TNc:Vào lúc 9h30 sáng ngày 16/12/2013, tại Không gian Sáng tạo Trung Nguyên, 52 - Hai Bà Trưng, Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam với sự tài trợ của Không gian Sáng tạo Trung Nguyên sẽ khai mạc triển lãm tranh sơn dầu của nhà thơ Mỹ Kevin Bowen có tên Một gương mặt của lịch sử. Triển làm sẽ giới thiệu 34 bức tranh của nhà thơ Kevin vẽ chân dung các nhà văn, nghệ sỹ Việt Nam. Tại triển lãm, các nhà thơ Mỹ : Kevin Bowen, Bruce Weigl, Martha Collin, Fred Marchant, Nguyễn Bá Chung sẽ đọc thơ.
Xin trân trong kính mời các nhà văn và bạn đọc đến tham dự.
(Thethaovanhoa.vn) - Nhờ thơ Mỹ Kevin Bowen, từng là người lội ngược dòng, bắc cầu văn hóa Việt Nam - Mỹ những năm tháng sau chiến tranh, ông vừa trải qua một tai nạn nghiêm trọng, trí nhớ của ông bị ảnh hưởng. Điều đặc biệt, trong quá trình phục hồi trí nhớ, ông vẽ chân dung các văn sĩ Việt Nam, những người đã cùng ông làm "sứ giả đầu tiên của hòa bình".
Thethaovanhoa.vn xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:
Những năm tháng giá lạnh và đầy thù địch trong quan hệ hai nước Mỹ và Việt Nam đã tan đi một cách cơ bản. Ký ức về những ngày đó có những lựa chọn tốt hơn và công bằng hơn. Nhân chứng của những năm tháng ấy thi thoảng vẫn gặp nhau và câu chuyện của họ mở ra một lối khác. Kevin Bowen và những nhà văn, nhà thơ cựu binh Mỹ vẫn trở lại Việt Nam.
Cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, nhưng hòa bình thực sự không đến cùng ngày với sự im lặng của tiếng súng. Nó vẫn phải đi một chặng đường dài sau đó. Có thể nói, những nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ của cả hai nước chính là những sứ giả đầu tiên của hòa bình bởi người ta tin họ là những người công bằng với sự thật và luôn vươn về phía tốt đẹp. Họ đã đến và mang theo hòa bình trong đôi mắt và giọng nói của họ. Ở Việt Nam, ngôi nhà mà tinh thần của hòa bình giữa hai dân tộc đã đặt chân chính là trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam và ở Mỹ, tôi nghĩ, đó là ngôi nhà của Kevin Bowen ở Dorchester, Boston, bang Massachusetts.
Bây giờ Kevin không còn làm Giám đốc Trung tâm William Joiner (nay đã đổi thành Viện William Joiner). Ông đã chuyển nhà đến Dedham, Boston. Các nhà văn Việt Nam đến Mỹ bây giờ không thường xuyên như trước và cũng ít đến ngôi nhà mới ấy hơn vì nó ở rất xa trung tâm Boston.
Mấy năm trước, Kevin bị tai nạn vì ngã và cú ngã đó làm một phần não ông bị chấn thương. Ông bị mất một phần trí nhớ. Nỗi sợ hãi mất trí nhớ có lẽ là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của con người. Kevin rơi vào nỗi sợ hãi đó. Nhiều năm trước, Kevin đã trở về Ai-len, cố hương của ông, mua một mảnh đất và dựng lên một ngôi nhà bên những quả đồi gần bờ biển. Ông nói ông dựng lên ngôi nhà ấy để chống lại nỗi sợ hãi đánh mất ký ức về cố hương mình. Hàng năm, ông đưa gia đình trở về ngôi nhà đó. Tôi đã đến và ở trong ngôi nhà ấy năm 2003. Tôi đã chứng kiến có những buổi chiều Kevin ngồi bất động nhìn ra cánh đồng cỏ chạy ven chân đồi không bao giờ hết gió. Ông đang nhớ về những người trong gia đình ông ở Ai-len đã khuất. Còn trong ngôi nhà ở Dedham, ông đã tìm ra một phương pháp kỳ diệu để chống lại bệnh mất trí nhớ. Đó là hội họa. Nhưng không. Hội họa chỉ là phương tiện.
Thực sự là như thế. Để chống lại bệnh mất trí nhớ có thể thống trị toàn bộ ông và dìm ông vào bóng tối của sự quên lãng, ông đã dùng một liều thuốc đặc hiệu : Hồi phục ký ức về “kẻ thù cũ” của mình. Đó là những Hoàng Ngọc Hiến, Vũ Tú Nam, Nguyễn Quang Sáng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Quyến, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Đức Mậu, Chu Lượng, Lương Tử Đức….và biết bao nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ khác. Hầu hết những người tôi vừa kể tên đã đến nước Mỹ, trú ngụ trong ngôi nhà của ông trong hơn 20 năm qua và nói về hòa bình và văn hóa. Và theo tôi, hòa bình trong họ là nền hòa bình đáng tin cậy nhất. Bởi họ hiểu cái giá của hòa bình khi dân tộc họ phải đi qua triền miên những năm chiến tranh. Sự tin cậy từ họ đã mang đến cho Kevin một cái nhìn thống nhất tuyệt đối. Cái nhìn ấy được minh chứng trong tất cả các chân dung mà Kevin vẽ. Đó là ánh sáng của sự chân thành và thiện chí tỏa ra từ những bức tranh.
Mỗi một nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ mà Kevin vẽ có những cá tính rất khác nhau và họ có những khoảnh khắc hiển lộ những hành động sống khác nhau trong gia đình, trong công sở, với bạn bè và đồng nghiệp và trong cả sự sáng tạo. Nhưng khi họ đặt chân lên nước Mỹ, đặt chân vào ngôi nhà của một người Mỹ, một cựu binh Mỹ, một nhà thơ Mỹ có tên là Kevin Bowen, họ hình như chỉ mang theo đức tính đẹp nhất của người Việt là sự chân thành, thiện chí và mang theo khát vọng lớn nhất của dân tộc Việt là hòa bình. Ngoài những tấm hộ chiếu họ cầm trên tay nhằm xác nhận danh tính cá nhân họ thì tất cả những con người này đều mang theo một tấm hộ chiếu chung để xác nhận danh tính dân tộc họ. Tấm hộ chiếu này có lúc bị bỏ quên đâu đó hay bị thất lạc nhưng không bao giờ bị đốt cháy. Tấm hộ chiếu đó, tôi đã nhìn thấy dòng chữ : Vương quốc Hòa bình và Văn hóa Việt Nam. Tôi tin rằng: khát vọng tận cùng của mỗi dân tộc là xây dựng đất nước họ thành một Vương quốc hòa bình và văn hóa. Những nhà văn, nhà thơ và nghệ sỹ chân chính Việt Nam đã mơ về một Vương quốc như vậy và nỗ lực hành động cho giấc mơ ấy.
Suốt hơn hai mươi năm, hầu như mọi mùa hè đều có những nhà văn, nhà thơ và nghệ sỹ Việt Nam đến và ở lại trong ngôi nhà của Kevin ở Dorchester, rồi ở Dedham. Họ đến đó sau một chặng đường dài nửa vòng trái đất và sau những khó khăn, phức tạp của việc xin visa vào Mỹ trước khi quan hệ hai nước được bình thường hóa. Họ đến đó như chẳng để làm chuyện gì to tát ngoài việc nấu ăn, chơi với trẻ con, chơi bóng rổ, vẽ, đọc thơ, hát và trò chuyện. Họ ngồi với nhau trên hiên nhà phía sau thì thầm đến khuya. Những lúc như thế, tôi có cảm giác họ đã giải quyết xong tất cả những gì còn tồn đọng sau cuộc chiến giữa những người lính của hai phía. Họ là những nhà ngoại giao siêu đẳng. Và những truyện ngắn, những trang tiểu thuyết, những bài thơ, những bức tranh…là những văn bản tối thượng của các nhà ngoại giao này.
Từ ngôi nhà của Kevin sực nức mùi ẩm thực Việt Nam trong những ngày hè, những văn bản siêu ngoại giao này được gửi đi cho rất nhiều người Mỹ ở các tầng lớp xã hội khác nhau. Có một thứ lợi ích mà cả hai bên đều được hưởng nhưng không bên nào thấy mình bị thiệt thòi và gây ra những tranh chấp. Đó chính là lợi ích của hòa bình và văn hóa. Còn những lợi ích khác lại luôn luôn có nguy cơ trở thành ngòi nổ của thù hận và đôi khi của những cuộc chiến đẫm máu.
Khi vẽ là lúc Kevin đang phục hồi ký ức của ông. Các nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ mà Kevin vẽ cũng đang phục hồi ký ức mình khi đứng trước chân dung mình. Thời gian cứ thế trôi và họ đã già đi. Nhưng với Kevin thì họ chỉ “ trưởng thành mà không già đi” như ông nói. Tôi thấy trong ký ức của Kevin, vẻ đẹp và khát vọng của những nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ Việt Nam mà ông đã tiếp xúc vẫn tiếp tục lớn lên cho dù phần sống của họ ở ngoài ký ức của Kevin có những lúc đổi thay. Và tôi thấy, tôi là một ví dụ cho điều này. Càng sống thì tôi càng cộng thêm vào mình những thói hư tật xấu trong khi đó có một tôi ở trong ký ức của Kevin lại vẫn đang trưởng thành với những gì đẹp đẽ và trong sáng. Điều này vừa làm cho tôi hạnh phúc vừa làm tôi xấu hổ.
Kevin không phải là họa sỹ, nhưng Kevin đã làm ra những chiếc gương bằng hình thức hội họa. Những chiếc gương này khác những chiếc gương thông thường ở một điểm. Những chiếc gương thông thường không soi được quá khứ. Còn những chiếc gương của Kevin lại cho chúng ta thấy chúng ta đã từng là và đã từng sống như vậy. Và điều phấn khích kỳ lạ và cũng đầy hoang mang là trong ký ức của Kevin, chúng ta vẫn lớn lên từng ngày với những phẩm tính tốt đẹp của chúng ta cho dù có lúc những phẩm tính ấy lại ở bên ngoài chúng ta. Và giờ đây, Kevin đã mang những bức tranh này đến Việt Nam. Hội Nhà văn Việt Nam với sự hỗ trợ của Không gian sáng tạo Trung Nguyên tổ chức trưng bày những tác phẩm hội họa đặc biệt này.
Kevin không định trở thành một họa sỹ, ông càng không có ý định làm một triển lãm, ông chỉ là người mang chúng ta về lại cho chúng ta mà thôi.
Thethaovanhoa.vn xin giới thiệu một số bức chân dung và "lời tựa" của tác giả Kevin Bowen về các văn sĩ Việt Nam:
Nhà thơ Chính HữuChính Hữu, cùng với Vũ Tú Nam, có lẽ là những người đóng góp lớn nhất cho sự thành công của dự án trao đổi và dịch thuật đầu tiên. Ông nằm trong thế hệ những người tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông đã khiến tôi ngạc nhiên bởi phong thái thành thị thực sự. Tôi không bao giờ quên được ngày ông đưa chúng tôi bản thảo bằng giấy vỏ hành bao gồm tuyển tập các bài thơ viết bởi những người lính trong chiến tranh. Mọi thứ vẫn còn khó khăn thời đó vào năm 1987, giấy vẫn còn rất hiếm. Những bài thơ ngắn được đánh máy trên từng nửa tờ giấy, bản thảo được gộp lại bởi một kẹp giấy mỏng. Chính Hữu đã nghỉ hưu trước khi cuộc trao đổi bắt đầu, và sau đó vì ốm đau ông không thể đi lại nhiều, nhưng chúng tôi vẫn luôn hỏi thăm khi nào ông có thể tới thăm ông được. Có lẽ là vì những bài thơ của ông về thành phố và cách ông xử sự, khi tôi nghĩ tới ông tôi nghĩ tới những bức tranh của Bùi Xuân Phái, một người đàn ông đội mũ lệch di chuyển sống động qua những dãy phố nổi tiếng đó.
Nhà văn Nguyễn Khải
Nguyễn Khải là một trong vị khách đầu tiên của chúng tôi. Luôn ăn mặc chỉnh tề, mang theo vừa đủ sự hòa trộn giữa trang trọng và dân dã, ông dường như vừa bước ra từ một khoảng không đã biến mất. Tôi nhớ là vào năm 1989, ngay cả sau khi bị tấn công bằng vũ lực và lời nói sau một cuộc nói chuyện tại Thư viện công cộng Boston, sườn ông bị thâm tím nặng, ông vẫn xử sự với sự tự trọng và điềm tĩnh, không bao giờ thể hiện dù chỉ một chút tức giận hay phẫn uất. Cũng vào năm đó, tôi nhớ rằng ông, Nguyễn Quang Sáng, và Lê Lựu đã gặp Thượng nghị sĩ John Kerry, và Nguyễn Khải, như một nhà ngoại giao lịch sự, đã có một cuộc trò chuyện dài với Thượng nghĩ sĩ bằng tiếng Pháp. Phẩm chất này, một phẩm chất còn hơn cả vấn đề “phong cách,” mà tôi đã cố gắng nắm bắt lấy trong bức tranh này được lấy ra từ hình ảnh của một bức ảnh chụp cùng ngày chúng tôi gặp gỡ Thượng nghị sĩ.
Nhà thơ Phạm Tiến DuậtTôi vẽ bức chân dung này từ một bức ảnh năm 1990 khi ông chụp với một nhóm nhỏ cùng Hữu Thỉnh, Trần Minh Hồ và một vài người khác. Khi đó chúng tôi thường ở Hồ Tây, chỉ tới sau này khi ở trung tâm Hà Nội tôi mới biết tới sự nổi tiếng của ông. Chúng tôi đang ngồi tại bàn ăn khi một bài hát được phát trên radio, dần dần mọi người đều hướng về phía bàn chúng tôi nơi tác giả nhà thơ đang ngồi. Ông đã hát bài hát đó, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây cho một nhóm khán giả tại Boston, khiến cho nhiều người xúc động. Ông đã dành thời gian với chúng tôi đọc những tấm microfilm bao gồm sổ tay của những người lính bị bắt giữ để tìm những lá thư và những bài thơ mà sau này đuợc in tại Việt Nam.
Tôi nghĩ bài thơ của ông mà tôi yêu thich nhất vẫn là bài Cây cầu được viết vào tháng 8 năm 1964 khi ông mới 19 tuổi vào thời điểm “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” dẫn tới việc ném bom miền Bắc. Duật luôn đợi chúng tôi tại Hà Nội, dẫn chúng tôi tới những cuộc phiêu lưu nhỏ, lần đáng nhớ nhất là chyến đi qua Hồ Tây trên một con thuyền nhỏ tới một ngôi chùa nơi chúng tôi đốt vàng mã và cầu khấn cho những người đã khuất. Tôi vẫn nghĩ tôi nghe được giọng ông, cảm nhận được tâm hồn ông mỗi lần tôi tới thăm Việt Nam.
Nhà thơ Thu BồnTôi không nghĩ bất kỳ ai từng gặp Thu Bồn có thể quên được ông. Sự chói lọi của ông được tôn lên bởi sự hiền lành và nhã nhặn khiến mọi người yêu quý ông. Vào mùa hè ông ở Dorchester, ông trở thành huyền thoại với những người hàng xóm với bộ comlê trắng and mái tóc bạc dài bay trên phố. Ông đã làm bạn với những người hàng xóm và lũ trẻ nhà họ, làm họ thức khuya lắng nghe những câu chuyện của ông.
Kỷ niệm rõ ràng nhất là một đêm trên sông Bé, trong vườn thơ của ông, ngồi bên đống lửa với những cựu binh và gia đình họ từ nhiều lĩnh vực trong chiến tranh, nhà thơ, nghệ sĩ, những góa phụ, nhiều người đã mất chân tay, tôi quan sát những những thân hình khác nhau hiện lên, tỏa bóng bên đống lửa, ca hát, quan sát những người khác, tham gia cùng họ , cầm tay họ, có ai đó cầm một cây nến khi tôi đọc thơ. Bằng cách nào đó tôi cảm thấy tôi mới chỉ bắt đầu vẽ người đàn ông này, mái tóc có phần hoang dã của ông, với nụ cười ôm lấy tất cả mọi người.
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến
Tôi từng đọc các bài viết của giáo sư Hiến trước khi ông đến Boston. Từ những bài viết đó tôi biết rằng ông là một người chân thành, một nhà học giả thực sự độc lập và luôn đổi mới. Đối mặt với những đe dọa từ những người cuồng tín chống cộng trong cộng đồng ông không nhất thiết phải đến Boston, nhưng ông đã đến. Cùng với giáo sư Nguyễn Huệ Chi, ông đã làm việc trong văn phòng phía sau trung tâm với Nguyễn Bá Chung. Cả hai người đều không hề nao núng khi cảnh sát bước vào và báo cho họ biết rằng đã có một cuộc gọi dọa đánh bom vào cuộc thuyết trình của ông. Nhưng cả hai đều muốn tiếp tục.
Giống như một người ông hiền từ, GS Hiến là một giáo sư mà tất cả chúng ta đều muốn có. Tất cả mọi người đều yêu quý ông. Tôi nhớ ngày ông tới trường khi mà những cảnh sát có trách nhiệm giữ an toàn cho ông và họ gặp ông lần đầu, viên chỉ huy của đơn vị thở dài, lắc đầu và nói “vậy đây là người đàn ông nguy hiểm nhất đó sao.” Tôi đã có vinh dự được đến thăm ông tại nhà và văn phòng tại Hà Nội. Gặp ông tại Hà Nội, tôi thấy bao quanh ông là những cuốn sách ông yêu thích, một bức chân dung sơn dầu vẽ Mayakovsky trên tường. Một người đàn ông viết về lịch sử và cuối cùng ông đã làm nên lịch sử.
Nhà văn Vũ Tú Nam
Khi tôi nói với Bruce Weigl rằng tôi đang vẽ một bức chân dung của Vũ Tú Nam, Bruce nói với tôi rằng tôi phải nhớ vẽ được nụ cười đó. Đó là nụ cười dường như bay về từ ngọn núi cao xanh thẳm, ôm lấy những người may mắn được thấy nụ cười đó. Tôi luôn nhớ lần đầu chúng tôi gặp nhau, với ông và Chính Hữu, và không bao giờ quên được sự tử tế của họ. Tôi vẫn có thể nghe được tiếng gà gáy ngoài cửa sổ khi tôi phỏng vấn ông năm 1992, khi ông kể cho tôi nghe về lá thư ông viết cho vợ lúc đang gia nhập với những người theo đạo Thiên Chúa miền Bắc. Tôi cố gằng nắm bắt lấy vẻ lịch lãm và sức mạnh bao quanh ông, cũng như cảm giác của một người đàn ông mặc dù truởng thành nhưng cũng không lạ gì với sự hóm hỉnh như một cậu bé.
Nhà văn Nguyễn Quang SángVì một vài lý do, khi tôi vẽ Sáng, tôi cảm thấy như mình đang cố nắm bắt một sức mạnh có thể có của một con người. Mỗi lần gặp Sáng, ông luôn tỏ ra là trung tâm của một vòng tròn năng lượng lớn. Mọi người gặp ông đều biết đến tiếng cười của ông.
Tôi luôn liên hệ nhà văn Sáng với âm nhạc. Tại Boston, tôi vẫn nhớ lúc ngồi ngoài vườn khi ông hát những bài hát cũ của Trịnh Công Sơn cùng những người bạn. Tại Sài Gòn, tôi vẫn nhớ lúc lắng nghe piano của con gái một người bạn từ cửa sổ vào một con ngõ nhỏ khi chúng tôi ngồi ngoài đó quay thịt lợn. Chúng tôi đã có rất nhiều buổi tối muộn với nhau, bao gồm cả những hôm tôi quan sát ông chơi bóng rổ ở sân sau nhà tôi. Tôi cố gắng nắm bắt những điều đó trong bức chân dung đầu tiên. Rồi sau khi tới thăm ông tại nhà mới, nhìn thấy chiếc võng rừng cũ của ông trong phòng làm việc của ông, bàn làm việc với những bức ảnh ông hồi trẻ trong rừng, tôi quan sát ông ôm đứa cháu mình. Lúc đó tôi biết là mình cần phải vẽ một bức chân dung thứ hai của ông khi còn trẻ.
Nhà văn Nguyên Ngọc
Dù nay đã là một nhà văn lớn tuổi, Nguyên Ngọc dường như không bao giờ già đi. Tôi vẫn còn nhớ lần quan sát gương mặt ông trở nên đầy sức sống lần đầu tôi phỏng vấn ông năm 1992, đôi mắt ông sáng lên khi ông kể về cuộc đời mình trong chiến tranh và cái ngày ông thấy gương mặt vợ mình giữa những tù nhân được thả nhiều năm sau khi ông tưởng bà đã chết.
Tôi còn nhớ mười năm sau đó vợ tôi, các con tôi và tôi ngạc nhiên quan sát ông và Trần Văn Thủy sắp xếp một bàn ăn ở sân sau nhà khi chúng tôi đang lóng ngóng chuẩn bị nấu ăn ngoài trời. Ngọc bất ngờ xuất hiện, còn tôi đang băn khoăn không hiểu sao tôi có thể vừa tiếp khách vừa chuẩn bị đồ ăn cùng một lúc. Không có vấn đề gì, Nguyên Ngọc tham gia vào ngay, vui vẻ giúp đỡ và trò chuyện. Đó là phẩm chất của người đàn ông tôi tìm kiếm trong bức chân dung.
Nhà thơ Hữu ThỉnhMột trong những kỷ niệm sống động nhất của tôi là về Hữu Thỉnh, Lê Minh Khuê, và Nguyễn Quang Thiều bước xuống máy bay, bước đi trên con đường vào ngày họ tới Boston. Họ tới thăm và tạo ra một mối liên kết vẫn tồn tại ba mươi năm sau. Ban đầu chúng tôi cũng hơi hồi hộp vì chức vụ cao và quá khứ hoành tráng của ông nhưng vào một ngày ông vào bếp nhà tôi với chiếc mũ dạ và bộ đồ ngủ thì tôi biết rằng chúng tôi sẽ trở thành bạn lâu dài. Thường vào buổi sáng, ông đưa tôi ra vườn và dạy tôi những bài tập để bảo đảm sức khỏe, vào buổi trưa ông thường kể chuyện và nấu ăn. Ông còn giúp chúng tôi đóng một chiếc gương trước cửa chính để phản lại khí xấu vì ông lo lắng vấn đề phong thủy của nhà tôi. Ông cũng thường trông chừng mỗi khi con trai tôi chơi ở sân sau.
Một trong những kỷ niệm đẹp nhất của tôi mới chỉ hơn một năm trước đây khi chúng tôi cùng đi ăn tối ở Hà Nội, Thỉnh và vợ ông, tôi cùng vợ tôi Leslie, con gái tôi Lily và hai cô con gái ông. Tôi vẽ bức chân dung này cũng với bức ảnh chụp năm 1990 tôi dùng để vẽ chân dung Phạm Tiến Duật. Những nhà thơ của chiến tranh, những đôi mắt đầy niềm vui và nỗi buồn, tình bằng hữu, những điều kỳ diệu, và sự mất ngủ triền miên.
Nhà văn Lê LựuLê Lựu là nhà văn đầu tiên chúng tôi gặp tại Việt Nam. Ông là người dẫn đường và là đại sứ của chúng tôi. Vào cuối những năm 80, ông dẫn chúng tôi tới thăm những ngôi nhà mù tối vào ban đêm, những ngôi làng của những cựu binh tật nguyền, tới gặp những cựu binh khác nơi mà chúng tôi xếp những núi bia và thuốc lá, những thứ hàng hiếm trên bàn. Ông là người đầu tiên tới và thăm chúng tôi tại Hoa Kỳ, du lịch quanh đất nước, gặp những cựu binh và nhà văn tại những vùng chưa được thám hiểm.
Cũng giống như những gì ông đã làm trước chiến tranh, khi ông được gửi lên biên giới để trao đổi thực phẩm với những người lính khác. Tôi đã tìm những hình ảnh của Lê Lựu thời trẻ cho bức chân dung, cố gắng lột tả người đàn ông có thể là Sài hoặc anh trai ông trong “Thời xa vắng,” có thể là một anh hùng, một cậu bé quê, ngây thơ nhưng cũng thông thái dần qua thời gian, không thoải mái lắm trong bộ com lê, nhưng luôn biết rằng ông có nhiệm phụ phải trình diễn.
Nhà văn Đỗ ChuTôi nhớ rất rõ đêm đầu tiên Đỗ Chu tới thăm Boston. Ông đến với đầy những tấm toan căng sẵn và màu dầu sẵn sàng để vẽ. Chúng tôi thức khuya mỗi đêm sau khi hoàn thành công việc ban ngày, nói chuyện, trao đổi những câu chuyện, khi ông vẽ chân dung Leslie và cả tôi mà đến giờ vẫn treo trong nhà tôi. Ông không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, và cứ lần nữa, cho dù chúng tôi có ngăn cản rằng “bức chân dung đã xong rồi,” chúng tôi vẫn quan sát ông đi ra vườn sau và cạo đi tất cả những gì ông vẽ cả ngày.
Ông là một trong những người rất thích bạn bè khách khứa với lòng trắc ẩn sâu sắc. Tôi được biết tới câu chuyện về việc ông từ bỏ viết lách trong hơn 5 năm để về quê chăm sóc vợ. Vài năm trước ông dẫn chúng tôi tới thăm quê nhà Bắc Ninh. Tại đó chúng tôi thấy một vài bức tranh của ông, căn phòng nơi ông làm việc, chúng tôi lắng nghe và trò chuyện với những nghệ sĩ quan họ địa phương trong một buổi tối kỳ diệu. Năm ngoái khi chúng tôi tới thăm Khe Sanh, ông thấy một bức ảnh của một nhóm bao gồm ông khi còn trẻ treo trên tường một bảo tàng. Trong bức chân dung này tôi cố gắng nắm bắt lất ông, sự kết hợp của người lính, nhà văn, học giả, mang lại hình ảnh và sự ân cần của ông.
Nhà thơ Nguyễn Duy
Phòng vẽ của tôi chứa đầy phác thảo, chân dung và ảnh của Nguyễn Duy. Ông thường chụp cùng một người bạn. Tuy nhiên không có bức ảnh nào lột tả được ông hoàn toàn. Rồi tôi nhận ra rằng đó là bởi vì Nguyễn Duy luôn chuyển động, luôn làm gì đó, luôn nói chuyện, cười đùa, ngồi ở sân sau nhà chúng tôi châm thuốc lá.
Tôi vẫn nhớ lần tới thăm ông, mặc dù sau tai nạn xe máy ông bị gãy chân, ông vẫn tự ngồi dậy và tự di chuyển quanh chiếc bàn gỗ lớn trong nhà ông. Tôi nhớ lần ở Connecticut ông đặt những vật dụng từ quê nhà, những chiếc giỏ mây, thìa, chiếu quanh căn phòng của một trường trung học, giới thiệu với học sinh rằng ngay lúc đó những vật này có thể chỉ đơn giản là những thứ vô sinh nhưng với hơi thở của thi ca chúng có thể trở nên sống động. Trong bức chân dung, tôi cố gắng làm cho ông dừng lại dù chỉ là một khoảnh khắc để chúng ta có thể thấy được ông, một cậu bé tại một ngôi làng ở Thanh Hóa đang quan sát chiếc xe kéo của ông mình đi xa dần qua quả đồi, một người lính nhìn xuống một lối đi vắng, một nhà thơ nhìn vào chính khuôn mặt mình đang nhìn lại ông từ Đài tưởng niệm cựu binh Việt Nam.
Nhà văn Ma Văn Kháng
Những gì tôi nhớ về Ma Văn Kháng thường là những buổi sáng hoặc chiều tại văn phòng. Chúng tôi ít khi có thời gian nói chuyện riêng với nhau, nhưng tôi biết các tác phẩm của ông nằm trong số các tác phẩm quan trọng nhất được viết tại Việt Nam. Có lẽ đó là lý do khi tôi vẽ chân dung ông tôi nhận ra rằng đó là bức chân dung về một họa sĩ cố gắng nhìn vào vấn đề của mình cũng như là một bức chân dung của Ma Văn Kháng. Cũng giống như Trung Trung Đỉnh, tôi cảm nhận được rằng ông là một nhà văn có nguyên tắc và nhiều cống hiến. Một nhà văn không bao giờ ngừng, luôn cống hiến các tác phẩm, các nguyên tắc của mình, cảm thấy sung sức nhất khi sáng tác và khi ở quanh các đồng nghiệp và những người xung quanh.
Nhà thơ Ý NhiÝ Nhi dường như luôn mang theo mình một nguồn sức mạnh. Một sức mạnh và sự ngay thẳng. Bà gần như một nhân vật bước ra từ truyện cổ tích. Trong tâm trí tôi bà là một trong những nhà thơ có mối liên hệ lớn nhất với thơ của mình. Tôi nghĩ về Người đàn bà ngồi đan và Thư gửi con.
Tôi không bao giờ quên lần bà đọc thơ cùng Demetria Martinez tại Thư viện công cộng Boston hoặc tại Santa Fe, đọc thơ tại trung tâm Lannan, hình ảnh bà xuất hiện trên sự trống trải của sa mạc, những ngôi làng người da đỏ. Trong bức chân dung tôi cố gắng nắm bắt lấy tư thế khi bà chuẩn bị phát biểu, hình ảnh một người phụ nữ phá vỡ những khuôn mẫu và thần thoại cũ, truyền tải tới chúng tôi những gì bền vừng, tốt và có giá trị, cách để bước đi ngay thẳng trên thế giới này.
Nhà văn Lê Văn ThảoTôi đã tưởng rằng Thảo sẽ là người khó vẽ nhất. Sự nhiệt tình của ông luôn hiển hiện nhưng dường như dừng lại ở một đỉểm, một ranh giới. Tôi vẫn nhớ một đêm đọc sách tại Dorchester tại sảnh một nhà thờ. Đó là câu chuyện của ông về một trận lũ. Tôi đọc bản dịch khi ông đứng cạnh tôi. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác khi ông hiện diện ở đó, cảm nhận sức mạnh của sự hiện diện đó, sức mạnh của một người biết rằng sẽ không thể nào kể được một câu chuyện như thế, bất cứ câu chuyện nào, theo cách mà những người khác có thể hoàn toàn hiểu được. Nhưng ông đã ở đó, tại một điểm dừng, sẵn sang với thử thách.
Trong chân dung ông, tôi cố gắng thể hiện người đàn ông sống phía sau và xa hơn đôi mắt đó, một người đàn ông luôn ghi nhớ cái giá của chiến tranh, vẫn ngạc nhiên và xấu hổ trước hành động mà lòng tốt và sự tử tế của con người và tự nhiên có thể làm được.
Nhà văn Lê Minh Khuê
Lê Minh Khuê là nhà văn nữ đầu tiên tới thăm chúng tôi. Tôi nhớ bà rất rõ từ hội nghị năm 1990 khi bà nghiêng người qua bàn và nhìn vào đoàn nhà văn Hoa Kỳ toàn đàn ông chúng tôi và hỏi “phụ nữ của các ông đâu?”.
Khi bà tới Hoa Kỳ, con gái tôi Lily mới chỉ hai tháng tuổi, rất nhiều kỷ niệm của tôi thời gian đó là về Khuê với hình ảnh bà bế con gái tôi. Có khoảng một tá nhà văn ở chung trong hai căn nhà cạnh nhau tại Dorchester trong vài tuần đó, sau mỗi cuộc hội thảo và đọc sách, họ thường ngồi ngoài hiên nhà mỗi buổi tối mát trời và sau đó, đó là cuộc gặp gỡ lần đầu của những cựu binh phía “bên kia”.
Bản phác thảo này là dựa trên một bức ảnh tôi chụp trong những ngày đó. Trong đó, Lê Minh Khuê, Carolyn Forche, Linda Vandervanter, một y tá tại Việt Nam trong chiến tranh, và Lady Borton ngồi quanh một bàn ăn trong bếp nhà tôi. Cái nhìn trên gương mặt mỗi người họ nói với tôi về khả năng chiến thắng của sự thân ái và lòng trắc ẩn chung sau nhiều năm chiến tranh. Tôi đã cố gắng đưa những đìều đó vào bức chân dung. Tôi đã thấy cũng cái nhìn đó nhiều năm sau khi Carolyn và Khuê gặp lại nhau tại Hà Nội.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ
Tô Nhuận Vỹ tới Boston cùng Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, và Nguyễn Quang Thiều vào một trong những mùa hè nóng nhất. Nóng tới nỗi không thể ngủ được nhiều đêm. Tôi biết ông đã rất nhớ nhà, nhớ vợ và ba cô con gái. Ông rất thích nói về họ khi ông bế con gái tôi Lily. Lúc đó có một nhóm ba hoặc bốn cô gái trẻ là sinh viên tại trường đại học và làm việc cùng chúng tôi, gia đình họ đến từ Huế. Họ rời Việt Nam khi còn rất nhỏ, họ luôn tập trung quanh ông để nói về gia đình mình. Tôi biết không có gì là Vỹ không làm vì gia đình ông. Ông và vợ đã phải rời nhà và trú ẩn trong hang trong chiến tranh. Sau khi bị thương nặng ông được đưa tới thành phố bởi một nhóm phụ nữ bảo vệ ông và tránh các cuộc ném bom. Tôi cố gắng đưa vào một chút lịch sử đó vào chân dung ông, một người đàn ông biết rõ về chia sẻ nỗi đau và sự mất mát, một người luôn vui vẻ và cảnh giác để bảo vệ những gì ông yêu quý.
Nhà văn Cao Tiến LêTôi lấy hình ảnh này từ một tấm ảnh ở phía sau một cuốn sách của ông. Nó làm tôi nhớ đến bài phát biểu của ông vào năm 1990 khi ông nói về cảm giác là một người lính trong chiến tranh. Sự thật là chiến tranh cuối cùng cũng chỉ là giết chóc. Một điều gì đó để tự hào, cho dù mọi thứ có thay đổi theo năm tháng. Có điều gì đó hoành tráng và vĩ đại về khoảnh khắc đó, một cột mốc nhắc chúng tôi nhớ đến điều kết nối và chia rẽ chúng tôi, và những điều chưa nói nhưng chưa thể nói được. Hình ảnh của ông được ghi khắc vào bức tranh, một chuỗi những buổi gặp mặt, một người lính/nhà văn cuối cùng cũng được bình yên tại bàn làm việc của mình.
Nhà văn Trung Trung ĐỉnhTrung Trung Đỉnh và tôi có vài điểm chung, trong đó một vài lần trong cuộc chiến ở An Khê, trên vùng cao miền Trung. Với tôi đó chỉ là một tuần, với Đỉnh đó là mười năm, khi mà dịch sốt rét bỏ ông lại đó với những người dân vùng cao khi mà đơn vị của ông từ miền Bắc đã chuyển đi. Ông phục vụ với tư cách người quan sát và liên lạc viên, người miền Bắc duy nhất trong đơn vị. An Khê dường như là một nơi ma quái đầy sương mù và những điều kỳ bí trong vài ngày tôi ở đó trong cuộc chiến.
Tôi vẫn nhớ rằng mình đã rất ấn tượng với những bài thơ đầu tay của ông khi được ông chia sẽ . Ông đã đọc những bài thơ đó cùng Bruce Weigl trong một buổi tối đáng nhớ. Vài năm trước tôi tới thăm Trung Trung Đỉnh tại nhà ông. Lúc đó đã tối muộn và chúng tôi phải đi qua những con hẻm để tìm tới nhà ông. Tôi đã chụp ảnh ông tối hôm đó, nhưng cho dù đang ở giữa long Hà Nội, với tôi ông dường như vẫn đang ở ngoài đó giữa rừng quan sát và quan sát như chỉ một nhà văn mới có thể. Những chuyển động của ông mang theo ánh sáng sống động nên ông cấn phải di chuyển qua những khu rừng vùng cao trong suốt cuộc chiến. Tôi đã cố nắm bắt những điều đó trong bức chân dung.
Nhà văn Phan Thị Vàng AnhLần đầu tôi gặp Phan Thị Vàng Anh, bà đang một mình tới Hoa Kỳ với học bổng của chương trình sáng tác Iowa. Bà đã tới trường đại học của chúng tôi để đọc tác phẩm. Căn phòng chứa đầy sinh viên và tất cả đều chú ý tới bà. Cũng giống như họ, tôi nghĩ tôi đã kinh ngạc trước sức mạnh, sự độc lập, và tự tin của bà với tư cách một bác sỹ, một nhà văn, một người phụ nữ tự đi nước ngoài một mình, hoàn toàn thoải mái với bản thân. Tuy nhiên vẫn có cảm giác có thứ gì đó chưa lộ ra. Tôi cố gắng nắm bắt lấy khoảng không kỳ bí xung quanh bà, sự hiện diện đầy thử thách và bí ẩn tôi muốn đưa vào tranh vẽ về bà.
Nhà văn Bảo NinhKhi vẽ Bảo Ninh, tôi cứ nhớ đến vài dòng trong bài thơ Trần Minh Hồ đọc tại hội nghị năm 1990, “sau trận chiến, khi tôi đi tìm một người bạn, tất cả những người khác đều là người lạ.” Tôi nghĩ tôi chưa bao giờ thấy cái nhìn tìm kiếm đó trên gương mặt Bảo Ninh. Có người nói rằng câu chuyện của ông về việc sống sót qua chiến tranh được viết trên gương mặt ông. Nhưng tôi vẫn không thể không cảm thấy rằng gương mặt đó vẫn đang tìm kiếm để viết một câu chuyện khác. Dù là truờng hợp nào thì vẫn có một luồng điện ông luôn mang theo, một nguồn năng lượng sẵn sang bùng nổ ngay cả trong những khoảng khắc lặng lẽ, sẵn sàng tìm đường quay trở lại thế giới, vào từng câu chữ và những câu chuyện của ông. Đó là một sự bùng nổ mặc dù phần lớn rất thoải mái và đúng đắn. Tôi đã cố mang những điều này vào chân dung ông. Ông là chủ đề của rất nhiều bức chân dung, thậm chí cả bức vẽ đôi dép lê ông để lại nhà chúng tôi ở Dorchester.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Tôi nghĩ Trần Đăng Khoa là sức hút trung tâm của một nhóm nổi bật bao gồm Nguyễn Quang Thiều, Tô Nhuận Vỹ, và Phạm Tiến Duật. Khoa là một huyền thoại, tất nhiên, một nhà thơ thiếu niên trong chiến tranh, thơ ông được đọc khắp các vùng quê. Người Pháp đã làm một bộ phim về ông. Ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý tới. Giờ đây khi đã trưởng thành hơn, ông dường như vần mang theo mình sự hồn nhiên của một cậu bé, được tôi luyện bởi sự thông thái ông đạt được qua thời gian. Trên thực tế, dường như ông luôn luôn có hai chiều, một gần như cổ điển, một lại rất trẻ trung. Bât kể quá khứ của mình, ông không tỏ ra dù chỉ một chút huyênh hoang kiêu ngạo. Tôi vẫn nhớ lần chứng khiến ông làm việc cùng Fred Marchant ở một phòng phía sau trung tâm, bắt đầu dịch bài thơ “Con Cò Trắng Muốt” của ông. Hai người đàn ông trưởng thành, cùng một lúc trông họ như cậu nam sinh trẻ và những nhà sư già. Tôi cũng cố đưa những điều đó vào bức vẽ.
Nhà thơ Nguyễn Đức MậuLúc nào cũng có một điều gì đó đặc biệt mỗi lần gặp gỡ Nguyễn Đức Mậu. Mỗi lần chúng tôi gặp nhau, tôi cảm thấy rất gần gũi nhưng cũng có một sự gượng gạo chung. Tôi nghĩ đó là do chúng tôi không thể giao thiệp hoặc không thể giao thiệp một cách chính xác. Cuối cùng tôi nghĩ chúng tôi đã giải quyết được bằng ngôn ngữ ký hiệu và mọi chuyện đều ổn, không có gì nhất thiết phải nói ra ngoại trừ điều kỳ diệu là chúng tôi ở cùng một nơi, chia sẽ không gian, đồ uống, một khu vườn, một bữa cơm. Có lẽ đây là ngôn ngữ bí mật của những người sống sót. Mậu từng là một người lính ở Quảng Trị trong suốt cuộc vây hãm, trong những ngày mà thành phố bị tàn phá. Tôi nhớ những câu chuyện từ một người bạn đã từng ở đó chiến đấu trong quân đội miền Nam, khi mà dòng sông chuyển thành màu đỏ của máu. Một nhóm chúng tôi đã mang hoa tới đài tưởng niệm ở đó năm 2011, viết tên chúng tôi vào cuốn sỏ lưu niệm. Tôi đã vẽ hai chân dung của Mậu, một là từ bức ảnh tôi chụp tại Hà Nội khi chúng tôi cùng uống cạnh Hồ Tây gần nơi John McCain bị bắn rơi. Bức thứ hai là từ một bức ảnh tại một buồi gặp gỡ các dịch giả khi ông đội chiếc mũ nồi đặc biệt của mình.
Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang
Tôi chưa từng gặp một người phụ nữ nào là cán bộ quân đội từ Việt Nam trước khi Nguyễn Thị Như Trang tới Boston. Tôi không nghĩ bất kỳ ai trong chúng tôi biết nên phải cư xử như thế nào. Tôi tin rằng chúng tôi đã chọn đúng thời điểm từ những lần đến thăm các giáo viên tiếng Anh từ Cần Thơ, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, và Hà Nội, họ đã mang tra và trái cây tới vườn nhà chúng tôi và chúng tôi coi bà như một nhà giáo đáng kính cũng như một anh hùng quân đội và nhà văn. Tôi lấy hình ảnh cho bức chân dung của bà từ một bức ảnh chụp tại một bữa ăn trong một buổi chiều bên Hồ Tây, Hà Nội. Tôi cố gắng nắm bắt lấy ý nghĩa của quyền lực bị kìm hãm, sự thông thái và sự hiện diện của bà, cái cách mà bà dường như làm lệch hướng và phản chiếu thực tế của chiến tranh trong đôi mắt của mình.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
Vì một vài lý do tôi cảm thấy nhất thiết phải vẽ Lâm Thị Mỹ Dạ dưới một bóng cây. Tôi không chắc là tại sao. Lâm Thị Mỹ Dạ với tôi dường như luôn là một người với nội tâm sâu sắc, một người hoàn toàn với bản thân bà ấy, phong cảnh, những con phố hàng cây ở Huế. Bài thơ “Khoảng Trời Hố Bom” của bà là một trong những bài thơ đầu tiên tôi đã dịch cùng Ngô Vĩnh Hải. Tôi đã kinh ngạc trước cái cách mà bài thơ chuyển câu chyện về một tình huống bạo lực khủng khiếp thành một khoảnh khắc mặc tưởng yên tĩnh, thành một khoảnh khắc chiến tranh mà vượt qua cả chiến tranh. Khi tôi gặp Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi đã rất ẩn tượng với sự dịu dàng và điềm tĩnh của bà. Dường như bà là hiện thân của những suy nghĩ và cảm xúc chứa đựng trong bài thơ. Khi tôi vẽ chân dung bà, tôi nghĩ về bài thơ đó và những bài thơ khác của bà, nghĩ về một thế giới đầy màu xanh chứa đựng trong những bài thơ của bà, nghĩ về một tối tới thăm nhà bà tại Huế, và về những lời bà lặng lẽ nói với tôi khi tôi phỏng vấn bà vào năm 1992 “hy vọng là một cánh đồng chưa đuợc gặt hái.”
Nhà thơ Nguyễn QuyếnLần đầu tôi nghe nói tới Nguyễn Quyến là về một nhà thơ trẻ xuất sắc mới xuất bản tập thơ đầu ở tuổi 20. Sauk hi Bruce Weigl dịch một vài bài thơ của anh tôi đã thấy được lý do mọi người phấn khích. Những bài thơ dường như được nói ra từ một thế giới khác. Khi tôi gặp Quyến tại quán cà phê ở Hà Nội lần đầu tiên, and đang thực hiện một tập sách cho thanh thiếu niên về cuộc đời của các thiên tài khoa học. Công việc này dường như rất phù hợp với anh. Bản thân Quyến chính là một thiên tài sống trong thế giới đa chiều của anh. Anh dường như có một ngôn ngữ của riêng mình, một kiểu Harry Porter của thơ ca, một người đa tài, và là một nhà ảo thuật nhiều chức năng có khả năng làm cho gần như mọi thứ xảy ra trong tác phẩm của mình. Tôi đã cố gắng đưa một chút ma thuật đó và sự sốt sắng của tuỏi trẻ vào chân dung anh và cùng một lúc giữ lại bản thân anh là một chàng trai trẻ thân thiện.
Nhà văn Y BanTôi nhớ rất rõ lần Y Ban tới Boston. Cô là một trong rất nhiều nhà văn trẻ tới và thăm đất nước tôi trong chuyến đi đó. Cuộc hành trinh từ Việt Nam tới Hoa Kỳ rất dài và mệt mỏi, nhưng cô đã tới, với gương mặt sáng, háo hức, khích lệ chúng tôi, giúp chúng tôi chuyển hành lý vào xe. Trong những buổi họp, những cuộc phỏng vấn, những điểm dừng dọc đường từ Boston tới New Ỷok tới thủ đô Washington tới Charlottesville, cô là người có giọng nói rõ ràng, hòa nhập nhất. Cô có trí thông minh sắc sảo, đôi khi như trêu chọc, chờ đợi để được đối đầu với thử thách hoặc một sự lĩnh hội. Tôi đặc biệt nhớ lần cô xử lý trường hợp một cuộc nhà báo bảo thủ khi ông có ý định dồn cô vào cuộc tranh luận phê bình đất nước cô mà ông sẽ đưa vào bài báo của mình. Ông không bao giờ ngờ được là đã gặp phải ai, sau đó ông gặp tôi bên ngoài và nói “Cô ta thông minh thật.” Tôi đã cố gắng đưa một chút sự thông minh đó và bức vẽ
Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc
Tôi đã được nghe nói tới Nguyễn Thị Minh Ngọc trong nhiều năm trước khi tôi được gặp bà. Danh tiếng của bà với tư cách nhà viết kịch, diễn viên, và nhà thơ được nhiều người biết tới. Cuối cùng bà tới Boston với tư cách là một trong các thành viên Rockefeller của chúng tôi. Tôi không bao giờ quên màn biểu diễn của bà cho một nhóm nhỏ chúng tôi, một chuỗi hoạt cảnh về cuộc sống của phụ nữ. Đó là một cảnh trong vở chèo về một người phụ nữ trẻ giả trang thành một nhà sư trốn trong chùa để tránh một cuộc hôn nhân không mong muốn, cảnh này đã khiến tôi suy ngẫm. Tôi đã thưởng thức trong kinh ngạc rằng trong một phòng họp nhỏ bà đã đưa tôi về một màn biểu diễn của vở chèo đó trong một nhà hát nhỏ ở Thái Bình, một đêm mất điện và cả màn biểu diễn hòan toàn dưới ánh nến. Nó cũng giống như ý nghĩa của sự phi thời gian mà bà mang tới cho màn biểu diễn trong trường. Thật kỳ diệu. Tôi tìm được hình ảnh của bà trong vai diễn đó để vẽ lên bức chân dung này về sức mạnh của nghệ thuật trình diễn.
Nhà văn Lý LanHình ảnh tôi sử dụng cho bức chân dung là từ một bức ảnh tôi chụp bà trong một lần chúng tôi tới thăm quê bà. Đó là một con đường đầy sỏi đá, may là hôm đó chúng tôi có một chiếc xe jeep. Bob Glassman và tôi đã dành buổi chiều tới thăm bác của Lý Lan, bước đi trên lối mòn vào nhà bà, quan sát những người phụ nữ lớn tuổi trong làng nấu ăn, những đứa trẻ chọc bưởi từ trên cây xuống tấm khăn phía dưới. Tôi vẫn còn nhớ những hình ảnh sống động của chuyến di, của nhà sư trên chùa, nơi quả chuông được làm từ vỏ một trái bom cũ, của lũ trẻ chạy về phía chúng tôi xuống lối mòn sau những buổi học. Trong bức chân dung, tôi cố gắng lột tả Lý Lan khi bà đi dọc con đường đó, đi qua những địa điểm và những lối mòn trong chuyện của bà, đi qua những bãi biển Vũng Tàu, Grand Canyon, sân bay, những ngôi làng đầy ánh nến, viết lên những câu chuyện gắn liền với những lối mòn của phong cảnh và với sự sâu sắc của trái tim con người.
Nhà thơ Võ Quê
Lần đầu tôi nghe Võ Quê hát, chúng tôi đang ở trên một con thuyền nhỏ trên sông Hương. Chúng tôi thắp đèn lồng, uống mừng, hát, đó là một phần của buổi tối mà tôi cố gắng đưa những điều kỳ diệu vào một bài thơ “ Âm nhạc dòng sông.” Dần dần tôi biết tới câu chuyện cuộc đời ông và tôi tự hỏi làm sao một người trải qua những chuyện như vậy vẫn có thể hát trong niềm hân hoan như thế. Tôi lại tự hỏi điều đó lần nữa, nhiều năm sau, khi bị tấn công bởi một đám đông tại ngày hội dân gian tại Lowell, ông bình tĩnh bỏ qua sự việc bạo lực đó và cho rằng họ cũng đã phải chịu đựng và cũng không có gì to tát khi để họ trút giận.Thật là lạ lùng nghĩ rằng khi bị đưa đi chúng tôi đã gặp nhau nhiều năm trước đó, đi qua con đường tại căn cứ cũ tại Phú Bài, tôi tới đó với tư cách một người lính Mỹ trẻ, ông rời khỏi đó với tư cách một sinh viên bất đồng với nhà tù, bị bọc trong xiềng xích. Bài thơ của ông về Quảng Trị là bài thơ đầu tiên tôi dịch, nó chứa đầy hình ảnh và cảm xúc, ghi dấu trong tâm trí tôi một cách đặc biệt. Trong chân dung ông, tôi cố gắng tìm lại một chàng trai trẻ, một nhà thơ, ca sĩ, một nhà giáo.
Nghệ sỹ Chu Lượng
Kỷ niệm của tôi về những ngày với Chu Lượng là rất nhiều và tất cả đểu vui vẻ. Bất kỳ ai từng gặp ông đều có thể nói rằng, ông có rất nhiều điểm đặc biệt, một người đàn ông mà cuộc đời và lẽ sống là cây cầu nối giữa thế giới xưa và nay. Cùng với Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến và Lương Tử Đức Đức, ông đã dựng lên một nhà hát rối nước có thể di chuyển được để mang tới Mỹ. Trong hai tháng, bốn người họ đã làm việc và biểu diễn cho trẻ em và học sinh quanh Boston, tới thăm các lớp học, dạy các em cách khắc những con cá và ếch gỗ. Tôi đã quan sát trong kinh ngạc khi ông thôi miên lũ trẻ với phong thái của một nhà ảo thuật lớn. Bột màu đất có lẽ là hợp với ông, mày đen, trắng và xám của sự lao động chân tay phía sau màn ảnh bất ngờ chuyển thành màu sắc rực rỡ trên sân khấu. Sự vô thời gian của cách viết và điêu khắc này, sự kiên nhẫn qua thời gian đã đi vào thực hiện sự bất diệt của lối sống thông qua nghệ thuật.
Nhà thơ, đạo diễn Lương Tử ĐứcTôi vẽ Đức từ một tấm ảnh chụp vào ngày chúng tôi thăm quê Nguyễn Quang Thiều. Ông đã chụp cùng Thiều và hai nhà thơ nông dân già khi họ tới nói chuyện với chúng tôi khi chúng tôi đang đi bộ dọc những con hẻm nhỏ trong làng. Tôi cố gắng nắm bắt lấy niềm vui và đam mê của Đức với tư cách ca sĩ và nhạc công, với hi vọng đưa vào hình ảnh của ông ý nghĩa kịch tính của chèo và giai điệu đơn giản của những bài dân ca mà ông luôn có trong mình. Tôi có cảm giác Đức luôn nghe thấy những giai điệu này ngay cả khi ông không hát hay chơi một nhạc cụ nào. Những kỷ niệm đẹp nhất của tôi là với ông, Chu Lượng, Thiều và con trai Thiều khi họ đang ở ngay trên phố chúng tôi tại nhà Herrick, đi qua phố và rẽ ngay vào sân nhà tôi. Âm nhạc bắt đầu ngay lập tức. Đức có thể chọn bất kỳ nhạc cụ nào và chơi ngay được. Ông đã sử dụng thành thạo chiếc sáo thiếc Ailen và chiếc sáo gỗ xử dụng trong giao hưởng chỉ trong khoảng mười phút. Tâm hồn và năng lượng của ông cho nghệ thuật rất dễ lan tỏa.
Chân dung nhóm “Tới Hoa Kỳ, trở về Việt Nam”Những nhân vật này có thể là Vũ Tú Nam, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Lê Minh Khuê. Họ đang nhìn ra ngoài bức tường, những gì họ nhìn thấy, hoặc là chúng tôi, những người Mỹ, những đồng nghiệp phía ngoài bức tường, cũng đang nhìn họ. Tôi không chắc. Bức tranh này tự vẽ, tự tỏa sáng như một bức tranh trên nền tường của một một ngôi chùa hay một nhà thờ cổ.
Nhà thơ Nguyễn Quang ThiềuNguyễn Quang Thiều với tôi luôn là một người có lửa. Tôi cố gắng đưa một chút đó vào tranh vẽ ông. Trong những ngày tháng ông sống cùng chúng tôi tại Dorchester, Dedham và Ailen, tôi không nghĩ là ông đã ngủ một chút nào. Ông luôn tỉnh táo vào ban đêm để viết những câu chuyện, những bài thơ, vẽ tranh, gọi điện về nhà cho vợ và các con ông. Ông đã chơi bóng đá với con trai tôi Myles ở sân sau, vẽ tranh cho con gái tôi Lily.
Tôi tin rằng ông là một người rất đặc biêt, một người luôn mang cố hương và dân làng trên lưng tới mọi nơi ông tới. Tôi vẫn nhớ một ngày đặc biệt tại quê nhà ông, tôi ngủ một giấc trên chiếc giường gỗ trong phòng cha mẹ ông, lắng nghe ông, Chu Lượng, và Lương Tử Đức thổi sáo, trêu đùa, và trao đổi những kỷ niệm trong vườn khi những con chuồn chuồn bay chập chờn ngoài cửa sổ.
Có rất nhiều phía để nhìn người đàn ông này, người đã dành thời thơ ấu của mình trên những con đê với những đứa trẻ khác trong làng khi bom rơi, người đã viết về những con chó làng, đôi giày của những người bạn, sự buồn phiền của một thị xã, những con bò bay qua cánh đồng khi những nhạc công làng đang chơi một bài hát. Tôi không có đủ màu vẽ trên bảng màu của mình để vẽ bức chân dung ông một cách chuẩn xác.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều