Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Về viên đá lạ ở Đền Hùng

Hà Văn Thùy
Thứ năm ngày 18 tháng 4 năm 2013 8:25 PM


“Hòn đá lạ” có mặt ở Đền Hùng từ bốn năm trước nhưng khi xuất hiện trên báo gây nên dư luận trái chiều khá căng thẳng, có những lời lên án cực đoan. Tôi nghĩ trước hết mọi người cần bình tĩnh, lắng nghe lời giải trình của cơ quan chức năng. Mọi sự quy kết lúc này đều là vội vàng, thể hiện tâm lý đám đông nông nổi, thiếu chiều sâu văn hóa.
Để góp phần giải quyết tận gốc vấn đề, tôi xin trình bày đôi suy nghĩ.

1.Hòn đá xuất hiện ở Đền Hùng nên phải nhìn nhận nó trong bối cảnh lịch sử văn hóa của ngôi đền. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không phải là tôn giáo thờ thần mà là đạo thờ tiền nhân của người Việt. Một tục thờ xuất phát từ dòng giống trong gia đình, họ tộc và cao nhất là Quốc Tổ, vị thủy tổ sinh ra toàn dân tộc. Trong bài viết Tìm gốc gác và niên đại Hùng Vương* và Vua Hùng là tổ của cả dân tộc Việt Nam**  tôi đã chứng minh, về mặt di truyền học, Vua Hùng là tổ của cả dân tộc Việt Nam. Như vậy, mọi người Việt, không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp đều có quyền lợi và nghĩa vụ thờ Vua Hùng. Phật tử có thể tới Đền thực hành lễ Tổ theo nghi thức Phật giáo. Nhà Nho có quyền tới lễ Tổ theo nghi thức Nho giáo và những đạo sĩ Đạo giáo có quyền tới Đền lễ Tổ theo nghi thức Đạo giáo. Bà con Công giáo có quyền tới Đền lễ Tổ theo nghi thức Thiên chúa giáo … Cố nhiên phải thực hành quyền đó trong khuôn khổ pháp luật và những quy định của Đền. Vì lẽ đó, việc đạo sỹ Đạo giáo thực hành lễ Tổ như báo chí đã đưa tin là chuyện bình thường, không ai được phép bài bác.

 2. Cũng như nhiều ngôi đền khác, chẳng hạn Đền Ngọc Sơn Hà Nội, Đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa… đền Hùng ban đầu do những bô lão địa phương có tâm, có chút tài sản và ít nhiều hiểu biết đứng ra xây cất một cách đơn giản. Sau đó qua thời gian, được nâng cấp dần. Rồi do ý nghĩa của nó trong lịch sử, Đền được triều đình bảo trợ kinh phí, ban sắc phong thần…Vì vậy, những đồ thờ, những hoành phi, câu đối xuất hiện ban đầu phần nhiều là của “dân ấp dân lân”, trình độ có hạn, chữ nghĩa chưa nhiều. Việc hòn đá thờ trong am Mỵ Châu là thí dụ tiêu biểu. Thương cảm nàng Mỵ Châu chết oan cùng với truyền thuyết ăn cắp nỏ thần, trong hoàn cảnh nước mất… các bô lão làng Cổ Loa do nhận thức còn hạn chế, cho rằng hòn đá dị hình là hình tượng Mỵ Châu bị chém nên thỉnh về thờ? Cũng như vậy, có thể hiểu được vì sao, trong ngôi đền Ngọc Sơn trang trọng nhất nước, từng được “thần Siêu” bảo trợ lại có không ít câu đối không chuẩn! Những hoành phi câu đối sai ở Đền Hùng cũng ra đời trong hoàn cảnh tương tự. Ta phải thông cảm với người trước và từng bước sửa dần cho hoàn chính… Do mọi sự không phải nhất thành bất biến nên việc thêm vào hay bớt đi câu đối, hoành phi rồi vật thờ trong các đền đài là chuyện bình thường. Có điều mọi việc thay đổi phải có lý do chính đáng và đúng luật.
Từ thực tế đó, việc một hòn đá lạ - thực chất là một khối ngọc – xuất hiện trong Đền cũng là điều bình thường. Tiếc rằng do chưa được hướng dẫn trước khiến dư luận bị bất ngờ nên sốc! Có thực tế là, khi một nơi thờ tự trở thành linh thiêng, nhiều người chiêm bái thì mặc nhiên cũng xuất hiện những thế lực phá hoại. Đền càng thiêng, càng liên quan chặt chẽ tới vận mạng một gia đình, một dòng họ thì lực lượng phá hoại càng mạnh và những việc chấn yểm cũng ngày càng quyết liệt hơn. Nguy cơ này càng lớn với Đền thờ Quốc Tổ vì liên quan tới vận mệnh của cả dân tộc.
Lúc đầu biết thông tin về hòn đá lạ, tôi khá bức xúc, nhưng sau đó nghe ý kiến một số chuyên gia, tôi bình tĩnh hơn vì đó là bùa lành. Mới đây, khi đọc lời giải trình của người chịu trách nhiệm chính trong việc này, tôi thấy yên tâm. Có thể nói sự việc diễn ra theo quy trình chặt chẽ, đúng luật. Không những thế, nó thể hiện tâm huyết của Bộ Văn hóa và ban lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, những người thay cho chúng ta chịu trách nhiệm lớn nhất thờ cúng Quốc Tổ. Đó cũng là cái tâm lớn của một người con Việt cống hiến viên ngọc có giá trị. Hoài nghi thiếu cơ sở là phụ lòng tốt của đồng bào mình!
Vấn đề đặt ra lúc này là có cần công khai ý nghĩa tâm linh cùng tác dụng bùa chú của hòn đá?
Truyện ngắn Bí mật cho mỗi cuộc đời  của Nhà văn Lê Tri Kỷ gây nên trong tôi nỗi ám ảnh lớn: Mỗi con người có những bí mật cần được giữ! Với một con người đã vậy thì với một dân tộc có biết bao điều bí mật cần giữ? Bí mật của viên đá trấn yểm, một khi công khai giữa thanh thiên bạch nhật chắc chắn sẽ bị kẻ thù lợi dụng và rất có thể cũng mất thiêng bởi lẽ lộ thiên cơ! Điều này dẫn tới tai họa khôn lường. Vì vậy, tôi đề nghị, các cơ quan chức năng, sau khi bàn bạc trong phạm vi hẹp với những chuyên gia sẽ ra thông cáo về hòn đá để đáp ứng nỗi bức xúc cùa mọi người. Và chúng ta hãy tin ở lương tri của những con người tử tế. Nếu những người này không còn tin được nữa thì đó là điều bất hạnh lớn của dân tộc!

*http://trannhuong.com/tin-tuc-9264/tim-goc-gac-va--nien-dai-hung-vuong.vhtm
**http://trannhuong.com/tin-tuc-15392/vua-hung-la-to-cua-ca-dan-toc-viet-nam.vhtm