhà văn Nguyễn Khải vẫy chào “cõi nhân gian bé tí”, Nhà xuất bản Hội nhà văn đã ấn hành cuốn “Thương nhớ Nguyễn Khải” do gia đình ông biên soạn. Cuốn sách dày 170 trang, bìa cứng, giấy đẹp nhằm khẳng định một sự thật về Nguyễn Khải, đó là một “nhà văn có những bước đi nhọc nhằn và dũng cảm”.
Nhà văn Nguyên Ngọc viết thay lời tựa “Thương nhớ Nguyễn Khải” với những dòng cảm mến: “Nguyễn Khải có một số phận “rất Việt Nam. Anh có một tuổi thơ buồn, éo le và cả tủi nhục nữa – cũng như cái “tuổi thơ” của nhân dân mình vậy, rất có thể đắm chìm mãi mãi nếu tự trong anh – lại cũng như tự trong nhân dân mình vậy – không có một sức tự vươn lên kỳ lạ, im lặng, nhẫn nhục, mà kiên trì, kiên định, dũng cảm một cách thực sự là dũng cảm bởi không hề ồn ào, để thành người, một con người đàng hoàng trong cuộc đời, thành đạt trong sự nghiệp và ở đỉnh cao… Cũng từ chình chìm nổi của cuộc đời mình mà Nguyễn Khải hiểu và có quan niệm rất sâu, rất nghiêm về nghề và nghiệp cầm bút. Nghề cầm bút, với anh, trước hết và sau cùng nữa, là nghề làm người. Nghiêm trang và khó nhọc như nghề làm người…Nguyễn Khải không mất, nhà văn rất thời sự ấy lại cũng là nhà văn của tương lai”.
Qua những bài viết ngay sau khi Nguyễn Khải mất, của các tác giả Nguyễn Chí Trung, Lê Lựu, Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Khắc Trường, Ngô Vĩnh Bình, Thái Thăng Long, Tương Lai, Nguyễn Trọng Tín, Trần Đức Tiến, Lê Thiếu Nhơn, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Nguyễn Hòa…thì dẫu ít dẫu nhiều bạn đọc cũng thấy được vị trí của nhà văn Nguyễn Khải trong đời sống văn học Việt Nam. Những góc nhìn, những đồng cảm, những băn khoăn về Nguyễn Khải không chỉ dành cho ông, mà còn cho cả một giai đoạn văn chương.
Điều ngạc nhiên thú vị nhất khi đọc “Thương nhớ Nguyễn Khải” là biết được trước khi nhắm mắt xuôi tay cả 10 năm, nhà văn Nguyễn Khải đã viết di chúc. Ông đã viết hai chữ “vĩnh biệt” vào đêm 22-6-1998, với lời nói cuối như sau: “Trong gần bảy chục năm sống, tôi không phàn nàn bất cứ đoạn đời nào, những năm tháng nào. Có cái trước thì mới có cái sau, có cái này mới có cái kia. Tôi quan niệm khiếm khuyết là điềm lành, không có gì phải lo nhiều; hoàn toàn là điềm dữ, không chuẩn bị trước thì tai họa có ngày. Mươi năm trở lại đây tôi đã có ý thức điều chỉnh lại cách sống của mình, cố gắng sống thật tử tế, thật đàng hoàng. Bớt đi được một nửa những cái chưa tử tế cũng là tốt rồi. Tôi tự đánh giá là một cây bút nhẫn nại trong cái nghề của mình, chứ không phải là một cây bút tài hoa, có tài bẩm sinh. Nếu không có cuộc Cách Mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến thì tôi chỉ là một kẻ vô danh, chứ không thể làm được gì nên chuyện. Cho nên chế độ chính trị hiện nay dẫu có bao nhiêu thiếu sót, có bao nhiêu chuyện đáng buồn, đáng giận, tôi vẫn gắn bó máu thịt với hôm nay. Những cái làm được là kỳ tích của dân tộc, chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ, đưa nước Việt Nam, người Việt Nam sang thế kỷ 21”.

Nguồn: lethieunhon.com