Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đây rồi, cuốn sách ấy!

Bùi Văn Dưn
Thứ tư ngày 1 tháng 1 năm 2014 8:13 PM

         Cuốn sách ấy là cuốn nào?
Trước hết tôi nói qua về mình. Tôi vốn là công an, mới nghỉ hưu. Thời buổi văn hóa đọc bị lấn át, mà bao năm qua tôi vẫn giữ được thói quen “nghiền” sách từ lúc còn trẻ. Lại mê sách trinh thám, kiếm hiệp nữa. Cách đây vài chục năm, khi cuốn Ông cố vấn của Hữu Mai viết về nhà tình báo, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ vừa ra mắt là tôi tìm đọc liền. Rồi cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman viết về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn trong vỏ bọc trưởng đại diện báo Time tại Sài Gòn thời trước giải phóng tôi cũng đã đọc ngấu nghiến. Tôi thường tự hỏi, hai điệp viên gạo cội ấy đều thuộc tình báo quân đội cả, sao ngành công an của mình, trong hai cuộc kháng chiến cũng có nhiều “điệp viên hoàn hảo” lắm, mà chưa có cuốn sách nào tương xứng như vậy? Không những tôi mà nhiều anh em trong ngành cũng có suy nghĩ thế.
Thế rồi mới đây trên báo Văn nghệ công an (số 212, ra ngày 18-12-2013) có đăng bài phỏng vấn nhà văn Phạm Quang Đẩu về cuốn sách mới của ông do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành, tựa là Đơn tuyến, viết về nhà tình báo, Thiếu tướng an ninh Nguyễn Đình Ngọc. Tôi tìm đọc liền (Sách được in với số lượng khá lớn phát hành trong lực lượng công an, song bán ngoài không phải là nhiều).
Qua 300 trang sách, lần đầu tiên mới biết đầy đủ về cuộc đời và chiến công của người điệp viên đơn tuyến vẫn được mệnh danh là “Giáo sư lập dị” ấy. Thì ra, ông cùng thời với Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn, cũng có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà đến giờ mới “lộ” ra, rất đáng để lớp hậu sinh chúng ta tôn vinh, ngưỡng mộ. Tôi còn nghĩ: ông đặc sắc hơn nhiều nhà tình báo khác bởi cá tính người đời gọi là “lập dị” và ông từng giảng dạy nhiều năm ở Đại học Khoa học Sài Gòn, khoa học không đơn thuần là “vỏ bọc” mà ông thực sự đã có những đóng góp trong lĩnh vực chuyên sâu là toán học và tin học. Về văn phong của Đơn tuyến, tôi không muốn so sánh với các cuốn kia (việc này để các nhà chuyên môn làm), nhưng phải nói rằng, tác giả đã khá thành công trong việc tái tạo bằng văn học một nhân vật thật, mà lúc sinh thời nhân vật ấy lại chủ ý giấu rất kín mọi “hành tung” của mình. Vì thế tôi có sự đồng cảm với lời nhận xét của nhà văn Ma Văn Kháng trong thư điện tử gửi tác giả khi đọc xong bản thảo cuốn tiểu thuyết, được giới thiệu ở bìa 4 cuốn sách: “Hiếm có một nhân vật nào mà cuộc dời vừa tự nhiên, vừa được tổ chức tuyệt vời như một tác phẩm nghệ thuật thực sự, đến từng chi tiết, như nhân vật Nguyễn Đình Ngọc trong cuốn sách này. Từ chất liệu có thực đến một chế phẩm văn chương. Đó là tài nghệ và công phu sáng tạo của nhà văn Phạm Quang Đẩu…”
Đơn tuyến- đấy là cuốn sách tôi muốn nói đến. Và hay dở thế nào còn do cảm nhận của mỗi người đọc. Điều tôi muốn nói, là với sự ra đời của cuốn sách, đã giải tỏa được “thắc mắc” bấy lâu của mình.