Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đến nước người lại ngẫm đến ta

Trần Vân Hạc
Chủ nhật ngày 21 tháng 4 năm 2013 6:04 PM

Vẫn biết Thái Lan là : “Thiên đường du lịch”, là: “Xứ xở của những nụ cười thân thiện”, du lịch được khai thác một cách đồng bộ, hiệu quả đã trở thành đòn bẩy kinh tế quan trọng phát triển đất nước, góp phần bảo tồn và quảng bá văn hóa dân tộc… Vậy mà khi bước chân dến Thái Lan tôi không khỏi ngỡ ngàng và thật sự bị mê hoặc và hiểu được tại sao người Thái lại thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến như vậy.
Chúng tôi sang Thái đúng vào thời điểm nắng nóng nhất, cả đoàn ra sân bay Nội bài để bay chuyến QR 615 đi BangKok lúc 17h10 ngày 5.4.2013. Hành lý nặng, tuổi cao tôi phải dùng xe đẩy ra nhà chờ. Một cô nhân viên phục vụ  của sân bay Nội Bài đến chỉ tay: “Chú đẩy xe ra ngoài”. Tôi thật sự ngỡ ngàng trước thái độ phục vụ “đặc biệt” ấy, mấy người nước ngoài đứng bên hình như hiểu tiếng Việt chỉ biết nhún vai.
Lên máy bay của hãng hàng không Thái Lan, đội ngũ tiếp viên lúc nào nét mặt cũng tươi như hoa, chưa cười mà đã như cười, đầy thân thiện, tận tình, lịch sự, chu đáo. Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi nhìn như một bông lan – (quốc hoa của Thái Lan) cách điệu, gợi liên tưởng tới những mái nhà Thái. Nhà ga tràn ngập lan tươi đủ màu, hương hoa thơm thoảng, tôi chợt mỉm cười: không biết hương thơm man mác kia tỏa ra từ những bông hoa hay từ nụ cười mến khách, thân thiện của đội ngũ tiếp viên, phục vụ tại sân bay. Đến BangKok trời đã tối, nghỉ đêm tại khách sạn ba sao KRANMANEE PLACE, chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội dạo phố, đi chợ đêm để tìm hiểu về BangKoc. Anh Don, hướng dẫn viên du lịch cho đoàn chúng tôi trên đất Thái giới thiệu: “BangKok có nhiều chợ đêm như: Khao San, là thiên đường của quần áo và trang sức độc đáo, mà giá cả lại rất phải chăng, rồi còn có cơ hội thưởng thức món mỳ pad Thái chua cay, bia Chang/Singha; chợ Silom hấp dẫn nhiều du khách nước ngoài hơn do nằm song song với con phố Patpong, khu đèn đỏ với vô số các dịch vụ tình dục của Bangkok; còn chợ Pak Khlong Talat lại là một nơi thư giãn nhẹ nhàng với vô vàn các loại hoa, đủ màu sắc và mùi hương...”. Chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn, chọn hàng và mặc cả với giá trên trời dưới đất, vậy mà những người bán hàng luôn hòa nhã và đặc biệt gần như ai cũng giao tiếp được bằng tiếng Anh thương mại, không ai có ý định “chặt chém” du khách. Đêm ấy chúng tôi nếm thử món ăn đường phố, cũng với thái độ phục vụ chân tình, người bán hàng trên vỉa hè nói tiếng Anh khá lưu loát giới thiệu món mỳ pad Thái chua cay cổ truyền của người Thái. Đêm BangKok, đường phố thoáng người, gió mát lồng lộng đem lại một cảm giác thật thanh thản, an toàn, đầy sức lôi cuốn.
Sáng hôm sau chúng tôi đi thăm cung điện Hoàng gia, nơi ở và làm việc của các triều đại vua Rama với các công trình kiến trúc tuyệt mỹ theo phong cách Thái Lan. Đây là ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ lớn nhất thế giới. Tuy ngày nay cung điện này không còn là nơi ở của hoàng gia nhưng nó vẫn là địa điểm diễn ra các sự kiện quan trọng, trong đó có cả lễ đăng quang của quốc vương. Trưa ấy chúng tôi tưởng thức các món ăn tự chọn trên tầng 78 của khách sạn Baiyoke 86 tầng, cao nhất BangKok với hơn 300 món ăn Âu – Á và ngắm toàn cảnh BangKok qua trục xoay của tòa nhà. Chiều chúng tôi đi thămTiger zoo – trại nuôi hổ và cá sấu lớn nhất Thái Lan, thót tim với nhưng pha biểu diễn mạo hiểm, ngoạn mục với hổ, cá sấu, thật là hấp dẫn. Dịch vụ chụp ảnh với hổ thu hút được rất nhiều khách. Đoàn chúng tôi dừng chân ở Pattaya hai ngày hai đêm. Cả hai đêm chúng tôi lang thang trên các con phố tấp nập, hai bên đường đầy hoa quả, các món ăn, các dịch vụ bia, trang sức, quần áo, đồ lưu niệm và thả bộ trên phố đi bộ đầy ánh đèn đủ màu và những điệu múa, nụ cười mời gọi. Dịch vụ du lịch tình dục cho khách du lịch được khai thác như một ngành công nghiệp đem lại rất nhiều lợi nhuận và bước đầu hiểu được tại sao Pattaya được coi là thành phố của ma quỷ hay thành phố của những đêm không ngủ. Chúng tôi còn ra thăm đảo San hô, chiêm bái Trân Bảo Phật Sơn – núi Phật có pho tượng Phật cao 130 mét, chiều rộng 70 mét  được khảm vào núi bằng vàng  24k. Khu sinh thái Nongnooch với những màn xiếc voi, boxing Thái, xem biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống Thái Lan, tham quan vườn lan với hàng trăm loài lan quí hiếm. Chúng tôi còn được đến thăm Butterfly – vườn bướm đặc sắc ba miền của Thái Lan; thăm cửa hàng đá quí của Thái tử Thái Lan; thăm  trại rắn – nơi bào chế và nghiên cứu các loại thuốc chữa bệnh từ rắn, cửa hàng đồ da; chiên bái chùa Thuyền – chùa tập trung Xá lợi các vị sư đắc đạo lớn nhất Thái Lan; đi du thuyền trên con sông huyền thoại Chao Phraya chảy ngang qua BangKok… Điểm du lịch nào cũng nườm nượp khách du lịch người nước ngoài, trong đó rất nhiều khách du lịch Việt, mọi người quên đi cái nóng bức của nắng vì bị thu hút và thực sự khâm phục. Điều rất thú vị là tại các khu du lịch, du khách đều được xem phim giới thiệu về “đặc sản” của địa phương bằng tiếng mẹ đẻ của từng nhóm đối tượng du khách – (khoảng 120 ngôn ngữ) và được nghe giới thiệu những tác dụng vô cùng quí báu cho sức khỏe của thuốc: mật ong, phấn hoa, thuốc bào chế từ nọc rắn, yến, cao hổ.... du khách vui lòng tự nguyện móc hầu bao mua không tiếc tiền Theo lời anh Don: chỉ riêng khu du lịch sinh thái Nongnooch mỗi ngày thu được 160.000 USD. Thái Lan có nhiều khu du lịch do tư nhân quản lý và khai thác rất hiệu quả. Nhà nước đã tạo điều kiện cho tư nhân phát triển du lịch rất tốt, ích nước, lợi dân. Một chi tiết rất nhỏ nhưng cũng để lại nhiều thiện cảm cho du khách là tại những khu du lịch, những thợ ảnh cứ hồn nhiên chụp ảnh du khách rồi lựa cái đẹp in trên nhiều chất liệu như giấy, nhựa… lồng trong tờ quảng bá hình ảnh Thái Lan, rồi mời du khách lấy làm kỷ niệm, thường chỉ 100 Baht/ một tấm, ai không lấy cũng không bị chèo kéo, mắng mỏ, làm phiền. Nể thái độ phục vụ tận tình, thân thiện đa số khách đều vui lòng lấy ảnh. Nhìn ánh mắt và nụ cười hài lòng của các du khách, tôi biết chắc rằng nhiều du khách sẽ trở lại Thái Lan không chỉ một lần.
Chúng tôi tò mò xem trên đường phố có những người ăn mày không nhưng rất ít và họ không ngửa tay xin không mà luôn bán một thứ gì đó như vé số, đồ lưu niệm và không bao giờ chèo kéo, chụp giật, ý thức tự tôn dân tộc và lòng tự trọng thường trực trong mỗi người dân.
Để thu hút du lịch, Thái Lan đã xây dựng được một hạ tầng cơ sở rất tốt: sân bay hiện đại, đường giao thông rất hợp lý, ý thức mỗi người dân Thái Lan đều phấn đấu vươn lên vì ngày mai tốt đẹp hơn. Trên đường gần như chỉ có ô tô nối đuôi nhau, rất ít xe máy, tuy có tình trạng kẹt xe, ùn tắc nhưng các xe đều tuần tự nối đuôi nhau không vượt ẩu, chen lấn, không một tiếng còi, không có cảnh sát trên đường, chúng tôi muốn sang đường chỉ giơ tay ra hiệu là tất cả các xe ô tô đều dừng lại, khi chúng tôi chắp tay chào tỏ ý cảm ơn, tất cả các lái xe đều tươi cười chào lại. Hệ thống đường cao tốc trên cao rất tốt và đường Skytrain – (xe lửa trên cao) chạy cách nhau 3-6 phút và đi qua hầu hết các điểm thăm quan tại Bangkok và Tàu điện ngầm, Taxi…  khá thuận tiện. Nếu không thuộc đường hỏi bất kỳ một lái xe Taxi, hay một người dân nào đều được chỉ dẫn tận tình. Thái Lan có 95% theo đạo Phật, đi đâu cũng thấy các sư và chùa làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. Chùa không chỉ là nơi thờ Phật, chùa còn là một thiết chế duy trì nền văn hóa truyền thống của người Thái Lan. Có thể nói bên cạnh biểu tượng quyền lực - Đức Vua, nếu không có đạo Phật, Thái Lan sẽ không giữ được tinh thần Thái Lan nữa.
Có thể nói cơ bản thiên nhiên không ban tặng cho Thái Lan những cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp như Việt Nam ta nhưng họ biết xây dựng, bảo vệ hồn cốt văn hóa, quảng bá hình ảnh và giáo dục ý thức công dân tốt. Phương thức “Du lịch toàn dân” cùng nhiều loại hình du lịch giá phải chăng và quảng bá với tầm nhìn chiến lược dài hơi làm cho số khách du lịch trong và ngoài nước hàng năm đều tăng. Người Thái Lan xác định: Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của du lịch Thái Lan. Trong 11 tháng qua, Thái Lan đón hơn 450.000 lượt khách đến từ Việt Nam, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2010. Theo đó, số lượng du khách Việt Nam du lịch Thái Lan theo hình thức du lịch trọn gói có đến 68% là khách đi nhiều lần và 32% là những du khách lần đầu đến Thái Lan và khi làm một phép so sánh, ta thấy: giá tour đi Thái Lan rẻ hơn đi tour nội địa, đương nhiên du khách họ sẽ chọn Thái Lan bởi vừa được tiếng xuất ngoại lại được mua sắm thoải mái. Nhất là tâm lý của khách Việt Nam thích chỗ đông người và thích mua sắm. Thực tế hàng năm du lịch Thái Lan mang lại nguồn lợi 6,5% GDP. Chia tay Thái Lan, chúng tôi ra sân bay Quốc tế Suvarnabhumi, cô phục vụ nụ cười trên môi chắp tay cúi chào và phát cho mỗi du khách một tờ rơi quảng bá hình ảnh của Thái Lan và hẹn gặp lại.
Nhìn lại du lịch Việt Nam  hiện nay do việc phát triển du lịch một cách ồ ạt, đôi khi mang tính tự phát, thiếu một kế hoạch mang tính chiến lược dài hơi, cùng với việc cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ trong một sợi dây liên hoàn, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch còn mang tính thời vụ, thiếu chuyên nghiệp. Đội ngũ hướng dẫn viên còn thiếu và yếu, đặc biệt về chất, chưa đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách… dẫn đến nhiều giá trị văn hóa quí báu bị sai lạc, bóp méo, thậm chí mất dần. Nói như tác giả Trương Hồng Tú: đó là: “nguy cơ một “Cái chết” văn hóa” và chỉ rõ trách nhiệm đó: “Thuộc về những người quản lý và khai thác du lịch”. Trong bài: “Nguy cơ một “cái chết” văn hóa…”.  của mình tác giả Trương Hồng Tú cũng khẳng định: “Khi những vẻ đẹp văn hóa độc đáo, bản sắc của một làng, một bản, một cộng đồng nhỏ hay một vùng bị chết sẽ dẫn đến “cái chết” của một nền văn hóa đa sắc tộc”- (“Nguy cơ một “cái chết” văn hoá” – Tuanvietnam.net, 24/07/2011). Điều đó ta có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu du lịch phát triển một cách ồ ạt, thiếu tính bền vững trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Sa Pa một thời thu hút du khách bởi tiểu vùng khí hậu rất đặc biệt, cảnh quan sơn thủy hữu tình, nhiều di tích lịch sử văn hóa cổ, thì nay không gian văn hóa bị phá vỡ vì những công trình xây dựng không theo một qui hoạch nào, mạnh ai người ấy làm, miễn là lợi cho mình. Để làm đường họ không cần suy nghĩ mà phá tan những khối đá cổ lưu giữ cả một kho tàng vô giá về văn hóa của tổ tiên… Tôi nhớ mãi một lần tại khu du lịch suối khoáng Bình Châu – Vũng Tàu, những du khách người nước ngoài đứng ngắm rồi rất thích thú chụp ảnh trên cây cầu bắc ôm quanh một thân cây xanh nhỏ mà không chặt đi, thì ra họ yêu và kính trọng cái việc biết nâng niu tôn trọng thiên nhiên của người làm du lịch nơi đây. Chặt phá thì nhanh mà nuôi trồng, gìn giữ mới khó. 
Chỉ điểm qua một số khu du lịch ở Tây Bắc, ta cũng thấy những giá trị văn hóa dân tộc cũng đang bị mai một dần do sự phát triển du lịch. Đi suốt một dải, từ Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình…chỉ còn lác đác đây đó bóng hoa ban trắng mà ngày xưa là rừng nối rừng, hoa trải thảm trên ngàn, hương thơm vấn vít từng áng mây ngọn gió và đã trở thành biểu tượng của Tây Bắc. Những khu du lịch đua nhau mọc lên như nấm nhưng lại thiếu đi nét đặc trưng của dân tộc, vùng miền. Đứng trước một ngôi nhà sàn văn hóa, dẫu xây cất bằng vật liệu gì du khách cũng không thể phân biệt được đó là nhà sàn của dân tộc nào, của người Tày, người Mường, người Thái hay của người Khơ Mú... Trong các buổi biểu diễn hoặc giao lưu văn nghệ các vũ công người Mường lại xòe và hát Thái… Ngay các điệu xòe Thái vốn tinh tế và uyển chuyển trong điệu khèn điệu “pí” – (sáo) hay đàn tính từng say lòng bao du khách trong và ngoài nước, nay cũng bốc lửa hơn bởi những động tác dậm chân và lắc hông trong tiếng nhạc xập xình. Còn các lễ hội dẫu bỏ ra bao nhiêu tiền, do cấp nào tổ chức thì cũng nặng tính sân khấu biểu diễn, xa rời vốn cổ như: lễ hội “Xên bản xên mường” – cúng bản cúng mường của người Thái; “Sàn hoa hạn khuống” – một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái Thái xưa hát đối đáp giao duyên; “Chợ tình” và “Tết độc lập”… Đấy là những cái chung, chưa nói đi vào những nét cụ thể của văn hóa dân tộc thì không sao kể hết cái đã bị hòa tan, bị lệch lạc, thậm chí mất đi nét đẹp là tinh hoa văn hóa tự bao đời: chỉ một ví dụ, bây giờ có bao nhiêu em gái Thái đen hiểu ý nghĩa nhân sinh cao đẹp của hàng cúc bạc hình bướm trên áo “cỏm” – (áo mặc ngoài bó sát người của con gái Thái) mình đang mặc, mà một bên là những con bướm đực, một bên là những con bướm cái. Bướm đực có đầu hình tam giác, mang đôi râu kiêu hãnh vươn ra phía trước, bướm cái đầu tròn, có lỗ nhỏ hình thoi ở giữa. Khi luồn đầu bướm đực vào đầu bướm cái, vạt áo được khép lại kín đáo. Hai hàng bướm như đang chụm đầu vào nhau trong vũ điệu giao duyên huyền ảo. Con gái chưa chồng hàng cúc mang số lẻ như còn chờ đợi cặp đôi, con gái có chồng hàng cúc mang số chẵn chuyên chở hạnh phúc vẹn tròn. Ý nghĩa âm dương giao hòa, khát vọng một cuộc sống sinh sôi bất diệt được gửi gắm vào hàng khuy áo, nơi luôn được trái tim rực lửa yêu đương ấp ủ sao mà tinh tế và cao đẹp biết nhường nào!  Bây giờ thôi thì đủ mầu sắc, tay ngắn, vai bồng, hở cổ, hàng cúc chẵn lẻ tùy ý… Đành rằng khi xã hội phát triển, ảnh hưởng sự giao lưu các nền văn hóa cùng sự cách tân theo quan điểm thẩm mỹ của thời đại, không thể cứ nệ cổ. Nhưng với chiếc áo sắc mầu diêm dúa, thêm chút phấn son, các em như bước ra sân khấu, để rồi những du khách, những người Thái cao tuổi, đặc biệt là các nhà nghiên cứu không khỏi day dứt, tiếc nuối…
Các phong tục tập quán và lễ hội, do sự hiểu biết và năng lực còn hạn chế của cán bộ chuyên trách, lại chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nghệ nhân và các nhà sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian nên có lúc tổ chức còn nửa cổ nửa kim. Ví dụ “Hội cầu mưa của người Thái Tây Bắc” lại có hình ảnh “ông trời” cầm cành cây dúng vào một bình nước vẩy tượng trưng cho cơn mưa?(!) Một chợ tình đã thương mại hóa làm ảnh hưởng không nhỏ tới nét đẹp cổ truyền vốn có… Các nghệ nhân thì ngày một già yếu và mất dần. Trong khi họ là người nắm hầu hết vốn liếng tài sản tinh thần của cộng đồng về những lĩnh vực nhất định. Chính họ chứ không phải ai khác là người lưu giữ và truyền cho thế hệ sau, chẳng thế mà tổ chức UNETSCO đề nghị tặng họ danh hiệu: “Báu vật nhân văn sống”. Song chúng ta đã làm gì, tạo những điều kiện như thế nào để cùng các nghệ nhân gấp rút sưu tầm, truyền dạy giá trị văn hóa ấy cho đồng bào, đồng thời tôn vinh chăm sóc “báu vật nhân văn sống” của mỗi tộc người?
Các địa phương khác trong cả nước, mức độ có thể khác nhau nhưng đều giống nhau ở việc tổ chức, quản lý và khai thác du lịch theo kiểu ăn xổi ở thì, chạy theo lợi nhuận, gây ra những tác hại không nhỏ cả về môi sinh, môi trường cùng việc “chết mòn” các giá trị văn hóa mà nhiều tác giả có tâm đã thể hiện quan điểm cùng nỗi xót xa trong rất nhiều bài báo và công trình nghiên cứu. Các nước có ngành du lịch phát triển, cũng từng phải trả giá không nhỏ cho những điều tưởng như nhỏ nhặt kia. Song họ nhanh chóng biết rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời, bởi vậy tự thân các sản phẩm du lịch của họ, trong đó có văn hóa dân tộc, tỏa ra một sức hút đến say lòng du khách trong và ngoài nước. Còn chúng ta vẫn dậm chân ở dạng “tiềm năng”.
Việc đầu tư khai thác du lịch của chúng ta bây giờ giống như việc “hớt váng mỡ”. Đấy cũng là những nguyên nhân cơ bản sau những: “Tuần văn hóa du lịch” với những tên gọi mỹ miều được tổ chức rầm rộ và tốn rất nhiều tiền của, thì những địa phương đó lượng du khách lại rơi vào cảnh èo uột, ngày một ít đi. Các di tích và thắng cảnh đang dần xuống cấp và mất dần. Nhiều ngọn núi đá đẹp đã bị phá nung vôi… ảnh hưởng của ý thức chưa cao và tác động của nền kinh tế thị trường thật to lớn và khốc liệt.
Hàng năm ngành du lịch báo cáo số lượng du khách tăng lên bao nhiêu phần trăm, mà chưa hề có một cuộc khảo sát: du lịch đã góp phần “bóp chết”  hồn cốt bao nhiêu giá trị văn hóa, chỉ còn lại cái vỏ hào nhoáng.
Ngày nay hoạt động du lịch đang đem lại một nguồn lợi không nhỏ, được coi là ngành "công nghiệp không khói", có tác dụng như một đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế, văn hóa…. Song muốn lâu bền, phải chăng một trong những điều cần thiết là phải giữ được cảnh trí thiên nhiên cùng văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, thu hút được du khách ngày một đông hơn. Làm thế nào để văn hóa dân tộc mãi giữ được cái hồn cốt riêng ấy. Đó là câu hỏi lớn dành cho các cấp, các ngành có chức năng tổ chức, quản lý và khai thác du lịch, mà một trong những yếu tố then chốt để thúc dẩy du lịch là: Tăng cường bảo vệ các di sản văn hóa và môi trường du lịch.
Theo tác giả Huỳnh Ngọc Thu, ĐH Khoa Học Xã hội và Nhân văn TPHCM: “Văn hóa là sản phẩm của con người; là hệ quả của sự tiến hóa nhân loại. Nhờ có văn hóa mà con người trở nên độc đáo trong thế giới sinh vật và khác biệt so với những con vật khác trong thế giới động vật”- (“Văn hóa là gì?” – nguồn anthdep.edu.vn). Còn nhà văn Nguyễn Xuân Khánh diễn giải vô cùng dễ hiểu và sâu sắc: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”- (“Văn hóa làng ăn vào máu thịt” - Hoàng Thi, báo Dân Việt, ngày 04/07/2011), đấy chính là cái làm nên sức mạnh cho dân tộc ta vững vàng bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, không thế lực đen tối nào xóa bỏ hoặc đồng hóa được! Vì vậy dù vô tình, xóa bỏ văn hóa truyền thống của dân tộc là có tội với tương lai đất nước, có tội với nhân dân. Chưa nói đến giao thông yếu kém cùng ý thức tham gia giao thông bát nháo của người dân và tình trạng “chặt chém” du khách có ở bất cứ khu du lịch của các tỉnh thành nào trong cả nước, thậm chí các “bang hội” có lúc gần như trấn lột công khai du khách làm cho không ít du khách, đặc biệt là khách quốc tế một đi không trở lại.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đặt ra rất nhiều vấn đề lớn, toàn diện và có tính chiến lược, mà khi áp dụng vào từng vùng, miền, các nhà lãnh đạo có trách nhiệm tổ chức, quản lý và khai thác du lịch cần có sự áp dụng khoa học và sáng tạo, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc. Tự thân nét đẹp văn hóa ấy tỏa ra một sức hấp dẫn với du khách. Từ năm 2011, "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 30/12/2011, với sự cố gắng đồng bộ của các cơ quan hữu quan, chúng ta hy vọng Du lịch Việt Nam ngày càng khai thác được những thế mạnh, là điểm đến lý tưởng cho du khách quốc tế.
 

     BangKok – Hà Nội 4.2013