Trang chủ » Truyện

LỄ HỘI HÓA TRANG

Nghiêm Huyền Vũ
Thứ bẩy ngày 2 tháng 5 năm 2015 3:08 PM
Truyện ngắn


Sau khi quả bóng bay màu đỏ có buộc theo cái phướn lụa cũng màu đỏ rời khỏi những ngón tay gầy guộc bay lên trời thì nét mặt chàng mới giãn ra, mãn nguyện. Thế là thêm một năm gặt hái thành công! Người ta thường đong đếm chuyện làm ăn vào dịp Tết, nhưng công việc của chàng nó thế, phải chờ đến rằm Nguyên Tiêu mới hoàn tất.
Hồi còn trẻ tôi từng là một người hâm mộ những bài thơ lẻ của chàng. Những bài thơ viết về những bản xô nát, những bản giao hưởng, về những tác phẩm hội họa và các tác giả danh giá của chúng. Ngoài ra chàng còn viết thơ theo mùa, theo những mùa hoa… những cảm xúc cao xa của chàng cứ làm tôi mê mẩn. Tôi người nhà quê, nhờ công ơn trời biển mới được học hành chút ít, tuổi trẻ háo hức tìm hiểu, dễ bị mê hoặc bởi những gì có vẻ tri thức do những người có vẻ học rộng tài cao viết ra. Những tác phẩm của chàng lại là thơ, không phải thứ thơ mà bà tôi từng ru tôi khôn lớn, thơ của chàng tân kỳ, chữ nghĩa đầy mê hoặc. Ở quê tôi một mớ rau gọi là bó rau, một bó lúa gọi là lượm lúa… Thế mà chàng sáng tạo, gọi những bó hoa là những lượm hoa, những lượm hoa hồng, những lượm hoa cúc… Như thế làm sao mà tôi không cảm phục! Còn nhớ khi lần đầu được đọc thần cú của chàng tôi lập tức tưởng tượng mình được ôm một ôm hoa lớn đặt vào miệng một cái chum đất nung! Ôi bình hoa mới phì nhiêu làm sao, những bông hoa tràn ra bốn phía, rực rỡ… Chàng tựa vào các tượng đài của nhân loại, một chỗ dựa thật bền vững, tóc của chàng bay theo hơi thở của các vỹ nhân, như bờm của con thi mã!
Hồi chưa được diện kiến, tôi hình dung chàng qua những bài thơ danh nhân, danh tác mà chàng đã công bố: Mái tóc bồng bềnh sóng của Ludwig van Beethoven, vẻ mặt thiên thần của Rabindranad Tagor, những ngón tay dài và mềm mại đang cầm ly rượu y hệt như Dương Bích Liên… Nói chung, trong trí tưởng tượng của tôi chàng là điển hình của một người đàn ông đẹp đẽ và tài hoa, và rất có thể là cao thượng. Người làm sao chiêm bao làm vậy, tôi đã được lướt qua chiêm bao của chàng, vì thế tôi hy vọng!
Phương Tây có một câu ngạn ngữ, nếu diễn nôm ra là: Hai ngọn núi không thể gặp nhau còn hai con người thế nào rồi cũng gặp! Tôi vẫn hằng tin sẽ có ngày giáp mặt nhà thơ để kiểm nghiệm xem trí tưởng tượng của mình thật phong phú hay không. Rồi ngày ấy đã đến! Đấy là một even văn nghệ, có khá đông người tham dự. Như thường lệ tôi ngồi hàng ghế cuối ở góc phòng với tâm thế của một người không chuyên nghiệp, một người dự thính, một kẻ đến sau… Sau khi lắng nghe mấy diễn giả với các bài phát biểu không thực rõ ràng chính kiến, tôi giật mình nghe người ta xướng tên mời chàng lên diễn đàn. Tôi hồi hộp, cố nhổm người, nghển cổ, sửa lại mục kỉnh ngóng lên diễn đàn để chiêm ngưỡng người trong tưởng tượng. Tôi nhìn thấy đằng sau cái bục trên sân khấu một người cao cao, gầy gầy với mái tóc để dài, không gợn sóng, không giống Beethoven mấy nhưng khá ấn tượng. Chàng đang chúi mũi vào tờ giấy viết sẵn, cặp kính lóe lên khi có bác phó nháy nào đó chụp hình. Cái discour của chàng ngắn và không mỹ miều như các bài thơ, tôi chưa kịp nắm bắt những ý chính thì nó đã kết thúc và khi chàng ngửng lên đáp lễ tiếng vỗ tay lẹt đẹt lấy lệ của mấy cử tọa ngồi hàng đầu, tôi đã được nhìn thoáng qua nhân diện của chàng.
Các chuyên gia Anh mới đây đã đưa ra những tiêu chí để đánh giá một khuôn mặt đẹp hoàn hảo. Tiến sĩ Chris Solomon thuộc Đại học Kent cùng các đồng nghiệp tiến hành cuộc thử nghiệm kéo dài hai tháng và sử dụng phần mềm e-fits (kỹ thuật nhận diện mặt điện tử) để tạo ra bức chân dung của người đàn ông và người phụ nữ đẹp nhất trên thế giới. Dựa vào phần mềm nói trên và bảng đánh giá 100 người hấp dẫn nhất thế giới, người ta đã phác họa lại đường nét hoàn hảo và ấn tượng nhất rồi tập hợp những kết quả cho ra khuôn mặt hoàn hảo. Tôi bỗng nghĩ, nếu ông giáo sư người Anh kia lấy dữ liệu từ một trăm nhà thơ rồi phác họa khuôn mặt tiêu biểu thì bức chân dung sẽ thế nào nhỉ? Tất nhiên nhà thơ không nhất thiết phải đẹp trai, không phải ai cũng được như Exênhin, như Xuân Diệu…nhưng trên gương mặt nhà thơ theo quan niệm cổ hủ của tôi, chí ít cũng phải ánh lên một chút trí tuệ, một nét nhân hậu, một cái nhìn chân thực… Người sở hữu một gương mặt tối tăm, một cái nhìn lấm lét, e rằng không thể là nhà thơ, những gì hắn viết ra và gọi là thơ có thể là do ngộ nhận hoặc là hắn đã đánh lừa được mọi người bằng các mẹo ngôn từ.

Không hiểu vì sao tôi bỗng lan man nghĩ về những mặt nạ trong tuồng cổ. Trong nghệ thuật hát tuồng, bước ban đầu diễn viên dùng mặt nạ "đeo" vì thuở ấy, người có khả năng biểu diễn không nhiều, một diễn viên phải sắm nhiều vai, vì vậy, họ dùng mặt nạ đeo để thay đổi vai cho dễ dàng. Về sau, ngay từ thời Đào Tấn, người ta thay mặt nạ đeo bằng mặt vẽ, và mới đây, người ta dùng cách hóa trang để chân thật hơn, gần cuộc sống hơn. Ở ta hiện nay không chỉ bảo tồn văn hóa dân tộc mà còn hội nhập quốc tế, tuồng cổ có phần lép vế ở trong nước nhưng bạn bè quốc tế rất thán phục và cho rằng đó là một bộ môn nghệ thuật nhiều kiến thức bác học. Thế mà tuồng cổ khó mà tồn tại chưa nói là phát triển: Diễn viên không người kế thừa, hệ thống đào tạo gần như mơ hồ về nghiệp vụ và lý luận. Ca diễn vũ đạo cực kỳ công phu, học cho đến nơi chốn phải có thời gian dài, tiền của nhiều, khi diễn lại ít người xem. Đúng là một món đồ cổ trân quý nhưng phải có nhà nước giàu, chịu đầu tư để làm của quốc bảo mới mong giữ được.

Để bù lại, ta đã nhập nội nhiều lễ hội để cho bằng chị bằng em. Rất nhiều phong tục, lễ tết của nước lớn phương Bắc đã du nhập, đã Việt hóa từ xưa, ngày nay ta đã có thêm những lễ hội mới như lễ Giáng sinh, lễ mừng Năm mới Dương lịch, lễ Tình yêu… Những ngày lễ quốc tế hóa đã mang lại những nét sinh động và tươi vui cho đời sống văn hóa bản địa. Ngoài ra, đang manh nha những lễ hội mới như lễ hội Hóa trang, lễ hội Haloween, lễ hội ma (!)…

Ờ nhỉ, biết đâu nhà thơ của chúng ta đang đắm mình trong một lễ hội nào đó mà chàng chí thú, tỷ như lễ hội Haloween chẳng hạn. Nhưng tôi lập tức hiểu ra là mình đã nhầm, chàng không phải là tín đồ Haloween, bằng chứng là trên cổ chàng vẫn là một cái đầu với mái tóc dài rất ấn tượng chứ không phải là một quả bí ngô rỗng ruột, có khoét các lỗ mắt, mũi và mồm. Một người đã từng viết các bài thơ cao cả với các ngôn từ sang trọng không đời nào lại đi chui đầu vào một thứ quả vừa to, vừa nặng như thế vì rằng nó không giống với gương mặt người. Quả bí đỏ có khoét ngũ lỗ nhưng không thể biểu đạt tình cảm, nhất là tình cảm của một thi nhân. Có thể chàng đang cử hành những nghi lễ của lễ hội Hóa trang chăng? Có thể chàng đeo một cái mặt nạ nên tôi không thấy được những nét mình ước mong được thấy…

Do số phận đùn đẩy, sau cái lần thoáng thấy nhân diện của chàng, tôi được thuyên chuyển về một chỗ làm mới nằm bên kia đường, chéo qua một cái ngã tư sầm uất so với đại bản doanh của các văn nghệ sỹ danh giá. Được như thế với tôi cũng đã là vinh hạnh vì rằng hằng ngày, những lúc rảnh rỗi, chỉ cần băng sang bên này đường để góp vui với bà con ở quán chè chén dưới bóng của mấy đại thụ long não là tôi đã có thể mục sở thị nhiều gương mặt mà mình hằng ngưỡng mộ, tất nhiên trong số đó có chàng! Ôi, cảm động biết bao khi được thấy các nhà thơ, nhà văn, nghệ sỹ chỉ mới được nghe tên, chỉ mới được xem tác phẩm đang bước qua trước mặt mình. Thi sỹ của chúng ta ngày nào cũng cưỡi con “xe đạp cởi truồng” đến nhiệm sở, hình như chàng vẫn tham gia lễ hội Hóa trang như lần ở even văn nghệ hôm nào. Chàng vẫn đeo cái mặt nạ tương tự nhưng được tô thêm các nét nghiêm nghị và trầm cảm. Tôi giữ lễ “kính nhi viễn chi” chưa dám tiếp cận nhưng vẫn nhận ra gam màu tối tăm trên cái mask của chàng, chắc chủ nhân của nó đang ủ mưu gì đó, rất nghiêm trọng! Ôi, phải chi Conan Doyle còn sống đến ngày nay và có mặt ở ta thì chắc chắn sự nghiệp anh hùng của bác ấy không chỉ bấy nhiêu đâu! Sống trong một đám đông đeo mặt nạ đi lại hỗn loạn với hành tung rất bí hiểm, trí tưởng tượng của bác ấy tha hồ bay bổng, chắc sẽ có nhiều thiên truyện không kém gì bộ Thám tử Sherlock Holmes nổi tiếng!

Bản thân tôi không những bị chinh phục bởi các bài thơ hạng sang mà sau những lần chiêm ngưỡng một cách thành kính tác giả của chúng, dần dà còn bị dẫn dụ vào việc tìm hiểu thú chơi tao nhã mà nhà thi sỹ đang theo đuổi. Lễ hội hóa trang đang diễn ra trước mắt tôi, tất nhiên không thể so sánh với khung cảnh đầy màu sắc và âm thanh như ở Rio de Janeiro bên Brazil nhưng nghệ thuật không hề kém phần thâm hậu. Tôi phát hiện ra rằng chàng không chỉ là thi sỹ mà còn là một người am hiểu nghệ thuật sân khấu, không chỉ là nhà hoạt động văn hóa bình thường mà còn là một chiến sỹ trên mặt trận văn hóa. Chàng đã thực thi chiến lược chính trị về văn hóa rất nhuần nhuyễn, nghệ thuật của chàng không chỉ hiện đại mà còn đậm đà bản sắc dân tộc. Trong số những người tham gia lễ hội, mặt nạ của chàng là sinh động nhất, không chỉ là những cái mask bình thường mà mang đậm dấu ấn của các mặt nạ tuồng! Chàng thường dùng mặt trắng của kép thư sinh, xuất thân nơi thành thị nhưng nhiều lúc không quên đổi sang màu đỏ của kép võ trung nghĩa, màu đen của kép võ ngay thẳng hoặc màu xám của kép võ nóng tính bộc trực. Chàng tô vẽ cho mặt nạ của mình có bố cục hài hoà, màu sắc vừa độ, đậm nhạt hợp lý, đường nét khoan thai để tỏ rõ tích trung quân ái quốc của nhân vật…

Tất nhiên, cho dù là đang chơi trò chơi thì mặt nạ luôn là thứ để che đậy gương mặt thật. Thi sỹ của chúng ta sau khi viết xong series tụng ca tác giả và tác phẩm nổi tiếng thì không còn gì để viết thêm nữa, chàng đã chuyển sang sân khấu và đã kiếm được một chân bên ấy. Nghe nói doanh nghiệp nhà nước một thành viên, nơi chàng ghi tên để hưởng lương cũng không làm ăn gì được, tiền tài trợ hằng năm chỉ dùng để sản xuất một số thứ theo đơn đặt hàng nhưng phần lớn để trưng bày vì không biết dùng vào việc gì và không có người mua. Chàng và Kế toán trưởng đã đi đủ mánh quyền cước nhưng không ăn thua vì lĩnh vực hẹp, hoạt động thực tế còn quá èo uột nói chi đến phần “ný nuận”. Giật gấu vá vai, vắt mũi không đủ bỏ vào mồm nên quanh năm suốt tháng cũng chỉ đủ cơm bụi, trà chén mà thôi. Đói thì đầu gối phải bò, chàng mới “phải bò” sang lĩnh vực lễ hội hóa trang, đeo cái mặt nạ tuồng vào đi thi thố với thiên hạ, kiếm cơm nuôi lũ trẻ còn tuổi ăn, tuổi lớn.

Không biết trong tuồng cổ, khi một ai đó mếu máo thì thể hiện ra sao qua cái mặt nạ, chỉ biết rằng chàng đã thành công trước mặt ông bộ trưởng sau khi trình bày hoàn cảnh tủi nhục của mình. Cũng không ai biết sau đó chuyện gì đã xảy ra, chỉ biết rằng chàng được cấp một mảnh đất và đã đổi đời. Chàng xây ngôi nhà đầu tiên của mình khi đã quá tuổi tri thiên mệnh. Ở tuổi đó chàng đã “tri” rằng chàng sẽ ấm no hạnh phúc khi có quý nhân phù trợ. Tôi không được mục kích chiếc mặt nạ chàng dùng trong giai đoạn này nhưng nếu để diễn tả trên sân khấu tuồng, dám chắc rằng nó có nền trắng mốc của gian thần xu nịnh hoặc màu xanh của mưu mô xảo quyệt, yêu ma quỷ quái! Nghệ thuật mặt nạ tuồng nhờ chàng, một nhà thơ, mà trở nên siêu thực hơn, mỗi lần chàng sử dụng là một ẩn dụ, một phiếm chỉ… Mặt nạ chàng dùng trong quan hệ với Kế toán trưởng là một dạng vô tiền khoáng hậu, nó làm cho cô nàng (Kế toán trưởng là một cô nàng xinh đẹp!) chao đảo dù nàng là một bậc thầy son phấn. Nghệ thuật trang điểm của nàng mang tính thậm xưng chứ không mang tính ước lệ như mặt nạ của chàng mặc dầu độ đậm nhạt và sự tương phản màu sắc không hề thua kém! Người ta phỏng đoán cái cách chàng tán tỉnh cô nàng ra sao sau cái mặt nạ và đồn rằng những lúc gần gũi, cô nàng đã cố nhìn xem khuôn mặt thật của chàng nhưng mỗi lần thực hiện ý định thì đều bị khó ở, nàng thường nôn ọe như người ốm nghén!

Bây giờ thì chàng đã bước sang trang khác của cuộc đời. Từ ngày có quý nhân phù trợ chàng là người có giá. Trong một xứ sở đang thay đổi từng ngày, nơi nhiều người sau khi thực hiện xong giấc mơ có được một mảnh đất cắm dùi, vẫn tiếp tục mơ mộng, mục tiêu tiếp đến là tậu một chỗ để dựng cái bia đề tên mình ở chốn “vĩnh hằng”! Chàng đã nắm bắt được xu thế mới! Được cử giữ mấy quả đồi trọc, chàng lập tức nghĩ đến mẹo chia lô rao bán như phần lớn các “nhà kinh doanh” công thổ. Các lô đất sau khi được thổi giá đã có người đến mua. Người ta đặt dần những viên gạch để làm cái móng cho tấm bia sau này. Khi đã no đủ vật chất nhu cầu tiếp đến là tìm kiếm một chút danh tiếng, dù có là danh hão cũng không thể coi là không chính đáng. Khổng Phu Tử đã chẳng nói rằng ra đường chỉ gặp hai người, một đi tìm lợi còn người kia đi tìm danh, đó sao!

Ngồi ở bàn Phó Tổng, cái mặt nạ lần này chàng thiết kế rất nghiêm cẩn mang đường nét và màu sắc học thuật bí hiểm, những người nhẹ dạ, yếu bóng vía nhìn thấy là bủn rủn chân tay còn đối với mấy anh lọc lõi, tuy thừa biết những mẹo vặt của chàng nhưng muốn được việc mình cứ để mặc cho chàng “thao tác”! Công việc của chàng trông bề ngoài hơi giống với việc kinh doanh nghĩa trang sang trọng đang thịnh hành. Những “công viên nghĩa trang”, với các danh (thậm) xưng khiến người ta phải nghĩ đến vườn địa đàng, đến bồng lai tiên cảnh, là nơi an nghỉ của những người đã khuất, phần mộ của họ được các hậu duệ thu xếp từ việc mua quyền sử dụng đất cho đến việc xây cất và chăm sóc khói hương. Còn ở “công viên văn nghệ” do chàng chủ trương, khổ chủ sau khi phải lo lót cống nạp thông qua các “cò” để vượt vũ môn trước “mùa nhập kho” vẫn chưa thể an nghỉ mà còn phải sống những ngày tháng cuối cuộc đời và phải tự xoay xở trên lô đất vừa mua được. Ở cương vị mới, với kiến thức cóp nhặt, chàng dần dà trưởng thành và nắm bắt được nét đặc sắc của tuồng cổ, ấy là diễn viên phải tự hóa trang để ra biểu diễn chứ không có họa sĩ chuyên trách. Hóa trang kiểu mặt nạ đòi hỏi người diễn viên phải trở thành một họa sĩ ẩn dạng và vì thế việc hóa trang mang cá tính của từng người.

Tôi có biết một người đồng hương tên là Chu Cần Chỉnh, trước đây làm giám đốc xây dựng, về hưu mở công ty, kinh doang tấm lợp kim loại ở Cửa Lò. Khỏi phải nói về tài năng kinh doanh cũng như khối tài sản mà anh có được sau những tháng năm lừng lẫy trên thương trường. Ở ta, từ cổ chí kim, không người nổi tiếng nào không liên quan đến văn nghệ, kể cả người ngoại quốc nhập tịch cũng nhiễm căn bệnh dễ thương đó. Tỷ dụ như Từ Hải, hồi ở bên Tàu làm những gì không rõ nhưng khi vào Truyện Kiều, không chỉ chọc trời khuấy nước dọc ngang mà còn mang tâm hồn lãng mạn. Không phải do nàng Kiều tạo ra mà trước khi trai anh hùng, gái thuyền quyên gặp gỡ, Từ đã là nghệ sỹ! Nguyễn Du chẳng đã giới thiệu nhân vật của mình trước lớp tuồng Từ Hải gặp Thúy Kiều bằng hai câu lục bát trứ danh Giang hồ quen thói vẫy vùng/ Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo đấy là gì!

Anh bạn đồng hương của tôi cũng không ngoài trào lưu vừa nói. Sau khi xây dựng xong cơ đồ bên bờ biển Đông, anh cho phép xuất bản liền mấy tuyển tập tác phẩm với nghệ danh 3C. Tác phẩn văn nghệ của anh ấy sau khi được mấy thành viên hội đồng chuyên môn thẩm định và nhận xét là triển vọng anh đã đến gặp Phó Tổng để liên hệ mua đất nền. Lần này nhà thơ lớn của chúng ta đã lại sáng tạo một mặt nạ tuồng mới với màu thép nòng súng là chủ đạo. Có lẽ theo chàng, màu nòng súng thể hiện rõ nhất tính nghiêm khắc và liêm khiết. Trước mặt nạ tuồng mới này chàng tin là doanh nhân 3C sẽ choáng! Nghệ sỹ 3C là tay lọc lõi, anh ấy còn lạ gì thủ tục “bôi trơn”, trước khi đến yết kiến Phó Tổng đã chuẩn bị sẵn sàng súng đạn. Thấy cậu con trai Phó Tổng thập thò ở phòng khách, 3C liền hỏi chuyện học hành của cháu và chân tình biếu cậu bé chút quà để cháu mua thêm sách vở! Thằng bé hồn nhiên “cám ơn bác” nhưng nó không ngờ ông bố liêm khiết xuất hiện. Cái mask trên mặt Phó Tổng khiến thằng bé chết khếp khi chàng bảo nó đem trả lại nghệ sỹ 3C cái phong bì. Ông Chu Cần Chỉnh có chút bẽ bàng nhưng nhận ngay ra rằng đây là chiêu thức nêu gương liêm khiết để làm mẽ “giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ” đồng thời là cách treo giá đối với khách hàng trong lần ra mắt đầu tiên. Hôm sau 3C mò đến nhiệm sở. Trong căn phòng kín đáo, Phó Tổng đã “dặm” một cái mặt nạ khác, vui vẻ bắt tay hợp tác với khách hàng. Mọi việc diễn tiến mỹ mãn, 3C được trân trọng như một người bạn cũ, được hứa cấp đất, thậm chí cái phong bì cũng không bị hắt hủi như lần trước dù nó có phần quá nặng đồng cân. Bây giờ 3C đã dựng xong cái bia đá khắc tên mình trong công viên văn nghệ vĩnh hằng và yên tâm sống cuộc đời nghệ sỹ danh giá với một tấm thẻ tậu được trong túi! Anh ấy vẫn thường nhắc quý danh của Phó Tổng như một ân nhân.

Các thương vụ như vừa kể Phó Tổng thực thi rất thành thạo. Mỗi tháng chàng phân phối t mặt bằng để khách hàng công bố tác phẩm, nếu khách hàng chưa có tác phẩm mà mới chỉ có bán thành phẩm thôi thì chàng sẽ hoàn thiện giúp, nếu đến cả bán thành phẩm cũng chưa làm được thì chàng có thể giúp đỡ sản xuất từ đầu… Nói chung là dịch vụ từ A đến Z! Trước mùa vụ chàng đứng ra phân lô đất nền ở công viên văn nghệ, công việc tuy có bận bịu nhưng mà vui. Trong lễ hội hóa trang nhộn nhịp chàng là người đi tiên phong, với đầu óc sáng tạo và năng khiếu thẩm mỹ siêu việt chàng đã tạo ra một số lượng mặt nạ đáng kể nếu so với tổng số mặt nạ tuồng truyền thống mà người ta đã thống kê và sưu tầm được. Chỉ tiếc cho những fan hâm mộ nhà thi sỹ trong đó có tôi, dù đã bỏ nhiều công sức và thời giờ trường kỳ mai phục nhưng vẫn chưa một lần được nhìn rõ gương mặt thơ mộng của chàng. Nhớ câu nước sông công lính, quần chúng bầy đàn phải ý thức được số phận của mình cho nên tôi cũng phần nào được an ủi. Trong lòng tôi vẫn thế, chân dung chàng đã được khắc họa với mái tóc, gương mặt, đôi bàn tay… của một người đàn ông đẹp đẽ và tài hoa, và rất có thể là cao thượng…

Hằng năm, đúng dịp tết Nguyên Tiêu, người ta vẫn gặp chàng, dặm mặt, đến trước Văn Miếu, thả lên trời một quả bóng màu đỏ có buộc theo một cái phướn lụa cũng màu đỏ. Trên cái phướn đề một câu thơ chính chủ và do chính chàng chọn lựa. Tuy công thành danh toại nhưng chàng vẫn kính báo với trời đất rằng mình không bỏ chuyên môn! Không được đọc nhưng tôi tin rằng những câu thơ của chàng luôn mang ý tưởng cao xa, được viết với những ngôn từ sang trọng. Chúng lấp loáng bay lên theo những quả bóng căng phồng rồi nổ tung giữa bầu trời mịt mờ sương khói…


Tháng Ba, trong tiết Thanh minh, năm t Mùi, 2015.