Trang chủ » Truyện

Con chung

Vũ Thư
Thứ bẩy ngày 8 tháng 3 năm 2014 9:12 PM

Truyện ngắn

Hàng chữ vàng nổi bật trên nền giải băng rôn đỏ thắm giăng đẫy ngang phía trên tiền sảnh của Nhà Văn hóa trung tâm, từ xa đều thấy rất rõ ĐẠI HỘI CỰU CHIẾN BINH VƯỢT KHÓ THÀNH ĐẠT TỈNH… LẦN THỨ II.
Gió lướt trên mặt tấm rôn làm cho hàng chữ uốn lượn như hàng quân trùng điệp nhấp nhô. Gió từ phía sau thổi tới làm tấm băng căng phồng như dáng đi hiên ngang, oai phong của người lính.
Đại biểu “xông đất” Đại hội sớm nhất là một người có khuôn mặt hao gầy nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát. Sau khi xuất trình giấy mời, nhận logo đại hội do lễ tân gắn lên ngực áo, anh không vào trong hội trường ngay mà bước trở lui mấy bậc tam cấp. Anh tươi cười bước tới cửa xe Taxi vừa mở, lấp ló đôi nạng gỗ. Dìu người này lên, quay lại đỡ người khác. Mới bế người ngồi trên xe lăn, rồi lại cõng người có cái đầu gối cứng đơ. Anh tự nguyện làm phần việc của bộ phận phục vụ. Nhìn động tác bế và cõng rất mực ân tình của anh thì người tinh ý sẽ thấy đây không chỉ hoàn toàn là sự nâng niu giúp đỡ đồng đội bị thiệt thòi còn lẩn khuất, còn hàm chứa nỗi khát khao được chăm bẵm, bế cõng. Anh ít vồn vã với những dáng vẻ “mũ cao áo dài” nhưng lại rất để ý đến một người.
o0o
Sau tiệc chiêu đãi của Đại hội, Giám đốc doanh nghiệp Hà Chí Tùng nhận được cái bắt tay rất chặt và một câu hỏi rất thật:
- Anh đã từng giúp đỡ nhiều thương bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn. Tôi biết có một hoàn cảnh khó khăn khác, anh sẵn lòng giúp chứ ạ?
- Ông yên trí đi! Nếu là trong tầm tay, khả năng cho phép thì mình sẽ tận tâm, còn vượt quá khả năng thì anh em mình sẽ tìm cách tháo gỡ.
Chuyện nhỏ thôi anh ạ!
Ông nói “toạc móng heo” ngay đi để tôi có hướng. Con nhà lính với nhau cả, quái gì mà cứ phải câu nệ như đi hỏi vợ cho con không bằng.
Đấy là anh nói về thời buổi anh em mình độc diễn chiếc quần thủng đít. Còn thời kỳ đổi mới bây giờ thì hỏi con cho vợ mới phải rụt rè.
Hai người vỗ lưng nhau và cùng cười rất vô tư. Nhưng người không thật sự vô tư nói tiếp:
- Anh ạ! Ví thể như ai đó đã cho anh máu, nay cần anh giúp lại.
- Tôi đã được nhận máu của ai nhỉ! Vị giám đốc giật thót người. À à, giả dụ. Ông đưa tay vỗ vỗ lên trán. À mà khi thập tử nhất sinh ở “phẫu” Trung đoàn thì mình có biết quái gì đâu! Hàhà! Ông thông cảm, tha lỗi cho mình nhá! Từ chỗ thân thiện, vị giám đốc tỏ ra sốt sắng. Chuyện hệ trọng như thế thì ông nói liền đi, vòng vo tam quốc làm chi mãi vậy!
- Anh cho hẹn vào một buổi nào đó, tôi về trao đổi kỹ với người ta cái đã.
- Kể từ bây giờ, trong tuần này, bất cứ giờ nào, tôi đều tiếp ông được hết.
- Giờ này ngày mai được không anh!
Vị giám đốc hào hoa xem đồng hồ: “OK!” Chiếc cacvidit màu xanh tươi rói được rút ra, đưa tận tay một cách trân trọng.
Từ khuôn miệng của khuôn mặt đã đong đầy khắc khổ buông một tiếng thở dài, anh nói như thể nói một mình:
- Không biết sẽ sao đây! Cậu này tinh nết vừa khái, lại vừa khó. Đói khổ đến mấy cũng tự thân vận động chứ không chịu nhờ vả, xin xỏ một ai. Thế mà một tý ty quyền lợi, đã đến gõ cửa nơi đâu thì cứ phải “thẳng ra thẳng, cong ra cong, chứ hứa lèo như mấy cha bên chính sách là không xong với cậu ta liến, chả kiêng nể một ai: “Đây nói cho mấy thầy biết nhá! Nghĩa vụ đây đã thi hành nghiêm chỉnh rồi. Còn quyền lợi á, một ly cũng không được sơ sểnh. Chập xí chập màu là không xong với nhau ngay!”
- Hay! Nghĩa vụ và quyền lợi hay nói đúng hơn đều là nghĩa vụ cả, đều là đối trọng thiết yếu của thế cân bằng. Không ai cho phép chơi cú lơ! Vô trách nhiệm chết liền! Mình tuyệt hợp với cái “gu phong thái” đó lắm. Ông nhớ đúng hẹn đó nha. Vị giám đốc vẫy tay tạm biệt, dặn với theo.
Khi cái bóng áo lính cũ đã mất hút trên chiếc xe, phải rướn người đạp tới lần thứ nhiều mởi nổ máy được. Còn lại một mình, Tùng thấy nao nao trong dạ.
Đúng hẹn, bốn bàn tay xiết chặt với nửa phần dò xét, nửa nỗi mong chờ.
- Kể như mời ông đến nhà chơi thì phải hơn. Mình đoảng vậy!
- Không được, rắc rối to ngay!
- Ông nói sao?
- Anh cho phép vào chuyện luôn! Tôi ít thời gian lắm.
Hai người không còn ngồi cạnh nhau, mà đã ngồi đối diện.       
- Tùng này! Người khách đổi cách xưng hô như thể cho thân thiện, cũng như để ràng buộc - Thằng bạn tớ bị nhiễm chất độc Đioxin…
- Mức độ nặng không?
- Đứa con đầu khi sinh ra không có hai tay, hai chân dính chặt với nhau, hai bàn chân xòe ra, vểnh lên như đuôi cá. Hai răng cửa chìa dài…
- Cháu không khóc chào đời được, đúng không!?
Gật đầu.
- Đứa thứ hai, mình loang lổ như da báo, máu tươi và nước vàng rịn ra liên tục, cháu mới mất!
- Sau khi đã chạy chữa nhiều nơi?
Gật đầu.
Im lặng. Một tiếng thở dài. Hai tiếng thở dài não ruột.
- Thế là không dám sinh nữa!?
Gật đầu. Im lặng.
Máy lạnh vẫn chạy êm ro.
Chỉ có hai người mà phòng khách thấy như bức bối, như chật chội và như sắp nổ tung.
Chỉ có hai người nên phòng khách như rộng thênh thang ra mãi, hai người đàn ông –hai cựu binh đã từng vẫy vùng nơi chiến trận, mà giờ đây cứ lặng dần, cứ như chìm dần trước một cảnh ngộ.
Lại thêm hai tiếng thở dài não ruột.
Im lặng.
Nặng nề.
- Vợ nó đã bỏ đi!?
Lắc đầu.
- Bỏ đi thì đã phúc. Nó làm tờ đơn ly dị nào là bị vợ đốt liền cái đó và chỉ khóc, nói là sẽ kiếm con nuôi.
Gật gật đầu.
- Nó không muốn vậy. Nó muốn cô ấy được làm mẹ một cách trọn vẹn. Tớ tìm cậu, nhờ cậu nhận vợ nó vào Công ty làm việc.
Gật gật đầu.
- Đâu có khó gì chuyện ấy!
- Làm việc gì cũng được và…và cậu cho cô ấy một đứa con.
Tùng trợn mắt, đập tay xuống bàn.
- Cái gì. Bậy! Ông điên rồi sao?
- Tớ hoàn toàn tỉnh táo, như vậy sẽ trong ấm, ngoài êm, vẹn cả đôi đường!
Bàn tay to, mập mạp lại đập xuống bàn lần nữa.
- Không được. Bậy bạ! Ông đếch mang đến cho tớ cơ hội làm việc thiện, mà muốn khoác vào cổ tớ điều ác, tiếng xấu!
- Thiện chứ sao là ác!
- Thiện. Thiện cái con khỉ. Cơm thầy, vợ bạn… Tùng đứng phắt dậy, chỉ thẳng tay vào mặt khách, hét không ra tiếng –Cơ…ơm. Cơm thầy, v..ợ vợ bạn là điều cấm kỵ! Không được phép tơ hào! Ông hiểu không? Ông biến khỏi đây ngay đi!  
- Tớ sẽ đi ngay, nhưng đề nghị cậu phải giữ kín mọi chuyện và xin cậu nhớ lại câu chuyện bắt đầu từ hôm qua. Và cậu phải thật bình tĩnh để đọc những thứ này. Xin nhắc lại: Cậu phải huy động cao độ bản lĩnh của người lính để hết sức bình tĩnh và tuyệt đối bí mật. Phải tự kiềm chế không để xảy ra một hành động thái quá nào, để tránh gây hại cho bản thân vì cậu rất cần thiết cho gia đình, cho nhiều người. Và tuyệt đối không được làm tổn thương đến bất cứ một ai. Tại chỗ này, giờ này, ngày này, tuần sau tớ đến!
Một phong bì lớn, khá dầy được đặt cẩn thận trên bàn.

Rồi thì chiếc xe cũng nổ máy được. Hai người không muốn nhìn mặt nhau ngay lúc này, nhưng đều thấp thỏm gặp lại.
Tại chỗ này …này …này, tuần sau…
o0o
Nhìn cái phong bì như “quả bom nổ chậm” trên bàn, ngòi nổ của nó chắc hẳn là “…bắt đầu từ câu chuyện hôm qua.”
“Cậu phải thật bình tĩnh để đọc... Xin nhắc lại… bản lĩnh của người lính… bí mật…” là sao?
Tùng đặt bàn tay run run lên nó, anh có cảm giác như chiếc phong bì đang nóng dần lên, tựa hồ vỏ của quả bom đã được kích hoạt.
Cái gì đến thì ắt phải đến. Nổ thì nổ liền đi! Quái gì phải sợ! Đang cơn sôi máu, Tùng xé toạc vỏ phong bì. Một cuốn nhật ký nhỏ cỡ 12x15 và một lá thư giấy còn mới toanh được xếp theo kiểu cài giắt với mấy chữ to tướng còn thơm mùi mực “Đọc thư sau chót”
Trẻ con! Tùng cười. Trẻ con là trẻ con kể cả cách xếp gấp thư, lẫn cả lời dặn. Quái gì phải vậy! Cứ đọc thư trước! Hí hoáy một hồi, rồi Tùng cũng tìm được cách mở phanh tờ giấy.
Từng hàng chữ nắn nót, tự tin “Thế đấy Tùng ạ! Cậu không mượn nhưng đời đã vay. Cậu không xin, nhưng đời đã nhận. Không ai có lỗi. Không ai làm điều xấu. Không ai bất trung mà tất cả đều là hiếu, nghĩa. Chỉ có điều… bây giờ cậu là người trả nợ, món nợ quá nhẹ nhàng, hoàn toàn trong tầm tay và khả năng cho phép, Tùng nhỉ! Chào đấng trượng phu không nói hai lời.”
Sao lại toàn là những lời lấp la, lấp lửng “..không mượn ...đã vay ..không xin ..đã nhận ..trả nợ..” mà là cái gì với được cơ chứ?
Tùng chợt nhớ lại những lời “..hỏi con cho vợ...đã cho anh máu…cho cô ấy một đứa con..” Chết cha! Có phải là như vậy không đây!?!?!?
Lật qua, lật lại bức thư bí nghĩa, bốn chữ “Đọc thư sau chót” đã tự cắt nghĩa tất cả.
Tùng thấy bải hoải, muốn xem ngay những điều cần đọc trước là thứ gì. Nhưng rồi Tùng cảm thấy hoang mang, thoáng một nỗi sợ. Đúng hơn là rất sợ. Sợ một tiếng nổ!? Sợ một nỗi tan tác!?
Tùng ngửa cổ làm hết ly, rót thêm ly nữa. Hết liền. Nắm cổ chai rượu, định tu dốc ngược, chưa biết là sẽ tu một hơi hay là tu cho cạn kiệt. Vậy mà ông dừng ngay lại được. Ông được như thế này, cũng là nhờ khi còn ở cái tuổi “anh”, anh đã biết dừng đúng lúc.
Nhớ cái “Mùa Hè đỏ lửa” ấy, nếu không biết dừng đúng lúc mà ham truy kích thì trung đội của anh không còn một mống, đơn vị cũng mất trắng địa bàn.
Tùng trút ly rượu mà “anh bạn vàng” chưa kịp uống vào chai. Sẽ cùng nhau uống, uống xả xui, uống khi rạch ròi câu chuyện. Uống, sẽ cùng uống.
Tùng xoải người trên Đivăng, cố tình hững hờ với mọi thứ, cố xua đi mọi thứ, cố tập trung để lấy sức… Nhưng tập trung gì nổi khi mọi thứ cứ mung lung, lộn qua đảo lại.
Tắm, phải tắm một quắn.
Nước, nước mát sẽ giải tỏa được mọi bức bối. Quýnh quáng với ý nghĩ ấy và anh đã đến cạnh hồ bơi. Ùm. Hai lần trồi ngụp, Tùng mới nhận ra anh đang lấn bấn trong bộ đồ công sở.
Tùng trở lại tỉnh táo hoàn toàn với ý nghĩ sẽ “xông vào hang hổ”, miệng  nghêu ngao: “Quả bom, quả bom là quả bom câm. Nó chui à, nó rúc… Anh công binh túm lấy đầu…” Chết tiệt thế, bài hát hay vậy mà chỉ nhớ lõm bõm. Quên cả tên bài và tên nhạc sỹ nữa chứ. Được! Hôm nay mình sẽ là công binh…
Tùng cầm cuốn nhật ký. Cuốn sổ còn nguyên si, những tờ giấy đã chuyển màu vàng ố, dính chặt lại với nhau. Màu mực Cửu Long xanh đen như thách thức thời gian. Nhìn nó, Tùng hiểu là lâu lắm rồi không ai động tới, có thể nói là chưa một lần thì phải và như thể người ta cố tình chôn vùi một quá khứ. Chứng tỏ nó đang lưu trữ, cất dấu một điều gì đó khá bí ẩn và hệ trọng.
Tùng hồi hộp, cẩn thận lần giở từng trang.
Phần đầu chỉ là những chuyện sinh hoạt bình thường, những kỷ niệm nho nhỏ của một chàng tân binh. Nhưng lời lẽ xem ra có vẻ triết lý, của người có học thức. Nhìn nhận, đánh giá sự việc rất có nhân văn, thể hiện một con người sống có nhân cách nên anh say sưa đọc. Tùng thấy có cảm tình với tác giả của những con chữ bao nhiêu thì lại càng thấy lộn ruột với người đưa nó đến, mới bị tống khứ bấy nhiêu.
Nhưng đến những trang cuối, những dòng cuối thì Tùng không đủ bình tĩnh để đọc, để hiểu được nữa. Từng nét, từng chữ nắn nót, ngay hàng thẳng lối như mũi giáo nhằm vào anh mà đâm, mà ngoáy..
Ngày .. tháng..
Đời ơi! Tôi không hề chủ tâm làm việc bất nhân, thất đức.
Người ơi! Không ai là kẻ lang chạ, tranh vợ, cướp chồng.
Vậy là cả tôi, hai bà mẹ, và vợ một người bộ đội đang ở ngoài mặt trận buộc phải làm một việc bất đắc dĩ, đổi cái nghĩa thất đức thành chữ phúc.
Bạn ơi! Toan không phải là kẻ phản bội. Mẹ đẻ và mẹ vợ của cậu không phải là người nhà họ “Tú”. Tôi không cùng dòng dõi với “Mã Giám Sinh”. Tùng ạ! Tôi và bạn là đồng đội là bạn chiến đấu. Chúng mình là thế hệ kế tiếp, có trách nhiệm hoàn thành sự nghiệp quét sạch bóng  thù mà các thế hệ cha ông đã và đang làm. Đồng thời có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc những người đã có công với dân, với nước.
Và nữa:
Thày bu kính mến!
Như con đã thưa chuyện với thày u là khi nào có tin chính thức là con không về nữa thì nhà mình hãy mở và đọc cuốn Nhật ký này rồi đấy nhá!
Nhà mình cứ theo tên và địa chỉ của hai gia đình đó mà đến. Nhưng dù có làm gì đi chăng nữa thì cũng phải tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tại và trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Cố nâng niu, không để làm một ai bị  tổn thương, vì tất cả đều là người tốt. Nhất là bác Bách, bác ấy là thương binh nặng.
Trước khi đi B, con đã bí mật về đó thăm, mà không để lộ tung tích cho một ai biết hết. Chỉ một mình con biết chắc chắn là con đã có con, không biết cháu là trai hay gái. Con tin thày bu đủ tỉnh táo để sử sự theo hoàn cảnh và nhất định không làm một ai bị tổn thương! Ông bà ôm hôn cháu nhiều cho con được yên lòng!
o0o
Rụng rời.
Uất ức.
Căm giận. Xốc.
Sao cái thân tôi lại khổ đến mức này! Vậy là bao năm nay tôi đã tốn công, tốn sức nuôi con của đứa đã chiếm vợ mình. Vậy là bao năm nay tôi đã tôn thờ một con đàn bà lộn chồng. Và tôi đã bị ngay cả mẹ đẻ cùng mẹ vợ lừa. Tùng vật vã với ý nghĩ. Tôi căm giận các người. Các người hãy cùng nhau đến đây lẹ đi, để cùng tôi đi chầu trời luôn thể.
Tùng quơ chai rượu… anh nghe rõ tiếng nổ đến lọng óc…
Hai ngày nằm bẹp dí trong phòng cấp cứu, khi tỉnh lại, Tùng thật ngỡ ngàng. Quanh anh là những khuôn mặt rất mực kính trọng và rất mực yêu thương đang đầm đìa nước mắt.
Tùng không biết chuyện gì đã xảy ra sau anh khi quăng cuốn sổ xuống nền nhà. Không hiểu nó cũng sợ bị tan thây hay nó cũng tự biết giúp anh giữ bí mật mà quơ theo cả lá thư, chạy trốn vào gầm tủ. Và một tiếng nổ. Anh chợt bừng tỉnh, nhớ đến lời dặn thật gần gũi mà diệu vợi “..bản lĩnh của người lính..”
o0o
Ra viện, đây là thời điểm tốt nhất để chôn vùi nỗi u uất ê chề. Tùng xin Hội đồng quản trị cho bàn giao công việc để nghỉ dưỡng vừa để định thần, vừa để tìm cách tháo gỡ “cho trong ấm ngoài êm.”
Đâu được! Phải chờ ý kiến của Đại hội Cổ đông. Hội đồng quản trị tìm được câu trả lời không thể hay hơn. Dễ gì tìm được người đảm trách nổi phận sự Giám đốc lúc này. Bố trí để Giám đốc đi Vũng Tàu nghỉ dưỡng một thời gian.
Vết thương tái phát nên “long thể bất an”, đến thật là khổ! Ai cũng nghĩ vậy và đều tỏ ý thương tình.
Đi nghỉ dưỡng! Vui thú gì, tâm trạng đâu mà đi. Với trăm thứ đắt như vàng, một người, một ngày ở Vũng Tàu có sẻn ra cũng phải tốn cả mớ tiền bằng một gia đình công nhân chi tiêu thoải mái một tuần. Chả đi đâu sất! Tùng xin nghỉ tại nhà.
Ngày đầu lúc nào cũng có người mang quà tới thăm. Vợ chồng bác Bình, chú Đồng được nhờ nhận quà rồi đưa đến trao cho bếp ăn tập thể. Thế là hôm sau lũ lượt người đến chơi thăm, không mang theo quà cáp gì hết, mà cha mẹ thì mang theo con cái, thanh niên thì dắt theo người yêu. Chỉ có nước che xanh và hạt dưa mời người lớn, kẹo cho trẻ con mà cứ vui như Tết.
Nhìn những đứa trẻ lén thủ kẹo vào túi để mang về chia phần cho anh chị em ở nhà và đu bám trên cổ bố mẹ như cha con anh đã từng ríu rít khi anh từ trại ăn dưỡng về. Anh đã được tận hưởng niềm hạnh phúc bên con khi bị mất người vợ thân yêu. Tùng chợt thấy chạnh lòng trước những cặp vợ chồng hiếm muộn, không có con. Trong đó có cả người mà mình đã trót căm oán. Chính người đó đã mang lại cho anh, cho gia đình anh một phép màu để vượt qua nỗi trầm luân nghèo ngặt.
Đúng! Mình phải có nghĩa vụ san sẻ hạnh phúc, nhưng không thể hấp tấp tác chiến theo cái phương án “ăn xổi” kia được, mà nhất định phải là… Phải là tình cảm máu mủ ruột rà.
Vẳng bên tai anh lời triết lý từ đâu đó: “Ai đem hạnh phúc đến cho nhiều người, thì người ấy có niềm hạnh phúc lớn nhất!”
Hải đã làm điều ấy, nhưng đang gặp trắc trở. Cậu ấy xứng đáng được nhận, được hưởng niềm hạnh phúc ngọt ngào. Tùng nhịp nhịp những ngón tay vào thành ly nước đang ấm nóng trên tay.
“Cuộc đời vẫn đẹp sao/tình yêu vẫn đẹp sao… Em ơi vút lên một tiếng đàn/kìa đàn đã so dây/cung đàn đã lựa phím…”  Một toán thanh niên đến chơi thăm đang ríu rít ngoài ngõ.
Ừ, quả đúng thế thật. Hải đã “so dây và lựa phím”, tiếng đàn sẽ ngân nga từ tay mình. Tùng nghe như có tiếng vui reo của mùa Xuân đang về.
Khi đã “tự bước ra” khỏi chính con người mình, khi thì với tình trạng của Hải, khi với vai trò của “thẩm phán lương tâm” Tùng thấy chưa khi nào anh sáng suốt, minh mẫn và tự bằng lòng với mình như vậy. Anh khéo léo động viên vợ cho các con đi xem bộ phim mới được trình chiếu ở rạp.
Ba đứa cùng thích, nhưng cu Tính có vẻ ngần ngừ, hình như nó không muốn rời xa bố lúc này. Nghe bố nói đến trách nhiệm: “Con giúp mẹ nhắc hai em khi ăn quà là không được vứt rãi bừa bãi đó, Tính nhá!” Thì cu cậu mới rủ hai em Tuyết, Nhung chạy tới hôn bố và bà nội rồi dắt nhau chạy theo mẹ.
Khi chỉ còn hai mẹ con ở nhà, Tùng dồn toàn bộ tâm trí vào bà cụ: Một quả phụ đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng còn rất minh mẫn. Mấy năm nay cụ khỏe ra nhiều. Da dẻ hồng hào trong bộ đồ màu tím than lâu lâu lại tủm tỉm với miếng trầu như vẻ đắc tâm đắc ý điều gì. Nhìn cái cách vuốt mép đến ngoét, vứt toẹt cái bã trầu của mẹ, Tùng trộm nghĩ tới câu “Ăn vụng chùi mép”. Mà bà hay ăn trầu từ khi nào ấy nhỉ? Phải rồi, từ khi bà ngoại của cu Tính mất. Và có lẽ trầu đã giúp bà béo tốt dần lên(!?) khác hẳn khi anh mới xuất ngũ về nhà. Dáng bà queo quắt, hay bất chợt thở dài, thường giật mình khi ai đó nhắc đến tên cu Tính, hoặc có bóng người lạ đến nhà. Tùng dò hỏi thì mẹ chỉ nhìn đi chỗ khác và gạt phắt: “Giời ạ! Hơi đâu mà chấp vặt, để ý đến tâm trạng người già, anh lo mà cưới vợ đi thôi, để mẹ có con dâu làm bầu bạn và để có thêm trẻ nhỏ cho vui cửa vui nhà.” Chiều ý cụ, Tùng cưới vợ liền tay, là Nga bây giờ. Vợ anh đẻ liên thanh hai mỹ nữ cách nhau năm một, nên cu Tính vẫn là tâm điểm ưu ái của cả nhà, nhất là của bà. Từ khi dùng trầu để “trướt miệng” tuy rằng trên khuôn mặt đầy đận đến độ phúc hậu, giọng nói mềm như lời ru của mẹ, Tùng vẫn mơ hồ nhận thấy một điều gì đó ẩn khuất, tuy không thường xuyên biểu lộ. Nhưng hôm nay anh như thấy rõ cái nét ấy trên khuôn mặt mẹ mình. Anh rùng mình, tưởng như sẽ trút hết lên đầu người đàn bà kia tất cả những điều uất ức trong tình thế không còn gì để mất. Nhưng tình mẫu tử đã kịp ngăn những động thái bất nhã và mở lối cho anh:
- Mẹ có thấy tính nết của cháu Tính khác nhiều với hai em nó không ạ!
- Anh thật rõ hay! Cha sinh con Trời sinh tính. Với lại các cháu vừa khác giới lại chênh nhau độ tuổi thì vậy chứ sao?
- Mẹ! Tùng gục vào lòng mẹ nức nở. Cậu Hải mới tìm đến gặp con.
- Mẹ chỉ quanh quẩn ra ao, vào bếp mà thỉnh thoảng còn có khách đến chơi thăm, huống hồ là anh, anh có biết bao nhiêu là bạn bè khách khứa.
- Cậu ấy trước kia là Bộ đội và ở bên nhà… Tùng chỉ nói được có vậy và nắc lên ầng ậc, hai vai rung mạnh.
Bà cụ cảm nhận rõ những giọt nước mắt nóng hổi của con trai trên ngực mình. Các đơn vị Bộ đội đóng quân ở vùng này thì đã có nhiều. Mà chỉ mỗi một chú có tên là Hải ở bên nhà Sui thì cụ rất nhớ, nhưng đã phải cố tình quên. Nay nghe nhắc tới, cụ thoáng chột dạ, nhưng vẫn thản nhiên: “Những người tìm đến con lúc này hầu như đều gặp hoàn cảnh khó khăn, vạn bất đắc dĩ họ mới phải hạ mình nhờ vả. Gắng giúp người ta để tích đức con ạ!”
- Cậu ấy bị nhiễm chất Dioxin ở chiến trường nên vợ sinh ra toàn là quái thai, hoàn cảnh túng bấn, sức khỏe yếu lắm… Tùng òa khóc lên thành tiếng.
- Có thể giúp gì cho người ta thì chớ tiếc. Người là vàng, của là ngãi đó con ơi! Bà mẹ chưa hiểu là con trai mình đang khóc trong tâm trạng u sầu mà cho rằng nó vốn tính thương người.
- Khả năng thì con có nhưng không thể được mẹ ơi! Tùng rời khỏi vòng tay mẹ, nằm úp mặt xuống gối, nức nở, van vỉ: Mẹ! Con xin mẹ! Mẹ nói thật về quan hệ giữa cháu Tính với cậu Hải cho con nghe với đi. Mẹ ơi!
Bà cụ giật thót người, bà đoan chắc đây chính là căn nguyên dẫn đến cú xốc bất tỉnh vừa rồi của con mình. Vậy là bí mật lâu nay được dấu kín, chỉ duy nhất còn mình bà biết, vì sau khi con dâu bà hy sinh thì bà sui ngã bệnh và không qua khỏi. Những tưởng đã kín như hũ nút, chắc như bắp rồi. Dè đâu, bây giờ nó lại như đang được bọc trong lớp bóng kính thế này. Bà ôm chầm lấy con, bật khóc, kể.
- Ôi con! Tùng ơi, một tuần nghỉ phép đi B của con rơi vào thời điểm xác xuất có thai của vợ con rất thấp. Khi con trở lại đơn vị rồi thì bố con đoán biết là mình chưa có cháu, nên ông ấy quỵ luôn, phải đi nằm cấp cứu cả tuần mới khá lên đôi chút. Mẹ hiểu rất rõ điều này nên đã chủ động bàn với vợ anh, với bà sui và “nhờ” bác sỹ khuyên ngăn con dâu không nên đến chăm sóc bố chồng nhiều bởi lẽ “có thai lần đầu, thì nên tránh đến và ở lâu trong bệnh viện vì đây là nơi có nhiều mầm bệnh dễ lây lan, không tốt cho thai nhi!?” Nhờ vậy mà sức khỏe ông ấy dần khá lên. Đón bố con từ bệnh viện về là mẹ lo đến mất ăn, mất ngủ vì phải đối phó với tình huống trước mắt. Mẹ chỉ định cho con dâu phải ăn ít, ngủ ít và luôn nôn ọe đúng như người đã có thai. Nhìn con Toan còm nhom, xanh rớt đúng như người có thai thật thì mẹ mừng cho kế hoạch tức thời, nhưng lại thương con dâu và lo cho kế hoạch dài hơi. Mẹ nhờ bà sui đến “chăm con gái mang thai” điều này ai nghe ra cũng thuận vì mẹ bận chăm sóc chồng và bà ấy chỉ có một cô con gái.
Tùng ngồi chết lặng theo dòng hồi ức của mẹ.
- Trót đâm lao thì phải theo lao. Xóm giềng, họ hàng đều biết là con dâu nhà mình đã có thai mà ngày mai lại “cho nó bị hư thai” thì tiếng đời “tuyệt tự, vô phúc” sẽ lớn lắm và chắc hẳn bố con… Giọng bà cụ chắc nịch, nét mặt bà đanh lại thoáng hiện rõ một mưu đồ, một “sách lược” tuy rằng nó hoàn toàn không có sẵn trong bản ngã. Mới đầu nghe mẹ trình bày “kế hoạch” thì bà sui giãy nảy, phản bác thẳng thừng, con Toan thì một mực xin thủ tiết, nếu buộc phải “ôm cầm thuyền ai” thì dứt khoát sẽ quyên sinh… Bà cụ quàng tay ôm con trai vào lòng, nức nở: Cu Tính là “thành quả” đạt được là do sự sắp đặt của mẹ. Hai bên gia đình đều rất hạnh phúc khi vợ con sinh cháu trai, thằng bé khôi ngô, nặng tới ba cân. Bố con cưng cháu đích tôn hết mực. Ông đặt tên cháu là Tính cho vần với tên của mẹ cháu Toan-Tính. Được ba tuổi, thằng bé đã tự biết gắp thức ăn vào bát mời ông bà, mời mẹ và bưng nước mời từng người. Đấy cũng là lúc mẹ phải đón nhận điều cay đắng đầu tiên.
Ấy là: Khi trở bệnh, bố anh nhờ con dâu đưa cháu sang mời bà sui đến và dặn hai mẹ con ở chơi nguyên bên đó. Con biết không? Ông ấy cảm ơn mẹ và bà sui đã kéo dài sự sống cho mình đến hôm nay và dặn: “Khi thằng cháu Tính đến tuổi trưởng thành, thì nhất thiết phải cho cháu biết về gốc tích tổ tiên, cho cháu được để tang, chống gậy hoặc cúng giỗ cha đẻ của mình!”
Trời ơi!  Trăng trối được có bấy nhiêu lời thì ông ấy…nhắm mắt. Đến lúc ấy mẹ mới hiểu hai chữ “toan tính” và đối với ông ấy, sự việc chỉ đáng là “vải thưa che mắt thánh” thật là đàn ông nông nổi giếng khơi.
Lo ma chay cho bố chồng xong thì con dâu lao vào công tác xã hội, làm đến Xã đội trưởng thì con dâu tôi hy sinh tại trận địa pháo cao xạ của dân quân xã mình. Mẹ những tưởng đã…nào ngờ... Đúng là cây kim dấu kín trong bọc giẻ cũng có ngày lòi ra. Cu cháu nay lại là chứng cứ của kẻ tội đồ này.
- Mẹ chưa nói gì về cậu Hải. Mà sao lại là cậu Hải, là một người Bộ đội.
- Đúng! Mẹ suy tính: chỉ có cậu ấy mới là “đối tác” như dọn cỗ, phù hợp từ A đến Z.
Thứ nhất: “Cậu ấy đang ở trong nhà bà sui, nên dễ bề sắp đặt. Chỉ cần cho con Toan về chơi bên ấy như là chuyện ngẫu nhiên. Và lưng cơm thân mật có ly rượu nhạt, mừng nhà có tin vui.”
Thứ hai: Tuy da cậu ấy có hơi ngăm ngăm một tý, nhưng nét mặt hao hao giống con, tính nết lại ngoan hiền gần như nhút nhát nên dễ bề điều khiển.
Thứ nữa: Quê cậu ta lại ở tít tắp mãi đâu miền biển.
Thuận chiều hơn cả là đơn vị cậu ta sắp đi B, khả năng bặt vô âm tín là nhiều. Bà ngừng lời như để nhìn nhận lại sự việc, rồi giãi bày: Kể cũng tội cho cậu ấy khi phải thực hiện một nước đi bắt buộc trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hoặc là bị nhừ đòn, bị tước quân tịch rồi bị đuổi cổ về địa phương, bởi đã trần như nhộng trên giường cùng vợ Bộđội đang ở ngoài mặt trận. Hoặc là phải ngoan ngoãn... cho dù có thoái thác mà không đường tháo lui, cho dù xin được tha bổng khi chính mình là nạn nhân.
- Thế còn Toan, cô ấy…
- Anh biết không? Tôi nói thật, có vong linh con Toan chứng giám. Bà cụ dồn hết sức bình sinh để nói ra những điều chua xót. Mới đầu con dâu tôi nhất mực cự tuyệt và đòi tự vẫn. Nó tin là chỉ mai, mốt chồng mình sẽ về và hỏi thẳng tôi: “Mẹ không thấy đau xót khi đưa con dâu mình đến hiến cho kẻ khác, và sau này phải nuôi dưỡng, quý mến một đứa trẻ không phải là dòng giống máu mủ nhà mình hay sao?” Như thế đã đủ để anh hiểu con dâu tôi là người như thế nào chưa? Nhưng nhắc tới bố chồng –một thương binh nặng, có thể tắt thở ngay khi nghe tin con dâu đã có thai mà không được bế cháu thì nó phải đành lòng ngậm bồ hòn đấy anh ơi! Tôi phải viết giấy cam đoan sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự sắp đặt này và đưa cái giấy ấy cho bà sui giữ đấy. Chứ anh tưởng vợ anh là đứa thế nào đó chắc. Anh biết không? Tôi ở phòng ngoài, nghe từ buồng trong tiếng roẹt của hàng nút bấm, tiếng cậu Hải rít trong kìm nén: “Cô làm cái quái gì vậy?” Con dâu tôi bấm đèn phim soi vào bộ ngực trần của mình và hét: “Anh phải trả lời: Quầng vú của em thâm hay đỏ trước đã!” “Tôi không biết!” “Thâm hay đỏ? Nhìn. Nói!” “Đỏ!” “Đúng là em chưa có thai thật mà anh!” “Cô nói với tôi điều đó để làm gì?” “Để xin anh một đứa con!” “Cô làm tôi ghê tởm, có ngứa thì ra ôm cây cau mà trèo lên tụt xuống chứ! Kẻ phản bội chồng mà không thấy xấu hổ à?” Anh ơi! Liệu chồng em có về không? Và khi nào mới về?” “Có phải chồng cô đi ra pháp trường đâu! Người lính coi việc ra mặt trận để chiến đấu và dành chiến thắng là vinh quang cơ mà. Trời ơi! Người vợ ở nhà phụ tình thì người lính nơi hòn tên mũi đạn sao tránh khỏi... Đừng, tôi xin các người đừng ác thế? Có biết bao nhiêu Dũng sỹ, Anh hùng trở về từ mặt trận đó thôi. Chồng cô sẽ là một trong số đó! Là người lính thì phải ra trận chứ! Đơn vị chúng tôi cũng sắp hành quân rồi!” “Chính vì thế nên mới nhờ anh! Cho em xin đứa con. Làm phúc với anh ơi!” “Thất đức thì có chứ phúc đức gì chuyện ấy! Mà hàng xóm đây, bên xã nhà chồng cô nữa, thiếu gì đàn ông sao không tìm đến họ mà lại bắt tội tôi!” “Có đấy mà không ổn đâu anh ơi! Vì là người trong làng ngoài xã, ra vào chạm mặt sẽ bị người ta lợi dụng, bắt bí, nên dễ dẫn đến đổ vỡ chẳng ở nhà này thì cũng ở nhà kia. Nhiều loài vật chỉ sống có đôi. Ở hoàn này, em không bằng con vật. Em là đứa ăn mày nhục dục, khổ tâm lắm anh ơi! Xin anh làm phúc! Em không xin cho em, mà vì…” Nghe bấy nhiêu thôi mà tôi thấy đau đến đứt ruột muốn đạp cửa chạy vào để hóa vàng cái kịch bản cho dù mình đã tốn công dàn dựng, chỉ đạo diễn xuất và tạ lỗi mà không sao làm được, cứ dán mắt nhìn qua khe hẹp mới trổ. Cậu Hải ngồi thu mình rúm ró ở góc giường, mắt nhắm, hai tay chống cằm, ôm má hệt đứa bé trong bụng mẹ, nhưng dáng vẻ sợ sệt hơn cả đứa trẻ sợ ma. Rồi cậu ấy nói trong bụm tay: “Cô mang ngay dao ra đây, tôi chỉ chặt một nhát là có ngay cái mà cô cần và giữ lấy để dùng khi nào cô hứng, chứ đừng có hòng đồi hỏi gì khác ở tôi. Thà nằm sương gối đất ở bắt cứ chốn nào chứ tôi không thèm gì đến cái thứ nệm thịt ấy đâu.” “Anh ơi! Anh nói vậy thì tội cho em quá! Em không tham thế đâu mà chỉ xin một phần vạn, một phần triệu trong “kho” đó thôi!” “Tội! Thế tôi vô tội chắc?” “Anh không có tội mà chỉ có công làm phúc thôi. Sự thể không thể khác được. Anh cứ tạm bằng lòng mà làm phép phân thân, cho tâm thần đi dạo, còn mọi sự cứ để mặc…” Giọng bà tắc nghẹn trong dàn dụa nước mắt tay chân chới với như cố xua đi, cố đạp đổ những gì đã từng thấy: Con Toan phải tự vầy vò, tự tung, tự tác…
Bà dừng lời, lén ngước nhìn con, nuốt khan trong cổ để lấy hơi rồi tiếp:
- Chuyện này có kể tới ngàn lẻ một đêm vẫn chưa hết đâu. Nhưng chỉ như vậy đã...hết chịu đựng nổi rồi. Bây giờ tùy thuộc vào quyết định của con. Mẹ đã gây nên tai vạ và tội lỗi… Dứt lời, bà vung tay đấm thùm thụp lên ngực mình và mềm nhũn, đổ gục.
- Mẹ! Mẹ ơi, mẹ tỉnh lại đi. Mẹ không có lỗi gì hết. Chỉ cuộc chiến kia mới có lỗi. Chỉ những người gây ra chiến cuộc mới là kẻ có tội. Theo con thì mẹ đã làm một việc rất là đức độ. Mẹ đã cho Toan được một lần làm mẹ, đã cho bố con có cháu và đã cho Hải có được một đứa con trước khi lâm nạn di họa chiến tranh. Mẹ đã cho con niềm vui phụ tử. Nếu không có cu Tính, không còn bố, không còn vợ thì sao con có được ngày hôm nay.
Bà cụ hồi phục dần dần theo từng lời tâm huyết bên tai.
- Con dự định thế này, mẹ cho ý kiến thêm với nhá! Con sẽ động viên cả hai vợ chồng Hải vào Công ty làm việc, mời cả ông cụ sang luôn. Tạm thời cứ để họ ở một phòng trong dãy nhà Bảo vệ, rồi Công ty sẽ làm nhà tình nghĩa như đã làm cho hai bác Bình, Chiêm và hai cô chú Đồng, Sợi.
Trước mắt để cu Tính sang đó làm con nuôi. Chưa vội nói chuyện này với bất cứ một ai để cháu khỏi bị tổn thương. Dần dà, mẹ con mình sẽ lựa lời trò chuyện với các cháu và Nga. Cô ấy cũng thương cu Tính như con đẻ. Ba năm nữa, lúc cháu đủ 18 tuổi, cũng đủ thời gian để tình cảm cha mẹ ông cháu nuôi gắn kết. Đến ngày đó, nhà mình sẽ làm giỗ kỵ cho cả bố và Toan. Luôn thể vừa là kính cáo, vừa là nói cho cả hai ông cháu biết sự tình. Ngày một, ngày hai sẽ làm lại Giấy Khai sinh cho cháu.
- Vậy thì nhà mình mất…
- Không một ai bị mất mát gì hết mà tất cả chỉ có được thôi cụ ơi! Cụ sẽ có thêm vợ chồng Hải làm con nuôi, có thêm bạn già. Con có thêm anh em đồng niên kết nghĩa. Con hiểu những người đã đi qua cuộc chiến thường rất coi trọng ân tình. Mẹ vẫn có cháu đích tôn là cu Tính và cháu nó có luôn cả hai bên bố mẹ, ông bà. Có lẽ xin mẹ và Nga cho cả hai cháu Tuyết, Nhung sang làm con nuôi bên bác Bình và chú Đồng luôn. Cả bốn người đều là cựu chiến binh bị nhiễm chất Dioxin không có con, họ đều đang “góp gạo thổi cơm chung.” Chẳng ai chiếm hữu mất con cháu nhà mình đâu, mà ngược lại các cháu lại được nhiều người yêu quý và học thêm được nhiều nhân cách sống tốt đẹp.
Chẳng biết đâu chừng, mai mốt Nga lại nhắm cu Tính làm con rể tương lai thì mình sẽ biểu quyết cả hai tay. Tùng mỉm cười một mình. Và rồi ý nghĩ đơn lẻ ấy buột lên thành tiếng: “Đại gia đình. Nhà mình sẽ là một đại gia đình”, anh nghe trong lòng rạo rực một niềm vui.

Vũ Thư – Buôn Ma Thuột mùa Thu 2013.

Thông tin tác giả: Hoài Trường An Ưu
Tên thật: Trần Đình Hằng.
Đ/c: 35 Đinh Tiên Hoàng BMT DakLak.
D/đ: 01278 959 399. Email: nguyetlangthon@yahoo.com.vn