Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tác giả phim "Đại tướng nông dân" là một chàng trai thế hệ 7X

Tô Hoàng
Thứ sáu ngày 17 tháng 1 năm 2014 9:52 PM

Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Kênh VTV1 và VTV4 của Đài Truyền hình Việt nam đã công chiếu bộ phim tài liệu “ Đại tướng nông dân”
“ Đại tướng nông dân “ mở đầu đầy ấn tượng: Đó là thời điểm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vừa từ Nam ra Bắc để trả lời trước Bác Hồ và Trung ương Đảng hai câu hỏi lớn: Chúng ta có đánh được Mỹ không và sẽ đánh thắng chúng bằng cách nào? Đấy là lúc Lầu Năm góc điều  20 vạn tên lính viễn chinh cùng các phương tiện vũ khí kỹ thuật quân sự hiện đại nhất vào miền Nam, nhằm chuyển hóa chiến lược chiến tranh đặc biệt thành chiến tranh cục bộ. Những mét phim tư liệu về Ấp Bắc, Bình giã, Núi Thành, Vạn tường, Pleime..những trận Quân Giải phóng giáp mặt lần đầu với quân Mỹ. Tiếp đến là những đoạn phỏng vấn các tướng lĩnh, cán bộ cách mạng tại chiến trường Miền Nam hồi đó phân tích về ý nghĩa chiến thuật và chiến lược của binh pháp  “ Bám thắt lưng địch mà đánh” do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khởi xướng…Phim chuyển rất ngọt về sức mạnh chủ yếu của lực lượng vũ trang cách mạng- sức mạnh tinh thần. Cái “ gót chân Asin “ ấy cũng đã được chính Đại tướng Nguyên Chí Thanh nhấn mạnh khi đề cao vị trí của công tác chính trị, công tác Đảng trong quân đội ngay từ đầu những năm 1960.
Không triển khai đường dây của bộ phim theo trình tự thời gian hoặc những diễn tiến, những sự kiện trong cuộc đời Đại tướng. Cấu trúc của bộ phim theo phương pháp quy nạp.Đan xen nhau giữa phim tư liệu đen trắng với phim màu vừa quay; mạch phim đang từ những năm tháng này bỗng chuyển nhanh sang những năm tháng khác; giữa những hình ảnh cắt tiếp mang chất kể chuyện chen lẫn với những cuộc phỏng vấn các nhân chứng. Sự rạch ròi, chất nhựa kết dính các cảnh rời với nhau chính là độ chân thực của những gì đang kể từ màn ảnh; là mạch cảm xúc gây ra ở người xem.Cả bộ phim lẫn từng trường đoạn lấy việc  cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt.
Không hạn chế đích đến của mình trong việc giáo dục truyền thống, gây niềm tự hào về các vị kiệt hiệt. Điểm nổi trội nhất, cũng là thành công của “ ĐẠI TƯỚNG NÔNG DÂN” là ở chỗ phim tựa như đã tạo ra một diễn dàn giúp đông đảo người xem tự suy ngẫm và tự tìm cho mình lời giải đáp câu hỏi: Những tư tưởng chỉ đạo, những quyết sách lớn do Đại tướng đề xuất; tác phong và phẩm hạnh của một người lãnh đạo cao cấp như ông rọi chiếu và giải đáp điều gì cho những vấn đề nóng hổi nhất đang nẩy sinh trong chính cuộc sống hôm nay?  Khi Đại tướng và Trung ương Đảng khẳng định chúng ta có thể đánh thắng quân Mỹ và thực tế cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thắng lợi  -điều này chứng tỏ phương châm độc lập, tự chủ đã được xác lập từ mấy chục năm trước và bây giờ đang là ngọn cờ hiếu rọi  đường lối đối nội, đối ngoại của chúng ta. Hoặc khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức Đảng, của công tác chính trị, ngày nay điều này vẫn là nguyên tắc số 1 trong việc xây dựng lực lượng vũ trang. Tác phong gần dân, hiểu dân, thương dân cùng những đức tính cần kiệm, trong sạch của Đại tướng chẳng đã nêu tấm gương sáng cho những người có chức có quyền hôm nay sao?Đặc biệt lay động tâm can chúng ta khi phim phục hiện lại bằng tư liệu cũ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp tại “ Bình Trị Thiên khói lửa”. Thành phố Huế; nhiều cơ sở cách mạng ở Bình Trị Thiên bị phá vỡ, cán bộ bỏ làng xóm  chạy lên rừng. Trong hoàn cảnh “ ngàn cây treo sợi tóc đó” Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định mất đất không phải là mất tất cả, mất lòng tin của người dân mới thật sự trắng tay. Như một lời cảnh tỉnh thống thiết, câu nói nổi tiếng này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong phim. Nói không quá rằng, tự thân việc bắc được nhịp cầu giữa những điều đã trở thành sử sách và cuộc sống đương đại, phim “ ĐẠI TƯỚNG NÔNG DÂN” đã đạt được đích đến của mình: Khẳng định sức sống trường tồn của những tư tưởng lớn, những quyết sách tầm cỡ, tài năng quân sự, phẩm chất đạo đức của Đại tướng; đồng thời cũng khẳng định con người huyền thoại Nguyễn Chí Thanh Cũng mãi mãi bất tử với non sông, đất nước này.  
Một điều rất đáng ngạc nhiên: với một bộ phim chân dung súc tích, có chiều sâu, mang tính khái quát cao như vậy lại được làm nên bởi một tác giả thuộc lứa 7X. Anh tên là Bùi Chí Trung, cử nhân báo chí trong nước, nhận bằng Thạc sỹ tại Trường Đại học Quốc gia CHLB Nga mang tên Lomonosov ( gọi tắt là MGU ), hiện anh mang học vị Tiến sỹ phụ trách công việc giảng dạy tại Khoa báo chí Trường Đại học KHXH và NV Hà nội. Với phim “ ĐẠI TƯỚNG NÔNG DÂN” Bùi Chí Dũng vừa là tác giả kịch bản văn học, vừa là đạo diễn, vừa tự viết lời bình, lại kiêm nhiệm là một trong hai người đọc lời bình. Anh kể, mười năm trước tình cờ anh mua được một cuốn viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Những điều đọc được ám ảnh anh ngay. Và anh bắt đầu say mê, tự tìm hiểu về Đại tướng. Riêng giai đoạn Bùi Chí Trung sưu tầm tư liệu, viết kịch bản, thực hiện việc quay phim và làm hậu kỳ ròng rã hơn 5 tháng,với đồng kinh phí hết sức tùng tiệm. Bùi Chí Trung tâm sự: “ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất ngày 6 tháng 7 năm 1967, tính tới nay đã hơn 40 năm trôi qua. Tôi làm bộ phim này không phải để những người sống cùng thời với Đại tướng xem, mà là giành cho chính thế hệ tôi và các thế hệ trẻ hơn tôi. Để chúng tôi hiểu và thêm kính yêu, tự hào về Đại tướng. Còn hơn thế, để lớp trẻ chúng tôi hiểu rằng những gì chúng ta đang kiến tạo, đang dựng xây là dòng chẩy hữu cơ, liên tục mà biết bao thế hệ tiền bối đã dày công khơi mạch…”

GHI CHÚ ẢNH:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh