Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người mẹ của một nhà văn

Kim Hùng
Thứ ba ngày 5 tháng 11 năm 2013 5:22 AM

  Kỷ niệm 95 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng (5/11/1918 – 5/11/2013)

  “Tôi sẽ viết về những cảnh đau khổ, về sự áp bức, về nỗi trái ngược,
bất công. Tôi sẽ đứng về phía những con người lầm than, bị đày đọa,
bị lăng nhục…”
              (Nhà văn Nguyên Hồng)

      Nhà văn Nguyên Hồng (1918 – 1982), quê Nam Định, mồ côi cha từ năm mới 12 tuổi. Mẹ ông còn trẻ, phải đi bước nữa. Bà thường đi làm ăn xa, có thời gian vào tận Thị xã Vinh ở vú cho một viên Tây đoan.
      Nghe kể lại thì đó là một người đàn bà hiền dịu, có nhan sắc nhưng rồi hẩm hiu thay, sau đời chồng thứ nhất, bà phải “gắn bó” bằng một cuộc hôn nhân ép với người chồng già, lại nghiện ngập. Bởi vậy, cho dù rất mực thương con, do cảnh ngộ éo le, một thời gian dài bà phải dứt áo xa con. Nhưng chính nhờ người mẹ hiền, mà chàng thiếu niên Nguyễn Nguyên Hồng mồ côi cha mới không bị chết đói khi tha phương cầu thực trên đất cảng Hải Phòng. Nhờ người mẹ chạy xuôi chạy ngược “giật đầu cá vá đầu tôm”, buôn thúng bán mẹt đầu đường xó chợ kiếm từng trinh để độ nhật này, đã giúp anh thanh niên Nguyên Hồng lần hồi có ít tiền mua giấy trắng hoàn thành dần tác phẩm Bỉ vỏ đầu tay. Cũng chính người mẹ trẻ trời bắt tội đó, khi con trai còn ở trong tù, bà đã chăm nuôi tươm tất, lắm khi còn hoạt động hỗ trợ cho văn nghiệp của con trai mình. Trong cuốn Bước đường viết văn (1970), Nguyên Hồng xúc động kể lại: “Khi tôi ở trại giam, một số truyện ngắn, hồi kí của tôi đăng rải rác trên các báo từ năm 1936 được thu thập lại in thành sách. Mẹ tôi làm công việc này để lấy tiền mua thuốc men, quần áo, thức ăn gửi cho tôi. Trên trại giam, nhận được hai cuốn Những ngày thơ ấu và Bảy Hựu, trong cái hòm dây thép có nào thuốc vôi bổ phổi, đường phèn, tôm kho mặn, và cả giấy bút nữa, tôi đã thao thức nhiều đêm không sao ngủ được!”.
      Do thiếu tình thương từ nhỏ, nên con người Nguyên Hồng luôn khao khát tình thương của con người và cũng dễ dàng cảm thông với những số phận bất hạnh. Sau này, trong thiên hồi kí nổi tiếng Những ngày thơ ấu, nhà văn thuật lại kĩ càng thân phận chú bé mồ côi phải sống nhờ vào một bà cô cay nghiệt; còn trong truyện ngắn “Mợ Du” dài chừng 15 trang in, nhà văn sẽ nói lên phần nào tâm trạng đau đớn của người mẹ trẻ “đôi mắt vẫn sáng, và cái sống mũi dọc dừa, cái cằm thon trong gương mặt đầy tươi trẻ, tinh anh” bị gia đình nhà chồng khinh ghét, xua đuổi, đến cả con đẻ của mình cũng không được phép gần gũi…
      Trang đầu tiên tập hồi kí Những ngày thơ ấu, có dòng đề từ “Kính tặng mẹ tôi”. Và những dòng đầy xúc động trong tác phẩm này cũng đều hướng về người mẹ hiền từ, bất hạnh: “Mẹ ơi, con khổ quá mẹ ơi. Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về! Người ta đánh con vì con dám cướp lại đồ chơi của con mà con người ta dằng lấy, người ta lại còn chửi con và chửi cả mẹ nữa. Mẹ xa con, mẹ có biết không?” ( Ngày14, November, năm 19…). “Giá ai cho tôi một xu nhỉ? Chỉ một xu thôi! Để tôi mua xôi hay bánh khúc. Vừa đi vừa cắn, ngon xiết bao! Không! Không ai cho tôi cả, vì người ta có phải mẹ tôi đâu” (Ngày 20, November 19…).
      Truyện ngắn “Mợ Du” đã đăng một phần trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 277, ra ngày 23/9/1939. Theo nhà phê bình Văn Tâm, thì đấy chẳng qua là một mảnh của Những ngày thơ ấu, xuất bản năm 1940, đã được khách thể hóa, đồng thời tiểu thuyết hóa. Quả vậy, ở truyện ngắn “Mợ Du” một lần nữa Nguyên Hồng gián tiếp dãi bày nỗi niềm xa xót của mình đối với người mẹ bất hạnh, tuy không làm gì nên tội nhưng đã bị gia đình, gia tộc cổ hủ nhà chồng đày đọa cực nhục. Cậu bé Hồng có lúc phản ứng quyết liệt đến đau đớn: “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi ấy là một vật cụ thể, như hòn đá, cục thủy tinh, hay đầu mẩu gỗ…tôi quyết vồ ngay lấy, nhét vào miệng, nghiền cho kì vụn như cám mới thôi”.
      Người ta nói nhiều đến văn chương của Nguyên Hồng giàu cảm xúc, chân thành, hình ảnh chi tiết nhân vật lấy ngay từ đời sống lao khổ, bụi bặm nhưng giàu giá trị điển hình của ông, nên ám ảnh người đọc. GS-NGND Nguyễn Đăng Mạnh thì khái quát: “Nguyên Hồng xứng đáng được gọi là nhà văn của phụ nữ và trẻ em, thuộc các tầng lớp bị áp bức bóc lột trong xã hội cũ”.  Văn chương Nguyên Hồng xứng đáng được nhiều thế hệ sau tôn vinh như thế, bởi sách của ông, trong đó có những truyện ngắn như “Bảy Hựu”, “Mợ Du”, “Hai dòng sữa”, tiểu thuyết như Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu...liên tục được tái bản, được bạn đọc nhiều lứa tuổi tìm đến, thưởng thức và thán phục!

    Kim Hùng
 (Báo Nghệ An)