Trang chủ » Tôi có ý kiến

Sinh viên giàu vượt sướng

Thứ hai ngày 15 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
     Xưa rồi cái điệp khúc “nghèo lắm sinh viên”. Giờ đây sinh viên đã khoác vào mình một “bộ cánh” mới: Nghèo thì cũng đi xe đạp xịn chứ không còn “nhớ khi xưa anh chở em trên chiếc xe đạp cũ”. Giàu, hay nói một cách “mốt” hơn là VIP, thì Dylan, laptop, tóc nâu môi trầm…

     Có tiền thì dại gì mà nhún!

     Vào đại học năm nhất, Ngọc khiến cả lớp choáng với bộ dạng sành điệu của mình. Nhà chỉ cách giảng đường chưa đầy vài trăm mét nhưng Ngọc phải phóng Dylan chứ không “hơi đâu mà đi bộ”. Không xài laptop vì theo Ngọc thì “không thực sự cần thiết”, nhưng bên tai lúc nào cũng chiếc headphone. Từ quần áo đến giày dép đều “tuyền” hàng hiệu. Không cần giới thiệu thì ai cũng biết Ngọc là con của “đại gia”, ba làm chủ của một công ty bất động sản thuộc dạng tầm cỡ trong thành phố, mẹ làm phó phòng của một hãng bia nổi tiếng. Từ nhỏ đến lúc vào đại học, Ngọc chưa biết khổ là gì vì được nuôi trong chiếc bọc quá hoàn hảo.

     Còn Ly, con của chủ tịch một tỉnh ở miền Trung, cũng đứng vào hàng “tiểu thư con nhà”. Có điều kiện nhất trong lớp, Ly chơi rất thoáng với bạn bè. Cô thường tổ chức những dịp liên hoan đình đám. Cả khoa ngoại ngữ ai cũng biết đến buổi sinh nhật bạc triệu của Ly. Ở cái trường ĐH mà sinh viên chủ yếu là dân miền Trung nắng gió nên Ly trở thành “Lọ Lem chịu chơi” nhất. Dịp sinh nhật tròn 19, cô mở đại tiệc mời tất cả bạn bè, từ quen đến không biết mặt, ai muốn vui cứ tới góp mặt, và địa điểm không phải hạng tèm: đó là một nhà hàng nổi sang bậc nhất nhì bên bờ sông Hương (TP Huế).

     Vì là tiểu thư con nhà giàu nhưng chơi đẹp nên bạn bè của Ly là “xòe năm ngón tay”: Nghèo có, hoàn cảnh có, “thường thường bậc trung” thì nhiều không đếm xuể, nhưng “VIP friend” thì cũng nhiều như… số tiền mà cô có thể có.

     Ở cái trường đại học mà theo nhiều người đánh giá là “toàn con đại gia miền Trung” này thì không ai là không biết Hữa Quý. Hình ảnh về chàng sinh viên đại gia này trong con mắt bạn bè là laptop kè kè, điện thoại đời mới đổi mốt liên tục như thay áo. Chưa hết, bố làm Giám đốc một bệnh viện tại Đà Nẵng nên khỏi lo vấn đề tiền bạc. Được gia đình ưu ái và là con một nên lúc vào Đại học Y khoa, Quý được bố tậu ngay cho một căn hộ chung cư với cái giá mà có nằm mơ cả đời mấy đứa bạn trong lớp cũng không bao giờ có. “Phòng trọ” ấy của Qúy đúng ra phải gọi là “khách sạn: Đầu máy Karaoke, vi tính nối mạng, tủ lạnh lúc nào cũng bia lạnh, nước giải khát đầy ngăn. Thế mới biết con nhà giàu đi học sướng hơn cả… quan huyện!

     Với những sinh viên con nhà giàu này, cách sinh hoạt cũng khác: cũng ăn cơm bụi với bạn bè cho “quần chúng”, cũng ngồi cà phê cóc như ai. Thế nhưng, trong mọi chi tiêu họ luôn luôn tỏ ra “chịu chơi”, đặt mục tiêu “vui là chính”. Cho nên bây giờ thật khó để nèo bác tài xế hay bà bán hang kì kèo bớt giá với lý do “sinh viên mà”!

     Sinh viên giàu vượt… sướng

     Với sự phát triển nhanh của kinh tế, trên giảng đường đang định hình dần một thế hệ sinh viên gia đình rất có điều kiện. Giàu, tiêu tiền như nước nhưng học hành vẫn đạt kết quả tốt. Và nó đang đối lập với những sinh viên con nhà nghèo nhưng ăn chơi, đua đòi.

     Nói vui trước thực tế này, một thầy giáo giảng dạy tại khoa tiếng Nhật, ĐHNN Huế nhận định: “Cứ đà này thì e một vài năm nữa quỹ học bổng của báo T sẽ… cạn kiệt!”

     Tại một buổi trao học bổng cho sinh viên Đại học Khoa học Huế, do báo T trao tặng, ông T đại diện đã đứng lên phát biểu rằng: “Sinh viên nghèo vượt khó rất đáng khâm phục, bao năm qua chúng ta đã có rất nhiều tấm gương điển hình. Thế nhưng mức sống đang ngày càng nâng cao, gia đình có điều kiện bây giờ rất nhiều, cho nên sinh viên con nhà giàu vươn lên học giỏi lại càng đáng khâm phục” và ông T còn hứa sẽ “cấp học bổng cho những sinh viên giàu vượt sướng”!

     Không “vượt” sao được khi mình có tất cả mọi thứ trong tay: tiền bạc, phương tiện và không bao giờ phải lo nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền cũng như nghề nghiệp… thì hà cớ gì lại không phấn đấu học tập được tốt như như những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn? Đó là một câu hỏi, một lối suy nghĩ điển hình rất đáng ca ngợi của nhiều “sinh viên đại gia”.

     Học không chỉ để cho tương lai, học không chỉ cho gia đình, học để khẳng định bản lĩnh con nhà giàu, học để mọi người biết rằng “không phải cứ con nhà giàu là lo ăn chơi, lêu lổng, trụy lạc” là quyết tâm của nhiều sinh viên con nhà giàu hiện nay!

     Với suy nghĩ ấy, rất nhiều sinh viên VIP đang trở thành những điển hình về mẫu “sinh viên giàu vượt sướng”. Chơi ra chơi, học ra học, với Ly không có gì là không thể, nên năm học vừa rồi cô đã giành được một suất học bổng du học tại Nga. Đó là món quà lớn và cũng là lời nói có sức nặng nhất mà cô có thể chứng minh cho gia đình, cho bè bạn.

     Không có học bổng, nhưng trong lớp Quý đứng tốp đầu trên bảng điểm. Như thế cũng là thật đáng để khâm phục về chàng “sinh viên VIP” này, bởi theo như lời ông bố lần nào ra thăm con cũng tâm sự: “Nó chơi gì, học gì bác cũng không cản. Đừng có ma túy, tiêm chích hay gái gú gì cả và có một tấm bằng ra trường là bác cảm ơn cuộc đời lắm rồi!”