Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“Thơ là tay nắm bàn tay…”

Triệu Phong
Thứ hai ngày 30 tháng 12 năm 2013 9:39 PM
( Đọc Thơ Dương Đức Quảg)
 
Cầm trên tay tập thơ “Đôi điều với con”do NXB Hội nhà văn mới phát hành, tháng 12/2013, bao gồm 76 bài thơ trải dài hơn 45 năm làm thơ của Dương Đức Quảng, thú thật là thêm một lần tôi lại phải thảng thốt về sự quyến rũ của thơ. Tôi biết ông từng là sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội (những chàng sinh viên Văn khoa này thời nào cũng say đắm thơ ca), nhưng Dương Đức Quảng vào đời (cũng đồng nghĩa với vào tuyến lửa) bằng nhiệm vụ một phóng viên mặt trận, và nghề Báo đã gắn với ông suốt cuộc đời, kể cả khi ông ”thăng quan tiến chức” thành “Quan báo” (Ông từng là  phó tổng biên tập của báo Tuần tin tức, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ, Tổng biên tập đầu tiên của Cổng thông tin điện tử Chính phủ). Ông đã từng có hàng trăm bài báo trong lửa đạn, lại cũng đã  từng có những tập sách dày dặn như tập “Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng” dày đến hơn 500 trang khổ lớn, nghĩa là chữ nghĩa đã bề bề, vinh hoa phú quý bởi công việc này cũng đã đủ đầy…Thế mà rồi duyên nghiệp thế nào lại vẫn cứ phải thầm lặng làm thơ, khổ sở vì thơ, không thể dứt nổi với nàng thơ, dù như tâm sự của ông, thì “chưa bao giờ tôi nghĩ mình là nhà thơ và sẽ in thơ thành tập”. Vâng, Thơ như một tình yêu thăm thẳm, không là định mệnh, không là nghề nghiệp, không mang đến cho ông một chút danh lợi gì, nhưng nó lại là một tri âm, môt duyên nghiệp mà ông  không thể thiếu trong  đời…
 Tôi đã đoc nhiếu lần thơ ông. Lại  từng nhiều lần nghe ông đọc thơ, khi gữa Hà nội, khi bên dòng Cửu Long, lại có lúc trong sương mờ Đà Lạt, và cũng từng nghe nhiều nghệ sỹ ở TPHCM ngâm thơ ông…Nhưng trước khi bày tỏ những cảm xúc của mình, tôi xin được ghi lại với bạn đọc ý kiến của một số nhà thơ  khác về thơ của Dương Đức Quảng. Những người ấy, có người đã từng ở mặt trận, nghe ông run rấy đọc những vần thơ đầu đời, có người là nhà văn, nhà thơ tên tuổi, và có cả người la “thi sỹ hiện đại” hiện nay vẫn thường đi năm châu bốn biển luận đàm về thơ ca…
  Nhà thơ Ngô Thế Oanh, một nhà thơ lúc nào chữ nghĩa cũng ngay ngắn và có phần khắt khe khi phẩm bình thi ca, đã viết thế này về thơ Dương Đức Quảng: ”Tôi còn nhớ những cảm xúc đầu tiên được đọc bài thơ Gửi dòng sông  thân yêu của Dương  Đức Quảng, in trên tờ Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ năm 1972. Một cảm xúc thật gần gũi, ngỡ như tác giả đã nói hộ được cho nỗi lòng tất cả những ai có những năm tháng gắn bó với Thu Bồn: ”Tôi cứ nghĩ về một dòng sông xa xôi/Nơi con sóng tự biết mình bé nhỏ/Đêm tháng năm lặng im theo nhịp thở/Nhớ sao trời và cá quẫy trong nhau…”. Gần như người làm thơ nào ở chiến trường những năm tháng ấy cũng bị ám ảnh về dòng sông này. Vì vẻ đep khi êm đềm, khi dữ dội của nó. Nhưng có lẽ, sâu xa hơn còn là vì những đau thương và anh hùng mà dòng sông đã trải qua. Dòng sông có chung số phận với con người, với các nhà văn,nhà thơ…Trong thơ các anh, dòng Thu Bồn luôn trở đi trở lại. Và riêng tôi, tôi cũng đã viết. Song, Gửi dòng sông thân yêu của Dương Đức Quảng không hiểu sao vẫn được nhớ đến nhiều nhất, điều không dễ bài thơ nào cũng có được. Tôi đã từng gặp không ít những cuốn sổ tay của các chiến sỹ giải phóng chép nắn nót bài thơ này. Cả những cuốn sổ tay của các học sinh, sinh viên trong phong trào đấu tranh ở các đô thị miền nam thời kỳ ấy…Liệu còn hạnh phúc nào lớn hơn cho một người làm thơ?”
 Nhà văn Nguyễn Khắc Phục thì: “Tôi cảm động và cảm nhận bạn tôi thấm thía hơn khi anh viết những câu thơ bộc bạch và chất phác: Thơ là hạnh phúc nhân đôi/ Là miền ký ức để tôi đi về…
Thật lòng tôi canh cánh điều này, đi về miền ký ức thoạt nhìn tưởng toàn là mơ mộng, âu yếm, thanh thản, nhưng đi thật sâu, thật xa, có khi đụng đến vỉa nước mắt? Như một câu thành ngữ tôi nghe lỏm từ miệng anh lính lê - dương gốc Ba Lan trong phim Điện Biên Phủ: Đời là củ hành, càng bóc càng cay, bóc đến lõi thì trào nước mắt.
Tôi tha thiết tin điều này: Sẽ có nhiều bạn đọc thơ Dương Đức Quảng không làm Quảng phải rất buồn như bạn tâm tình: Nếu ai đó đọc thơ tôi/Đọc xong vô cảm thì tôi rất buồn…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Á Phi, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam viết: “Tôi quen biết ông đã lâu. Ông là một con người  giản dị và chân thành. Từ ông luôn mang lại cho chúng tra cảm giác sự gần gũi và tin tưởng. Điều  làm cho tôi rất kính trọng ông là sự im lặng của ông. Chính sự biết im lặng ấy đã cho ông những câu thơ,những bài thơ mà có lúc tôi đã giật mình. Ông im lặng nhưng lòng ông luôn luôn cuộn chảy bởi ký ức và những suy ngẫm có khi dằn vặt đau đớn. Hầu như mỗi bài thơ của ông là một câu hỏi về chính ông và về chúng ta. Câu hỏi về đạo làm người mà chúng ta phải trả lời một câu trả lời dài đúng bằng cuộc đời mình,kể từ khi sinh cất tiếng khóc chào đời và khi rời bỏ thế gian này”. Và: “Những câu thơ giản dị nhưng sâu sắc của Dương Đức Quảng cho thấy ngay một điều: Ông là người đã thấu được lẽ đời…Những câu thơ ấy đóng góp cho sự tồn giữ và phát triển nhân cách con người trong thế giới hiện đại”
 Còn tôi, đọc những câu thơ, cũng chính là những tâm sự về thơ của Dương Đức Quảng: “Thơ là tinh túy của Trời/là rượu đã uống vào rồi là say/Thơ là tay nắm bàn tay/Là chia sẻ những đắng cay cùng người…”, thì tôi thích định nghĩa thứ ba của ông: “Thơ là tay nắm bàn tay”, vì nó giống nhất con người của ông, là chất  người của ông: Cũng đa tài đa tình như ai, nhưng ấm áp, chân tình hết mực. “Người làm sao của chiêm bao là vậy”. Thơ ông như chính con người ông. Có đa tài, có đa tình, nhưng trước hết là chân thành, ấm áp. Ông viết về những đồng chí, đồng đội ở chiến trường, viết về cha, về mẹ, về chị, về vợ, về bạn bè anh em…đều với những rung động mạnh mẽ của một trái tim giàu tình yêu đằm thắm. Cũng chính từ những rung cảm ấy, cùng một sự trải đời thâm thúy và một cách sống ngay thẳng giữa đời, ông bừng sáng lên những câu thơ khác người, hơn người, lay động lòng người. Giữa những ngày đạn bom ác liệt trên chiến trường, những ngày nhiều người cứ nghĩ rằng cần phải “lên gân, lên cốt” mới động viên được nhau làm nên những việc to lớn, vĩ đại thì ông lại viết: “Có phải càng bình dị/Cuộc đời càng lớn lao”. Và, chỉ có trái tim nồng hậu đối với bạn bè ông mới viết được bài thơ Bạn cũ, một bài thơ đã trở thành thơ “dân gian”, không cần biết tên tác giả, được nhiều người đọc và chép cho nhau trong các cuộc họp mặt bạn bè, đồng đội sau chiến tranh: “Chén rượu đầu Xuân cùng nhau chia sẻ/Bạn bè ơi, đâu phải rượu mà say!”.
Đọc thơ của Dương Đức Quảng ta có thêm một điều gì đó khi nghĩ về lẽ sống hôm nay: “Soi vào mắt đồng đội/Để thấy mình hôm nay”, hay về tư thế sống ở đời:: “Gối chỉ quỳ/Môt lần/Duy nhất/Là lúc đưa cha về với mẹ cuối trời…”.
Triệu Phong