Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THI SĨ RƯỢU VÀ THƠ

Đắc Trung
Thứ bẩy ngày 20 tháng 3 năm 2010 12:10 PM
     Khoảng cuối năm 1987 nhà thơ Hữu Loan từ Nga Sơn, Thanh Hoá ra Hà Nội. Ông ở chơi mấy ngày với nhà thơ Tú Sót cùng số nhà với tôi và cả hai thường sang phòng tôi đàm đạo. Từ khi chưa gặp tôi đã biết danh ông qua bài thơ “ Màu tím hoa sim ” nổi tiếng và được nghe kể nhiều về ông nên rất dễ thân tình. Tóc dài bạc quá nửa vuốt ngược về phía sau, râu cũng để dài bạc quá nửa, mắt sáng, gầy, quắc thước, khoẻ, nhanh nhẹn, giọng sang sảng đặc chất Thanh Hoá, ông vui tính, sôi nổi. Xong tú tài Hữu Loan đi dạy học, tham gia cách mạng giành chính quyền, vào bộ đội, đi chiến đấu, làm “ Báo Chiến sĩ ”, rồi “ Báo Văn nghệ ”, viết rất khoẻ. Ông kể với tôi bài “ Màu tím hoa sim ” là lời ông khóc vợ. Người vợ tên là Ninh, con nhà giầu ở thành phố Thanh Hoá, mặc tân thời, răng trắng. Khi lấy Hữu Loan nàng mới tròn mười bẩy tuổi, rất yêu chồng và hiếu thảo với mẹ chồng. Bà cụ ở quê, mặc váy nơm vải thô, áo vá, thường khi thay cứ ngâm ở cầu ao đi làm về mới giặt rồi phơi lên sào, trên dậu. Nàng giặt áo cho mẹ. Bà cụ ăn trầu, rụng răng phải dùng cối giằm. Nàng nhai trầu cho mẹ. Cưới được năm ngày Hữu Loan phải đi chiến đấu. Mấy tháng sau về thì vợ đã chết. Nàng chết đuối dưới làn nước lạnh. Hữu Loan vô cùng đau đớn ra gục bên mộ vợ và tối ấy về viết bài thơ “ Màu tím hoa sim ” . Ông nói đó là nỗi đau bất tử, tiếng khóc bất tử.  Bài thơ sau này mới được phổ biến và rất nổi tiếng.Hữu Loan thích uống rượu “ cuốc lủi ” nguyên chất nhâm nhi với lạc rang. Ông nói thời buổi bây giờ rượu Tây, rượu Tầu đủ loại, đủ mác không thiếu và kẻ nốc rượu cả chai đến say sỉn cũng không thiếu, nhưng gặp được người biết uống rượu lại có tâm hồn đồng điệu để tri âm, tri kỷ thật khó. Muốn uống rượu trước hết phải yêu rượu, hiểu rượu mà rượu cũng yêu mình, hiểu mình. Chọn rượu, kén rượu để uống cũng như chọn bạn, kén bạn để chơi. Không thể tuỳ tiện. Uống rượu là thú vui tao nhã và cao đạo tiêu biểu cho lối sống phóng khoáng, hoà đồng với thiên nhiên mang đặc trưng triết lý Lão giáo như “Nhóm Thất hiền” đời nhà Tống (Trung Quốc). Họ có bẩy người, đều là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thư pháp lừng danh. “Thần tửu” trong nhóm là thi tài Lưu Linh. Ông đi khắp thiên hạ bằng một chiếc xe bò. Du ngoạn để tìm cảm xúc làm thơ. Ôm chặt trong lòng một túi thơ, một bầu rượu cùng người hầu luôn đem theo chiếc xẻng được lệnh chôn ông chủ tại chỗ khi ông chết kèm với bầu rượu, còn túi thơ thì lưu lại cho hậu thế.
Thi nhân là vậy. Không phải uống rượu để say, mà mượn rượu để gọi hồn thơ. Nghe ông nói, tôi chợt nhớ tới cụ nho Tại, bạn tâm giao của bố tôi.Có lần trong hơi men lâng lâng cụ ngân nga :  

“ Hễ rượu lại ngâm thơ
Thơ chẳng ra thơ, làm tội rượu
Một mình thêm nhớ bạn
Bạn đâu có bạn lại như mình ” 

      Khi ấy tôi còn nhỏ, chỉ nhớ chứ không hiểu. Sau này mới ngẫm ra được cái sâu xa của ý tứ. “ Hễ rượu lại ngâm thơ”- thi nhân mượn rượu gọi hồn thơ, khác tiểu nhân uống rượu giải sầu. “ Thơ chẳng ra thơ làm tội rượu” - tưởng cụ khiêm tốn tự chê thơ mình, nhưng không, cụ chê thơ thiên hạ. “ Một mình thêm nhớ bạn” - tưởng cụ nhiều cố hữu, nhưng không,“ bạn đâu có bạn lại như mình” - cụ cô đơn, không có bạn, bởi không tìm đâu ra tri âm tri kỷ.  Chỉ bốn câu thơ về rượu thôi mà nói được cả tâm trạng, cả thế sự, vừa khiêm nhường, vừa cao ngạo.
     Tôi nhìn sang nhà thơ Tú Sót và bỗng nhớ tới hai câu của ông đề tặng bức tranh “ Lão say ” của Bùi Xuân Phái vẽ một ông già áo không cài khuy phô bộ ngực gầy dơ xương, quần buông lá tọa, ống thấp ống cao, tay chống gậy, tay cầm nậm rượu lảo đảo liêu xiêu:
 
“ Khắp thiên hạ đều say chổng chĩnh
Chỉ mình ta còn tỉnh mà thôi
Người ta yêu đã khuất rồi
Tìm đâu cho được bóng người ta yêu ”


     Đọc thơ “Lão say” của ông mà nhớ tới Khuất Nguyên. Khuất Nguyên làm quan nước Sở. Sở Hoài vương đam mê tửu sắc uống rượu triền miên say đến nỗi quên cả năm tháng, ngày đêm. Hỏi những người xung quanh nhưng ai cũng sợ, nói không biết. Vua quay hỏi Cơ Tử. Cơ Tử nghĩ: “Làm chủ thiên hạ mà đến năm tháng, ngày đêm cũng không hay thì xã tắc nguy rồi. Nhưng mọi người nói không biết, chỉ mình ta nói biết thì ta cũng nguy mất thôi ” nên cũng giả say nói không biết. Riêng Khuất Nguyên không say, cũng không giả say, dám lên tiếng khuyên nhà vua bỏ rượu, bớt hiếu sắc lo việc quốc gia đại sự.  Cũng vì lời can gián đó mà Khuất Nguyên bị bãi chức, bị đi đầy. Uất hận quá ông trút lòng mình vào bài thơ “Ly tao” bất hủ rồi gieo mình xuống dòng sông Mịch La tự vẫn để giữ trọn nhân cách cao thượng của mình.
     Hữu Loan nhẩn nha, mỗi lần tợp một ngụm rượu gật gù lim rim mắt rồi lại ngâm thơ, giọng rất ấm, rất hay. Có được nghe ông ngâm trong lâng lâng hơi men mới xúc động, mới cảm nhận hết được cái hồn thơ của ông. Hồn thơ như bốc lửa, mạnh mẽ, dữ dội, tứ thơ táo bạo, hình tượng vững vàng sừng sững như núi và trên vách cao dựng đứng cheo leo ấy là cây, là hoa, là trái, là hương thơm, là ong bướm, là tiếng kêu của dã thú. Thơ ông mê sắc mà không dâm, oán thán mà không loạn. Chí ông cao, tâm ông sạch, viết ngắn mà tình dài, nghĩa rộng, triết lý sâu xa. Ông đọc trường ca ca ngợi tướng Nguyễn Sơn. Hữu Loan sùng bái Nguyễn Sơn. Sùng bái bởi Nguyễn Sơn không chỉ là lưỡng quốc tướng quân mà còn ở khí phách người anh hùng ngang tàng, mạnh mẽ, dữ dội, chết không sợ và không bao giờ chịu luồn cúi. Ông kể một lần Nguyễn Sơn đeo kiếm ngênh ngang đi giữa chợ, có người không biết bảo: “ Cứ như ông tướng ấy ”. Nguyễn Sơn quay lại cười: “ Thì chính hắn là tướng đấy ”. Hữu Loan vỗ tay đôm đốp, rồi lại uống rượu, lại đọc thơ... Được ngồi với ông, nhìn cốt cách, hiểu tư chất và được nghe ông ngâm thơ thật là những phút giây đáng quý, đáng nhớ và tôi rất ngưỡng mộ ông.