Tướng Giáp và sự thức tỉnh người đương thời
Mỹ Hòa (thực hiện)
Chủ nhật ngày 13 tháng 10 năm 2013 10:20 AM
Tình cảm, niềm tin kính đó như một lời nhắc nhở những người lãnh đạo phải có trách nhiệm lớn hơn với dân tộc, sống trong sáng hơn nữa để có được niềm tin của người dân" - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an.
LTS: Trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an đã chia sẻ lòng tôn kính với nhân cách trọn vẹn, suốt đời vì đất nước, dân tộc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tài sản lớn là tình cảm của dân
- Những ngày qua, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, chứng kiến nỗi tiếc thương, tình cảm người dân cả nước dành cho Đại tướng, những dòng người xếp hàng dài không lúc nào ngớt để chờ viếng..., ông có suy ngẫm gì?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Điều tôi suy ngẫm nhiều nhất là tại sao một vị tướng khi qua đời lại tạo ra một khối rung động, tình cảm lớn lao của cả dân tộc đến như vậy. Không chỉ các cựu chiến binh, giới trí thức... mà cả giới trẻ, những người thậm chí có thể còn không biết tướng Giáp quê ở đâu và có những chiến công tầm cỡ ra sao, vẫn vô cùng xúc động.
Theo tôi, người dân VN xúc động, thương tiếc vô hạn không chỉ vì những chiến công của tướng Giáp, mà vượt lên trên tất cả, là bắt nguồn từ nhân cách của ông. Đó là nhân cách lớn của một con người cả cuộc đời vì nước.
Con người ấy tỏa sáng bằng một nhân cách không màng đến danh lợi, rất mực trong sáng. Chính điều đó, hơn bất kỳ điều gì, khiến mọi người ngưỡng mộ, xúc động. Trước đây là tình cảm dành cho cụ Hồ và giờ là tình cảm cho tướng Giáp.
"Tài sản" lớn của ông chính là nằm trong tình cảm người dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiếu tướng Lê Văn Cương, dân tộc, đất nước, niềm tin của người dân
"Con người ấy tỏa sáng bằng một nhân cách không màng đến danh lợi"
-GS lịch sử quân sự Mỹ, Cecil Currey trong cuốn Chiến thắng bằng mọi giá, có viết đại ý rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải là một người tốt... Người tốt không trở thành những vị tướng huyền thoại; họ dạy lớp học giáo huấn, làm giáo sư lịch sử, hay giáo sĩ trong quân đội. Họ không làm tràn đầy những sách với những chiến công của họ hay những chiến trường với những xác chết. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?
- Nói thế là chưa hiểu VN. Nếu ông ấy là một người dân VN sống vào giai đoạn những năm 1945, 1947, 1950... chắc chắn ông ấy sẽ không có ý kiến như vậy.
Những việc làm của tướng Giáp khi đó là phản ánh nguyện vọng tối thượng của người dân VN, nguyện vọng đất nước được độc lập và tướng Giáp đã dám xả thân vì nguyện vọng ấy. Trước đó, chúng ta đã mở ra mọi con đường đối thoại, chẳng hạn hội nghị đàm phán Fontainebleau, nhưng cuối cùng đối phương không chịu thì buộc lòng chúng ta phải cầm súng.
Bác Hồ, tướng Giáp, người dân VN ngay từ đầu đã "mở" hết cửa và không một ai muốn đổ máu. Nhưng tất cả mọi cửa chúng ta mở ra họ đều đóng lại thì buộc lòng chỉ còn con đường duy nhất.
- Trong thời chiến, đối mặt với sinh tử, với những lựa chọn sống cao cả vì đất nước hay vị kỷ cá nhân, việc giữ nhân cách là rất khó khăn. Nhưng phải chăng, thời bình cũng tạo ra những thử thách khác cho việc giữ nhân cách, thưa ông?
Đúng vậy, giữ nhân cách thời bình khó hơn nhiều, khó gấp trăm lần.
Không ít người nhân cách được rèn luyện sinh tử trong chiến tranh, trở thành những con người lớn lao. Nhưng khi đất nước hòa bình, được nắm quyền lực, họ lại không giữ được nhân cách mà trở nên tha hóa.
Những người nhân cách chỉ thể hiện trong một hoàn cảnh cụ thể như chiến tranh, nhưng sau đó không được tôi luyện hay không giữ được sự bền vững, thì trong bối cảnh này nhân cách có thể rất tuyệt vời nhưng bối cảnh khác lại thay đổi.
Còn với tướng Giáp, nhân cách của ông định hình rất sớm, được hun đúc trong chiến tranh, và trong hòa bình cũng kiên định không thể đốn ngã. Trước hết đó là do tư chất của cá nhân của ông, thứ 2 là tác động của quê hương, đất nước. Hai yếu tố này cộng hưởng với nhau mới làm nên nhân cách của Đại tướng.
Nhìn rộng ra, để có được nhân cách đó, phải hội tụ cả trí tuệ lẫn tầm văn hóa, và phải được bồi đắp theo thời gian.
Sự thức tỉnh lớn
- Cuộc đời con người luôn có những khúc quanh, đoạn trầm và đó chính là những giai đoạn mang tính thử thách sống còn với nhân cách mỗi người. Tướng Giáp hẳn cũng không tránh khỏi "quy luật" ấy. Từ những gì ông biết, Đại tướng đã đối diện ra sao trong những cung đoạn "gian truân" của mình?
Theo tôi được biết, cả cuộc đời Đại tướng, ông không bao giờ có bất kỳ thắc mắc, chưa bao giờ tỏ ý phản đối một quyết định của tổ chức, luôn chấp hành nghiêm túc Nghị quyết, quyết định của Đảng, của cấp trên. Ông không có bất kỳ biểu hiện gì, chứ đừng nói đến có phát ngôn nào thể hiện sự phản ứng.
Khi đang giữ cương vị lãnh đạo rất cao, được giao làm nhiệm vụ khác, ông vẫn thực hiện rất vui vẻ, không một chút phản ứng. Đó là người Việt Nam duy nhất mà tôi biết đã có cách ứng xử như vậy, và đó tất cả là vì đất nước này. Nếu mảy may vì lợi ích cá nhân, chắc hẳn ông đã phản ứng.
Nhớ có thời ông được giao làm công tác phụ trách khoa học, khi được giao một đề án về phát triển khoa học kỹ thuật VN, tướng Giáp gọi điện cho Trung tướng Lê Quang Đạo, cấp trên của ông khi đó, nói rằng: Báo cáo anh tôi chuẩn bị xong, anh cho phép tôi khi nào trình bày với anh báo cáo. Ông Đạo hoảng hốt: Chết, sao làm thế. Lúc nào anh rỗi tôi phải đến chỗ anh chứ. Tướng Giáp đáp lại: Không, đây là việc công. Anh bố trí thời gian và địa điểm tôi xin báo cáo.
Rồi khi ông thôi vị trí trong Bộ Chính trị, thôi giữ chức Phó thủ tướng, ông gọi điện cho lãnh đạo cấp trên, báo cáo rằng hiện ông không đảm nhận vị trí Phó thủ tướng, không tham gia Bộ Chính trị nữa, nên đề nghị bố trí lại, rút bớt lực lượng bảo vệ, lực lượng thư ký.
Đó là cách hành xử, mà như nhiều người đã nói, là hành xử theo chữ "Nhẫn". Và "Nhẫn" của tướng Giáp là trên một "phông" của cái tâm sáng, của ý nguyện tất cả vì dân tộc này. Và nhẫn như thế thì bao nhiêu cũng là không vừa, không đủ.
- Tướng Giáp, cho đến cả những ngày tháng cuối cùng trên giường bệnh, vẫn luôn là nơi gửi gắm niềm tin kính của người dân cả nước. Còn khi ông nằm xuống, chúng ta thấy cả dân tộc như đang xích lại gần nhau, yêu thương, gắn bó, tốt lành hơn trong nỗi đau mất mát. Liệu đây có phải là một sự thức với người đang sống?
Tướng Giáp mất trong bối cảnh lúc này, khi xã hội đang có nhiều khó khăn, bức xúc, rồi tình trạng tha hóa, thoái hóa trong bộ máy, nạn quan liêu, tham nhũng càng khiến người dân kính yêu, tiếc thương một người nhân cách sáng ngời như ông.
Hơn lúc nào hết, chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì cũng cần học tập và làm theo tấm gương của tướng Giáp, người học trò xuất sắc của Bác, người cả cuộc đời vì đất nước, không màng danh lợi, cả thế kỷ sống trong sáng trọn vẹn.
Sự ra đi của ông tác động đến tất cả mọi người dân, và hẳn tất cả đều sẽ cùng phải suy nghĩ. Đó là tác động tích cực, dù chúng ta không thể đánh giá được cụ thể.
Sau nỗi mất mát lớn này, muốn hay không, bất kỳ ai có lương tri cũng phải có sự "thức tỉnh" ở mức độ nhất định. Chắc chắn sự rung động của cả dân tộc sẽ tác động vào họ, sớm muộn, ít nhiều sẽ khiến họ sẽ phải điều chỉnh hành vi.
Tình cảm người dân đối với tướng Giáp, nhất là khi ông qua đời, tạo một sức đẩy đối với Đảng và Nhà nước phải quyết liệt hơn nữa khắc phục hiện tượng tha hóa trong bộ máy công quyền. Như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (Nxb CTQG, H, tr.173-174) đã chỉ ra, đó là "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp...".
Tình cảm, niềm tin kính đó như một lời nhắc nhở những người ở lại phải có trách nhiệm lớn hơn với dân tộc, sống trong sáng hơn nữa để có được niềm tin của người dân.
- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian!
Mỹ Hòa (thực hiện)