(TT&VH) - Hồi học ở cấp 1 phổ thông mười năm, tôi nhớ việc thi đua rất đơn giản mà hiệu quả. Hàng tháng thầy giáo cộng điểm chia trung bình rồi chọn ra ba trò nhất nhì ba. Bức tường nơi bục giảng thầy ngồi, có một tấm bìa đề ba chữ “bảng danh dự”. Ba trò nhất nhì ba lần lượt vào các vị trí cao thấp trên đó. Hết tháng, danh sách có khi lại thay đổi vì có những trò khác vươn lên. Hết năm thầy chọn trong nhất nhì ba ấy để lấy ra ba trò nhất nhì ba để khen thưởng.
Phần thưởng thời cách đây gần sáu mươi năm chẳng có gì ngoài cây bút mục và vở tập. Lớp ấy chúng tôi lớn lên đi kháng chiến, được đào tạo nhiều người thành đạt và đóng góp khá nhiều cho đất nước.
Cái cách thi đua thực tế và lặng lẽ đó hóa ra rất chính xác và công bằng. Thầy không phát động thi đua rầm rĩ, chỉ bảo thế này: “Các trò cố lên, các em học cho mình để sau này có kiến thức làm việc”. Còn về nhà thì mẹ bảo “học được thì ấm vào thân, phải tự cố gắng”.
Sau này chuyện thi đua đi vào đời sống, cơ quan nào cũng có ban có bệ, đăng kí thi đua. Có đóng góp sáng kiến xuất sắc nhưng không đăng kí từ đầu năm thì cũng... “out”. Bây giờ nhiều ý kiến lên án bệnh thành tích. Lên án nhưng chẳng giải quyết được gì vì cái tiêu cực này do các ban thi đua đẻ ra.
Nói thế chẳng lẽ lại không có thi đua. Tôi cho rằng cách làm thi đua của thầy tôi xưa hóa ra là tiên tiến, dù khá lặng lẽ nhưng nó thực tế. Ở Nhật, ngoài kỉ luật lao động nghiêm minh, họ cộng những sáng kiến, những ý kiến đóng góp từng tháng, từng năm đem lại hiệu quả chuyển biến cho cơ sở để thưởng và tăng lương. Bây giờ nhiều cơ quan trao phần thưởng, nhưng nhiều giải thưởng không được coi trọng vì nó ứ thừa và quá dễ dãi, thậm chí còn mua được.
Ai cũng kêu bệnh thành tích là nặng nề, nhưng các cơ quan chức năng lại không tích cực tìm biện pháp triệt tận gốc. Như chống tham nhũng, nếu coi chuyện thất thoát hàng tỉ đồng, lãng phí hàng tỉ đồng là đã nhấn chìm bao nhiêu cuộc đời những người đóng thuế, tội ấy có khác gì chuyện giết người từ từ thì mới giải quyết được tận gốc tham nhũng.
Chỉ nói bệnh thi đua, nếu không chịu cải tổ mô hình và những cách làm cũ kĩ thì sẽ khó có thể chuyển biến mạnh mẽ. Nguy lắm thay!
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Nguồnhttp://www.thethaovanhoa.vn/133N2009110710273576T0/chua-benh-thi-dua.htm: