Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cải cách thể chế và quyền tuyển 'đầy tớ'

TS Võ Trí Hảo
Thứ hai ngày 4 tháng 11 năm 2013 4:28 AM

Hơn lúc nào hết, toàn dân thành tâm học tập và làm theo tấm gương cách mạng Hồ Chí Minh, thực thi thực chất quyền "tuyển và đuổi đầy tớ" sẽ là động lực cho cải cách thể chế.

'

Không chỉ các chuyên gia bên ngoài, mà lương tri của người trong cuộc cũng phải thốt lên những lời thành thực về nhu cầu bức xúc cần gỡ các nút thắt thể chế để phát triển kinh tế, đưa đất nước tiến lên.

Tại phiên thảo luận tổ ngày 24/10/2013, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chỉ ra rất rõ ba nút thắt chính: yếu tố phi thị trường của nền kinh tế VN, bất hợp lý trong sử dụng nhân sự, thiếu minh bạch, trong đó liên quan cách hiểu mù mờ về "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Cụ thể, ông Vinh chia sẻ: "Bạn bè quốc tế nói rằng VN nếu không đổi mới căn bản, triệt để thể chế kinh tế, không tiếp tục thị trường hóa một cách mạnh mẽ thì kinh tế VN sẽ đi xuống chứ không phải là đi ngang hay rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tôi cho rằng nếu không làm được như vậy thì chúng ta sẽ tụt hậu nhanh so với các nước bên cạnh, không chỉ là Thái Lan, Indonesia, Malaysia mà ngay cả với các nước láng giềng là Campuchia và Lào nữa". (Trích theo Tuổi trẻ).

Thế nhưng, cải cách thế chế  là một việc rất khó, vì "Giải pháp tốt nhất cho cải cách thể chế sẽ không được lựa chọn, vì còn có những giải pháp tốt hơn nữa cho lợi ích của người quyết định việc cải cách thể chế" (Daron Acemoglu, trong Why Nations fail).

Nếu không nhìn thấy cội rễ sâu xa và động lực, lực lượng cải cách, từ đó tạo nên áp lực cải cách, thì "càng kêu, càng cựa quậy càng tự lún sâu", và "càng đánh tập dượt nhiều, thì sức đề kháng càng mạnh, lô cốt càng kiên cố".

Đôi lúc cải cách các thể chế kinh tế, cần đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn, nằm ở những nút thắt xa hơn. Cải cách thể chế sẽ hứa hẹn thành công, chừng nào người dân trở thành "cổ đông thực quyền".


cải cách thể chế, dân chủ, bầu cử, hiệp thương, hội nhập, kinh tế Việt Nam
Ảnh minh họa


(1) Sợi dây lợi ích giữa cổ đông và thành viên hội đồng quản trị rất rõ ràng. Ngược lại sợi dây lợi ích giữa cử tri và những người cầm quyền trong nhà nước không phải lúc nào cũng rõ ràng, đặc biệt là lợi ích tái cử của những người cầm quyền trong một vài  trường hợp khá độc lập với lợi ích của cử tri.

Điều này sẽ xảy ra khi quốc dân đồng bào chưa đi bỏ phiếu, nhưng những người bình dân trong thiên hạ đã thuộc tên những vị chăn dân tương lai. Khi điều này xảy ra thì những người cầm quyền sẽ ít quan tâm lợi ích của cử tri, vì lợi ích của cử tri không đóng vai trò sống còn đối với sự nghiệp chính trị của họ; thay vào đó họ sẽ quan tâm đến các yếu tố tuy không minh bạch nhưng lại đóng vai trò quyết định để làm sao chưa bầu cử thì thiên hạ sẽ tin rằng họ sẽ trúng cử.

Bầu cử hội đồng quản trị  trong công ty không phải trải qua giai đoạn hiệp thương, nhưng bầu cử nhà nước thì "các cổ  đông" sẽ được định hướng, các ứng viên phải trải qua hiệp thương ba vòng.

(2) Đối với công ty cổ phần có một công cụ đánh giá vô cùng nhanh nhạy đối với hiệu quả hoạt động của công ty đó là thị trường chứng khoán. Đáng tiếc là đối với nhà nước không thể nào có một công cụ như vậy. Các tổ chức như Standard & Poor, Moody có thể xếp hạng tín dụng của các quốc gia.

Vì thiếu một công cụ đánh giá  hiệu quả hoạt động kiểu như thị trường chứng khoán, nên các chính trị gia dễ dàng huyễn hoặc dân chúng về những thành công của mình, hoặc thoái thác trách nhiệm để có thể tái cử  một cách dễ dàng. Để làm đẹp báo cáo thành tích ngày hôm nay, các con số có thể phải "ứng thu, ứng chi" của năm sau; rồi đến năm sau, để làm đẹp thành tích lại "ứng thu, ứng chi" cho năm kế tiếp... ứng thu, ứng chi tiền của thế hệ con cháu.

(3) Muốn thực quyền thì cổ đông sẽ phải trưởng thành.

Cách mạng tháng  Tám thành công, dân tộc Việt Nam vừa sung sướng, vừa bỡ ngỡ với một hiện tượng mà hơn hai nghìn năm trước họ chưa hề được trải nghiệm: dân chủ.

Để cho nhân dân làm quen từng bước và đi đến làm chủ thực sự của chế độ dân chủ, thì họ cần được sự dẫn dắt, gợi ý, thậm chí là sự giám hộ của lực lượng lãnh đạo. Sự dẫn dắt này thật là quý báu đối với một người từ "miền núi xa xôi lần đầu ra chốn đô thành".

Thấm thoắt, từ đó đến nay đã 68 năm.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, hai cuộc chiến tranh nhỏ, biết nhận ra sai lầm của bao cấp để đi đến đổi mới thành công. Bản tính cần cù, đầu óc thông minh, năm nay tròn 68 tuổi nhưng rồi vẫn để người khác "nói hộ" lòng mình mà không cần lấy ý kiến nhân dân hay định hướng, hiệp thương giúp họ để chọn ra người đại diện cho mình. Họ vẫn lúng túng giữa một người là hiệp thương họ, một người là đại diện cho họ.

Dường như đôi lúc họ đã không nhớ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ..."

Muốn có động lực cải cách thể chế thì mỗi người dân phải là  một cổ đông thực quyền. Muốn trở thành cổ  đông thực quyền, trước hết phải trưởng thành, tự mình thoát ra khỏi tình trạng giám hộ, tình trạng hiệp thương.

Sau sửa đổi Hiến pháp, là  sửa đổi Luật bầu cử, cần tạo khuôn khổ pháp lý cho dân tộc Việt Nam có điều kiện để trưởng thành.

Hơn lúc nào hết, toàn dân thành tâm học tập và làm theo tấm gương cách mạng Hồ Chí Minh, thực thi thực chất quyền "tuyển và đuổi đầy tớ" của mình sẽ là động lực cho việc cải cách thể chế hiện nay.

TS Võ Trí Hảo (Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM)