Trang chủ » Tôi có ý kiến

Câu hỏi về 100 bài thơ hay

Trần Nhương
Thứ hai ngày 15 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
Ai đứng ra tuyển chọn 100 bài thơ hay thế kỷ 20 ?  

     Tại đêm thơ Nguyên Tiêu, Ban Tổ chức tuyển chọn 100 bài thơ hay thế kỷ 20 công bố kết quả các cơ quan đứng ra tổ chức lấy ý kiến bình chọn gồm: Trung tâm văn hoá doanh nhân, Nhà xuất bản Giáo dục, Hội Nhà văn Việt Nam.

     Tôi nghi nghờ, vì tôi là người làm việc ngay tại cơ quan Hội Nhà văn mà không hề biết có “vụ” này. Tôi sợ mình bận mà không để ý nên đi hỏi nhà thơ Nguyễn Hoa, phó ban thường trực ban Tổ chức-Hội viên. Nhà thơ Nguyễn Hoa trả lời tôi: Hội Nhà văn không tham gia vụ này. Tôi hỏi nhà văn Đào Thắng, Chánh văn phòng Hội. Ông Đào Thắng nói; Hội không tham gia bình chọn nhưng tổ chức đêm thơ ấy thì bị sưc ép nên đành đứng tên.

      Như vậy về việc tuyển chọn thơ Hội Nhà văn không tham gia. Vậy mà người ta vẫn giới thiệu cơ quan này trong những đơn vị tuyển chọn. Do nhầm lẫn ư ? Hay cố tình nhỉ ?

      Việc tổ chức tuyển chọn thơ, hay tuyển tập này nọ là chuyện bình thường. Và người tuyển chọn bao giờ cũng mang dấu ấn của mình vào công việc đó và họ chịu trách nhiệm. Thế kỷ trước Hoài Thanh, Hoài Chân đã để lại Thi nhân Việt Nam lừng lẫy. Tuyển thơ này chủ yếu là học sinh, sinh viên bình chọn không đại diện cho những người yêu thơ, sành thơ. Có thể là những bài thơ học sinh yêu thích còn chấp nhận được. Cái tên !00 bài thơ hay nhất thếkỷ 20 là cái tên cho việc bán sách thì đúng hơn.

      Theo Ban tổ chức thì do bạn đọc xa gần gửi về sự chọn lựa của mình. Biết vậy. Và đằng sau nó là gì chỉ có những người tham gia làm việc đó mới biết... Có một điều khó giải thích là cuộc bình chọn này đã phát động 2 năm mà các phương tiện thông tin không đưa tin, nếu chỉ in trên Tạp chí Văn hoá doanh nhân thì số lượng đâu có nhiều cho quần chúng, tạp chí ấy chỉ chuyên phục vụ mấy vi doanh nhân thôi. cho nên khi trao giải cho những người bình chon, nhà thơ Bằng Việt ngắc ngứ chả tìm được người có giải cao, toàn giải 3 và khuyến khích. Chỗ này hình như hơi có tý nghệ thuật xiếc...Điều chắc chắn là những người thực hiện phát hành cuốn sách này bán chạy. Và các nhà doanh nghiệp ngồi sẵn chờ Diễm Quỳnh thò micro đến là đọc thơ và nói cho đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra...Kịch bản đêm thơ Nguyên Tiêu hơi bị phô, nó biến thành đêm thơ Doanh nhân - doanh thu. Người ta có cảm giác ai bỏ tiền ra là được phỏng vấn. Hơi bị buồn vì Hội Nhà văn lại nằm trong liên danh đêm thơ đó. 

     Chiều 9-3-2007, tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Thái Thăng Long từ Sài gòn. Ông cũng bức xúc về việc này, ông nói ngày mai ông trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên. Mời các bạn đón đọc xem nhà thơ nói gì. Nhà thơ Thanh Thảo thì phát biểu trên Talawas cho rằng cách làm đó nó nhập nhằng đánh lận...( Bài đó có trong chuyên mục Tin văn web trannhuong.com).Và trênweb vuhong.com cũng có bài của Lê Xuân viết về vụ này (các bạn vào chuyên mục Tin văn để đọc)

     Thưa các bạn !

     Ngày 22-4-2007 tôi nhận được bài của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, ông cho rằng việc tuyển chọn 100 bài thơ hay rất nhiều bất cập. Trong 100 bài thơ hay thì có 30 hay và 70 bài dở. Còn nhà thơ Vũ Quần Phương, đương kim Chủ tịch Hội đồng thơ thì có bài trên An ninh cuối tháng dưới đây:

Nhà thơ Vũ Quần Phương:

Cơ quan Hội Nhà văn cảm thấy như thể bị “mắc lừa”

src=http://antgct.cand.com.vn/Uploaded_ANTGCT/thanhtd/16_vuquanphuong68.jpg

     Ngày hội thơ thực ra là ý tưởng mấy chục năm nay rồi và 5 năm qua mới thực hiện được, để phổ cập thơ, làm theo kiểu hội làng. Lẽ ra các nhà thơ tự làm, nhưng buổi đầu Hội Nhà văn phải làm để nhà thơ và bạn đọc… bén duyên nhau.

     Còn việc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân công bố “100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX” thì tôi cho rằng, đó là 100 bài thơ hay của các doanh nhân mà thôi. Mà đây mới chỉ là 100 tác giả thì chính xác, chứ 100 bài thơ hay thì chưa phải.

     Lại nói về thơ, tôi chưa thấy bao giờ hoạt động liên quan đến thơ lại nhiều như bây giờ. Người làm thơ rất nhiều, số lượng thơ phải nói là đồ sộ. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng thực sự đáng lo ngại.

     Các nhà thơ quá đông, cứ đi họp phụ lão mà xem, đến khổ vì nghe thơ, nhiều quá đâm ra nhàm chán. Thời này cũng không có nhà xuất bản nào in thơ chọn lọc, tất cả đánh đồng với nhau, mạnh ai nấy làm. Các nhà phê bình nghiêm túc lánh đi làm nghiên cứu.

     Cái sự lánh đi ấy có nguyên do vì nếu khen thì không sao, mà chê thì lại mất bạn. Nhưng khen nhiều quá thì lời khen ấy mất giá trị.

     Thơ ca bây giờ cũng rơi vào cảnh thơ ca tiếp thị. Người ta tạo ra các sự kiện, các scandal, có người còn nhờ người viết bài phê bình để tiếp thị thơ mình, làm nhiễu loạn thông tin với bạn đọc. Có nhà thơ làm ba đêm thơ nhạc ở Nhà hát Lớn, thuê người viết bài ngợi ca thơ của mình, thử hỏi làm sao mà bạn đọc còn tin nhà thơ?

     Tôi thấy có một điều đáng lo là, việc rối loạn tiêu chí trong tuyển chọn 100 bài thơ hay thế kỷ XX. Nếu NXB Giáo dục in và đưa xuống các nhà trường thì chính các thầy cô giáo và học sinh nhầm lẫn. Đó là điều nguy hiểm. Cuộc bình chọn này cũng khiến cơ quan Hội Nhà văn cảm thấy hụt hẫng như thể bị mắc lừa.

     Nhiều nhà thơ trẻ đã cách tân hơn mười năm nay, đến khi không còn trẻ nữa, vẫn chưa tìm được bạn đọc cho mình. Và họ quay qua trách bạn đọc rằng, bạn đọc của chúng ta vẫn còn quá mê say với những vần điệu cũ. Tôi thì tôi không nghĩ thế, bạn đọc hôm nay chắc chắn vận động nhanh hơn nhà thơ. Độc giả hôm nay so với 30 năm về trước họ có tri thức hơn, tư duy logic hơn và cũng tiếp nhận cái mới nhanh hơn rất nhiều.

     Họ có cả những suy tưởng, những chiêm nghiệm lịch sử và giờ đây họ sẽ là người tiếp nhận rất nhanh và chủ động đưa ra những nhận xét của mình. Thế nên, nếu nhìn lại tại sao thơ cách tân như thế vẫn không có độc giả, chưa có tác giả được khẳng định thì phải xem lại phía tác giả. Rằng cái kiến thức về thơ của anh đã đầy đủ chưa.

     Cách tân thơ mà lại đem thơ vào vòng rắc rối, khó hiểu thì không phải là cách tân. Nếu đem thơ đưa vào vòng lập dị là có tội với thơ. Và người làm thơ đã thực sự đạt đến tầm của người đọc chưa. Người làm thơ đã có năng khiếu thực sự chưa? Tôi ủng hộ tinh thần đi tìm tòi cái mới, nhưng đừng bắt tôi hoan nghênh cái mà anh đã tìm thấy vì đó là cái mà tôi không đồng tình.

     Làm triển lãm thơ, sắp đặt thơ là một cách lôi kéo bạn đọc quan tâm đến thơ. Nhưng tôi cho rằng, quan trọng nhất của thơ ca chính là ngôn từ. Một bài thơ hay thì không cần phải làm những thứ phụ gia nó vẫn có sức nặng của sự ngân vang…

 

  An Nam và nhóm PV chuyên đề thực hiện