Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lý Biên Cương thăm thẳm đường đời

Dương Hướng
Thứ ba ngày 13 tháng 1 năm 2009 6:12 AM
 
Văn là đời, câu nói đó rất đúng với cuộc đời và văn chương sự nghiệp của nhà văn Lý Biên Cương. Hãy đọc tên các tác phẩm (những đứa con tinh thần) của ông ta cảm nhận như thể số trời đã định. Âm vang của ngôn từ nghĩa ngữ cứ bám riết vào từng đoạn đường đời thăm thẳm nỗi gian truân của ông. Nó vận vào ông, hay ông vận vào nó?
  Nhưng với ông, nó ám ảnh mãi, nó mê hoặc, nó đeo đuổi suốt cuộc đời ông- cả vinh quang và cay đắng, cả niềm vui nỗi buồn, cả khát khao trống vắng, cả cô đơn và đau đớn...Mỗi câu mỗi chữ đều gợi lên ý tứ sâu sắc, và những nỗi buồn man mác. Nào là: Câu chuyện ngắn về con đường dài- đây là tên tác phẩm viết về than khi đường đời ông đi còn dài dằng dặc.Với truyện ngắn Que diêm liều mình thắp sáng tên truyện đầy tính triết luận. Đời người ta có lúc cô đơn tăm tối, khao khát được phút lóe sáng, cũng phải dấn thân, cũng phải cháy hết mình cho dù chỉ trong khoảnh khắc rồi tắt lịm, rồi tan tành thành tro bụi. Và sau đó như thể trời phú cho ông có được sức sống mãnh liệt, niềm đam mê, ông đã gặt hái thành công trên mọi phương diện. Đây là thời kỳ sung mãn nhất của nhà văn Lý Biên Cương. Ông cho ra mắt bạn đọc tác phẩm Quả trong lòng tay- như báo hiệu một niềm vui tròn đầy no đủ ông đã có chắc chắn trong lòng tay. Để rồi sau đó liên tiếp ông cho ra đời những tác phẩm phù du, Kiếp đàn ông, Mười hai bến nước... Và như thể định mệnh xui khiến, cuối đời ông gặp được một người đàn bà thật đặc biêt để rồi ông lại có được tác phẩm mang tên Người đàn bà ngang qua đời tôi ghi đậm dấu ấn cả văn chương lẫn cuộc đời. Có lẽ sự nghiệp sáng tác của Lý Biên Cương, truyện vừa Người đàn bà ngang qua đời tôi là tác phẩm hay nhất của ông. Nó vừa đam mê đắm đuối, vừa đớn đau xa xót, như chắt ra từ máu thịt con người ông- càng cuồng nhiệt đam mê lắm, càng đau đớn xót xa nhiều...
   Lý Biên Cương, vào những năm tôi mới tập tọng viết ông đã nổi tiếng trên mọi phương diện văn và đời. Tôi ngưỡng vọng khi cầm trên tay tờ báo văn nghệ có in tác phẩm của ông. Ông đăng đàn với một loạt truyện ngắn và những tập tiêu thuyết được bạn đọc cả nước đón nhận. Lý biên Cương rất khéo đặt tên những tác phẩm của mình gây ấn tượng cho người đọc. Giờ nhìn lại sự nghiệp sáng tác của ông, tôi giất mình thấy tất cả những tác phẩm của ông đều có bóng hình ông trong đó. Phải chăng từ một kiếp đàn ông, với mười hai bến nước, của ngời đàn bà ngang qua đời tôi nó đã vận vào ông. Như thể tiểu thuyết và cuộc đời lặn ngụp vào nhau. Đắm say có, hờn ghen có, hận thù có, phản bội có. Tôi đọc Người đàn bà ngang qua đời tôi thấy rõ nỗi lòng đau đớn của ông trút lên trang viết thật sống động. Những chi tiết cứ sởn da gà khi đêm đêm nằm với người tình mà mình yêu thương lại cứ phải nghe tiếng gõ cửa bất thường của thằng đàn ông khác nó mò đến, nó rình rập. tiếng gõ cửa nó cứ nhoi nhói vào tim. Văn ông mượt mà ấm áp tình người, tình đời. Trời sinh ra tính đa tình - để cho lắm kẻ liều mình mê say  Lý Biên Cương lồ lộ dáng hình trai tráng, hồng hào phong tình và rất khéo tỷ tê thủ thỉ thù thì với phái đẹp. Các cụ đã nói rồi gái ham tài giai hám sắc trời đã định sao cưỡng được.Tôi thâm thán phục thấy ông tỏa sáng trong các cuộc hội hè giao lưu với bạn bè văn hữu, và cả những nữ văn sỹ, nghệ sỹ tài danh có hạng. Suốt cả chặng đường dài biết ông, tôi càng thấm thía và hiểu rằng mỗi một cuộc đời sinh ra đều phải mang một cại mệnh.Mệnh trời đã định- khó mà cưỡng lại. Điều quan trọng hơn cảngười đời phải nhìn sao cho thấu đáo được lẽ đời bằng ánh mắt cảm thông nhân ái, bao dung. Cũng một con người ấy, người thì ca ngợi, kẻ lại chê bai. Với Lý Biên Cương, tôi có được những cảm nhận sâu sắc về ông ở góc nhìn của một nhà văn. Đã nhiều lần tôi cao hứng có ý định sẽ viết tiểu thuyết về cuộc đời ông với góc nhìn khác. Không theo lý lẽ thường tình của người đời trong cuộc sống thường nhật. Cái nhìn về nhà văn Lý Biên Cương phải đứng từ góc tối để nhìn ra phía sáng mới tượng tận được-và phải nhìn với tấm lòng nhân ái mới thấu đáo. Và lại phải đặt mình là người trong cuộc mới thấm thía lẽ đời. Mọi chuyện đều phải có căn nguyên gốc rễ. Đàn bà hồng nhan thường bạc phận là vậy. Đàn ông như Lý Biên Cương làm sao cưỡng được mệnh trời.
   Trời cho ông nhiều tài, đa tình đa mang lại luôn mang nặng cái tình, lại cứ phải đau đáu nỗi niềm, lại cứ phải canh cánh lo âu, lại cứ phải khắc khoải mong chờ, lại cứ thấy trống vắng trong lòng nên mới khát khao, nên mới thương nhớ. Cho dù chỉ nhớ thương vẩn vơ.
   Hỡi ai vương sợi tơ lòng cho nàng vấn vít, cho chàng nhớ mong
 Với Lý Biên Cương, do hoàn cảnh đặc biệt nên sự nhớ mong của ông đôi khi chỉ vu vơ thôi, nhưng vẫn bị giằng xé, bị dằn vặt, bị ức chế, bị săm soi, bị oán hờn. Nhìn góc này thì vời vợi sáng ngời, nhìn góc kia lại tối tăm....
    Nhiều lần ông thành thật với tôi Tớ biết, tớ là thằng đàn ông mắc tội lăng nhăng .. Rõ rồi, tôi quý trọng ông chính vì sự thành thật, dũng cảm dám nhận lỗi lầm với vợ với con. Ông đã dám đánh đổi cả công danh sự nghiệp để không phải là người giả dối. Cuộc tình ngang trái của Lý Biên Cương, giới văn sỹ cả nước đã biết nhưng chưa chắc ai đã thấu đáo nỗi lòng của ông. Thế gian này có biết bao kẻ lén lút ngoại tình không dám thú tội, nhưng với Lý Biên Cương, ông
đã dám đối mặt với lỗi lầm của mình. Có thể lúc đó ông cao hứng, ông không lường hết được mọi chuyện sau này. Nhưng theo tôi điều quan trọng hơn, ông muốn gánh trách nhiệm về mình- dám làm dám chịu- cộng với cái tình trong ông mách bảo, cộng với bổn phận trách nhiêm của một người cha. Ông đã phải
đau đớn lắm khi thấy đứa con của mình ngày ngày lớn lên trong vòng tay người khác. Và rồi ông đã phải quyết Liều Mình nhận đứa con riêng về ở với vợ chồng ông. Ông vẫn biét rằng ông nhận con, cả hai người đàn bà đều đau đớn,
 nhất là bà Ngà vợ ông. Nhận con về, ông đã đặt lại tên cho nó là Thương. Ông  thương nó lắm lắm, ông Thương nó hơn cả những đứa con chính thức của ông cũng là lẽ thường tình. Ông đã phải Liều làm điều mà người khác không dám làm. Có lẽ tình thương và cái máu văn sỹ của ông đã ngấm vào các con ông nên cả con trai con gái ông đều theo nghiệp văn của bố. Nguyễn thị Thương đã thành cây bút nữ viết truyện ngắn xuất sắc của vùng Mỏ. Mấy năm nay Thương đã cùng chồng con chuyển lên Hà Nội công tác. Nguyễn Sỹ Ngọc cũng viết văn xuôi, hiện đang phải chăm sóc cả hai bố mẹ đều đau yếu. Đứng được đến ngày nay, ông đã chịu biết bao cay đắng mà người đời đâu có hiểu. Cũng phải thôi, lỗi lầm của ông không nhỏ. Ông biết thế, nhưng đằng nào cũng đau một lần, còn hơn cứ để nó âm ỉ cả đời phải day dứt. Lý Biên Cương đã phải kiên gan lắm, tài tình lắm, phải khôn khéo chống chọi với đời, mới không bị gục ngã.
   Nếu nhìn sâu vào một góc nữa- ta nhận ra bao năm nay, những ai gần gũi ông mới hiểu cảnh tỉnh gia đình ông, mới thấy rõ ông đã hết lòng vời chị Ngà, người vợ càng ngày bệnh tình càng nặng. Những năm gần đây, ông cố dành tình cảm bù đắp cho bà, nhưng tâm trí bà không còn nhận biết được. Bà luôn luôn bị ám ảnh lo mất ông, hễ ông rời nhà ra đến hội văn nghệ là bà lại muốn theo ông ra. Âu cũng là cái tình của bà vẫn yêu ông, vẫn lo cho ông, vẫn canh cánh trong lòng. Với bà, bao năm nay thời gian không chuyển động, cho dù ở tuồi ngoài sáu mươi bà vẫn tưởng như thời bà còn xuân sắc. Đến nhà tôi chơi, ông cũng phải bảo tôi gọi điện nói ông đang ngồi ở nhà tôi để bà yên lòng, để bà khỏi lần mò đi tìm ông ở đâu đó. Nói chuyện với bà tôi cứ gai gai người thương bà, thương ông. Bà bệnh tình đã đi một nhẽ, còn ông, nếu là người bình thường cũng là một nhẽ, nhưng ông lại là nhà văn, vốn nhạy cảm, ông bà ở được với nhau đến trọn đời là điều không dễ mấy ai đã làm được trọn vẹn mọi điều. Tôi thấy rõ được nỗi đau sâu thẳm trong ông không thể giãi bày.
    Có người bảo bà Ngà xưa đẹp gái và qúa mê ông. Trai tài gái sắc mê nhau là lẽ thường tình, nhưng số trời lại cứ trớ trêu, và duyên tơ cứ ngổn ngang lắm nẻo nên đành gánh chịu. Chẳng ai biết trước. Nhà văn Lý Biên Cương đã quá hiểu chuyện này nên ông thấy mình càng phải bù đắp tình cảm cho bà, cho dù bà chẳng còn đủ minh mẫn nhận biết lòng ông đang phải chịu đựng nỗi buồn riêng, nỗi cô đơn trống vắng trong lòng. Kể cả các con ông chúng cũng chưa chắc đã hiểu hết tình cảm, và trách nhiệm của ông đối với bà, đối với đời. Phải là người sâu sắc lắm, kiên gan lắm mới chịu nổi những cơn đau bệnh tật-những cơn đau cuộc đời.
    Từ ngày nhà văn Lý Biên Cương mắc bệnh, thường xuyên phải nằm viện, hết bệnh viện Bạch Mai Hà Nội lại về viện tỉnh Quảng Ninh, nhưng xem ra căn bệnh của ông ngày càng nặng. Hết thuốc nọ thuốc kia, mà hai bắp chân ông có lúc đau nhức phù nề căng chật cả ống quần phải nằm bệp trên giường.
   Mấy năm trước tôi còn làm ở Móng Cái thường xuyên nhờ người sang Trung Quốc mua thuốc Đỗ Trọng - Hổ Cốt Hoàn giúp ông, hy vọng ông khỏi bệnh. Mấy năm liền ông uống mãi Hổ Cốt Hoàn vẫn không khỏi bệnh, ông bảo thuốc chỉ cầm cự chống đỡ, chứ căn bệnh này khó mà khỏi hẳn được... Hôm tập đoàn than khoáng sản Việt Nam cùng với hội văn nghệ Quảng Ninh tổ chức ra mắt tuyển tập Lý Biên Cương, tôi xúc động và sững sờ không ngờ ngoài những tập tuyển tiểu thuyết và truyện ngắn viết về chủ đề chung, Nhà văn Lý Biên Cương có tới 46 truyện ngắn truyện vừa viết về than, được ngành than tài trợ tới hơn trăm triệu đồng làm Tuyển tập dày  838 trang khổ lớn. Các văn nghệ sỹ quảng Ninh phải cảm ơn ngành than, mấy năm nay đã quan tâm và tài trợ cho các nhà văn vùng mỏ ra tuyển tập như tuyển tập Võ Huy Tâm, tuyển tập Tô Ngọc Hiến...
  Tôi cứ hay hình dung và liên tưởng ra ông- ở cái thời vàng son khỏe mạnh, ông quen biết toàn những người nổi tiếng như họa sỹ lưu công Nhân, người đẹp quan họ Thúy Cải, nhà thơ Hồng Ngát và các bạn văn chương xa gần về Quảng Ninh, đều được ông quý mến tiếp đón tận tình chu đáo. Tôi nhận ra thời vàng son nhất của cơ quan hội văn nghệ Quảng Ninh lại chính là thời nhà văn Lý Biên Cương còn đang công tác. Chả thế cách đây ít ngày tôi post lên trang blogs của tôi tin ông bị đau dữ, bệnh viện tỉnh phải đưa ông lên Hà nội, chỉ trong mấy tiếng, bạn bè trên khắp nước đã tới tấp gửi lời thăm hỏi chúc ông mau khỏi bệnh. Giờ ông bệnh nặng, hình bóng ông cứ chấp chới trong tôi như một thước phim quay chậm thấy rõ mồn một ngày ông còn trai tráng cắp cặp đến cơ quan, với ánh mắt ngời sáng, khi tếu táo với bạn bè, lúc ông suy tư lặng lẽ ngồi trước bàn viết. Và gần đây cái dáng ông mỗi ngày một chậm chạp hơn. Ông dò từng bước, từng bước leo lên cầu thang tầng ba trụ sở hội văn nghệ dự các buổi  họp hành. Người ta lên xuống ào ào, còn ông bao giờ cũng rớt lại sau cùng.
 Nhiều lần tôi đứng lại dìu ông bước lê từng bước lẩy bẩy. Đôi bàn tay run run níu vào vai tôi, giọng nói thều thào trong hơi thở gấp gáp của ông làm tôi cứ nao nao bước khômg vững như muốn quỵ xuống.
    Ông như cảm nhận được hết thảy suy nghĩ của tôi, ông nói: khi con người ta đau yếu, khi con người ta về già, mới thấy sợ... điều này không ai muốn Hướng ạ, nhưng rồi ai cũng phải trải qua, chỉ có điều, mình là nhà văn, phải hiểu cho thấu đáo để mà viết, để mà sống. Tình người là quý nhất.
   Ông nói đúng, tôi còn khỏe, chưa già như ông nhưng cũng nhận rõ được điều  này từ chính cuộc đời ông, từ chính những trang văn buồn nhưng ấm áp tình người của ông. Văn chương hay, thường chắt từ nỗi đau và những bi kịch cuộc đời.