Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người đi trong cuộc đời được gọi tên bằng nhân vật

Phạm Xuân Trường
Thứ năm ngày 5 tháng 12 năm 2013 8:36 PM

Bổ sung vào đoàn quân U60. Những nghệ sĩ trong dàn diễn viên của Hải Phòng, không ai không nhớ đến anh em nhà Viết Liên và Viết Vinh (hai anh em ruột trong một gia đình có tới 11 người con 7 trai và 4 gái).
Viết Liên nhập ngũ năm 1965, vào đoàn Văn công Hải quân. Những năm tháng đất nước chìm trong khói bom và lửa đạn. Anh cùng đoàn có mặt khắp vùng Duyên Hải. Từ đảo xa tiền tiêu đông bắc đến giới tuyến Vĩnh Linh. Mang trên mình sứ mệnh “tiếng hát át tiếng bom”. Có lần ở Thanh Hoá, vừa chui xuống hầm thì rốc két bắn tan sân khấu. Năm 1973 sau ký hiệp định Paris. Trên bờ bắc sông Thạch Hãn, anh cùng đoàn có mặt để biểu diễn cho chiến sĩ và nhân dân vùng chảo lửa của năm 1968. Đồng bào được nghe và nhìn thấy những đứa con của miền Bắc thương yêu bằng xương bằng thịt. Những chiến sĩ trong đoàn quân trao trả tù binh chứa chan nước mắt và bần thần khi nghe ca sĩ trong đoàn cúi chào kết thúc bài dân ca quan họ Bắc Ninh và bài hát Bên ven bờ Hiền Lương... với mười năm ba tháng trong quân đội, anh phục viên. Năm 1976, Viết Liên gia nhập đoàn kịch nói Hải Phòng.
Trong con mắt xanh của cố đạo diễn nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp, anh vào vai Vượng trong phim Ngày lễ thánh để lại nhiều dấu ấn. Anh đã đặt một bước chân đầu tiên vào bộ môn “nghệ thuật thứ bảy”. Tám năm trời cùng người em là Viết Vinh (sẽ nói sau), Viết Liên trong đoàn kịch nói Hải Phòng đã lưu diễn khắp nơi. Không một khán giả nào có thể quên được vai thị vệ trưởng trong vở Âm mưu và tình yêu của Simle do cố đạo diễn Đức Đọc dàn dựng. Cảnh vệ trưởng trong vở Con cáo và chùm nho do cố đạo diễn nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Nghi dựng và vai chiến sĩ hồng quân trong vở Con hươu xanh của Liên Xô do đạo diễn nghệ sĩ nhân dân Ngô Xuân Huyền dàn dựng. Vai Cây trong vở kịch nói Dòng sông ám ảnh của cố đạo diễn Đoàn Anh Thắng dàn dựng. Vở đoạt huy chương vàng trong liên hoan hội diễn toàn quốc 1980. Riêng vở Con cáo và chùm nho đêm công diễn đầu tiên tại Nhà hát Tháng Tám thành phố mà Viết Liên tham gia đã chật cứng chỗ ngồi. Khán giả cuồng nhiệt săn tìm vé và những người “phe vé” thoả thích “hét” với giá cao ngất ngưởng. Những người mộ điệu đành “nghiến răng” bỏ ra số tiền gấp mười lần giá vé để có một chỗ ngồi trong Nhà hát... Anh em nhà Viết Liên, Viết Vinh và đoàn kịch nói Hải Phòng thời bấy giờ đã sống trong hào quang của sân khấu...
Viết Vinh có mặt ở đoàn kịch nói Hải Phòng năm 1972. Những năm tháng khó quên của mười hai ngày đêm Hải Phòng và Hà Nội hứng chịu những trận bom huỷ diệt B52.
Viết Vinh vào vai đại uý hồng quân trong vở Con hươu xanh cùng với người anh của mình. Một vai diễn xuất sắc với dáng to, cao, đẹp chẳng khác gì “hồng quân” thật. Đây là vai diễn nội tâm khó, phức tạp, vai một người chỉ huy du kích được giao nhiệm vụ bắn người đồng chí của mình vì mắc luật. Viết Vinh nhận được rất nhiều lời khen và ưu ái của khán giả. Vai Xoá trong vở kịch nói Dòng sông ám ảnh - một vở kịch đã gây chấn động dư luận trong hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980 và hạnh phúc thay hai anh em Viết Liên và Viết Vinh đều đoạt huy chương vàng.
Những biến động trong cuộc sống mấy ai lường trước được, giữa thời kỳ tem phiếu và bao cấp của những năm 1980 ở thế kỷ trước. Được bát cháo gà bồi dưỡng ăn đêm đã là thiên đường của diễn viên dưới mặt đất. Cuộc sống ngày một khó khăn bức bách, son phấn dưới ánh đèn màu che lấp những vết nhăn, quầng mắt và những cái má hóp vì đói để bước lên sân khấu. Nhập hồn vào nhân vật để cười, để khóc, để giả vờ độn cái bụng phưỡn no nê, khệnh khạng thở ra những lời giáo huấn phủ dụ... Đến năm 1983 sau một đợt đấu tranh gay gắt với trưởng đoàn về quan niệm nghệ thuật và sự bao biện của trưởng đoàn về những sai lầm mà trưởng đoàn mắc phải. Cực chẳng đã, hai anh em bị trù dập, đầy ải phải đi dán áp phích, dọn vệ sinh, đồng nghĩa với việc ngồi chơi xơi nước. Hai anh em cùng với một số diễn viên chuyển sang đoàn kịch nói Công an của thành phố... Nhưng rồi cuộc sống vẫn chồng chất khó khăn, người nào cũng có gia đình và hai con còn nhỏ.
Năm 1989 hai anh em đành “gác kiếm” rũ áo, rửa sạch phấn son, tiếp tục cái nghề mà ông bố truyền cho: đóng giầy và khâu những chỗ rách của cuộc đời... để có tiền nuôi con và giúp vợ. Vỉa hè và gầm cầu thang đã nuôi không biết bao nhiêu gia đình trong đó có hai gia đình anh em Viết Liên và Viết Vinh.
Nhưng rồi cái nghiệp thật khó bỏ, anh Viết Liên nhận lời dàn dựng viết kịch bản cho các cơ quan xí nghiệp làm hội diễn. Vẫn đam mê và say máu mặc dù thù lao chẳng được là bao. Viết Vinh bỏ vào Sài Gòn. Lang bạt suốt cả năm trời làm đủ nghề với bàn tay khéo léo từ gốc cây, mẩu gỗ lũa làm mặt hàng lưu niệm thủ công. Qua con mắt và đôi tay của anh làm ra bán cho khách cũng chẳng được là bao... đành khăn gói quả mướp vẫy chào phương Nam trở về với tủ giầy dưới cầu thang của khu nhà tập thể Đồng Tâm - nơi gia đình anh sinh sống.
Thế rồi năm 2001 xưởng phim của Đài truyền hình Thành phố, giám đốc Văn Lượng và đạo diễn Đoàn Lê đã mời hai anh em tham gia đóng phim. Tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc ở Nhà Trang năm 2002 phim Chim bìm bịp đạo diễn Văn Lượng và Đoàn Lê đạt huy chương bạc. Hai vai chính do hai anh em Viết Liên và Viết Vinh thủ vai. Để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả và bây giờ ngoài đời người ta vẫn gọi Viết Vinh là lão Đàm và Viết Liên là lão Vường trong phim Nước mắt của Biển.
Hai anh em hai tính cách, Viết Liên đóng những vai khổ hạnh, nội tâm thì vô cùng đạt, vai bố trong phim Bố ơi đạo diễn Đào Duy Phúc đã làm rung động lòng người và lấy đi thật nhiều nước mắt của khán giả xem truyền hình.
Ngược lại Viết Vinh đóng những vai phản diện thì thật dữ dằn, trùm băng nhóm, sĩ quan Việt Nam cộng hoà và vai anh chị. Có lẽ ít người vượt qua.
Có một chuyện mà Viết Vinh kể lại làm tôi thấy se lòng. Khi hai anh em tham gia phim mới Huyền sử Thiên Đô, ông bố gần 90 cấp cứu nằm bệnh viện, hai anh em cùng các em trong gia đình thay nhau về chăm bố. Từ Sóc Sơn, Viết Vinh đang trong những cảnh quay của đạo diễn Tất Bình. Đến 5 giờ chiều vội vàng ra xe thì đạo diễn gọi lại xin lỗi vì người quay phim chưa đưa vào thẻ nhớ. Vậy là một ngày miệt mài đã bị bỏ phí. Thế là Viết Vinh đành phải ở, để hôm sau quay lại. Cố nghệ sĩ nhân dân Trọng Khôi biết hoàn cảnh của hai anh em đã phải thốt lên “tận tâm với nghề như anh em Phạm Viết thật hiếm”. Viết Vinh về đến bệnh viện thì bác sĩ đã buông máy xốc tim cho ông cụ, nhìn anh lắc đầu.
Còn Viết Liên hết vai diễn, đạo diễn Tất Bình cho ô tô chở anh về Hải Phòng, 19 giờ đến nơi thì ông cụ đã ra đi trước đó 1 giờ.
Sau việc tang lễ cho ông cụ, ngồi hàn huyên hai anh em cứ ân hận, tự trách mình là những người con bất hiếu. Bây giờ còn lại mẹ già, hai anh em cùng các em thường xuyên có mặt để chăm sóc mẹ như chuộc lại những gì mà vô tình đánh mất. Mặc dù bây giờ cả hai anh em vẫn tất bật từ trong nam, ngoài bắc đóng phim. Hết vai diễn lại vội vàng về với mẹ. Chắt chiu tiền cát-xê và vay mượn nội ngoại cùng bạn bè. Hai anh em đã có hai ngôi nhà nhỏ, mua được mảnh đất ở tận cùng xóm nghèo ven đô xây được ngôi nhà, để thay cho cái “chuồng người” ở tầng 3 khu tập thể cũ nát, ọp ẹp, lay lắt từ thời bao cấp.
Hai anh em, hai tính cách. Viết Liên trầm lắng, thích đọc sách, sáng tác thơ (anh có bài Diễn viên rất hay), chơi tranh. Viết Vinh thích nghe nhạc, chơi thể thao, là thành viên câu lạc bộ xe đạp thể thao của thành phố và thích chơi cây cảnh. Phong cách của Viết Vinh là tài tử, đầy chất nghệ sĩ. Nhưng có một cái chung là không thích bia rượu, thuốc lá, chè tàu, cà phê. Phải uống bia thì cũng chỉ là xã giao cho phải phép.
Có lần ngồi nhà Long Khánh. Long Khánh vốn là biên kịch, chủ tịch hội Điện ảnh Hải Phòng (mà Viết Liên là phó), Long Khánh còn là chủ tịch chi nhánh hội Điện ảnh Việt Nam tại Hải Phòng, giục hai anh em Viết Liên và Viết Vinh làm hồ sơ để xét nghệ sĩ ưu tú, không ngờ hai anh em đều từ chối (mà trong đó không ít người khao khát, đánh tiếng, khán giả chẳng biết tên của họ lẫn vào đâu mà cũng ưu với tú).
Cả hai cống hiến hết tuổi xuân của mình cho sân khấu. Bây giờ là điện ảnh. Bao nhiêu vở kịch, bao nhiêu bộ phim, bao nhiêu nhân vật. Đã có huy chương vàng, huy chương bạc, thế mà bảo làm hồ sơ để xét nghệ sĩ ưu tú thì từ chối phắt.
Tôi hỏi thì các anh đều trả lời thản nhiên và thực lòng: “nghệ sĩ sống trong lòng nhân dân, trong lòng khán giả đã là nghệ sĩ ưu tú rồi, chúng tôi còn xa lắm và tự thấy mình chưa xứng”.
Viết Liên vừa xong vai diễn trong Biển trổ hoa vàng, còn Viết Vinh vừa tham gia phim ngắn Nợ Đời - phim tốt nghiệp của một đạo diễn trẻ và chỉ ít ngày nữa anh lại bay vào Sài Gòn ký hợp đồng cho phim mới.
Dời nhà Long Khánh chúng tôi mỗi người một ngả, đạp xe về nhà dọc đường cứ nghĩ về hai anh em nhà Viết Liên. Thì ra cái danh không làm họ khao khát như có người vẫn tưởng... ám ảnh về câu  nói của Stanyslapki đại ý: không có vai diễn bé, chỉ tại người đóng vai không đủ lớn mà thôi.
Hội làng ngày xuân mở cửa hai anh em Viết Liên cùng vợ ra chùa thắp hương, dân làng đều gọi Viết Liên là ông Vường, Viết Vinh là lão Đàm, các anh đều cười. Người đi trong cuộc đời được gọi bằng tên nhân vật. Có lẽ đấy là hạnh phúc chăng? Và đến bây giờ hai anh cũng không một đồng lương hưu, khác gì xe đạp không chân chống. Vậy mà hai anh vẫn đam mê với nghề khi tuổi đời ngày một cao.

Phạm Xuân Trường
ĐC: 13B/266 Cầu thang B tầng 4/5
Trần Nguyên Hãn, Lê Chân, Hải Phòng