Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Về bài ca dao Cúc vàng

Lê Tân
Thứ ba ngày 7 tháng 1 năm 2014 4:03 PM


10. CẢM LUẬN CỦA NGƯỜI TRỒNG HOA

VỀ BÀI CA DAO  BÔNG CÚC VÀNG

(Trao đổi với nhóm ĐƯỜNG VĂN, LÊ DỤ, HOÀNG ĐẢO, LÊ THỊ HƯƠNG, VŨ NHO…)

 

 Đọc lời bình của các bạn, tôi không dám dùng các tính từ để tâng bốc hay chê bai! Ở góc độ người cuốc đất trồng hoa, đã từng sống với nghề này ở làng hoa Hữu Tiệp – Ngọc Hà giữa thập niên 50 thế kỷ trước, xin có vài lời trăn trở gửi tới các bạn.
 Trong ca dao dân gian, mỗi bài, mỗi câu thường căn cứ vào những điều, những sự vật, sự việc, hiện tượng… có thật làm hình tượng nghệ thuật để thể hiện thế giới tâm hồn chủ thể trữ tình. Chẳng hạn bài ca dao: Trèo lên cây khế nửa ngày mượn hình tượng cây khế chua để gửi gắm nỗi chua xót của lòng mình. Hoặc câu Hỡi cô tát nước bên đàng như một lời tỏ tình tuyệt đẹp. Hay từ nhũ hoa được sinh ra và ghi nhận bởi hình tượng bông hoa chớm nở, cắt sát cuống, để úp xuống. Ai chẳng thấy đài hoa úp, che lên khuôn ngọc của người phụ nữ. Đài hoa khác gì cái áo trong hay mảnh yếm che khuôn ngực trời ban.
 Các bạn tỏ ra gán ghép khi cho rằng bông cúc vàng nở ra bông cúc tím là vô lý, thậm vô lý! Đòi yếm là nhỏ nhen, ti tiện…! Hiểu như vậy, có lẽ các bạn chỉ mới căn cứ vào lời thơ, câu chữ, ngôn từ chứ chưa để ý đến những lĩnh vực khác. Thật ra, về nghĩa đen sinh học: cúc vàng nở ra cúc tím, ra cúc xanh là hoàn toàn có thật, 100% sự thật! Nhưng hiện tượng mang tính quy luật đó không phải nói về loài cúc vàng cổ truyền phổ biến ở nước ta mà nói về loài hoa Păng xê (Pensec- tiếng Pháp) được coi là biểu tượng của trái tim thanh thản, vật kỷ niệm, hoa tình yêu, hoa học trò… Hoa này còn gọi là cúc Pháp vì được người Pháp du nhập vào Việt Nam, ban đầu được trồng ở một số nơi có khí hậu ôn đới như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, khoảng nửa đầu thế kỷ 20. Lá xanh mượt, dầy, gần giống như lá cúc nội: cây cúc Pháp – Păng xê lại có một số nụ hoa không bao giờ nở thành hoa khi gặp thời tiết không thuận lợi, dù cây vẫn xanh tốt, dù được chăm nón đến thế nào.. Hoa cúc Pháp (Păng xê) cánh mỏng, mượt nhung như cánh bướm (tên khoa học: Violatricolor Linn) có 3 màu, rực rỡ. Hoa mãn khai có đường kính khoảng 5 – 7 cm, với 4, 5 cánh xòe rộng. Nhụy hoa nhỏ, mỏng, có 4, 5 thùy ôm nhị. Toàn bộ bông hoa nở thành 1 mặt phẳng. Cuống hoa như cuống hoa đồng tiền nhưng ngắn hơn. Khi hoa chuẩn bị nở thì đoạn cuống giáp đài hoa uốn xuống vuông góc với cuống để hoa nở có mặt phẳng song song với cuống. Chính vì thế, đã có một thời thanh niên thường cài hoa này trên túi áo ngực khi cưới, hỏi hoặc khi ra mắt gia đình bạn gái (chọn bông cúc tím, vàng hay xanh) để biểu thị niềm hi vọng, thủy chung, tình yêu say đắm… Hoặc khi xa nhau, tặng bông cúc này để gửi niềm tin, nhớ nhau nên còn gọi là hoa Forget menot (Đừng quên anh (em). Khi hoa nở hết cỡ (trưởng thành) ví như em đã đi lấy chồng thì hoa nở rộng, đài hoa biến mất) là tả thực về loài hoa cúc - Păng xê này. Khi thời tiết không thuận, hoa không nở. Các thùy - đài hoa cứ ôm chặt lấy nụ, không bung ra được. Nên mới có câu Yếm em em mặc, yếm gì anh mà anh đòi! Hoa cứ im ỉm không nở, cố giữ trinh nguyên, son sắt. Ngoài thiên nhiên thuận hòa, không ai bóc yếm để nụ thành hoa được!.
 Trong lời thơ, cần công khai thì: Em lấy chồng rồi, trả yếm cho anh: rõ ràng, minh bạch, dứt khoát và thỏa đáng. Còn màu tím chung thủy cần giữ kín thì em giữ kín chết trong lòng mình như tình yêu đích thực vốn có, không cho ai tò mò, đàm tiếu, bình phẩm.
 Thưở sơ khai, hoa  cúc - Păng xê có màu nguyên thủy: trắng sữa, vàng. Năm 1810, Thomson lai với hoa viôlet(cúc cỏ) tím cho ra những bông hoa cúc - Păng xê 3 màu được tổ hợp ngẫu nhiên: đen, đỏ, vàng, xanh, tím, trắng, da cam… tạo nên những bông Cúc - Păng xê nhiều màu sắc lạ lùng, rực rỡ. Đặc biệt, cùng trong 1 gói hạt hoa gieo xuống, nhưng lại mọc lên những bông hoa đa sắc, nhiều màu, trên một luống hoa, vườn hôa…
 Bởi thế: Cúc vàng nở ra cúc tím, cúc xanh là hiện tượng rất bình thường với người trồng hoa. Vả lại, hoa phải đẹp rực rỡ, đa màu như thế, lung linh như thế mới được nhiều khách mua, làm thoả mãn nhu cầu màu sắc của mỗi người, tuyệt nhiên không có gì là vô lý ở đây!
 Trở lại tìm hiểu cái hay, cái đẹp tuyệt vời của bài ca dao Bông cúc vàng…
 Đó là cách dùng từ ngữ, câu cú phù hợp, mộc mạc, dung dị mà lôi cuốn. Bông cúc vàng nở ra bông cúc tím. Màu vàng tượng trưng cho sự chờ đợi, mong ngóng. Màu tím tượng trưng cho lòng chung thủy. Đang tin yêu, chờ mong, chung thủy thì bắt vào câu sau: Em lấy chồng rồi, trả yếm cho anh… thành châng lâng, chưng hửng. Vì ai? Cho ai? Vì sao?... Biết bao câu hỏi, trăn trở, suy tư được đặt ra cho mỗi người đọc (nghe) như các bạn đã phân tích. Chín người, mười ý, chẳng ai giống ai!… Và ai cũng có chỗ đúng của mình. Thế mới tài! Câu tiếp theo: Bông cúc vàng nở ra bông cúc xanh. Đang mơ mộng trào dâng thì… đùng 1 cái, câu 4 là vẻ phũ phàng, chanh chua, ngoa ngoắt khiến người đọc càng thêm hụt hẫng, ngẩn ngơ… có khi dẫn đến khó cảm thông…
 Ấy, tất cả chỉ bởi cái nụ hoa không chịu nở, cứ khư khư khép kín lòng mình!
 Tôi cứ mường tượng, hình dung tác giả ít nhất cũng đã trải qua 2 mối tình. Một yêu và được yêu, nhưng không đi đến hôn nhân. Một nữa là tình yêu đơn phương của chàng trai. Hai câu đầu vàng nở tím là mối tình đẹp, hai người say đắm yêu nhau, cùng tắm trong tình yêu ngây ngất, chủy chung, tin tưởng nhau chan chứa, luôn nghĩ và nhớ về nhau…Nhưng vì một lý do gì đó bất khả kháng, cô gái buộc phải lên xe hoa với chàng trai khác, dù phải khổ đau khôn xiết, dù tiếc nuối, xót xa trong hoài niệm; tự thấy mình có lỗi: để lại bao đau khổ cho người yêu và mình cũng vẫn đang yêu người thắm thiết… nên ta thấy lời thơ: Em lấy chồng rồi, trả yếm cho anh; Em gửi đến anh cái kín đáo, sâu thẳm của lòng em. Mong anh hiểu cho, để đừng quá thất vọng mà khổ thân. Lời thơ thảng thốt, nhẹ nhàng, đượm buồn mênh mông và cảm đến nao lòng…
Câu 3 - 4 thể hiện tình yêu đơn phương của bản thân. Đã hi vọng gửi gắm tình mình vào hoài vọng vàng nở xanh, mình đã gõ vào cánh cửa lòng lạnh ngắt: yêu mà không được đáp lại. Vừa tán tỉnh vừa oán trách, nhưng ở đây người con trai cứ hi vọng. Câu 4 tung ra: Yếm em em mặc, yếm gì anh, anh đòi! Một cách vô tình, tưng hửng có phần chua ngoa, chát chúa ném vào mặt người con trai đang theo đuổi mình bằng mối tình vô vọng, không chút cảm thông, rung động nào. Lại nhớ câu thơ Xuân Diệu:  
                                                Bởi mấy khi yêu mà đã được yêu!

 Giữa thu đông thanh vắng, mây trời cảnh sắc, chợt nhớ, chợt buồn… Trải lòng về một thời đã qua… Thời Păng xê xa vắng, tan trong thinh không tĩnh lặng chiều nay: những sắc màu vàng – tím, vàng – xanh, gửi vào bài ca dao man mác tình người, chông chênh tình đời… đã từng nếm trải.
 Tôi chỉ đọc và cảm nhận hồn thơ, lan man về loài hoa cúc Pháp - Păng xê một cách dài dòng, vô duyên mà thôi! Đọc kỹ lời bình của các bạn, thấy thật hữu hình, đa dạng. Đúng cũng hay, phản bác cũng hay! Đâu phải ai cũng nghĩ như ai? Nếu tất cả đều nghĩ giống nhau thì thật… chán phèo!
 Như trong truyện ngụ ngôn nổi tiếng Thầy bói xem voi ấy. Các vị đỉa to, quạt lớn, cột đình đã đến rồi! Thằng đui tôi đến sau, đành nhận phần cái chổi sể cùn mà thôi! Còn như quả thật cái đầu, cái mình và toàn thể con voi to lớn nhường nào, hẳn còn phải chờ người tới sau, khắc họa./.

Chèm, 20 – 12 – 2013.
Người làm vườn. LT