TP - Trái với cảnh “cả vú lấp miệng em”, là cảnh “ngậm miệng ăn tiền”. Ngậm miệng là một cách nhẫn nhục thì đã xong, vì biết nhẫn nhục là một đức tính quý báu ở đời.
Nhưng đằng này, như người Việt chỉ ra lại “ngậm miệng ăn tiền”, nghĩa là ngậm miệng không phải đức nhẫn nhục mà là tìm cách vô liêm sỉ khôn khéo để thủ lợi – vì thế mới “ăn tiền”.
Và khi người ta im lặng để tồn tại thì cũng muốn mọi người đều im lặng giống mình, không ai được giở võ “chơi chòi”.
Trong các cuộc gặp mặt, người Việt hay có cảnh thế này, đang nói chuyện, người này hay người kia giả đò lơ đãng đưa mắt đi chỗ khác, hàm ý nói với người đang đối thoại rằng “này anh đừng tưởng anh nói có lý, nói hay đâu nhé. Tôi chẳng thèm để tai nghe anh đến một từ.
Sau sự im lặng đó, người ta sẽ tìm cách bày tỏ những phản ứng chống đối, như nói mỉa, nói lạc qua chủ đề khác, hay quay sang nghịch thứ nọ thứ kia...
Trong cuộc đời, từ cổ chí kim, phải thừa nhận thế này, người ta sẽ chẳng làm nên được cái gì ra hồn hay vĩ đại nếu không biết chú tâm, chú mục vào việc ta định làm. Trong đó, con người gặp con người, cũng như cách đối thoại giữa người với người luôn là một trung tâm đáng chú ý nhất của đời sống nhân văn, lại thường được người Việt ứng xử một cách trá hàng và thiếu trách nhiệm. Vì thế các giá trị nhân văn của xã hội rất khó có thể vận động khỏi một sân khấu còn loay hoay trang phục cho cá nhân để vờ vịt tiến bộ.
Một nhà văn có nói “một xã hội không nói là một xã hội câm”, hay như nhà văn Trung Quốc Vương Sóc có viết: “Im lặng trong nhiều trường hợp chỉ là sự tồn tại khéo một cách vô liêm sỉ, đòi giữ bộ lông quý của mình không dính bẩn”.
Trí tuệ là ngôn ngữ! Ngôn ngữ là trí tuệ! Chúng ta không thể nuốt chửng lời để theo đó nuốt chửng con đường biểu hiện của trí tuệ. Một lần tôi có nói chuyện này với một anh bạn, anh có nói rằng: “Người ta chỉ mất mấy năm học nói, nhưng phải mất cả đời để tập im lặng. Và im lặng là vàng!”. Tôi có trả lời:
Im lặng là thái độ sống, chứ không phải trí khôn. Nếu nó được tập cả đời thì là người ta tập đức nhẫn nhục, chứ không phải tập cho trí tuệ.
“Học ăn, học nói, học gói, học mở”, nghĩa là người ta phải học để nói và hành sự ở đời. Và mọi môn học ở đời đều giúp người ta được nói, được viết, được biểu hiện! Chứ không phải được im lặng. Người Việt khuyên cần phải “ăn nên đọi, nói lên lời” và “khôn ngoan đến cửa quan mới biết”, chứ không đồng tình cái kiểu: “Ấp úng như ngậm hột thị”.
Chữ “ngậm miệng ăn tiền” rất đúng và căn bệnh cũng lây lan rất nặng. Thậm chí có nhiều vụ án, chỉ vì sợ mất việc làm mà nhiều người, hay cả tập thể sẵn sàng im hơi lặng tiếng, hoặc làm chứng dối, mặc cái sai lộng hành, miễn là ta vẫn được đảm bảo công ăn việc làm là được. Đây là cách, cái lợi được đặt lên trên hết, đặt trên cả công lý.
Ở nhiều nước phương Tây, kẻ xấu thật khó mua chuộc hay dọa nạt cùng lúc cả ba nhân chứng, vì không người này thì người khác sẽ dằn vặt, trăn trở, tìm cách công bố sự thật.
Ở Việt Nam thì có khi có cả vài chục người, thậm chí còn hơn thế, đặt cái lợi của mình hay nhóm của mình lên trên, sẵn sàng “ngậm miệng”, mặc kệ sự thật hay công lý muốn ra sao thì ra!
Nguyễn Hoàng Đức
nguồn:tienphongonline