Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đôi lời với tác giả Đối thoại văn chương

Nguyễn Huy Thông
Chủ nhật ngày 12 tháng 1 năm 2014 7:54 PM

Đầu năm 2013, Nhà xuất bản Tri thức ấn hành cuốn sách Đối thoại văn chương (ĐTVC), khổ 14,5 cm x 20,5 cm, dày 836 trang của hai tác giả Trần Nhuận Minh, Nguyễn Đức Tùng. Đây là những cuộc đối thoại giữa hai nhà thơ “vì văn chương và xoay quanh văn chương” như Trần Nhuận Minh (T.N.M) nói. Cuốn sách đã đề cập một số chuyện “bếp núc” của văn chương; những cảm nhận về giá trị một số tác phẩm của các tác giả trong nước, ngoài nước và một số hồi ức văn học… Song, bên cạnh những ý kiến xác đáng, cuốn sách có không ít những điều cần được trao đổi, bàn bạc kỹ lưỡng, đánh giá chính xác, để góp phần thúc đẩy nền văn học, văn hóa Việt Nam phát triển đúng hướng, phục vụ thiết thực công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Với tinh thần xây dựng, tôn trọng lẽ phải và học thuật, chúng tôi muốn trao đổi với nhà thơ Trần Nhuận Minh - nhân vật chính của cuốn sách mấy điểm sau đây:
1. Chắc chúng ta đều thấy rằng việc tìm ra những cái mới trong suy nghĩ (tư duy), trong cách diễn đạt (nói và viết) và trong hành động hàng ngày là khó vô cùng. Đối với việc đánh giá lại, thay đổi hẳn những kết luận, nhận định đã được định hình, tồn tại nhiều năm rồi lại càng khó khăn, phức tạp hơn. Bất cứ một sự vội vàng, nôn nóng, suy diễn chủ quan nào đều dễ dẫn đến vấp váp, thất bại. Chúng ta rất hoan nghênh, khuyến khích những tranh luận, tìm tòi, khám phá, phát hiện những cái mới, tiến bộ có ý nghĩa tốt đẹp đối với đời sống văn học nói riêng cũng như với đời sống kinh tế, xã hội nói chung. Điều quan trọng là những phát hiện mới đó phải đúng, tạo ra được sự đồng tình của đông đảo công chúng. Tác giả T.N.M muốn phản biện, lật lại những nhận định quen thuộc lâu nay của giới nghiên cứu và công chúng đối với một số tác phẩm, tác giả văn học cổ điển và hiện đại, đương đại ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Nhưng chúng tôi cảm thấy ở một số trường hợp cụ thể, đáng nhẽ phải hết sức thận trọng, dè dặt, khách quan, có khi phải kiên nhẫn chờ đợi, lắng nghe ý kiến nhiều chiều của dư luận thì nhà thơ đã rơi vào sự phiến diện, vội vàng, cực đoan, tuyệt đối hóa ý kiến của mình. Xin đơn cử mấy ví dụ dưới đây:
- Về vấn đề thơ Nôm truyền tụng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
T.N.M đã giành 19 trang sách (từ trang 119 đến trang 138) để nêu một số điểm mới trong tiểu sử, thân thế và sự nghiệp thơ ca của Hồ Xuân Hương; tình hình sưu tầm, nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương ở Việt Nam…
Ở phần này, ông đã sử dụng khá nhiều kết quả nghiên cứu của các giáo sư (GS) Trần Thanh Mại, Hoàng Xuân Hãn([1]) mà ông coi như là của mình, không hề có chú thích về nguồn gốc, xuất xứ và tên tác giả của các tư liệu đó. Rồi ông lớn tiếng khẳng định như đinh đóng cột: “TOÀN BỘ (chữ in hoa đúng như sách DTVC-N.H.T) thơ Nôm được truyền tụng coi là của Hồ Xuân Hương, đều không phải của Hồ Xuân Hương. Và suy tôn Hồ Xuân Hương (thật) là Bà chúa thơ Nôm là không có cơ sở”(trang 119).
Rồi đến trang 127 cuốn sách, tác giả tiếp tục phê phán mạnh mẽ Xuân Diệu, cho rằng: “Theo tôi, công trình rất nổi tiếng Hồ Xuân Hương, Bà chúa thơ Nôm này của Xuân Diệu là không có cơ sở khoa học, dứt khoát sẽ tự sụp đổ, chỉ có sớm hay muộn hơn mà thôi”
Phải chăng là ông muốn “dìm người ta xuống để mình nổi lên” như nhận xét của Tạ Hữu Đỉnh, một tác giả ở thành phố Uông Bí,  Quảng Ninh. Trái với ý kiến của T.N.M, cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc vẫn đánh giá công trình của Xuân Diệu là có cơ sở khoa học (tất nhiên có nội dung cần được tiếp tục trao đổi), còn kết luận của T.N.M mới là võ đoán, liều mạng, không có cơ sở khoa học chắc chắn, tin cậy, khó lòng tạo ra được sự tán thành của công chúng.
Để tăng thêm sức nặng cho lập luận của mình nên ông đã viện dẫn ý kiến của hai học giả nói trên. Ông viết: “Tôi đồng tình với nhận định của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đưa ra tại Paris (Pháp) từ năm 1952 và giáo sư Trần Thanh Mại, đưa ra tại Hà Nội năm 1964, cho rằng, TOÀN BỘ thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, tất thảy đều không phải của Hồ Xuân Hương mà là thơ dân gian của các ông đồ, sáng tác và nhuận sắc cùng thời với truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn (các trang 127, 128 , ĐTVC). Vậy sự thật việc này ra sao? Có đúng là hai giáo sư khả kính đã “phủ định sạch trơn” thơ Nôm của Hồ Xuân Hương như T.N.M viết không? Chúng tôi đã đọc kỹ công trình nghiên cứu của GS Hoàng Xuân Hãn và 4 bài báo của GS Trần Thanh Mại đăng trên Tập san Nghiên cứu văn học số 4-1961, số 3-1963; Tạp chí Văn học số 10-1964, số 11-1964 nhưng đều không thấy có các ý kiến đó.
GS Hoàng Xuân Hãn đã tỏ ra rất thận trọng khi nghiên cứu thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương. Ông đã gạt bỏ một số bài thơ như: Khóc ông phủ Vĩnh Tường, Hang Cắc Cớ, Chùa Hương Tích…., vì “có chi tiết không hợp với thời gian hoặc không gian của Xuân Hương”. Ông yêu cầu: “Nay đến lúc, ta phải lấy lại phần thơ truyền tụng, bằng phép so sánh mà gạt những phần mới vơ quàng hay ngụy tạo, rồi hợp với phần nghiêm túc mới phát hiện để soạn một tập XUÂN HƯƠNG THI THOẠI xứng đáng”, “phải loại những bài, hoặc toàn phần, hoặc phần diện đã gán cho ai khác với những
lẽ phỏng xác hơn…” (Sách đã dẫn, trang 968).
Còn GS Trần Thanh Mại cũng rất cân nhắc, không máy móc khi đề nghị nên chia thơ Hồ Xuân Hương ra làm 3 loại: “một loại gồm những bài có tính tư tưởng cao và nghệ thuật cao mà chúng ta công nhận là của Hồ Xuân Hương; một loại gồm những bài tốt nhưng có yếu tố tục, cần được tiếp thu có phê phán và loại thứ ba, gồm những bài nhảm nhí, có yếu tố khiêu dâm, đáng loại trừ” (Bản “Lưu hương ký” và lai lịch phát hiện nó – Tạp chí Văn học số 11-1964).
Khi phân tích hiện tượng tục và dâm trong văn học ta (trong đó có thơ Hồ Xuân Hương), giai đoạn từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19, chủ yếu là thế kỷ 18, GS Trần Thanh Mại có nhắc đến các truyện dân gian Trạng Quỳnh, Trạng Lợn. Nguyên văn đoạn văn đó là: “Mặt khác, thời kỳ này cũng là thời kỳ của phong trào các câu đố tục và phong trào đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục. Cuối cùng, những truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, đặc biệt nhất là những truyện tiếu lâm trứ danh, chính cũng xuất hiện lúc này” (Thử bàn lại vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương – Tập san Nghiên cứu Văn học số 4-1961).
Như vậy rõ ràng là để phục vụ cho lập luận cực đoan của mình, ông T.N.M đã trích dẫn không trung thực, không đúng nguyên văn các ý kiến của các học giả Hoàng Xuân Hãn, Trần Thanh Mại.
- Về đánh giá một số nhà thơ, nhà văn cổ điển:
Khi phân tích, so sánh các nhà thơ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Húc, T.N.M cũng không tránh khỏi sự chủ quan, cảm tính. Người đọc rất băn khoăn về sự đánh giá của T.N.M về Nguyễn Du và Nguyễn Trãi: “Về chủ nghĩa nhân văn, cái mà tôi cho là quan trọng nhất của văn chương, tôi đánh giá Nguyễn Du cao hơn nhiều so với Nguyễn Trãi” (trang 31, ĐTVC). Đành rằng đây là ý kiến riêng của tác giả, nhưng khi đã đưa ra công luận thì càng phải thận trọng. Chúng tôi thiển nghĩ: Tại sao lại có sự so sánh khập khiễng, không cần thiết như vậy. Nguyễn Du và Nguyễn Trãi đều là các thiên tài lớn, mỗi người đều có những cống hiến hết sức quan trọng, quý giá cho lịch sử và văn hóa dân tộc. Không nên bắc đồng cân so sánh ai cao hơn ai, ai có đóng góp nhiều hơn ai. Làm như thế sẽ dễ dàng đánh giá không chính xác, phạm thượng đối với hai danh nhân văn hóa của Việt Nam và thế giới.
Trường hợp Nguyễn Húc, cũng được tác giả khẳng định đó “là một nhà thơ rất lớn của thế kỷ XV, chỉ đứng sau Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông. Nhưng về mặt thể hiện tình cảm tinh vi của cá nhân con người trong đời thường, thì thơ ông mới mẻ và táo bạo đáng kinh ngạc hơn cả Nguyễn Trãi” (trang 275, ĐTVC). Đánh giá như vậy, chúng tôi e là không đúng giá trị thật sự của thơ Nguyễn Húc.
Sự chủ quan của T.N.M còn thể hiện ở nhận định: “Cho đến tận bây giờ, khi nền văn học Trung Hoa đồ sộ đã có những tác phẩm kiệt xuất của Lỗ Tấn, Kim Dung, Cao Hành Kiện, Hồng lâu mộng vẫn là cuốn tiểu thuyết vô địch, lớn nhất, hay nhất, vĩ đại nhất Trung Hoa” (trang 84, ĐTVC).
Chúng tôi chưa từng thấy ai đánh giá một cách cường điệu, quá cao như vậy, kể cả một số nhà nghiên cứu am tường sâu sắc nền văn học Trung Quốc từ cổ đại đến hiện đại, đương đại.
2. Một só nhận định trong cuốn ĐTVC chưa chuẩn xác, đáng chú ý là các ý kiến của T.N.M về nhà thơ Tố Hữu. Tác giả viết: “…Ara gon khác hẳn Tố Hữu, không tuyệt đối hóa đề tài, tư tưởng và giọng điệu như Tố Hữu. Tầm lớn, cái hay, những đặc sắc và cả những hạn chế của thơ Tố Hữu đều ở chỗ này. Không biết có phải vì thế chăng, mà hiện nay “hương đồng gió nội” của thơ Tố Hữu cũng đã “bay đi ít nhiều” (chữ của Nguyễn Bính), mà lỗi, nếu có thể nói như vậy, tôi chắc không phải ở phía bạn đọc” (trang 278, ĐTVC).
Có thể nói, cách viết quy chụp mà không có phân tích toàn diện, sâu sắc và dẫn chứng đầy đủ của T.N.M dễ làm cho người đọc hiểu lầm về con người và giá trị của thơ Tố Hữu. Bạn đọc sẽ hỏi: Nếu cho rằng Tố Hữu “tuyệt đối hóa đề tài, tư tưởng và giọng điệu” thì nội hàm cụ thể là gì? Và rồi lại còn vấn đề lý do để thơ Tố Hữu đang “bay đi ít nhiều” về giá trị như T.N.M nói, lỗi không phải ở phía bạn đọc. Thế thì lỗi do nhà thơ “Từ ấy” gây ra à? Cách viết mập mờ ấy, gây phản ứng bất bình cho người đọc, theo chúng tôi là rất không nên dùng.
Ở các trang 594, 595 của cuốn sách, tác giả viết: “Có thể nói, bằng tài thơ đặc biệt và bằng cả khả năng giỏi giang chèo lái con thuyền tư tưởng, với nhiều biện pháp linh hoạt và cứng rắn, Tố Hữu đã đưa thơ mình đến được với toàn thể nhân dân và làm cho tư tưởng văn nghệ Mao Trạch Đông toàn thắng ở Việt Nam”.
Công bằng mà nói đã có một thời nền văn nghệ nước ta chịu ảnh hưởng căn bệnh giáo điều của tư tưởng văn nghệ Mao Trạch Đông, nhưng nếu cho rằng tư tưởng đó đã toàn thắng ở Việt Nam và người chịu trách nhiệm về việc này là Tố Hữu thì điều ấy hoàn toàn không đúng sự thật tình hình nền văn nghệ Việt Nam trước đây, xúc phạm, vu oan cho nhà thơ lớn.
Đọc kỹ cuốn sách, bạn đọc càng thấy rõ T.N.M đã cố ý hạ thấp hoặc phủ nhận giá trị văn chương đích thực của các nhà thơ cổ điển dân tộc như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương và nhà thơ lớn, kiệt xuất Tố Hữu – ngọn cờ đầu của thơ ca cách  mạng nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã và đang được lớp lớp người Việt Nam trân trọng, ngưỡng mộ.
Về vấn đề truyền thống trong văn học, chúng tôi rất ngạc nhiên với ý kiến của T.N.M cho rằng: “Càng gần truyền thống, thậm chí càng gắn bó chặt chẽ với truyền thống, thì nghệ thuật càng chậm phát triển, càng khó đi xa…” (trang 716, ĐTVC).
Nhận thức đó trái với nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ. Hơn nữa, tác giả tự mâu thuẫn với chính mình. Ở trang 437, ông viết: “Không từ truyền thống mà đi ra, không có đường dây liên hệ gì với truyền thống thì đổi mới hay cách tân gì, cuối cùng cũng sẽ thất bại hết”.
Truyền thống chúng ta nói ở đây là những truyền thống tốt đẹp, tinh hoa của dân tộc, chứ không phải là truyền thống lạc hậu, cần phải phân tích, loại bỏ. Nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật nói chung là tiếp thu có chọn lọc những giá trị quý giá của truyền thống dân tộc để góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
3. Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhấn  mạnh là thái độ thiếu khiêm tốn của tác giả  Đối thoại văn chương. Có thể coi ĐTVC là cuốn tự truyện, chủ yếu kể về con đường đến với văn chương, về quá trình học tập, trưởng thành của nhà thơ Trần Nhuận Minh. Theo chúng tôi, trong thể loại hồi ký, tự truyện thì vai trò của cái “tôi” là rất quan trọng. Phải kể, phải viết như thế nào để bảo đảm sự trung thực, đúng đắn của các nhân vật và sự kiện, hiện tượng, thấy rõ được cái tâm trong sáng và sự khiêm tốn, chân thành của tác giả. Nếu người kể, người viết tự kiêu, tự phụ, đề cao quá đáng vai trò của bản thân, coi nhẹ sự đóng góp của những người khác, thậm chí hư cấu, bịa thêm một số chi tiết khác có lợi cho bản thân mình thì bạn đọc, nhất là những người trong cuộc và những người có “con mắt xanh” hiểu đời, hiểu người sẽ nhận ra ngay điều đó. Nhiều bạn đọc phàn nàn ở ĐTVC, tác giả T.N.M đã không giữ được sự điềm đạm, khiêm tốn cần thiết. Ông tự tán dương, tự nhận mình là “cây bút thơ số 1 viết về công nhân mỏ (trang 455), là “một nhà báo 50 năm trong nghề” (trang 185). Chắc là ông tính cả thời gian ông là học sinh, giáo viên cấp 2 tập làm thơ đăng báo. Đặc biệt, ông dẫn lời dánh giá, khen ngợi ông quá mức của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi: “Tập thơ đã được tái bản (…) đưa Trần Nhuận Minh lên vị trí hàng đầu trong số những nhà thơ thời chống Mỹ, cứu nước (trang 500) và của một cây viết trẻ ở Đồng Nai ca tụng một bài thơ của T.N.M có thể xếp vào hàng “kiệt tác” (trang 668). Ông còn say sưa nhắc đến lời ngợi ca ông của một nhà thơ Nga, từ năm 1990 và lời của nhà thơ Tố Hữu nói với Phạm Tiến Duật, Nguyễn Bùi Vợi tán thành ý kiến của nhà thơ Nga (trang 149). Than ôi! Cả ba nhà thơ nay đã thành người thiên cổ, khẩu thiệt vô bằng, không thể kiểm nghiệm được sự chính xác, thực hư của các lời khen đó. Quả thật là cho đến nay, chúng tôi chưa thấy ai xếp T.N.M trong danh sách các nhà thơ xuất sắc thời chống Mỹ, cứu nước. Ngoài một số nhà thơ lão thành nổi tiếng, người ta chỉ kể đến Lê Anh Xuân, Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Dương Hương Ly, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm…Đánh giá như trên là không đúng với thực tế sáng tác của T.N.M.
Cuốn sách ĐTVC có nhiều chi tiết chứng tỏ TNM là người thích nói thậm xưng, phóng đại, kể quá nhiều về mình. Người đọc hồ nghi, không tin về việc tái bản nhiều lần 7 tập thơ, 2 tập văn xuôi của T.N.M (có cuốn tái bản đến lần thứ 19), do chính ông kể. Ngoài ra, cuốn sách còn có một số ý kiến về học thuật cần được bàn bạc, phân tích và một số chi tiết lịch sử nhầm lẫn, không đúng mà chúng tôi chưa tiện nêu trong bài viết này.
Chúng tôi đã suy nghĩ kỹ về những điều cần trao đổi với ông T.N.M qua cuốn sách Đối thoại văn chương. Mỗi người làm công tác văn học, nghệ thuật chúng ta hãy chịu khó động não, tự  bồi bổ, nâng cao trình độ, kiến thức mọi  mặt, tự rút ra những kinh nghiệm sống, khắc phục cho được những thiếu sót, hạn chế trong suy nghĩ, hành động, ứng xử, trong phương pháp nghiên cứu, học tập và sáng tạo văn chương. Chỉ như thế, chúng ta mới có thể tiến xa trong cuộc sống, trong văn học…
Hà Nội, ngày 2-9-2013
N.H.T
[1] [1] Xem các bài của Trần Thanh Mại:
- Thử bàn lại vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương – Tập san Nghiên cứu văn học số 4 – 1961
- Trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương-Tạp chí Văn học số 10-1964
Xem công trình Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long của Hoàng Xuân Hãn trong bộ sách La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 3 từ trang 867 – trang 969, NXB Giáo dục, 1998
 
 
 
Bài đăng báo Văn nghệ thành phố HCM số 274 ngày 3-10-2013.