Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chùm tản văn của Trường Hải Lê Văn Đông

Trường Hải Lê Văn Đông
Thứ hai ngày 30 tháng 12 năm 2013 8:39 PM


“ĐÔ MÔN GIẢI TỔ CHI NIÊN”
        (Thơ Nguyễn Công Trứ)


     Bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” (theo thể ca trù hát nói) của Nguyễn Công Trứ được ông sáng tác năm ông tròn 70 tuổi (1848) được nghỉ hưu sau mấy chục năm thoả chí tang bồng của đấng nam nhi. Ông có quyền ăn, có quyền nói, có quyền ngất ngưởng trong triều, dưới gầm trời, quả là người hiếm từ xưa đến nay bởi ông có thực tài hơn người, có bản lĩnh, lịch thiệp, cao đạo.
    Trong bài thơ có câu “Đô môn giải tổ chi niên” có nghĩa là “ năm nay dưới cửa công quyền được trả áo mũ để nghỉ ngơi, an trí”. Đó là một mốc lớn trong đời người của Nguyễn Công Trứ và cũng của người đời xưa đến nay hết thời hành sự được tự do hưu trí nghỉ ngơi.
    Câu thơ đó ứng với tôi năm 2009 – sau 33 năm trong nghề dạy học.
     Tuổi học trò phổ thông tôi rất thích vẽ. Tự mình mày mò vẽ tranh phong cảnh; vẽ chân dung các lãnh tụ. Có khi tôi còn táy máy nặn tượng bằng đất sét hoặc các loại quả thủ công. Năng khiếu thui chột đi vì không được ai kèm cặp, chỉ bảo và hướng nghiệp cho cả. Cũng thời học phổ thông, tôi võ vẽ sáng tác thơ ca, hò vè theo phong trào báo tường của trường, của lớp, của địa phương phát động. Cái hứng thú, cái nghiệp này còn đeo đẳng tôi dài dài cho đến tận ngày nay.
     Tôi làm nghề dạy học cũng là sự ngẫu nhiên, tình cờ, chứ khi làm hồ sơ hướng nghiệp,tôi không làm  nguyện vọng vào trường sư phạm. Số là thế này: Tôi thi khối C đăng ký thi vào trường đại học tổng hợp văn Hà Nội, vì tôi thích nghề nghiên cứu, sáng tác.
     Năm đó thi đậu vào trường, nhưng chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt nhất (1972) nên một số tân sinh viên quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh được chuyển vào học đại học sư phạm Vinh. Tôi ở trong số đó và nghiễm nhiên học nghề dạy học.
     Năm nay sau tròn 33 năm dạy học tôi xin nghỉ hưu sớm theo Nghị định 132/NĐ-CP của Chính phủ. Thế là đủ, là vừa, tôi không muốn gắng thêm nữa. Tôi muốn nghỉ ngơi một tý, muốn thực sự tự do làm gì theo mình muốn mà từ trước đến nay bận bịu hành sự chưa có điều kiện để làm được.
     “Của đời, người thế, nước non tiên” mà! Tiền của chừng nào cho vừa nhưng có tiền của nhiều chưa chắc đã mua được tự do thật sự theo đúng nghĩa của nó. Trên đe, dưới búa lại còn phải làm gương nữa nên mệt lắm. Vì thế tôi quyết định “Đô môn giải tổ chi niên” nhằm vào ngày 01/9/2009.
     Tôi thích câu thơ của Nguyễn Công Trứ là như vậy đấy!



“MẶC AI TÔM TÉP, MẶC AI Ù”
          (Ngạn ngữ)


      Câu ngạn ngữ, theo tôi hiểu nôm na là: mặc ai chơi bài tổ tôm, ù thông tôm thắng lớn thì kệ họ, mình bình thản, chẳng bận tâm làm gì. Hay ta có thể hiểu một cách khác: mặc người đời bươn chải, xông xáo, mánh lới làm đủ loại công việc để vinh thân hoặc trục lợi…còn mình tự hài lòng sống bình thản, thanh tao, không vướng bận gì cả.
      Đời người là một cuộc chạy đua với thời gian, với công việc, với kinh tế và với cả danh dự, địa vị nữa. Tôi cũng không thoát khỏi quy luật đó trong mấy chục năm hành sự trong cuộc đời này. Kể ra mệt thật!
      Nhìn lại thành công cũng có và thất bại cũng có. Thất bại có khi do mình chưa tài giỏi, có cá tính không chịu sửa chữa cho hợp với “người đời”; có khi do khách quan đưa lại nhất là khi gặp phải “xếp” kỵ mình, không hợp mình rồi họ tìm cách ngáng trở mình.  Sự đời là vậy, buồn vui như một tấn trò đời. Tốt nhất là mình biết giữ mình, chờ cơ hội tìm con đường tĩnh lặng, nhẹ nhàng nhất, chấp nhận sống thanh tao, đạm bạc, tìm lại chính mình trong khoảng trời tự do. Vì vậy tôi lấy làm thích khi nhẩm đọc câu “ Mặc ai tôm tép, mặc ai ù”.
     Bây giờ tôi thực sự thành người tự do rồi. Mình muốn thức, muốn ngủ, muốn ăn, muốn viết, muốn đi chơi đều tự quyết cả. Nghĩ mà sợ nhất sự ràng buộc của những ngày hành sự. Tính phóng khoáng như danh nhân Nguyễn Công Trứ sinh thời phải kêu rằng “ Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”, “ Được, mất, có, không, lên voi xuống chó”, mình định được ít, xã hội định đoạt thì nhiều.
     Tôi thành người nhởn nhơ rồi.Từ nay không phải lo hồ sơ, giáo án, thanh tra, kiểm tra nữa rồi. Tiếng trống trường một thời nôn nao kỷ niệm và thon thót giật mình nay chỉ còn là những dư âm xa xăm.
    Thủ tục hành chính của ta hiện nay còn rườm rà lắm, tuy có cải cách nhưng vẫn hình thức,  nhiêu khê, phiền hà như ai đã chiết tự dí dỏm theo lối tách từ “hành là chính”. Đợt nào kiểm tra, thanh tra hồ sơ cá nhân là một lần “hỏm mắt thâu đêm lo việc chép”. Có những loại hồ sơ như hội họp, dự giờ, tự học…phần lớn nhiều người tự sáng tác hoặc mượn ghi chép theo kiểu “phô tô coppy”, có chỉnh sửa quý danh một ít. Có nhiều người phải đi nghiêng, vẹo sườn để mang hồ sơ đến nhưng thực chất nội dung kiểm tra chẳng được bao nhiêu , chẳng thực chất mấy.
     Tôi tự hỏi, tự nghĩ sao người ta nặng nề hình thức thế? Sao người ta không đi vào thẩm định chất lượng giờ dạy trên lớp để đánh giá, xếp loại chính xác hơn?
    Tôi lại nhiễu sự rồi, lại góp ý, can thiệp rồi. Cứ để người ta trải chiếu, phát bài, ù thông tôm.

 


MAY RỦI ĐƯỜNG ĐỜI

      Ở đời thường có hai thái cực: Được – mất; thắng – thua; may – rủi; giàu -  nghèo; vinh quang – ô nhục…Có người gặp cực này nhiều, cực kia ít; chung quy là cái số con người cả thôi. Nói là “cái số” để tự động viên mình, thực chất là “nhân định” cả. “nhân” có thể là tự mình cũng có thể là do người khác mang lại.
     Có người có tư chất thật sự, tự khẳng định mình vươn lên để thành đạt. Cũng có người có tư chất nhưng không gặp thời nên bỏ phí cả một đời người, chẳng làm nên công danh gì. Lại có người “con cha cháu ông” “nhờ cây dây leo” mặc dù tư chất bình thường hoặc tầm thường nữa là khác nhưng vẫn thăng quan tiến chức, làm ông này bà nọ, ăn trên ngồi trốc thiên hạ như chơi. Từ xưa đến nay đó là những việc hiển nhiên, bày ra như bánh đúc giữa sàng mà ai cũng thấy.
    Cũng như ai, ông Lê Trực nhà tôi là bài học bày ra giữa đời thường.
     Cũng ăn, cũng học, cũng hành sự rồi cũng trải qua các tuổi phấn đấu vào các đoàn thể từ nhỏ đến lớn như nhi đồng, thiếu niên, đoàn thanh niên, công đoàn .v.v. nhưng rút cuộc đến già đời vẫn là “phó thường dân” không ngóc đầu lên được,vì nhiều lý do .
     Sinh ra trong thời một chính Đảng duy nhất, một Đảng cầm quyền cho nên nhất nhất mọi việc cân nhắc chức vụ này, chức vụ nọ buộc anh phải là  một “Đảng viên”, thế mà anh không có cái đó thì cơ cấu sao được.  Người đời nói: Đích thị là anh kém rồi, anh có vấn đề rồi.
     Quả thực ông Lê Trực nhà ta không phải là người  thiếu ý chí phấn đấu. Thời tuổi trẻ sung sức 30, 40 cũng làm đơn xin vào Đảng nhưng gặp phải ông Bí thư Chi bộ mang tư tưởng “bế quan toả cảng”, không muốn kết nạp Đảng viên mới ,nhất là những người ông ta quá hiểu biết về tính cách thẳng thắn, hay đấu tranh vì sự thực như ông Lê Trực nhà ta. Nên ông tìm kế hoãn binh không kết nạp với nhiều lý do như: Huyện uỷ dạo này không mở lớp cảm tình Đảng; Đảng đang rà soát kế hoạch hoá gia đình không kết nạp người có 3 con. Như có phép lạ, do cách trì hoãn mà một chi bộ giáo dục nơi ông Lê Trực làm việc trong 15 năm liền không kết nạp được một Đảng viên nào (1981 – 1995). Thế là qua đi một thời, một cơ hội, thui chột đi một đời ham phấn đấu của một số người cùng trang lứa.
     Không Đảng viên nên không được tổ chức cơ cấu cán bộ lãnh đạo nên suốt đời chỉ là anh “Phó thường dân” đó cái rủi mà Lê Trực gặp phải trong thời gian hành sự ở đời. Vì thế mà cho dù phấn đấu đến mấy, Lê Trực cũng chỉ nhom nhem giữ chức Tổ trưởng, thư ký hội đồng và may lắm là Uỷ viên Ban Thanh tra mà thôi. Trong cái rủi lại có cái may: Nếu được vào Đảng, muốn đấu tranh chỉ được phạm vi trong chi bộ không được nói ra ngoài theo quần chúng. Đó là nguyên tắc của Đảng mà. Thực tình mà nói trong Chi bộ, mình nói ai ủng hộ mình, vì ai cũng giữ mình, sợ Cấp uỷ, Bí thư “truỳ” thì gay, hết đường thăng tiến.
      Thế là ở ngoài Đảng, làm anh quần chúng có quyền phản ánh đề nghị lên bất cứ cấp nào, không bị ràng buộc, miễn là mình nói đúng, giám đấu tranh cho sự thật. Với Lê Trực nhà ta thật là may trong cái khoản này.
      Quy luật bù trừ vẫn còn tồn tại trong cuộc đời này: Tưởng may mà rủi, tưởng rủi mà may; phong lưu cái này thì mỏng bạc cái kia. Âu là vậy !


HIẾM…!

     Đề tài tôi muốn bàn đến là “hiếm”, có nghĩa là ít, rất ít chứ không phải là không có. Muốn biết “hiếm” thì phải có đối chứng để so sánh: Cái đã từng có, từng tồn tại nhiều mà nay mai một rơi rụng đi còn lại rất ít, hiếm hoi.
     Cái “hiếm” thường là cái quý, cái tính tuý nay còn ít lắm, gây nên sự xót xa nuối tiếc về nó. Cái “hiếm” bao trùm nhiều lĩnh vực vật chất và tinh thần; sự vật, sự việc và con người – có nghĩa là quốc hồn quốc tuý của một thời đại, mọi thời đại.
     Trước đây mọi người đi làm cách mạng là tự nguyện hi sinh tất cả về nhân tài vật lực trong đó có cả cái thiêng liêng nhất là hạnh phúc, gia đình và máu xương của mình. Tuyệt đại người làm cách mạng là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chỉ vì mục đích lý tưởng lớn lao là cho dân, cho nước trong đó có một phần nhỏ nhoi của gia đình mình. Tịnh không có một ai nghĩ đi làm cách mạng là để làm ông này, ông nọ, để vinh thân phì gia cả.
      Những tấm gương cách mạng trước đây là hiện tượng đại trà, phổ biến ở đâu cũng gặp thì đến nay trở thành rất hiếm, cực hiếm!
      Bây giờ người ta làm chính trị đều tính toán cả: Phải chuẩn bị nhãn mác, phải tìm chỗ dựa, phải biết lấy lòng trên dưới để chờ cơ hội bùng nổ. Một trong những bí quyết của người làm chính trị (có mộng làm lãnh đạo) là phải biết im lặng “im lặng là vàng”, vừa không ai biết mình lại vừa khỏi va chạm, vạ miệng với người khác. Thứ đến họ phải biết “trường kỳ mai phục” chờ thời cơ, chờ cơ cấu tổ chức, chờ ô dù giúp đỡ với cái lý lẽ :“ có số hơn cố làm” còn tồn tại trên đời này.
      Làm lãnh đạo cấp còn nhỏ, đang nhỏ là còn tốt, còn tính quần chúng nhiều; đến lúc làm lớn nhất là cấp trưởng thì càng xa quần chúng, càng lắm mưu  mẹo, mánh lới để hưởng thụ đặc quyền, để vinh thân phì gia và phì cả đại tộc nữa.
     Hiếm có ai là cán bộ lãnh đạo thời nay mà sống bằng đồng lương ba đồng ba cọc. Nếu chân chính lấy đâu ra nhà to, của chìm của nổi để giành về sau .
     Thuỷ chung trong tình cảm quê hương,  bạn cũ ngày càng hiếm. Bác Hồ khi đã là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, sau hơn nửa thế kỷ về thăm quê hương vẫn nhớ như in những người bạn thưở  nhi đồng để tóc chỏm đào, cùng thả diều , câu cá ngày xưa. Bây giờ hiếm lắm! Bây giờ lên được cán bộ to là quên đi những người bạn thưở thiếu thời, quên đi những kỷ niệm thưở hàn vi. Vì học còn bận lập mối quan hệ mới, cao hơn, xa hơn; Mặt khác họ ngại dây dưa với bạn cố tri phải giúp đỡ này nọ. Người ta truyền nhau câu nói không ngoa tý nào là “một người bạn cũ làm cán bộ to là mình mất đi một người bạn”. Thật hiếm ai như một ông cán bộ Trung ương nọ được điều về tăng cường cho một tỉnh: Đi làm bằng xe đạp cho đỡ chuẩn bị xe, xăng dềnh dàng tốn kém. Lại còn nghe kể về ông rằng, có một Tết nọ quà tết tiền phong bì biếu ông giao cho thư ký giữ lại, xong tết mở ra sung công quỹ, tịnh không một xu nào dính túi , nghe đâu hơn 400 triệu đồng lúc đó. Hiếm chứ không phải không có những người thường dân ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Tây Nguyên… hiến hàng ha đất để làm trường học; xây tặng nhà tình nghĩa cho người nghèo, bỏ tiền túi ra làm cầu cống, đường sá. Những câu chuyện nghe thật cảm động, thật hiếm lắm !
      Có một vị Thứ trưởng của một Bộ nào đó đã đem toàn bộ số tiền điếu phúng bố mình xấp xỉ 800 triệu đồng vào quỹ từ thiện theo di chúc của người bố trước lúc qua đời. Thật là hiếm có một nghĩa cử cao đẹp của người quá cố. Nhưng ước sao có hàng trăm, hàng ngàn cán bộ to, có lộc lớn làm được những việc tương tự như vậy.     Ngày xưa nhiều người “chí công vô tư” bây giờ hiếm lắm. Ai đó hoài cổ nói rằng “Bao giờ cho đến ngày xưa” quả không sai một chút nào !

 HÁI LỘC ĐỜI

      Tết đến xuân về theo tục lệ cổ truyền người ta thường đua nhau đi hái lộc trời để cầu may. Lộc trời là kết quả tích tụ của trời và đất. Lộc trời xanh non, mơn mởn, mỡ màng gợi cho người ta sự hi vọng, mở đầu cho một sự phát triển đến sung mãn.
      Ở bài viết này tôi lại muốn nói đến một thứ lộc khác đó là lộc đời mà ai cũng muốn vin, muốn hái. Lộc đời là lộc của người, do con người tạo ra, hiến tặng và hưởng thụ. Ai cũng hái được lộc đời trong đời mình. Người cày ruộng trồng cây hái lộc đời bằng trái sai quả ngọt sau bao giọt mồ hôi của mình đổ xuống và chờ đợi. Người thợ thuyền hái lộc đời cũng bằng lao động qua đồng lương hàng tháng, bằng tay nghề của mình. Đó là những người hái lộc đời chân chính. Bên cạnh đó có những người hái  lộc đời do gặp may, do có người cưu mang, đùm bọc, rồi leo dần các nấc thang danh vọng, rồi tự dưng lộc đến đầy tay, đầy nhà.
      Trong xã hội người giàu chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng dân số (5%-10%) nhưng lại thu nhập và hưởng thụ gần 50% thu nhập Quốc dân. Những người hái lộc đời nhưng làm nghề kinh tế chân chính bằng sáng tạo và năng lực của họ thì thật đáng khâm phục. Đàng gờm, đáng lên án là những người làm kinh tế nhưng lừa đảo, mánh khoé, gian lận để đạt được mục đích của mình, để dành giật được nhiều lộc đời nhất.
     Ở bài viết này tôi muốn đề cập tới một tầng lớp hái lộc đời được nhiều nhất nhưng lại ít bươn chải nhất, ít vất vả nhất đó là: Làm cán bộ lãnh đạo chính trị, xã hội. Sai lầm dễ tránh , lợi lộc hái nhiều.
     Trên đời này con người phải gồng mình với những việc lớn nhất là : xây dựng nhà cửa, dựng vợ gả chồng, hiếu hỉ và bệnh tật. Có người “còng lưng trả nợ” cả đời vẫn không hết vì những việc lớn đó. Thế  mà cũng có những người làm lãnh đạo, nhất là cấp trưởng nắm tài khoản kinh tế cơ quan, thì các việc người đời cho là đại sự với họ lại nhẹ nhàng nhất, lại là lúc hái lộc đời dễ nhất, sung sướng nhất. Với xếp to, đất làm nhà, tiền làm nhà từ A – Z họ ít phải lo lắng. Đất thì được cấp, tiền thì được các bên “hữu quan” tận tình giúp đỡ. Khi có nhà to cửa rộng rồi thì hạ cấp lại phải lo “trang bị nội thất” cho “ấm cúng” với quan niệm chút quà mọn đối với xếp. Thế là lộc đời tuôn vào nhà. Với việc hỉ (cưới hỏi, mừng thọ, sinh nhật…) với người thường dân muốn vui phải bỏ tiền ra mà phần lớn là lỗ hơn vốn bỏ ra. Nhưng họ phải làm vì phong tục tập quán người đời. Việc hỉ đối với các xếp phần lớn là lời to, vì nhiều người nhân cơ hội này để biếu quà, để biểu dương lực lượng, củng cố chỗ dựa cho họ. Người biếu cũng chẳng phải trọng vọng xếp cho lắm mà đa phần là để tìm chỗ dựa, thăng tiến hái lộc cho mình sau này. Vì thế họ tìm mọi cách bỡ đợ xếp. Các xếp to mỗi vụ hiếu hỉ họ kiếm tiền trăm triệu, tiền tỷ như chơi. Có xếp được cấp giới biếu chùm chìa khoá sử dụng một căn hộ hoặc một chiếc chìa khoá xe hơi đời mới tiền tỷ là chuyện không hiếm trong đời thường.Nhiều người cấp dưới còn biết cách tìm hiểu sở thích của xếp, xem xếp còn thiếu cái gì cần thay lại, cần lên đời để nghĩ hộ cho xếp.
      Thương cho bao lớp người ngày xưa, nhất là các bậc tiền bối cách mạng ở nước ta. Họ đi làm cách mạng là hi sinh, cống hiến, chí công vô tư. Họ “sống anh dũng chết vẻ vang”, chính họ đã “làm ra đất nước”. Họ trọng danh dự dân tộc và thanh danh cá nhân hơn ai hết. Làm lãnh đạo ngày nay cũng có người tốt, lo cho dân cho nước nhưng không nhiều lắm. Làm lãnh đạo bây giờ sướng thật, được nhiều lộc đời, lộc người sang trọng từ ăn ở đến đi lại, nghỉ ngơi. Hỏi ai không thích làm lãnh đạo càng to càng tốt?  Tôi thử liệt kê vài loại lộc đời dễ hái mà người làm xếp có được hàng ngày. Luật % được hưởng khi chạy dự án công trình, béo bở lắm. Khi lãnh đạo chạy dự án lấy xe công, tiền công để chi thoải mái với cấp trên; song khi lĩnh % thì xếp được hưởng trọn vẹn. Rồi xếp còn được lộc nhiều khi đấu thầu, thi công dự án của bên A, bên B, bên B’… Ý cá nhân tôi muốn đề xuất nho nhỏ sửa đổi việc này: Ghi công tính điểm thưởng cho xếp trong một nhiều kỳ chạy được bao nhiêu dự án, trị giá bao nhiêu tiền thì tương ứng với bao nhiêu điểm. Hết nhiệm kỳ tổng tính xếp được bao nhiêu điểm đó chính là thành tích để tái bổ nhiệm chức vụ hoặc đề bạt lên chức vụ cao hơn. Nếu làm được như thế thì người ta thích cống hiến, thích danh dự hơn là trọng vật chất cụ thể.
      Với người thường dân việc xin việc cho bản thân hoặc cho con cháu thật là khó nhọc, tốn kém cả trí não lẫn tiền bạc, sức khoẻ. Bởi vì vấn đề “đầu tiên” vẫn còn có giá trị trong cuộc sống. Đây là dịp để các xếp hái lộc đời. Nhà nước có chủ trương rất đúng đắn thu hút người làm công ăn lương ở những nơi miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng bây giờ xin việc ở vùng đó cũng không phải dễ, vẫn qua sát hạch “đầu tiên” ít ai được tha, dù không nhiều lắm thì cũng vừa phải. Đi đâu xin việc cũng phải có tiền, càng miền xuôi, thành phố thì tiền càng cao.
     Sướng nhất với các xếp là quan hệ nhiều, đổi ngang với các xếp khác nên con cháu xin việc nhẹ như lông hồng, không phải tiền, không hề nặng nhọc như người thường dân phải gánh.
     Tôi hay nghĩ ngợi lan man, nhiều khi chạnh lòng cho những người thường dân lam lũ, bươn chải nhưng thật sự ít được hưởng lộc đời vì vậy tôi chấp bút viết về đề tài “Hái lộc đời” này, đây cũng là sự chia sẻ với người bình dân ./.


VÉN LỘC

     Vén là thu vén, là cất giấu, sắp đặt có nơi có chốn an toàn, để dành dùng về sau. Như Nguyễn Khuyến từng dùng từ “vén” bằng từ “ki cóp” trong bài “Hỏi thăm quan tuần mất cướp” và ông tuần hoạ lại từ “vén” bằng từ “vun thu”. Vén lộc là cách cất lộc của những người có lộc, hái được lộc đời. Khi hàn vi người ta thường nghĩ đến sự tồn tại, có đủ cái ăn, cái mặc chứ chưa ai nghĩ đến thu vén. Sự đời là khi có lộc mới nghĩ đến vén lộc. Người đời đa mưu túc kế khi hốt được của trời, của người khác về cho mình. Quan càng to lộc càng nhiều vì quyền bính càng cao, uy danh càng lớn nên nhiều người nấp bóng, nhờ cậy. Nhiều cách vén lộc trong thời nay. Cách đại trà phổ biến nhất là mua bất động sản (đất đai, nhà cửa, vàng bạc, xe cộ…) cất dấu nhiều nơi. Cách thứ hai là đóng góp cổ phần, thành lập công ty đứng tên người khác. Một cách khác an toàn hơn là gửi nhà Băng nước ngoài, cho con đi du học để phòng xa khi “thất cơ lỡ vận” hoặc khi “hạ cánh an toàn” để tiêu dùng.
      Tôi thử kể ra vài cách vén lộc vừa thông thường, vừa mánh lới của người đời. Ở cấp huyện trở lên từ trưởng phòng … trở lên là những người có cơ hội hái lộc và vén lộc đời. Hầu hết các xếp này được lộc từ các dự án, quà biếu xén. Họ tích tụ theo kiểu “tích tiểu thành đại”, “góp gió thành bão” xây nhà to, mua đất đai ở thành phố, thị xã. Một người làm, người khác làm theo, hầu hết các cán bộ ở huyện làm cấp trưởng (có khi thuộc huyện nghèo của cả nước) phần lớn  ai cũng có đất đai, nhà cửa, chung cư ở thành phố thuộc tỉnh hoặc Thủ đô.
      Lại có kiểu vén lộc bằng cách “hơi độc”: Có một xếp ở Sở nọ hễ thấy thủ trưởng của cấp giới lên làm việc là hỏi “mượn tạm” chục triệu để làm nhà, tậu xe. Mượn nhưng không hẹn trả, cấp dưới không giám hỏi mà chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, rồi về dưới đơn vị tìm cách vén lộc đề bù “thiệt hại” vừa qua. Thật là cách vén lộc dây chuyền.
      Loại lộc sướng nhất của các xếp là xin việc con em, cháu chắt không hề mất xu nào trong lúc con cái thường dân đến cửa nào cũng tốn kém tiền chục triệu,  nhiều chục triệu đồng. Khổ cho anh phó thường dân, nếu không xì ra thì con thất nghiệp, mất công ăn học nhiều năm; còn xì ra thì phải gồng mình, “thắt lưng buộc bụng” nhiều khi trả nợ cả đời chưa hết. Người đời thi nhau vén lộc, ai thử vén trời hỏi xem: Trên thiên đình có nhiều thần vén lộc trời không?



ĐÍCH ĐẾN

       Từ gia đình, gia tộc, làng xóm đến cao nhất cấp Quốc gia đều có cấp bậc, tôn ti trật tự. Đó là quy luật tất yếu của xã hội từ xưa đến nay để quản lý đất nước, gia đình một cách hiệu quả. Trong cơ quan Nhà nước có cấp trưởng, cấp phó, các ban ngành trực thuộc mà thường gọi là Thường vụ, Chấp hành, liên tịch, hay nôm na gọi là “bộ sậu”.
       Của ba loài, người ba đấng, không ai giống ai. Có người làm công ăn lương, yên ổn, không ham cố gì địa vị, thăng tiến. Lại có người hiếu danh, hám danh luôn luôn tìm cách để thăng tiến trước nữa vì danh dự sau đến vì lợi lộc. Trong một đơn vị có cấp trưởng, cấp phó. Cấp trưởng là người to nhất đơn vị, chủ tài khoản có quyền quyết định cho cả, nhất là các khoản chi tiêu, kinh tế, đối nội và đối ngoại. Vì thế đích phấn đấu của người có ý chí muốn làm lãnh đạo là lên cấp trưởng. Cấp phó là trợ lý cấp trưởng là cánh tay, tai mắt của cấp trưởng, quyền hành chưa có gì đáng kể. Nhiều người nói đùa một cách vần vè “cấp phó có như không” quả là không sai chút nào.
      Ai cũng biết phận mình cả, cho nên cấp phó thường ém mình, nhẫn nại chờ thời, trường kỳ mai phục, tạo sự gần gũi với nhân viên trong cơ quan. Chính vì vậy nhiều người thấy: Cũng một con người đó khi còn làm cấp phó thiện cảm hơn, thân thiện hơn với anh em khi lên cấp trưởng. Cứ như lời ông Lê Trực nhà ta nói: Ở cơ quan ông có một vị khi làm cấp phó sống vô tư, chân thành, nhiệt tình, năng động được anh em yêu mến. Đùng một cái ông cấp trưởng về hưu, cấp phó được đề bạt, bổ nhiệm lên cấp trưởng. Một con người thứ hai xuất hiện: Lạnh lùng, độc đoán, vụ lợi không thua bất cứ một cấp trưởng tiền nhiệm nào. Lẽ đời là vậy “cờ đến tay ai kẻ phất”, “tre già măng mọc nhưng mọc ở đâu thì mọc, chứ mọc dưới ghế tao là tao đào mất gốc”!
     Đi lâu mới biết đường dài, thức đêm mới biết đêm dài, ở lâu mới biết con người giống nhau. Nín thở qua sông, chờ trời đợi nước, khi sang sông an toàn, ngồi chĩnh chện rồi thì tha hồ hóng gió, ngắm trăng, ca khúc khải hoàn.
    Đích đến và đến đích là như thế./.


THAM ĐĨA BỎ MÂM

      Ngày xưa, khi khoa học chưa phát triển lắm, cha ông ta bằng thực tế, bằng kinh nghiệm sống đã đề ra thuyết phong thuỷ khi làm nhà, mở cổng hoặc chọn dằm địa táng…để được mát lành, yên ổn. Ngày xưa dễ chọn theo ý con người vì đất rộng người thưa. Ngày nay đất chật người đông nếu cứ vận vào thuyết phong thuỷ nhiều việc đành bó tay vì hoàn cảnh không gian không cho phép. Đành là vậy, người ta vẫn cố gắng mức tối đa nhất trong điều kiện có thể làm được, chế được, để tinh thần được an tâm, thoải mái nhất.
     Ông Lê Trực nhà ta chắc lại muốn bàn về việc gì đây? Có đấy!
     Trường học đóng ở thành phố, thị trấn, đất rất hạn hẹp song vẫn thiết kế gần đường ra vào, thoáng mặt tiền, không bị che khuất, mở mày mở mặt với trời đất và xã hội. ở thành phố người ta vẫn cố gắng đến như vậy. Đi khắp thành phố Vinh, nơi “tấc đất tấc vàng” không thấy có một trường học nào bị che khuất bởi nhà cửa, quán xá. Ông Lê Trực nhà ta còn kể rằng: cách đây hơn mười lăm năm khi ông H. còn là Chủ tịch Công đoàn giáo dục Sở, sau đó ông lên Phó giám đốc rồi Giám đốc Sở, đến xem vị trí của trường đóng, ông nói: “Kiên quyết không cấp đất, mượn đất mặt tiền của nhà trường cho cá nhân làm nhà , dựng quán”. Ông nói ai cũng nghe cả huống chi Lê Trực nhà ta có khả năng nhớ lâu, nhớ dai nên đến bây giờ vẫn hiển hiện hình ảnh và tiếng nói văng vẳng của ông trước mắt, bên tai như ngày hôm qua.
       Nghe đâu để đấy, làm lại là một chuyện khác, tính ông Hiệu trưởng của trường lúc bấy giờ vốn dĩ như thế.Ông lập tờ trình trả đất, rồi xin cấp lại, chia ô cấp đất ở, trong đó có ông và con ông hai suất trước cổng trường.
      Một ngôi trường có không gian thoáng đãng, vị trí “ngoạ sơn quan giang”, bỗng dưng bị che chắn bởi những ngôi nhà cá nhân cao thấp đủ thứ hình thù, những khu vực vệ sinh gia đình sát sân chơi, nhà làm việc của nhà trường. Mùa gió nồm lên cũng như gió bấc tha hồ đón nhận một thứ “mùi đặc biệt” không cánh mà bay. Trước cổng trường còn mọc lên nhan nhản các dịch vụ khác, ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh, giáo viên và môi trường văn hoá, giáo dục.
      Giá như nhà trường nọ không bị che khuất thì thoáng đẹp biết bao, văn hoá biết bao. Đúng là ông Hiệu trưởng thời ấy chỉ vì tầm nhìn hạn hẹp, vụ lợi mà đã làm cái việc “tham đĩa bỏ mâm”. Sự đã rồi, có cách nào sửa được chăng?


HAI MẶT CỦA CON NGƯỜI

     Vấn đề này tôi nói đến không hề mới, nhiều thời đại, nhiều danh nhân, nhiều ý kiến đã bàn đến. Tất nhiên vấn đề vấn không cũ, nhiều khía cạnh cần bàn, vì chuyện con người là muôn thưở. Nhờ luật âm dương cân bằng mà tự nhiên và xã hội loài người tồn tại từ xưa đến nay. Nếu trong cuộc sống quá tả hoặc quá hữu thì dẫn đến thịnh hay suy lúc nào không biết.
     Con người là động vật cao cấp nhất của quá trình tiến hoá, đạt đến sự phong phú nhưng cũng phức tạp nhất. Ở con người luôn luôn tồn tại hai thái cực đáng trân trọng, ngợi ca và đáng lên án, phỉ nhổ.
     Xem trong lịch sử nhân loại, có thể kết luận rằng: Con người tốt đẹp nhất và xấu xa nhất.
     Từ thuở hồng hoang con người biết đùm bọc nhau, chia sẻ nhau từ hơi ấm, miếng ăn kiếm chung được theo bầy đàn, bộ lạc. Nhưng rồi con người sơ đẳng ấy lại cướp giật miếng ăn trên tay, trong miệng của đồng loại; cướp đất, cướng phụ nữ để cát cứ, gây chiến tranh giữa các bộ tộc,bộ lạc.
      Thời kỳ lịch sử phong kiến của nhân loại nói chung, của nước ta nói riêng bên cạnh các triều đại, các đấng minh quân, thánh chúa vì dân, vì nước, vì tự tôn tự cường dân tộc, để lại danh thơm muôn thuở; thì lại có những đế vương bạo chúa như Tần Thuỷ Hoàng (của Trung Hoa), Những vương gia như Trần Ích Tắc (đời Trần), vua Lê Chiêu Thống (đời Lê) ở Việt Nam phản bội Tổ quốc, bán nước hại dân, “cõng rắn cắn gà nhà”. Đó chính là cái tốt và cái xấu của con người mang tầm lịch sử thời đại, quốc gia.
     Tình cảm yêu nước là tình cảm thiêng liêng cao quý nhất của mỗi dân tộc, con người. Tình cảm đó được hun đúc kết tinh trong tâm hồ, huyết mạch của mỗi con người làm nên trách nhiệm công dân, của mỗi thời đại để truyền đời làm nên đất nước nhân dân. Song bên cạnh đó, thời nào cũng có những kẻ xấu, trốn tránh trách nhiệm công dân chờ cơ hội để cướp công của bao hiền nhân quân tử.
     Tình cảm gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội. Mặt tốt là tôn ti, trật tự, hiếu thảo ngoan hiền trở thành truyền thống tốt đẹp muôn đời. Mặt xấu của nó là tình cảm gia đình rạn nứt, con cháu bất hiếu, bất nhã với ông bà, cha mẹ; anh em “nồi gia nấu thịt”, chỉ vì tranh giành nhau về đất đai hương hoả của tổ tiên để lại.
      Tình cảm vợ chồng, tình yêu là thứ tình cảm nồng thắm, sẻ chia. Mặt tốt là con người sống thuỷ chung, yêu thương trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Song cũng không hiếm mặt xấu của tình yêu là phản bội, trả thù. Không hiếm trường hợp “ông ăn chả , bà ăn nem” – Kết quả của sự đổ vỡ tình yêu, hạnh phúc, tổ ấm gia đình.
      Tình  bạn trong xã hội, trong cuộc đời là một tình cảm tốt đẹp cao thượng của con người. Sử sách còn chép lại nhiều tình bạn thắm thiết, cảm động, coi bạn bè là một phần của đời mình, tâm đắc tri kỷ để cùng làm nên sự nghiệp lớn. Tình bạn thời xa xưa như “Lưu Bình – Dương Lễ” là bài học vì bạn quên mình của người xưa. Tình bạn tri âm, tri kỷ thời Sở, Tấn của Du Bá Nha và Chung Tử Kỳ răn dạy người đời hiểu và chia sẻ với nhau hơn ai hết. Tình bạn vĩ đại giữa CácMac và F.Ăng ghen suốt đời bên nhau, giúp nhau để cùng hoàn thành lý tưởng mà họ theo đuổi. Song trong cuộc sống không thiếu gì những gương xấu tày đình về tình bạn đầy phản trắc, vụ lợi như Lý Thông với Thạch Sanh, Trịnh Hâm với Lục Vân Tiên…v.v.
      Tình thầy trò thiêng liêng và cao quý. Ngày xưa tình cảm này chỉ đứng sau quan hệ vua-     tôi. Trong thực tế muôn vàn tình cảm thầy trò tốt đẹp, lúc hàn vì cho đến lúc vinh quang; lúc tuổi thơ tóc chỏm đào đến lúc răng long đầu bạc trò vẫn tri ân thầy. Có nhiều học trò khi làm nên danh phận với đời vẫn nhớ về thăm thầy giáo của mình. Đi sau linh cữu của nhà giáo Lê Thước có nhiều học trò cũ là các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà lúc ấy. Nhưng bên cái tốt tình thầy trò vẫn còn nhiều cái xấu: Có nhiều trò chỉ xem thầy chỉ là một người lái đò thuần tuý , cụ thể, cần thì sang, sang xong quên luôn, “qua cầu rút ván”; lại có trò còn hành động bất nhã, vô lương với thầy cô giáo .
      Xưa nay bút mực bàn về con người nhiều vô kể, và đề tài này vẫn là vô tận. Chung quy con người là tựu chung của hai mặt đối lập: Vinh quang và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau, cao thượng và thấp hèn, thánh nhân và ác quỷ, nhân đạo và giã man, trung thành và phản bội, độ lượng và nhỏ nhen… chính vì thế mới là con người – sự kết hợp của hai mặt đối lập trong một thực thể thống nhất. Ôi! Con người – Tốt nhất và xấu nhất.



GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM


      Trong ngành giáo dục có nhiều bộ phận nhân sự được cấu thành: Cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, công nhân viên chức hành chính phục vụ, các đoàn thể…mỗi người, mỗi chức trách công việc, cùng cộng đồng trách nhiệm trong sự nghiệp trồng người.
      Ở bài viết này, tôi muốn viết về một thành viên trong đội ngũ giáo dục là giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm về chức vụ, chức trách được xếp vào hạng “đầu đinh cuối cán”. Có nhiều người vào ngành giáo dục mới vài ba năm, làm kiêm nhiệm phụ trách đoàn thể rồi lên làm quản lý nhà trường, quản lý ngành cho nên rất ít và hầu như không có năm nào được làm giáo viên chủ nhiệm. Điều này vừa may lại vừa không may cho họ. May là được làm cán bộ quản lý sớm, hái lộc đời sớm, mau vinh thân phì gia. Không may là được ít kỷ niệm, ít tình cảm của học trò. Bởi lẽ học trò nhớ nhất, gắn bó nhiều kỷ niệm nhất là với giáo viên chủ nhiệm. Người ta nói quả không sai: Làm giáo viên chủ nhiệm như người mẹ nuôi con còn nhỏ, bận bịu lắm, nhọc nhằn lắm và sung sướng hạnh phúc cũng lắm. Trăm cái sự đều xuất phát cái tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” mà ra cả. Mỗi học trò có mỗi hoàn cảnh, điều kiện sống riêng, mỗi tâm hồn, tính cách cho nên người giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu, chia sẻ cùng các em. Có nhiều kỷ niệm thật cảm động, không bao giờ mờ phai trong ký ức, tâm khảm người thầy giáo, cô giáo chủ nhiệm. Cũng có những kỷ niệm , dấu ấn đắng cay “cười ra nước mắt” khi gặp phải những học trò vô lễ, chây lười rèn luyện đạo đức và chểnh mảng học hành.
      Ông Lê Trực bạn tôi kể rằng: Ông đi dạy tròn một phần ba thế kỷ trong đó hầu hết thời gian làm giáo viên chủ nhiệm. Nói ra điều này, có người cười cho là ông kém nên không được cất nhắc làm cán bộ quản lý nhà trường mà suốt đời làm giáo viên tròn, giáo viên chủ nhiệm . Nghe ra có lý nhưng cái sự đời dích dắc và vô lý và dài dòng lắm. Bên cái được có cái mất luôn cân bằng nhau mà. Ông Lê Trực mất kinh tế, không bằng chị bằng anh vì ông không hái được nhiều lộc đời. Trái lại, ông Lê Trực được rất nhiều tình cảm của nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh kết quả của việc ông làm giáo viên chủ nhiệm nhiều năm nhất, nhiều khoá nhất.
      Quý lắm, những ngày lễ tết cổ truyền, ngày tết nhà giáo 20/11, những dịp nghỉ hè học sinh về thăm thầy, chúc tết thầy vui vẻ, đằm thắm lắm. Những món quà giản đơn, nhẹ nhàng về vật chất nhưng đậm đà nồng ấm về tình cảm. Đó là những giọng nói, nụ cười, những bó hoa tươi thắm nhất, những cuộc điện thoại của học sinh cũ tặng thầy. Có nhiều học sinh hơn 30 năm ra trường thầy trò gặp nhau cảm động rơi nước mắt ở một nơi xa xôi trên đất nước Việt Nam cong cong hình chữ S này. Có những em học sinh làm cán bộ to ngành công an, quân đội, chính quyền… rất oai phong trước nhân viên của mình nhưng trước thầy giáo chủ nhiệm cũ vẫn là cô cậu học trò thơ bé ngày xưa như “cái buổi ban đầu ngây thơ ấy”.
      Đời thật công bằng, mất được như nhau. Bước chân vào ngành giáo dục được đứng lớp nhiều, được làm giáo viên chủ nhiệm nhiều, thật hạnh phúc nào bằng. Thử hỏi đó có phải chăng là một thứ hạnh phúc trong cuộc đời?



HỌC LÊN…
       (“Học, học nữa, học mãi”- V.LêNin)
(Bút đàm )

      Kiến thức là vốn quý, là vô cùng, vô tận. Con người muốn cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội phải tích luỹ, chiếm lĩnh kiến thức. Các danh nhân nhân loại có những câu nói nổi tiếng về việc con người phải học để trang bị kiến thức cho mình: “Không có cái gì con người không biết, chỉ chưa biết mà thôi”; “học, học nữa, học mãi”; “bể học là vô bờ, chỉ lấy siêng năng làm bờ bến”; “Thiên tài là lòng kiên nhẫn”…v.v và v.v. Quý sự học, ham học, yêu học là phẩm chất quý báu của con người. Cũng chính vì thế mà đời sống nhân loại từ xưa đến nay ngày càng tiến bộ, hiện đại.
     Nói chuyện với tôi, ông Lê Trực nhà ta lý sự rằng: “Học có hai con đường: Học thật và học giả; Học để hiểu biết, hành sự ở đời và học để lấy bằng cấp tân trang cho bề ngoài của mình, để loè thiên hạ”. Không biết thực hư lời nói của ông như thế nào, nhưng cứ chú mục và ngẫm nghĩ trong thực tế cuộc đời chức cũng có nhiều điều đáng bàn, đáng nói.
     Muốn biết việc học đến đâu cứ xét từ mục đích của người học. Ở đây tôi muốn bàn đến chuyện “Học lên” – Có nghĩa là đã học chỉnh chu, chính quy một bằng cấp nào đó rồi, nay học lên để nâng bằng cấp để củng cố chỗ đứng của mình.
     Học lên theo nhiều cách: Do sức ép của công việc mình đảm trách, do cơ chế bắt buộc phải có; hoặc do mình muốn chuyển môi trường công tác, lên lương, lên chức, giữ ghế.
      Có cầu ắt sẽ có cung. Có nhiều cách học lên xem ra được việc nhưng chất lượng thực hư thế nào chưa rõ lắm. Học hàm thụ tại chức; học từ xa; học dự thính… phần lớn là học gạo, học tiền mà thôi.
      Rất ít người sau khi học xong, có thêm bằng cấp cao hơn nhưng chất lượng, hiệu quả công tác hầu như không hơn gì trước khi đi học. Vì học cao hơn, học kiến thức đâu đâu, không phù hợp với công việc mà học đang làm; hoặc họ đâu để tâm lắm đến việc học ấy. Một thực tế về việc học từ xa là một năm tập trung vài kỳ ít ngày, chủ yếu là nộp tiền học phí, các loại quỹ, nhận tài liệu, nhận đề kiểm tra. Rồi sau đó học viên vừa làm vừa tự học theo muôn vàn kiểu riêng của mình: Bài tập đọc trên mạng, lắp ghép,sao chép, nhờ người học cao hơn giải hộ (bằng tình cảm và bằng cả tiền nữa) sau đó gửi theo đường bưu điện vào khoa, trường tại chức đã đăng ký. Thế là xong, là có điểm. Đến kỳ thi tốt nghiệp, tập trung vào trường thi, tổ chức góp tiền bồi dưỡng tiếp rước thầy thế là lại có phao, có bài hẳn hoi ngay của những người đang làm nhiệm vụ giảng dạy và thẩm định chất lượng của chính học viên. Thế là tốt nghiệp, thế là có thêm bằng cấp mới. Bằng cấp thường có thang bậc của nó từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ… nhưng xem ra có những trường đào tạo nhảy tót một lúc vài ba bậc như chơi. Ví thử như trường đào tào cán bộ quản lý giáo dục chẳng hạn: Đào tạo lần đầu mỗi khoá vài, ba tháng để bổ nhiệm cán bộ quản lý nhà trường làm hiệu phó, hiệu trưởng. Với thời gian đào tạo như thế thì chỉ đáng với bằng sơ sơ cấp hoặc sơ cấp mà thôi. Nhưng sau đó những con người này sau một thời gian công tác quản lý thực tế ở nhà trường lại đi học lớp thạc sỹ quản lý giáo dục. Họ học một lớp qua ba, bốn hệ bằng cấp từ sơ cấp lên cao học. Thế không phải là bước “đại nhảy vọt” bằng cấp là gì? Học thế thì thích thật, vừa học vừa hưởng lương, vừa có cơ hội lên được nhiều chân kính để cho trục đồng hồ thời gian chạy bền hơn, khoẻ hơn. Phương châm giáo dục ngành mầm non, nhà trẻ là “học mà chơi, chơi mà học”, xem ra phương châm đó còn đúng với việc “Học lên” theo kiểu đặt hàng và nhu cầu của người học ở ta trong thời buổi hiện nay. Biết rằng có tốn kém về kinh tế nhưng ai ơi nên tranh thủ “Học lên”…!?!                    


GIÁ TRỊ CỦA ÁNH SÁNG


      Quy luật của vũ trụ, tự  nhiên theo vòng quay của trái đất tạo nên ngày và đêm, bóng tối và ánh sáng. Chính vì thế mới có sự so sánh của hai mặt đối lập. Ánh sáng và bóng tối đều có vai trò và giá trị của nó. Ánh sáng làm cho người ta thấy rõ sự vật, cảnh vật, con người một cách rõ ràng, minh bạch. Bóng tối giúp người ta hành quân di chuyển một cách bí mật hoặc mai phục đánh du kích để tiêu diệt kẻ thù, để dành chiến thắng về mình. Ngày và đêm là thời gian đề con người làm việc và nghỉ ngơi.
      Với con người ánh sáng có giá trị về cả kinh tế và tinh thần. Một người sáng mắt nhìn được ánh sáng, học hành và làm việc, giao tiếp, sáng tạo ra bao nhiêu là của cải vật chất và đời sống tinh thần đề phục vụ mình và xã hội. Một người đui mù chịu thiệt thòi biết bao nhiêu, dù cố gắng lắm họ cũng chỉ làm được một phần rất nhỏ mà người sáng mắt làm được.
      Từ một thực tế cụ thể hàng ngày xẩy ra, ta thấy giá trị kinh tế của ánh sáng vô cùng to lớn. Chỉ cần một đêm mất điện, một gia đình một gia đình phải thắp tới 5 ngàn đồng tiền nến hoặc ít hơn thế là vài ba ngàn tiền dầu hoả (tất nhiên nếu có điện cũng phải tốn tiền nhưng ít hơn rất nhiều) thì cả nước vài ba chục triệu gia đình, hàng triệu công sở, nhà hàng, cửa hiệu… tốn một đêm hàng ngàn tỷ đồng. Tôi chỉ ví dụ một đêm thôi đấy. Thế mà thiên nhiên hào phóng cho loài người hơn 50% ánh sáng mỗi ngày. Tính thành tiền thật là vô giá.
      Ánh sáng cụ thể còn quý đến như vậy, còn thứ ánh sáng trừu tượng lại quý giá biết bao nhiêu. Đời muốn đẹp cần nhiều thứ ánh sáng trừu tượng lắm: Ánh sáng trí tuệ, ánh sáng văn hoá, ánh sáng tâm hồn, ánh sáng nhân văn, nhân đạo, ánh sáng lương tâm, ánh sáng thời đại…nói tóm lại là các loại ánh sáng do sản phẩm của tư tưởng, trí tuệ, tình cảm của con người sáng tạo ra, dâng hiến cho cuộc đời.
      Tôi muốn nói đến thứ ánh sáng văn hoá, giáo dục mà bao lớp nhà giáo từ sau cách mạng tháng Tám đến nay ở miền xuôi tình nguyện lên miền núi xa xôi, hẻo lánh, gian khổ trăm bề để “cõng chữ lên non” gieo ánh sáng văn hoá cho con em đồng bào các dân tộc ít người đề họ đỡ thiệt thòi so với miền xuôi. Thật là vĩ đại cho những người giáo viên nhân dân đã sẻ chia trí tuệ, sức lực, tuổi trẻ và cả hạnh phúc của mình cho người khác.
     Một thứ ánh sáng lấp lánh đến kỳ lạ mà trong xã hội chưa phải là nhiều lắm: Đó là ánh sáng của tấm lòng nhân đạo, từ thiện. Tình cảm con người “Thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của ngày xưa để lại, truyền đời. Một thứ nhận thức, trăn trở của những người làm ra kinh tế là “lộc bất tận hưởng”, là động cơ để họ làm từ thiện.
      Đọc báo chí và tận mắt chứng kiến những người xuất thân từ lao động, trải qua nhiều thất bại họ mới có thành công, ăn nên làm ra. Họ đi làm từ thiện giúp đỡ người nghèo, vùng quê nghèo, những số phận hẩm hiu, thiệt thòi do chiến tranh, thiên tai bão lũ. Đó là những doanh nghiệp như Mai Linh, Duy Lợi, Thuận Thảo …v.v. Đời cảm ơn, cảm động lắm trước những nghĩa cử cao đẹp của họ.
      Người thường dân nghèo lắm nhưng họ nào có tiếc chi; họ sống có đạo lý lắm. Những cuộc vận động giúp đỡ người nghèo, người gặp hoạn nạn, họ đều xắn tay đóng góp nhiệt tình. Điều họ cầu mong là số vật chất và tình cảm của họ đó được đến tận tay người cần giúp đỡ, không bị xà xẻo, bớt xén trên đường đến với những địa chỉ cần đến. Ánh sáng nhân văn như thế quý lắm. Quả thực ánh sáng có giá trị vô cùng to lớn đối với đời sống xã hội và con người./.
      

BIÊN ĐỘ LUẬT

      Chế độ nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, muốn thiết lập trật tự xã hội đầu phải có Luật pháp. Luật pháp là quy chuẩn, quy tắc, pháp quy để chế ngự con người và xã hội. Thời nhà Nguyễn vào nửa cuối thế kỷ XIX , nhà Nho Nguyễn Trường Tộ đã tấu lên vua tờ trình “Tế cấp bát điều” trong đó có điều quan trọng là “Xin lập khoa luật”. Luật có phạm vi vừa khái quát nhất, vừa cụ thể nhất, vừa chung nhất vừa riêng nhất. Bộ luật tốt là mang tầm sâu, rộng, chi tiết, xuyên thời gian, ít bị điều chỉnh, bổ sung. Đành rằng con người và xã hội là phức tạp nên việc bổ sung luật là điều tất  yếu nhưng không nên thay đổi xoành xoạch. Nước ta nổi tiếng trên thế giới là có nhiều văn bản nhất, nhiều bộ luật nhất! Kỳ họp Quốc hội nào cũng điều chỉnh, bổ sung, thông qua năm, bảy bộ luật là chuyện thường. Ngoái lại lịch sử nước nhà mà xem, thời Hồng Đức nhà Lê, thời Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức nhà Nguyễn có những Bộ luật mà đến nay vẫn còn có giá trị sử dụng được trong cuộc sống, ta có thể kế thừa và phát triển được. Tiền nhân có cái tài giỏi , có tầm nhìn sâu xa như thế .Luật là thể hiện chuẩn mực của sự công bằng đối với con người trong xã hội. Người ta thường nói “ thẳng mực tàu, đau lòng gỗ” nói về mực thước của nghề thợ mộc nhưng cũng có thể dùng để nói sự đúng đắn của Luật.Luật ngay thẳng , công bằng là “ luật bất vị thân” ( không phân biệt quan hệ thân sơ). Nhưng Luật phải có biên độ dao động dựa trên trục chuẩn. Điều tôi muốn đề cập đến là tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà luật đề cập đến ( nhất là luật Dân sự, luật Hình sự) nhưng việc thực hiện chưa chặt, chưa thật nghiêm. Có trường hợp ăn trộm con gà, bao gạo, bao phân đạm là phải đi tù mấy năm nhưng lại có trường hợp tham nhũng, làm thất thoát hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước, của nhân dân lại được hưởng án treo hoặc phạt tù rất nhẹ. Những trường hợp khá điển hình về tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tai tiếng cả nước như vụ PMU 18 của Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến; vụ đại lộ Đông Tây của Huỳnh Ngọc Sỹ,vụ đất đai ở Đồ Sơn , Củ Chi, vụ cấp quô-ta xuất khẩu ở Bộ thương mại của Mai Văn Dâu, Mai Thanh Hải …Những “nhân vật” đầu trò cũng bị giam giữ, xét xử, kết án nhưng xem ra còn rất nhẹ, nương tay .
      Điều tôi trăn trở, muốn đề đạt với người lập pháp và hành pháp là: Phải có Biên độ Luật; phải xử đúng người, đúng tội.
      Người phạm tội nhưng được học hành ít, nhà nước chưa giáo dục, đào tạo họ được nhiều về kiến thức cũng như pháp luật thì khi xử nên giảm nhẹ tội họ ngang trục chuẩn luật hoặc thấp hơn một ít. Trái lại,những người được học hành tử tế, đào tạo nhiều năm , nhiều bằng cấp, được giữ trọng trách lớn mà phạm tội thì khi xử nên áp dụng tình tiết tăng nặng.Bởi vì bản thân người phạm tội phải chịu trách nhiệm về nhận thức và hành vi của mình.Có thế luật mới nghiêm, có tính răn đe cao.Luật pháp xử như thế sẽ làm gương cho người khác, mới thể hiện sự chặt chẽ, khoan hồng độ lượng của Nhà nước đối với từng cá thể con người trong xã hội .   
      Tôi muốn đề cập đến vấn đề “ Biên độ luật ‘’ là như vậ


   
                                 
SÀO SẬY VÀ  BÈ LIM
(  Bút đàm )

     Sậy thuộc loài họ thảo ngành lau sậy,thân mềm có đốt, dẻo nhưng yếu dễ cong dễ gãy . Bất đắc dĩ ai đó dùng sào sậy chống bè thì trước sau cũng gãy, cũng thất bại .Gỗ lim nặng lắm, bè lim càng nặng hơn. Người ta thường ví:                                    
     Lim là sắt nguội, quả đúng thế ! Câu thành ngữ  “Sào sậy chống bè lim” để nói đến sự bất cập, khập khiểng trong cách xử sự của người đời. Bè lim nặng nề, trì níu, lừng đừng trong dòng nước di chuyển chậm, khó điều khiển; thế mà dùng sào sậy để chống thì bè đi sao được, chỉ có gãy nát mà thôi ! Ví von cụ thể, sinh động mà chí lý, dạy đời. Tương tự, một biểu tượng khác là sào sậy chỉ sự yếu ớt, nhỏ nhoi của những hiện tượng tiên phong muốn chống tiêu cực, sự trì trệ trong giáo dục, đào tạo hiện nay.
     Nền giáo dục nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay đã 66 năm .
     Mười hai khoá Quốc hội trải qua nhiều đời Bộ trưởng giáo dục đã làm được nhiều thành tích song cũng còn nhiều việc còn hạn chế để lại. Nhìn lại lịch sử giáo dục nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ tuy cuộc sống gặp gian khổ, khó khăn  nhưng chất lượng học trò đều hơn, đại trà hơn, ý chí vượt khó lớn hơn, chất lượng thật hơn. Thời đó tôi còn nhớ có phong trào thi đua “Hai tốt” với những điển hình “Bắc Lý”, “Cẩm Bình”…trong ngành giáo dục. Nhớ lắm bao kỷ niệm một thời “đội mũ rơm đi học đường dài”, “đội bom đi học” của thế hệ học trò thời đó. Thời đó, học thật và dạy thật lắm. Trong kiểm tra, thi cử không có hoặc rất hiếm trường hợp dở vở quay cóp hoặc xin điểm,  mua điểm bằng mọi mánh lới như bây giờ. Thời đó giáo dục hầu như chưa có bệnh thành tích manh nha. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, giang sơn thống nhất vẹn toàn, giáo dục quy về một mối. Giáo dục đạt được những thành tựu lớn; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; Đạt được nhiều thành tựu song cũng có nhiều nhược điểm. Nổi bật nhất trong ngành giáo dục là bệnh thành tích: Bên cạnh học thật có học giả, bằng thật có bằng giả…
     Căn bệnh thành tích trong giáo dục đào tạo sinh ra nhiều hệ luỵ: Chạy trường, mua điểm, mua bằng, báo cáo sai sự thật, chạy xô dạy thêm, học thêm… đó là sự trì níu của cái bè lim biểu tượng mà tôi muốn nói đến trong bài viết này.
     Ai cũng một thời đi qua nhà trường, ai cũng có con cháu đi học. Có nghĩa là ai cũng thấy được mặt tích cực và tiêu cực của ngành giáo dục hiện nay. Rất dễ thấy thực chất sự việc, hiện tượng, bản chất nhưng mấy ai giám lên tiếng phản ánh; cao hơn nữa là đấu tranh, bài trừ. Hiếm lắm, ít lắm vì sào sậy làm sao chống nổi bè lim. Ngược dòng thời gian, thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX và bắc cầu sang những năm đầu, thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, thi cử trong ngành giáo dục lỏng lẻo lắm, nhiều việc cần bàn. Gần như thành thông lệ đã học là lên lớp,  trong thi cử, gà bài, quay cóp, tạo thành những tập đoàn san hô dây chuyền. Trường giao chỉ tiêu nếu có nhiều học sinh yếu kém, ở lại thì giáo viên bị nhắc nhở, phê bình, cắt lao động tiên tiến. Trường nào làm thật, tỷ lệ lên lớp thấp, đậu tốt nghiệp thấp thì bị cấp trên nhắc nhở. Vì thế ai dại gì mà không nâng thành tích như kiểu kéo dây cao su, muốn dài thì cho dài. Tội gì !. Các kỳ thi cử, chuyển cấp, tốt nghiệp có lúc trở thành ngày hội toàn dân. Vui lắm! từng đoàn người xô đổ bờ rào, chạy ào vào ném đại thí. Thi cử mà như đánh trận giả. Tan buổi thi, kỳ thi, phao thi rơi trắng phòng thi và sân trường. Thời buổi ấy có dịch vụ phao thi mọc lên như nấm. Giám thị nào hơi nghiêm túc, tích cực nhặt phao thi thì ra về ăn củ đậu như chơi. Quốc loạn xuất trung thần, năm 2006 có những nhân tố tích cực lên tiếng về chuyện thi cử thiếu nghiêm túc, bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Những người chân chính mừng lắm. Báo chí, công luận lên tiếng ủng hộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra khẩu hiện “Hai không”: “nói với không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong ngành giáo dục”. Đến năm học 2007 phát triển “Hai không” với bốn nội dung trong đó bổ sung thêm “không ngồi nhầm lớp, không vi phạm đạo đức nhà giáo” mừng thật! Các kỳ thi trong năm học 2006, 2007 tỷ lệ đậu thấp nhưng rất thực chất. Hiện tượng chống tiêu cực trong ngành giáo dục nổi bật là nhà giáo Đỗ Việt Khoa nổi lên như cồn. Nào được quay phim, chụp ảnh, nào được gặp Bộ trưởng và nhất là  trở thành “người hùng” của “Người đương thời” trong năm 2006.      
  Có vị  giáo sư danh tiếng đã lên tiếng bảo vệ, ca ngợi thầy Khoa, còn đưa ra cả lời hứa sẵn sàng nhận thầy Khoa về trường của mình nếu như có việc gì đó xẩy ra không hay với thầy.
     Nhưng rồi sau đó bao nhiêu hệ luỵ lại kéo đến. “Người hùng” bị dằn mặt, bị bọn hôligân đe doạ; bị kiểm điểm, bị cắt lao động tiên tiến. Người bảo vệ pháp luật xa lánh dần, đến nỗi Đỗ Việt Khoa phải đơn thương độc mã trong cuộc đấu tranh, phải xin chuyển nghề trước khi bị đuổi việc. Ôi, sào sậy Đỗ Việt Khoa làm sao chống nổi bè lim giáo dục, đào tạo?.
     Thật buồn cười ai cũng tụng kinh đầu miệng “Hai không”, nhưng trong lòng lại muốn dễ dãi, xuôi chiều, nhẹ tay. Trường nào đậu thấp khi lên huyện, lên tỉnh bị nhắc khéo nhiều lần: Nào thiếu biện pháp giáo dục, nào thiếu nhiệt tình trách nhiệm!
     Phải công nhận rằng hai năm học 2006; 2007 ngành giáo dục có chuyển biến thật sự, chậm mà chắc. Bất quá tam, năm học tiếp sau đó lại lơi lỏng dần và những năm học sau nữa hầu như trở lại quỹ đạo trước năm 2006.
    Giáo dục là sự nghiệp lâu dài, tiến bộ từ từ mới chắc. Mỗi năm lên được 10% là mồ hôi của thầy và trò đã đổ ra nhiều lắm. Ai dè từ năm 2009 trở lại đây tỷ lệ tốt nghiệp THPT cứ tằng tằng đạt 90% - 95%. Thật là bước nhảy vọt thần kỳ hơn cả hiện tượng “thần kỳ Nhật Bản” sau chiến tranh thế giới thứ II.
    Đi coi thi tốt nghiệp THPT vừa qua thật là vui. Cứ như một chuyến đi Píc ních, đi phượt: Ăn, nghỉ, tham quan, du lịch được Hội đồng sở tại chiều hết mức. Vui vẻ lắm! giáo viên coi thi về được đưa đón tiếp rước và còn có quà “cây nhà lá vườn”, tiền thượng lộ bình an.
   Vài năm cả xã hội cố gắng lại gần như công cốc, “Mèo lại hoàn mèo!” đến nỗi sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 nhiều ý kiến nghi nghi hoặc hoặc về kết quả kỳ thi? Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phải chỉ thị các Sở Giáo dục xác minh lại kết quả kỳ thi.
   Lại có vụ tai tiếng là 11 Sở giáo dục và Đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long đồng tình nới lỏng đáp án chấm thi môn văn của bộ để “cứu vớt” thí sinh được nhiều nhất. Thật là to gan lớn mật!
   Sào sậy chống bè lim là thế đấy!. Một phương trình bất hợp lý mà lại rất hợp lý là: 2K = 4K = K. Thật là “Đầu voi đuôi chuột” như người đời thường ví von vậy./.



NÊN CHỌN MỘT

      Chuyện học hành, thi cử có từ xưa đến nay. Thi cử là chọn người hiền tài cho đất nước. Thi cử nghiêm túc là việc rất quan trọng và cần thiết. Ngày xưa chỉ có con cái vua chúa, quan lại, con nhà giàu mới được học hành đến nơi đến chốn; Con nhà nghèo nếu thật hiếu học, có chí lắm thì tự mày mò, kiên trì, chịu khó tầm sư học đạo để trở thành nhân tài của đất nước.Ngày nay, từ cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Cao đẳng, Đại học và cao hơn nữa… đều trải qua các kỳ kiểm tra, thi cử - Một cuộc sát hạch “cá chép vượt vũ môn”, chuyện thường tình của sỹ tử ngày xưa. Qua cải cách giáo dục đã bỏ bớt thi cử tốt nghiệp ở một số cấp dưới với quy mô chung toàn quốc, toàn tỉnh mà chỉ là kỳ kiểm định cuối cấp cộng với xét học bạ để công nhận tốt nghiệp. Hiện nay vẫn còn hai kỳ thi quốc gia gây nặng nề về tâm lý và tốt kém về kinh tế với bao nhiêu ý kiến bàn bạc, đóng góp trên các diễn đàn, công luận, song vẫn chưa ngã ngũ bề nào cả. Đó là kỳ thi THPT và kỳ thi vào các trường Cao đẳng, Đại học diễn ra trong tháng 6, tháng 7 hàng năm.
     Có ý kiến nên bỏ kỳ tốt nghiệp THPT, chỉ giữ lại kỳ thi vào Đại học, Cao đẳng. Có ý kiến thì ngược lại, xét vào Đại học, Cao đẳng  dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT cộng với học bạ cấp học đó.
     Nhớ lại, nhìn lại cách đây hơn 10 năm có chủ trương ưu tiên xét thẳng vào Đại học với các em học sinh  THPT đạt loại giỏi xếp loại văn hoá và thi tốt nghiệp cuối khoá loại giỏi . Thử xem đã thực chất, xứng đáng chưa? Dân gian thường nói “Dân gian, quan tham” quả đúng. Về mặt điểm số học bạ được học sinh, phụ huynh chạy thầy, chạy trường từ trước (bởi có nhưng rất ít học sinh học giỏi toàn diện tất cả các môn, các em thường học lệch theo môn khối). Thế là khâu học bạ long lanh. Đến khi thi tốt nghiệp, khi chấm thi lại nhờ người quen, người có chức quyền để gửi gắm. Thế là tốt nghiệp lại đạt loại giỏi long lanh. Có năm vào học đại học, các trường kiểm định đầu năm số sinh viên được tuyển thẳng nhưng kết quả không đúng với thực chất lắm với sự ưu ái của đầu vào.
     Bản thân tôi làm nghề dạy học suốt đời cho đến nay đã nghỉ hưu, trải qua nhiều lần cải cách giáo dục, sửa đổi thi cử; tôi ủng hộ luồng ý kiến thứ nhất là nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT ở quy mô toàn quốc, chỉ giữ lại một kỳ thi duy nhất trong năm là thi vào Đại học, Cao đẳng mà thôi.
    Học sinh sau 12 năm đèn sách đã nắm vững những kiến thức cơ bản, đại cương về tự nhiên cũng như xã hội để từ đó có thể ứng dụng, xử lý trong cuộc sống thường ngày đạt hiệu quả tốt nhất. Vì thế, cuối khoá học nhà trường xin Sở Giáo dục và Đào tạo bộ đề một số môn cần thi trong ngân hàng đề để tổ chức kiểm tra, kiểm định nghiêm túc, khách quan; lấy kết quả cộng với học bạ 3 năm học, nhất là năm lớp 12 để xét cấp “Chứng chỉ hoàn thành chương trình cấp THPT”. Với chứng chỉ đó thì các em xin thi vào Đại học, Cao đẳng hoặc xin đi học nghề là đủ. Giảm được một kỳ thi quy mô toàn quốc như thế đỡ tốt kém cho xã hội, đất nước hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng; giảm thiểu tiêu cực thi cử cũng như tai nạn giao thông năm nào cũng xẩy ra.
      Chỉ giữ lại một kỳ thi Đại học, Cao đẳng là để chọn người học hành chắc chắn, có ý chí phấn đấu vươn lên. Kỳ thi Đại học, Cao đẳng là sự cạnh tranh giữa các thí sinh nên ít lo hơn về việc đại thí, gà bài cho bạn khác. Một phần học sinh do học lực yếu hoặc do hoàn cảnh gia đình, bản thân sẽ không dự thi Đại học, Cao đẳng mà xin xét tuyển vào các trường dạy nghề là vừa sức. Người ta thường “biết người, biết ta” mà.
      Tôi thiết nghĩ, nếu nhà nước nói chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng mạnh dạn bớt đi một kỳ thi như tôi và nhiều người đề xuất thì có lợi cho đất nước nhiều lắm, được nhiều cái lắm. Cải cách thủ tục hành chính; cải cách giáo dục và đào tạo xem đây là một điểm nóng cần bàn, cần làm ngay./.


  VÀI ĐIỀU ƯỚC

     Con người vốn giàu tí tưởng tượng, giàu ước mơ. Ước mơ tới những gì chưa có, mong muốn sẽ đạt được. Có ước mơ nho nhỏ, có ước mơ vĩ đại. Trong hoàn cảnh hiện nay tôi có vài điều ước vừa là cho bản thân, vừa là cho xã hội, đất nước.
      Khoa học nhân loại phát triển, đã có máy đo chỉ số thông minh (IQ) của con người. Có nước tiên tiến còn có máy kiểm tra nói dối, buộc con người được kiểm tra phải thể hiện đúng mình.
     Tôi có điều ước thứ nhất là con người tạo ra một loại máy đo toàn diện về các phẩm chất của con người: Độ thông minh tài giỏi, tâm tư tình cảm, đạo đức, ý thức trách nhiệm… với con người, xã hội. Có được chiếc máy tinh vi chính xác, khách quan, hoàn hảo như thế thì việc lựa chọn nhân tài, sắp xếp công việc hợp lý để guồng máy xã hội vận hành tốt nhất, trôi chảy nhất.
      Con người ai cũng muốn có việc làm ổn định, có thu nhập để đảm bảo cho đời sống và khả năng cống hiến của mình. Khi có kết quả chính xác của chiếc máy hoàn hảo đó với các chỉ số biểu thị thì đố ai mà dấu được tài đức của mình. Thực trạng xã hội nhiều người làm sai nghề, đứng sai chỗ do sự sắp đặt của người khác. Có người do “con cha cháu ông” mà được ưu ái, cất nhắc. Lại có người do chạy chọt, nịnh bợ mà lên chức quyền.
      Mấy tháng gần đây có một bộ phim chính trị xã hội phát sóng trên VTV1 với nhan đề “Biệt thự màu tro lạnh”, ta thấy một sự thật xã hội được điển hình hoá trong vai ông Tuấn (do diễn viên Thế Bình đóng).  Trong chiến tranh, Tuấn hèn nhát gây tự thương để được về tuyến sau, được hưởng chế độ thương binh. Trong thời bình, Tuấn dấu mình  lươn lẹo, mánh lới leo đến chức Phó Chủ tịch tỉnh. Tuấn không từ một thủ đoạn nào: Tham nhũng đề làm giàu, ăn nằm với vợ của hai người bạn vào sinh ra tử trong chiến tranh với Tuấn. Thật là ô nhục! Giả sử có chiếc máy hoàn hảo như điều ước thứ nhất của tôi thì làm sao trong xã hội có những tên Tuấn như thế?!?
      Điều ước thứ hai của tôi cũng giản dị thôi. Các nước nước khác họ đã làm và làm được song ở nước ta thì chưa. Đó là do luật pháp chưa nghiêm, chưa triệt để, chưa thực thi đến cùng. Điều ước đó là: “truy cứu trách nhiệm đến cùng”. Bởi có thế khi đang làm việc người ta mới giữ mình, mới sợ. Ở các nước khác cho dù đã về hưu song người ta phát hiện lúc tại nhiệm người đó bất kể là ai, kể cả tổng thống nếu như trong quá khứ có tham nhũng, khủng bố, tội phạm quốc tế vẫn đưa ra xét xẻ, truy cứu hình sự, giam cầm và cao nhất là tử hình.
      Còn ở ta thì sao? Chưa làm, chưa làm được điều này. Nếu có rục rịch việc gì có dư luận gì thì cho chuyển công tác hoặc về hưu là giải pháp “hạ cánh an toàn”. Vì thế những người làm sai trong quá khứ họ không sợ lắm, có gì thì đánh bài chuồn. Sau khi “hạ cánh an toàn” của cải của họ cất giấu được đủ sống an nhàn cho họ và đến đời con cháu họ nữa.
      Tôi ước điều đó được thực thi ở nước ta. Hơn thế nữa cần đưa ra ánh sáng những người bao che, “nối giáo cho giặc” để làm gương cho những người khác.
      Ước nhiều chắc chẳng được, lại mang tiếng là tham lam. Tôi ước vài điều như vậy để mong đất nước ta tốt đẹp hơn, công bằng hơn, dân chủ hơn như Đảng và nhân dân ta hằng mong muốn./.

GIÁ ƠI LÀ GIÁ!

       Không chi ăn nhanh bằng giá, không chi lên nhanh bằng giá. Đó là giá đỗ! Chỉ vài ba ngày ấp ủ, nhúng nước đều đặn năm, sáu lần là có ăn. Trồng cây, thu hoạch nhanh nhất là giá đỗ.
     Trong kinh tế thị trường còn có loại giá tăng trưởng nhanh hơn nữa, từng giây, từng giờ, từng ngày như bơm thổi quả bong bóng bay. Thật là thần kỳ đến chóng mặt. Đó là giá cả!
     Đồng tiền nói chung, đồng tiền Việt Nam nói riêng trong thời buổi này mất giá từng ngày. Phải nói là Chính phủ nước nào cũng cố tìm giải pháp kiềm chế sự mất giá của đồng tiền trong thời kỳ “đại khủng hoảng” toàn cầu kể từ năm 2008, nhưng xem ra không hiệu quả lắm. Đồng tiền Việt Nam trước đây ba bốn chục năm có giá trị thật! Tiền xu, tiền hào cũng mua được vật chất có giá trị, từ đồng quà tấm bánh cho con trẻ. Bây giờ tiền nghìn, tiền chục nghìn, tiền trăm nghìn mới nói đến chuyện mua bán, tiêu dùng; tiền xu, hào coi như bỏ.
      Cả xã hội chạy đua theo giá cả. Nay khác mai khác. Nhanh tay có khi được, có khi thua. Giá cả cứ phập phồng như bong bóng vậy. Người nhiều tiền cũng khổ mà người ít tiền cũng khổ. Đi chợ nặng túi, mất công cất giữ, mất công đếm tiền nhưng mua hàng hoá cũng chẳng được bao nhiêu.
      Cách đây ba năm, một gia đình bốn nhân khẩu đi chợ chỉ dăm chục ngàn là cả ngày ăn uống khá tươi tắn, tươm tất. Bây giờ muốn được như thế phải bỏ ra vài trăm ngàn là chí ít.
      Đời thủa nào cách đây sáu năm chỉ cần tám trăm ngàn đã mua được một chỉ vàng mười thì bây giờ hơn năm, sáu lần như thế mới mua được một chỉ. Thật là chóng mặt.Khổ cho những ai cưới hỏi cần mua vàng .
      Đồng lương hàng năm theo lộ trình có điều chỉnh, có bù trượt giá nhưng xem ra có thấm tháp gì với việc trượt giá, rớt giá. Xã hội có hội chứng ớn lạnh mỗi lần tăng lương “lương ơi đừng tăng nữa!”. Bởi vì dân gian thường nói “chó chạy trước mang” lương chưa tăng nhưng giá cả đã tăng trước ba, bốn tháng rồi.
     Nhiều quốc gia do tiêu pha công sản quốc gia quá đà dẫn đến nợ công chồng chất, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ như Hi Lạp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ…v.v và tiếp đến cả các đại cường quốc khác như Mỹ, Anh, v.v. Nhiều nước kể cả nước ta đưa ra kế sách cắt giảm chi tiêu công, thắt lưng buộc bụng để tránh phá sản tài chính quốc gia. Xem chừng cuộc chiến khá cam go, khốc liệt.
     Khổ nhất vẫn là người dân lao động, đồng tiền làm ra khó mà chi tiêu thì tốn kém, mất giá. Có tít báo cười ra nước mắt “Giá thịt Lợn ở Hà Nội tăng nhanh hơn Vàng” thật quả đúng thế !
     Chính phủ cũng đưa ra nước quyết sách để chống bão giá nhưng chưa dài hơi cũng chạy theo thị trường, rách đâu vá đó. Phải công nhận là hơn 20 năm đổi mới đất nước có nhiều thay đổi bộ mặt xã hội đổi sắc thay da nhất là xây dựng cơ sở vật chất. Nhưng bão giá, bão trời, lũ lụt hoành hành mấy năm nay nhìn chung thực chất cuộc sống nhân dân còn nhiều vất vả, vật lộn, chống chọi để sinh tồn. Đi một bước lùi một bước!
      Người viết chỉ là kẻ thường dân mong rằng Nhà nước có giải pháp chiến lược lâu dài để chống giá cả leo thang, ổn định đồng tiền, ổn định xã hội và dân sinh.


CHIẾN DỊCH “ QÙA BIẾU TẾT”

      Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, nhà nhà, người người,cơ quan bận rộn tíu tít công việc cuối năm chuẩn bị vật chất, tinh thần để tiễn năm cũ,đón năm mới: lễ bái tổ tiên, sum họp gia đình, họ tộc. Các cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp…bên cạnh công việc nước rút hoàn thành kế hoạch cuối năm còn phải lo thêm một việc khá quan trọng là “quà thăm hỏi, biếu Tết các cấp, các nghành liên quan”.
      Đảng và Nhà nước có chủ trương, chỉ thị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí công quỹ làm quà biếu xén. Ý Đảng hợp lòng dân! Nhiều cơ quan, nhất là đơn vị hành chính sự nghiệp rất eo hẹp kinh phí, ngân sách, rất mừng khi tiếp nhận chỉ thị,có lý do để giải toả nỗi phiền phức khó nói này. Nhưng “ phép vua thua lệ làng ”!.Lệnh cứ lệnh, làm phải cứ làm. Các cơ quan, xí nghiệp vẫn phải “đến hẹn lại lên”, chuẩn bị quà biếu Tết.
     Tịnh chưa thấy mấy ai thực hiện chỉ thị “Không dùng công quỹ làm quà biếu xén, cá nhân tự giác từ chối nhận quà biếu ” .
     Việc chuẩn bị quà biếu khá  gấp rút, chu đáo như chuẩn bị một chiến dịch quan trọng . Trước hết thủ trưởng cơ quan chuẩn bị về mặt lý luận đủ sức để thuyết phục mọi người . Giáp Tết,cơ quan tổ chức hội ý liên tịch quán triệt tư tưởng ,sau đó ra toàn cơ quan : nào là nên đi, phải đi ,đi đầy đủ và chu tất: Nào là “kế tục truyền thống”, “cảm ơn trả nghĩa”, “cầu nối tương lai” vv.vv. Tiếp đến là chuẩn bị thực lực,sức nặng của phong bì : Lấy từ ngân sách,từ  quỹ tự có ; bí bức quá thì đi vay nóng Ngân hàng hoặc cá nhân để trang trải.
     Thủ trưởng đưa ra nhiều lý do: Năm trước đi được như thế, năm nay lẽ nào kém hơn ? Các đời tiền nhiệm đặt lệ rồi lẽ nào chúng ta kém hơn ?...
      Khâu cuối cùng là tổ chức đoàn đi biếu quà. Đoàn gồm thủ trưởng cơ quan, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn thanh niên và thủ quỹ .Tết đến, lệ thường con cháu đi xa về thăm cha mẹ, ông bà có đồng quà, tấm áo, đó là tình cảm gia đình, Cấp dưới đến thăm cấp trên là quy luật xã giao, xã hội. Nếu việc thăm hỏi diễn ra nhẹ nhàng là lời chào hỏi, bó hoa tươi thắm tình cảm chân thành thì khỏi phải nói làm gì. Đằng này, người đi sợ “khó coi”, thua em kém chị nên đều ra sức “cố gắng” cho quà mình nhinh nhỉnh. Thế là một cuộc ngầm chạy đua rất mệt! Lo đối ngoại nên viêc nội bộ cuối năm “bồi dưỡng sức dân” eo hẹp , chăng đáng kể gì!
      Có người biếu ắt có người nhận., rất hiếm gặp, hiếm thấy có vị nào từ chối nhận quà , trả lại quà. Họ cho đó là việc đương nhiên hưởng lộc. Có một trường hợp hy hữu vị Bí thư một tỉnh nọ cho thư ký gói trọn quà biếu lại được gần nửa tỷ đồng sung vào công quỹ.
       Nghe chuyện có người chê vị ấy dại, có người khen vị ấy khôn; tôi thì tôi ca ngợi.
      Gíá như xã hội ta ai cũng như vị ấy thì xã hội ngày càng giàu đẹp,văn minh ./.

 
BIỆT DANH CỦA XẾP TÔI

      Xếp tôi năm nay tuổi ngoài ngũ tuần, ba chục năm công tác có lẻ. Đơn vị xếp tôi công tác và lãnh đạo thuộc ngành giáo dục và đào tạo. Một trường THPT bậc trung bình của một huyện trung du bán sơn địa.
      Tôi có “vinh hạnh” được ở với xếp nhiều năm, thỉnh thoảng còn được tháp tùng xếp đi công tác. Ở lâu với xếp nên việc gì cũng biết: Cái hay cũng nhiều và cái dở cũng lắm! trong bài viết này tôi xin liệt kê những biệt danh mà xếp tôi có được để mọi người cùng tham khảo và suy ngẫm.
      Xếp tôi có biệt danh “Ông trợ cấp”. Thập kỷ 80 của thế kỷ XX, thời nhà nước còn quản lý xã hội theo kiểu bao cấp, đời sống công chức nói chung, ngành giáo dục và đào tạo nói riêng cực kỳ vất vả, khó khăn. Thủa đó, xếp tôi còn là một giáo viên ở cơ quan, cũng “hàn vi” như chúng tôi cả. Nhà xếp lúc đó còn nghèo hơn cả chúng tôi vì ở nông thôn, vợ yếu, con đông. Mỗi lần cơ quan xét trợ cấp thường xuyên hoặc đột xuất, xếp đều được đứng đầu danh sách. Người ta thường nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cái tình, cái nghĩa cơ quan thật là sâu nặng. Biệt danh “Ông trợ cấp” của xếp tôi thời kỳ đó cứ tồn tại dài dài.
      Xếp tôi có biệt danh “Ông độc đoán” cách đây vài chục năm có lẻ,  khi đó cơ quan tôi cả chi bộ chỉ có non chục Đảng viên, xếp khi đó là Phó Cấp uỷ, phụ trách công tác tổ chức phát triển Đảng viên. Để tránh những người làm được việc nhưng quá thẳng thắn trong cơ quan, xếp tịnh không đề xuất cho đi học lớp cảm tình Đảng. Xếp tính xa trông rộng, nếu kết nạp những người như thế thì không có lợi cho xếp về sau. Một chi bộ trường học mà tròn 15 năm không kết nạp được một Đảng viên mới nào (1981 – 1995). Ai hỏi lý do vì sao thì xếp thản nhiên trả lời: Huyện uỷ lâu nay không mở lớp học đối tượng Đảng. Thực tình xếp còn chờ thời, đợi gió. Nhiều người công tác ở trường từ thuở “khai sơn phá thạch” công lênh dày như núi, dù phấn đấu nhưng đành ngậm ngùi làm “phó thường dân”!
      Ít năm sau đó, xếp đùng đúng phát triển Đảng viên mới. Số là xếp thấy có một số giáo viên trẻ mới về là học sinh cũ, chỗ thân quen, những người đội ơn xếp cưu mang – những người nể nang, thủ tiêu đấu tranh, nịnh bợ xếp…Kết nạp số này vào Đảng vừa dễ bảo, dễ lái, tăng thêm vây cánh cho xếp. Việc chính trị mà xếp tôi cứ coi như việc nhà, muốn ban phát cho ai thì người ấy được.
      Xếp tôi có biệt danh “Ông ký đại”. Cơ quan tôi thời bấy giờ có độ bốn chục nhân viên. Xếp tôi chỉ tin dùng rất ít người: Kế toán, thủ quỹ, vài ba người biết xun xoe với xếp. Việc kinh tế tài chính là “phép nước” mà xếp cứ xem nhẹ như không. Xêp xều xoà, luộm thuộm cứ gọi là số một. Cứ thấy Kế toán, Thủ quỹ hoặc ai đó thanh toán việc gì là xếp ký đại. Thu chi tuỳ tiện, gặp đâu bốc đó, quỹ điên, quỹ đỏ, chi sai nguyên tắc là chuyện thường ngày bản nhỏ. Hàng chục năm không công khai tài chính, không quyết toán. Đến khi thanh tra vào cuộc làm rõ trắng đen thì xếp một mực “xin lỗi, rút kinh nghiệm” xí xoá là cùng.
       Xếp tôi có biệt danh “Ông bất ngờ”. Tính xếp tôi khá cứng rắn, xếp đã quyết việc gì thì không ai lay chuyển nổi. Dân chủ với xếp chỉ là cái để báo cáo mà thôi. Bàn đâu để đấy, xếp định nhăm nhe cất nhắc ai là xếp quyết làm bằng được. Xếp tự xoay xở lập tờ trình vận động phiếu, rỉ tai với xếp cấp trên. Khi có quyết định cấp trên bổ nhiệm về, bài ngửa đã được lật ra thì mọi người đều “ngã ngửa”, vì gạo đã đổ nước rồi, mọi việc đã an bài rồi.
       Xếp tôi có biệt danh “Ông phong bì”. Vốn trước đây xếp chưa thảo việc này. Duyên do, có một số người cần việc, đến xin việc đưa “phong bì” cho xếp, thế rồi xếp lây nhiễm thứ virus hiện đại đó lúc nào không biết. Ở cơ quan tôi hễ thấy bóng dáng cấp trên về làm việc hoặc ghé thăm, việc đầu tiên là xếp lệnh cho thuộc hạ chuẩn bị “phong bì” để sẵn khi xe xếp trên nổ máy ra về là kịp thời “bồi dưỡng ngay”. Các xếp trên chưa có người nào chê phong bì. Còn xếp tôi thì được tất cả, lấy của chùa chứ mình có mất gì đâu mà xót ruột.
       Xếp tôi có biệt danh “Ông tân thời”. Tuổi ngoài ngũ tuần, xếp tôi trông còn trẻ chán, xuân lắm. Một người đời thích, xếp cũng thích là “chán cơm tìm phở”. Cố thi sỹ Xuân Diệu từng viết: “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” quả là chí lý. Xếp thích “đổi gió”, ai dư luận mặc kệ, tai liền miệng nói lấy nghe lấy, còn xếp “bình chân như vại”. Ai giám xâm phạm “tự do cá nhân” của xếp thì chuốc hoạ. Vợ con nói mãi rồi cũng chán.
       Xếp tôi có biệt danh “Ông mập mờ”. Với xếp tôi, mọi văn bản, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị …vv đều là văn bản. Xếp tôi rất chuộng hình thức,  thích tổ chức hội họp, hội thảo…vv nhưng chỉ để báo cáo lên cấp trên lấy thành tích mà thôi. Xếp tôi hơn người đời ở chỗ: Biết lược trích văn bản chỗ nào có lợi cho mình thì xếp khai thác, phổ biến kỹ; chỗ nào dễ sơ hở đề người khác soi vào mình thì xếp bỏ qua. Điều nhiều người cần công khai, dân chủ, công bằng thì xếp báo cáo qua loa, chiếu lệ, mập mờ.
      Quả thực, nếu thời gian còn nhiều, tôi sẽ liệt kê thêm một số biệt danh nữa của xếp tôi. Không biết thời gian còn lại cho đến khi nghỉ hưu xếp tôi còn được nhận thêm những biệt danh nào nữa đây?
                   (Đã đăng báo “Lao động Nghệ An” – số 360, ngày 13 tháng 10 năm 2004)
 


SÔNG LAM THÊM MỘT CÂY CẦU
                                                         ( Sông Lam nước chảy đôi bờ,
                                                         Hết rồi cách trở từ giờ sông ơi !)
                                                                                          (Bút ký )

     Có những ước mơ mãi mãi chỉ là ước mơ; có những ước mơ sẽ thành hiện thực. Tôi muốn nói đến có một ước mơ cháy bỏng bao đời của một miền quê thành sự thực hôm nay.
     Ba mùa thu đợi chờ kể từ ngày làm lễ khởi công xây dựng cầu Cây Chanh qua sông Lam vào tháng 8- 2008, hôm nay đã thành sự thật: Một cây cầu mới sừng sững bắc qua sông Lam, nối đôi bờ cách trở từ ngàn xưa đến tận bây giờ!                     
     Sáng hôm nay, một sáng mùa thu mát lành, tinh khôi, trời trong xanh nắng dịu nhẹ, dòng người các xã đổ về tấp nập để dự lễ cắt băng khánh thành cầu mới. Cầu Cây Chanh qua sông Lam sang vùng Thành-Bình- Thọ; nối liền với huyện Tân Kỳ có đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Quốc kỳ, hồng kỳ đỏ rực một miền quê, xe máy, người đi như mắc cửi. Hiếm có dịp vùng đất Đỉnh Sơn- Cây Chanh đông vui như sáng thu này!
       Đã từ xa xưa nơi đây lưu truyền câu nói nghe rợn người “Cây Chanh- Ngũ Vó đi có về không”! ghi dấu tích của một miền sơn cước rừng thiêng nước độc.  
       Lịch sử còn ghi lại : Đầu thế kỷ XX, dưới thời Pháp thuộc, bọn thực dân mở đường số Bảy, hàng ngàn phu làm đường miền xuôi  ra đi không có ngày về. Họ bỏ xác dọc con đường này vì đói khát, vì bị vắt kiệt sức lực, xương máu của bọn cai phu tàn bạo.
     Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, nơi đây gọi là xã Nhân Hoà (nay là 3 xã Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn) vẫn còn hoang vu , rừng rậm người thưa, lác đác vài ba  ba bản làng
dân tộc Thái bản địa .
      Trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai (1946-1954), bộ đội,dân công hoả tuyến hành quân lên Thượng Lào qua đây, dừng chân nghỉ lại bên đường không giám vào sâu hai bên đường cái vì  sợ hổ vồ, lợn lòi húc, rắn độc cắn…
      Hoà bình lập lại, bộ đội làm kinh tế kéo về đây thành lập nông trường Bãi Phủ đổ lên tới huyện miền núi Con Cuông. Họ khai khẩn đất đai, trồng cây công nghiệp, cây lương thực.Vùng quê này bớt hẳn heo hút , hoang vu.
     Những năm 1963-1967, Đảng và Nhà nước có chủ trương lớn di dân chuyển hộ các huyện miền xuôi như Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương …đi xây dựng kinh tế mới Tây Anh Sơn. Vùng đất hẻo lánh xưa kia nay trở nên đông vui , nhộn nhịp. “Vạn sự khởi đầu nan”, đời sống nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về hạ tầng cơ sở: điện, đường, trường trạm, chợ búa giao thương …Khó khăn , trắc trở nhất là dòng sông Lam ngăn cách đôi bờ tả ngạn  và hữu ngạn, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, sinh hoạt, học tập của con người. Mùa mưa lũ hàng  năm, nước từ thượng nguồn đổ về xối xả, sông Lam gầm gào dữ dội, trời nước mênh mông, đe doạ tính mạng con người. Nhiều bản làng bị nước cô lập hàng tuần. Mơ ước có một cây cầu vĩnh cửu sang sông trở  thành khát vọng khôn nguôi !
     Rồi một ngày mới đã đến, lịch sử sang trang. Vùng quê nghèo bừng tỉnh sau đêm trường mong đợi: một dự án, một quyết định, một lễ khởi công xây dựng cầu Cây Chanh vượt sông Lam được tổ chức vào đầu  tháng 8-2008 . Thật diệu kỳ, khát vọng bao đời của người dân được Đảng, các cấp chính quyền xúc tiến trở thành hiện thực.
    Trải qua ba mùa bão lũ, ba mùa hè bỏng cháy; biết bao mồ hôi , sức lực , trí tuệ của các kỹ sư công nhân làm cầu đã đổ trong quá trình thi công, kể sao cho xiết ! Mừng Tết Độc lập này ,người dân miền Tây Anh Sơn đón nhận món quà vô giá của Đảng, Chính phủ trao cho: Cây cầu vững chãi của niềm tin, cây cầu nối những bờ vui!
     Hoà trong dòng người hôm nay, tôi say mê ngắm nhìn bao gương mặt già, trẻ hân hoan, ngời sáng, xen lẫn ánh măt chớp chớp ngấn lệ cảm kích dâng trào. Tôi đứng trên cầu, tựa vào lan can phóng tầm mắt ra xa nhìn dòng sông, bãi bồi , ruộng mía, bãi ngô, xóm làng bình yên thấp thoáng sau rặng tre xanh càng mến yêu, gắn bó miền quê này !
     Mừng lắm, đất Cây Chanh vừa qua đã được Tỉnh phê duyệt cho xây dựng khu đô thị mới, nay lại có thêm chiếc cầu mới, tạo điều kiện tốt hơn giao lưu, phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục trong tương lai.
      Sông Lam có thêm một cây cầu – cây cầu của niềm tin, cây cầu của Ý Đảng lòng Dân ./.

                                                                                                 Đỉnh Sơn, ngày 29 .8 . 2011
           

 Trường Hải
           (Lê Văn Đông )