Thời gian gần đây, dư luận văn chương cả nước bất bình về việc anh Cao Phú Cường, một tác giả thơ trẻ ở tỉnh An Giang bị người đọc phát hiện đã 5 lần đạo thơ của các nhà thơ nổi tiếng để in trên các báo địa phương, thậm chí để dự một cuộc thi thơ của Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong bài viết này, tôi xin đề cập sâu đến việc anh Cao Phú Cường (giáo viên văn Trường Trung học cơ sở Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã ngang nhiên đạo thơ bài “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi một cách khá tinh vi nhưng cũng không kém phần lộ liễu. Tôi viết bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” vào tháng 4.2009 trong dịp đi dự Trại sáng tác Văn học về đề tài biển đảo và chiến sĩ hải quân do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Quân chủng Hải quân phối hợp tổ chức ở Hạ Long, Quảng Ninh. Đến năm 2011 bài thơ này đã được nhiều tờ báo trung ương đăng tải như: Thanh Niên, Văn nghệ Quân đội, Tiền Phong, Văn Nghệ, Nhân Dân, Phụ Nữ Việt Nam, Tạp chí Nhà văn, Vnexpress, VietNamnet… và sau đó được hàng chục tờ báo địa phương đăng lại. Bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biên” của tôi đã được 5 nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó ca khúc do nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ thơ đã phát sóng nhiều lần ở Đài THVN và các Đài PTTH ở nhiều tỉnh, thành phố. Có thể nói đây là một bài thơ về biển đảo khá phổ biến trong những năm gần đây và nhận được sự hưởng ứng của hàng triệu độc giả trong và ngoài nước.
Đến trung tuần tháng 7.2013 này, tôi được tác giả Lê Xuân (Hội Nhà văn TP Cần Thơ) cho biết: anh Cao Phú Cường ở An Giang đã đạo bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi để in thành bài thơ có tựa đề “Tổ quốc tôi nhìn từ biển” trên báo Văn nghệ Đồng Tháp số Xuân Qúy Tỵ - 2013. Tôi đọc kỹ lại bài thơ của Cao Phú Cường và thấy buồn cho một tác giả thơ trẻ vừa mới “gõ cửa” làng văn đã cố tình đạo thơ của người khác để mong nổi tiếng. Đứng về mặt thời gian, bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi đã được phổ biến nhiều năm trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi anh Cường gửi in bài thơ của mình trên Báo Văn nghệ Đồng Tháp. Tên bài thơ của tôi đã được Cường lấy lại gần như nguyên bản và anh ta chỉ thêm một từ “tôi” vào giữa để trở thành “Tổ quốc tôi nhìn từ biển”. Tôi không ngờ lại có một người dám ngang nhiên đạo thơ của mình một cách lộ liễu như vậy.
Điều đáng chê trách hơn, trong bài thơ của mình, Cao Phú Cường đã nhiều lần đạo câu, đạo ý thơ tôi một cách khá tinh xảo từ các khổ thơ 8 chữ trong bài “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi khi anh ta ghép ý của câu thơ trong khổ thơ này vào với ý của câu thơ trong khổ thơ khác. Ví dụ như câu thơ của tôi: “Nếu tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa” thì Cường đạo thành: “Tổ quốc tôi nhìn từ bao họa hiểm”. Vậy là anh ta chỉ đảo hai từ “hiểm họa”thành “họa hiểm” trong câu thơ này. Còn nữa, một câu thơ nguyên văn của tôi là: “Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời” thì Cường đạo thành: “Máu xương đổ dằng dặc không thể đếm”. Cái vụng về của Cường là ở chỗ, lúc cố tình đạo ý đã biến câu thơ này thành một câu văn xuôi khi thay ba chữ “suốt ngàn đời” bằng “không thể đếm”. Chưa hết, trong một câu thơ khác, nguyên bản thơ tôi là: “Bao dáng núi còn mang hình goá phụ” đã bị Cường đạo thành: “Núi mang hình góa phụ nhiều hơn”. Thêm nữa, Cường đã đạo nguyên ý câu thơ của tôi: “Lời cha dặn phải giữ từng thước đất” thành câu thơ của cậu ta là: “Lời cha dặn: Giữ gìn từng tấc đất”.
Tùy tiện và cẩu thả hơn, Cường đã biến 2 câu thơ hay nhất trong bài thơ của tôi: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng” thành 2 câu thơ khác lạ có nội dung rất tối nghĩa và có ám muội: “ Tổ quốc tôi nhìn từ phía Trường Sơn/Mẹ Âu Cơ nuốt hờn không yên được”. Thêm nữa, trong 2 câu thơ kết của bài thơ, tôi viết: “Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi” thì ở 2 câu kết trong bài thơ của mình, Cường đạo thành: “Chí dân tộc nghìn đời không thể mất/ Vạn bóng tầu xanh biếc tỏa ra khơi” và anh ta đã biến câu thơ hay thành một câu thơ dở đầy sáo rỗng.
Thậm chí, trắng trợn hơn, Cao Phú Cường còn đạo ý của cả mấy khổ thơ của tôi để biến thành thơ của anh ta. Nguyên văn một khổ thơ của tôi: “Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể/ Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ/Thương Hòn Mê bão tố phía âm u” đã bị Cường đạo thơ thành: “ Tổ quốc tôi nhìn từ chớp bể mưa nguồn/ Bạch Long Vỹ gối đầu lên sóng dữ/ Thương Phú Quốc mây mù án ngữ/ Côn Đảo oằn bão tố phía cô đơn”. Trong khổ thơ này, Cường đã thay 3 địa danh Cồn Cỏ, Lý Sơn, Hòn Mê thành Bạch Long Vỹ, Phú Quốc, Côn Đảo. Đây là sự chủ ý khá xảo quyệt của người đạo thơ. Điều này còn rõ hơn với khổ thơ tôi viết: “Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình/ Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước/Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh” đã bị Cao Phú Cường đạo thành: “Tổ quốc tôi nhìn từ phía sóng dồn/ Bao ông cha đã quên mình ra đảo/ Một sắc chỉ Hoàng Sa truyền con cháu/ Trong hồn người sắc máu mãi đinh ninh”. Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, Cao Phú Cường đã đạo tên cả bài thơ, tứ thơ, ý thơ và câu thơ trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển của tôi” một cách có chủ ý và khá xảo quyệt.
Đáng lưu ý, tác giả Lê Xuân ở Hội nhà văn TP Cần Thơ còn cho biết: Tác giả trẻ Cao Phú Cường đã nhiều lần đạo thơ của người khác để đăng báo. Năm 2008, Cường chôm bài thơ “Áo bà ba” của nhà thơ Bùi Văn Bồng để đăng trên lucbat.com vẫn với tựa đề “Áo bà ba”. Năm 2011, Cường lại “chôm” bài thơ "Ngắn dần viên phấn" của nhà thơ Vương Thảo viết vào những năm 1990 của thế kỷ XX để đăng trên blog Văn An Giang, vẫn để tựa đề là “Ngắn dần viên phấn". Tiếp theo, năm 2012CPC đã “chôm” bài thơ “Trở về đồng tứ giác” của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (in trong tập Thơ Trịnh Bửu Hoài – NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2006, trang 160) thay tựa đề là “Về đồng mùa nước nổi” (MS: 096A) dự thi thơ ĐBSCL do Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng đăng cai, tổ chức và đã bị phát hiện. NHà văn Lê Xuân cũng cho biết, trong năm 2011, Cường “chôm” thơ bằng cách “chắp vá” từ những câu thơ của hai tác giả khác nhau rồi “nhào nặn” thành bài thơ của mình. Bài “Khát nhà” của Cường đăng trên “Tuyển tập thơ Trẻ An Giang, năm 2011” là một vi dụ điển hình. Ở bài này Cường đã “chôm” vài câu ở bài “Tiếc lắm thay” của nhà thơ Vũ Thị Huyền và vài câu ở bài “Lời ru con của người yêu cũ” và của nhà thơ Phạm Ngà. Ví dụ: Vũ Thị Huyền viết: “Ta về gặp nắng trong mưa/ Gặp buồn trong nhớ gặp trưa trong chiều”, thì Cường viết: “Bất ngờ gặp nắng trong mưa/ Gặp thực trong mộng, gặp trưa trong chiều”. Phạm Ngà viết: “Con thuyền nói với dòng sông/ Cánh cò nói với mênh mông nắng chiều/ Thời gian nói với tình yêu/ Buồn vui lại nói những điều buồn vui”, thì Cường viết: “Bờ kênh nói với hàng cây/ Cánh cò nói với trời mây ruộng đồng/ Con thuyền nói với dòng sông/ Con cũng muốn nói với lòng đất quê”. Trước sự đạo thơ liên tục như trên của Cao Phú Cường, nhà văn Lê Xuân cho biết đang kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội VHNT tỉnh An Giang nên xem lại tư cách ông thầy dạy văn này.
Nguyễn Việt Chiến
Tổ quốc nhìn từ biển
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi
Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng
Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước *
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi
(Trại viết Văn nghệ Quân đội Hạ Long 4-2009)
----------
* Mới đây người dân huyện đảo Lý Sơn đã tìm thấy một sắc chỉ của
vua triều Nguyễn năm 1835 cử dân binh ra canh giữ đảo Hoàng Sa
Cao Phú Cường
Tổ quốc tôi nhìn từ biển
Tổ quốc tôi nếu nhìn từ phía biển
Hoàng Sa đang nổi bão giông
Bốn ngàn năm bất khuất có yên lòng?
Trường Sa chực nguy biến
Tổ quốc tôi nhìn từ bao họa hiểm
Suốt thế kỷ gió lốc vẫn chập chờn
Máu xương đổ dằng dặc không thể đếm
Núi mang hình góa phụ nhiều hơn
Tổ quốc tôi nhìn từ chớp bể mưa nguồn
Bạch Long Vỹ gối đầu lên sóng dữ
Thương Phú Quốc mây mù án ngữ
Côn Đảo oằn bão tố phía cô đơn
Tổ quốc tôi nhìn từ phía Trường Sơn
Mẹ Âu Cơ nuốt hờn không yên được
Lũ thủy quái chực giương nhanh, múa vuốt
Chưa một ngày biển yên ả, xanh hơn
Tổ quốc tôi nhìn từ phía sóng dồn
Bao ông cha đã quên mình ra đảo
Một sắc chỉ Hoàng Sa truyền con cháu
Trong hồn người sắc máu mãi đinh ninh
Tổ quốc tôi nhìn từ phía anh linh
Sóng Bạch Đằng đánh phăng lũ khát máu
Từng hốc đá vẫn mắt trông đau đáu
Hồn hùng anh có ngọn sóng thức canh
Tổ quốc tôi nhìn từ biển. Long lanh
Lời cha dặn: Giữ gìn từng tấc đất
Chí dân tộc nghìn đời không thể mất
Vạn bóng tầu xanh biếc tỏa ra khơi
(Gạch dưới ở những câu thơ bị đạo ý, đạo câu, đạo hình ảnh, đạo các liên tưởng thơ)
ảnh: Bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến in trên Báo Thanh Niên tháng 5-2011; ảnh bài thơ “Tổ quốc tôi nhìn từ biển” của Cao Phú Cường in trên Báo Văn nghệ Đồng Tháp số Xuân 2013