Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trong dòng báo cười ở nước ta

Lại Nguyên Ân
Chủ nhật ngày 8 tháng 12 năm 2013 7:37 PM

    Tính đến hết năm 2013 này, báo Tuổi Trẻ Cười đã tồn tại và hoạt động liên tục trong 30 năm và chắc chắn sẽ còn tiếp tục. Đây là một kỷ lục về độ dài sự có mặt và hoạt động mà chưa một tờ báo nào thuộc loại hình báo chí châm biếm hài hước từng xuất hiện ở nước ta có thể sánh được.

Nhân dịp này, tôi muốn lan man đôi chút về dòng báo cười trong làng báo Việt.

    Như ta biết, báo chí xuất hiện khá muộn trong xã hội người Việt; hầu như cuối thời cận đại, bước sang đầu thời hiện đại, tức là nửa cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, trên đất ta mới xuất hiện những tờ báo đầu tiên.  

    Vốn là phương tiện truyền thông giữa xã hội con người, sau khi đã trở thành một nhân tố hữu cơ của đời sống, bản thân báo chí sẽ được làm giàu thêm, được phức hóa, được phân hóa thành nhiều thể tài báo chí khác nhau. Có báo hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng; có báo chí thời sự tổng hợp bên cạnh báo chí chuyên ngành; có báo chí đưa tin và luận bàn nghiêm túc, lại cũng có báo chí cười cợt, đùa nghịch…

    Ban đầu, trang báo cốt để đưa tin hoặc đăng tải những lời bàn luận về những điều thiết thực trong đời sống, cho nên, trên mặt báo chỉ có một giọng thông tin bàn luận thật thà, nghiêm túc. Dần dà, trang báo – nhất là tuần báo hoặc tạp chí – còn được dùng làm nơi đăng tải các loại tác phẩm ngôn từ, tức là tác phẩm văn học, trong đó có những tác phẩm hài hước, trào lộng; đồng thời, bên cạnh những tin tức được loan báo bằng giọng nghiêm túc, bên cạnh những luận bàn trong giọng điệu nghiêm cẩn, trên tổng diện tích khá rộng của mỗi tờ báo, người ta còn dành một số chỗ cho những bàn luận mang giọng đùa cợt, châm chọc, trào phúng… Ngôn từ văn chương trong các sắc thái cười cợt được phát triển trong khá nhiều thể tài, từ các thể loại thơ châm biếm, trào phúng, đến các thể tài văn xuôi dài ngắn khác nhau, như hài đàm, giai thoại, truyện ngụ ngôn, truyện cười, thậm chí tiểu thuyết hoạt kê. Vậy là cái cười, tiếng cười, vốn là thứ không thể thiếu trong đời sống con người, đã thâm nhập báo chí. Không chỉ các dạng ngôn từ cười cợt, mà cả các dạng hội họa, cụ thể là đồ họa, với nội hàm cười cợt tự thân, hoặc kết hợp với ngôn từ để tô đậm các nội dung và màu sắc cười cợt cụ thể, tạo ra các thể tài vừa đồ họa vừa ngôn từ, như tranh hài hước, tranh châm biếm, tranh đả kích, tranh truyện, – đôi khi được gọi chung là biếm họa, – đã đi vào báo chí. Từ đấy, các nội dung chuyên cười cợt có thể tách thành những tờ báo riêng.

    Trong làng báo Việt Nam hẳn không ai phản đối khi người ta ghi nhận tuần báo Phong Hóa (1932-36) như là tờ báo cười (hài báo) đầu tiên.
    Tất nhiên không phải toàn bộ các trang ở từng số Phong Hóa đều nằm trong thể tài báo cười. Trước hết là những trang dành đăng tải các sáng tác thơ văn, của các tác gia trong Tự Lực văn đoàn và các tác gia bạn bè của họ; từng tác phẩm được dăng tải ấy có thuộc về văn chương trào lộng hay không, là chuyện khác. Rồi các phần dành cho quảng cáo, cũng không thể tính vào trang báo cười. Ngoài ra còn những bài mục thông tin thời sự trong ngoài nước, những bài mục bình luận văn hóa xã hội, – đó đều nằm trong phạm vi thông tin báo chí nói chung.
Thuộc phạm vi báo cười trên Phong Hóa, ở phần văn, là các bài nằm trong những mục “Từ nhỏ đến nhớn”, “Từ cao đến thấp”, “Vui cười”, “Bàn ngang”, “Cuộc điểm báo”, “Những hạt đậu dọn [nhọn]”, ở phần họa là hầu hết tranh vui, tranh châm biếm. Các phần này chiếm chưa đến phân nửa các trang mỗi số Phong Hóa. Vậy mà người đọc vẫn coi Phong Hóa là “hài báo”, là tờ báo cười.
Có thể nói, trong số những thể tài cười gây tác động mạnh đến công chúng của Phong Hóa, không phải là những tác phẩm văn chương trào phúng thực sự, mà chính là những bài tiểu phẩm chừng trên dưới trăm chữ, trong đó đối tượng cười cợt thường là những con người và sự việc thực. Phong Hóa đem những người và việc có thực ra làm đối tượng chế diễu, chê cười. Qua những châm chích có địa chỉ xác định (hoặc đôi khi không xác định), nhìn chung, cái cười của Phong Hóa thường là nhân danh sự tiến bộ, sự văn minh, chê cười, chế diễu sự hủ lậu, cũ kỹ trong cuộc sống đương thời. Tất nhiên các chuẩn về phép lịch sự, giới hạn về tôn trọng cá nhân ở thời của Phong Hóa là khá thấp (tức là mang khá nhiều khiếm khuyết) so với ngày nay, cho nên nhiều bài mục được thực hiện khá dễ dàng, sự diễu cợt cá nhân đôi khi không biết đến giới hạn. Về mặt này, ngay nay người làm báo cười, dù muốn cũng không thể học theo làm theo Phong Hóa.

Tiếp sau, thậm chí cùng lúc với Phong Hóa, một số tờ báo chuyên cười cợt tiếp tục ra đời, như các tuần báo Kho tàng của phái cười đời (Nam Định, 1933) Loa (Hà Nội, 1934-1936), Vịt đực (Hà Nội, 1938-1939)…; cũng có thể kể đến một số ấn phẩm bị coi là “báo lậu”, ví dụ tờ Tiếng chuông (Hà Nội, 1932) mà sự cười cợt trong báo đã khiến người chủ trương nó bị gọi ra tòa án, kéo theo một nhà văn mà sau đó sẽ trở nên một tên tuổi lớn: Vũ Trọng Phụng … Ở những tờ này, phạm vi cười cợt có khi chiếm tới gần như toàn bộ diện tích mỗi số, chỉ trừ phần quảng cáo.

Tuần báo Loa (1934-1936) vừa đi theo cung cách mở ra bởi Phong Hóa, vừa nhấn đậm hơn một vài nét cười cợt, nhất là ở thành phần đồ họa. Có lúc Loa giành toàn bộ diện tích một vài trang báo (khổ A4) cho một loạt tranh châm biếm nhỏ hoặc một chân dung biếm họa các tác giả theo những nhận định mà độc giả và nhà phê bình giành cho họ: Lan Khai – “anh Mán lắng nghe tiếng gọi của rừng thẳm”; Khái Hưng – “văn sĩ con cưng của bạn gái”; Nguyễn Tiến Lãng – “nhà văn hợp thời”; ông nghè Nguyễn Mạnh Tường – “người Gaulois nói tiếng latin”, v.v… Rất có thể những nét thậm xưng, phóng đại quá cỡ những điều muốn châm chọc, chẳng hạn chân dung nhà văn Nhất Linh được vẽ thành “con vượn Đông Sơn”, rồi “thi sĩ của dân nghèo” Tam Lang được vẽ như một gã béo tốt giả vờ ăn mặc rách rưới, hay cảnh cô Nguyễn Thị Kiêm “quyết đốt cháy ông Tơ bà Nguyệt với dây tơ hồng”… đã gây nên những ấn tượng quá mạnh trong giới nhà văn nhà báo đương thời, khiến sự hồi tưởng của họ về sau cứ mãi mãi là thứ ký ức màu đen, trong khi, lẽ ra người ta phải “đọc ngược” ấn tượng mạnh kia để khẳng định cây cọ biếm tài năng của họa sĩ Côn Sinh!
Quả thật, giới nghiên cứu lịch sử báo chí cho đến nay vẫn còn nợ quá khứ những sự biện giải cần thiết chung quanh những đóng góp, thậm chí những bước tiến đã từng có về các thể tài của các trang báo cười thời tiền chiến.  

Tôi không biết ở báo chí miền Nam những năm 1954-1975 có tờ báo nào chuyên về tiếng cười hay không.

Tôi thuộc thế hệ lớn lên ở miền Bắc sau 1954, quả thật không thấy tờ báo cười nào ở đây, suốt những năm 1954-1980, tuy rằng trên báo chí thường vẫn gặp thấy các thể văn thơ cười và tranh cười, với một kiểu ước lệ chưa hề có ở thời tiền chiến. Ấy là sự phân chia ranh giới dứt khoát giữa khu vực “vui” (thơ vui, tranh vui) nhằm cười cợt “xây dựng trong nội bộ nhân dân” (một tên tuổi dễ nhớ là tác giả Thợ Rèn với mục “Chuyện lớn chuyện nhỏ” trên báo Nhân dân), và khu vực “đả kích” mà đối tượng là “kẻ thù giai cấp, kẻ thù dân tộc”, bao gồm “bọn đế quốc, phản động và tay sai của chúng”, với tiếng cười đả phá phủ định kịch liệt. Ở miền Nam sau 1975 có thể thấy rõ điều này trong mảng tranh đả kích đế quốc, đả kích bọn bành trướng, mảng thơ văn đả kích cũng các đối tượng trên, ký những bút danh Văn Kỳ Thanh, Nhất Tiếu, Đinh Vít, Bút Điện, v.v… trên tờ “Văn nghệ Thành phố HCM.”, vốn kết nối chặt chẽ với các mảng tương đương trên tờ “Văn nghệ” ở Hà Nội của những bút danh Đặc Công, Nguyễn Vĩnh, Hồ Quốc Vỹ, v.v…  

Trong và sau mấy năm cao trào Đổi mới (1986-1990), quan sát mảng văn thơ cười và tranh cười ở mấy tờ báo “Văn nghệ” hai đầu đất nước, có thể thấy sự chuyển động: mảng “vui”, “nội bộ” có lúc trở nên sắc sảo đến bất ngờ, trong khi mảng “đánh địch” bỗng nhạt đi, chùng xuống. Tiếp đó, hai mảng nhỏ này mất ranh giới với nhau, trở nên gần nhau; đến một lúc nào đó, người ta lại có thể gọi chung bằng từ “văn nghệ trào phúng” gồm cả thơ, giai thoại, biếm họa, truyện cười, v.v…, các sắc thái cười từ hài hước sang châm biếm, đả kích không còn quá lệ thuộc sự phân biệt đối tượng là “địch” hay “ta”…

Tờ “Tuổi Trẻ Cười” ra đời năm 1984, khi chúng ta còn sống trong thời bao cấp, song có lẽ do bản chất của tiếng cười, nó ít nhiễm thói tật bao cấp, trong khi lại giàu “năng lượng” phản ứng trước các lề thói bao cấp.
Chuyển sang những năm đổi mới và hậu đổi mới, “Tuổi Trẻ Cười” tỏ rõ sức sống nhiều hơn tốt hơn. Trên thực tế, “Tuổi Trẻ Cười” đã mở đầu cho sự xuất hiện một số tờ báo chuyên cười khác, trong thời kỳ mới, như tờ Làng Cười, phụ trương của báo Nông thôn ngày nay.
Cơ sở cho sự tồn tại khá vững chắc của “Tuổi Trẻ Cười” là sự phát triển tương đối đồng đều nhiều thể tài văn chương báo chí trào phúng, từ các thể luận  (phiếm luận, nhàn đàm, …) đến các thể tài truyện, ký (truyện ngắn, giai thoại, mẩu chuyện, hồi ức, v.v…), từ văn xuôi (chiếm số đông các bài mục) đến thơ (các dạng thơ trào lộng, từ các thể tự do đến các thể thơ cổ truyền tiếng Việt); cạnh đó là sự phát triển của các thể đồ họa báo chí, trước hết là biếm họa. Có thể nói, “Tuổi Trẻ Cười” hiện nay là một trong số tương đối ít những ấn phẩm tại Việt Nam trên đó có sự đồng hành của cả nhà văn lẫn họa sĩ, trước hết là những người làm thơ viết văn trào lộng, châm biếm, và những người vẽ biếm họa.

Hiện nay báo cười và các loại báo in trên giấy nói chung đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình báo ảo trên mạng internet. Tình thế này cho thấy một viễn ảnh mới mà hiện ta chưa thể đoán định hết tầm mức ảnh hưởng.
Tuy vậy, có thể nghĩ rằng báo chí nói chung, trong đó có loại báo cười, chỉ có thể được/bị chuyển dạng chứ không thể bị mất đi trong đời sống con người. Nhu cầu thông tin và được thông tin là nhu cầu hữu cơ trong cuộc sống con người xã hội. Cũng như vậy, nhu cầu cười cợt, trong tất cả các dạng thức của nó, từ tự trào (tự cười bản thân mình) đến trào lộng kẻ khác, trong tất cả các  mức độ của nó, từ hài hước, hoạt kê, đến châm biếm, đả kích… – cũng là một trong số các thuộc tính sống, các năng lực sống của con người.
Con người, xã hội người đã từng thực hiện sự thông tin, đã từng thực hiện sự cười cợt, khi chưa tìm ra giấy, chưa tạo ra loại hình báo chí trên giấy in. Con người, xã hội người sẽ tiếp tục thực hiện sự thông tin, tiếp tục thể hiện sự cười cợt khi loại hình báo in trên giấy trở nên lạc hậu so với tầm mức kỹ thuật mà loài người đạt tới, trong một tương lai xa, khi con người, xã hội người vẫn còn tồn tại.

15/10/2013
LẠI NGUYÊN ÂN     
● Tham luận tại hội thảo
“30 năm cùng Tuổi Trẻ Cười”
Tp.HCM., 5/12/2013