Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Không thể tùy tiện thay đổi địa danh lịch sử

Vương Trọng
Thứ năm ngày 18 tháng 4 năm 2013 6:00 AM

Ý kiến Nhà văn

    Tuần báo Văn Nghệ số 52, ra ngày 29-12-2012, trong phần “Ý kiến nhà văn” có đăng bài “Cần phải sửa lại cho đúng” của nhà thơ Dương Thuấn với nội dung đề nghị sửa lại một số địa danh ở các khu di tích lịch sử mà theo tác giả là lâu nay ta gọi sai như lán Nà Lừa phải đổi thành Nà Nưa, Tỉn Keo phải đổi thành Tin Kéo…Tác giả bài báo viết : “ Một trong những điểm di tích quan trọng ở Tân Trào là lán Nà Nưa. Lâu nay sách báo, ngay cả sách lịch sử cũng viết thành lán Nà Lừa. Gần đây tỉnh Tuyên Quang đã cho sửa Nà Lừa thành Nà Nưa, trả lại đúng tên gốc mà đồng bào Tày vẫn gọi từ xưa. Bởi gọi Nà Lừa thì trong tiếng Tày trở nên tối nghĩa. Còn Nà Nưa ( Nà: Ruộng, Nưa:Trên), Nà Nưa có nghĩa là Ruộng Trên. Việc sửa lại tên Nà Lừa thành Nà Nưa của tỉnh Tuyên Quang là đáng hoan nghênh”…
  Về phần này tôi có ý kiến như sau. Trong tiếng phổ thông cũng như tiếng của các dân tộc thiểu số, không phải khi nào chúng ta cũng tìm được nghĩa của các địa danh, mà việc sửa chữa để cho các địa danh phải mang một cái nghĩa nào đó nhiều khi mang tính chủ quan, áp đặt như có một số người đã từng giải thích Nha Trang là Nhà Trắng, Lăng Cô là Làng Cò, La Vang là Lá Vằng, Cát Bà là Các Bà…Trở lại địa danh Nà Lừa, có đúng trong tiếng Tày là tối nghĩa hay tác giả chưa có điều kiện để hiểu được nghĩa của nó? Nếu Nà Lừa phải đổi thành Nà Nưa thì chợ Kỳ Lừa có phải đổi thành Kỳ Nưa hay không?
 Ở đoạn khác, tác giả giải thích: “ Tin Kéo mới đúng là tên địa danh nguyên gốc. Tiếng Tày từ Tin là Chân, Kéo là Đèo. Tin Kéo là chân đèo…Không biết từ bao giờ báo chí đã viết sai từ Tin Kéo thành Tỉn Keo, và cứ thế sai cả trong sử sách”…
   Chúng ta biết rằng ở các địa phương khác nhau như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên… và ngay cả các vùng trong tỉnh, tiếng Tày không phải được phát âm hoàn toàn giống nhau. Có thể trong tiếng Tày phổ thông hoặc ở quê hương nhà thơ Dương Thuấn, Chân Đèo phải nói là Tin Kéo, nhưng cách đây hơn 60 năm, khi cơ quan đầu não của Chính phủ ta về đóng ở bản Nà Lọm, một bản chỉ gồm chín gia đình vừa Tày vừa Dao, có thể người ở đây lại phát âm là Tỉn Keo, hoặc na ná như vậy để cho cán bộ ta nghe ra là Tỉn Keo rồi đặt tên cho ngôi lán, nơi hội họp của những người lãnh đạo Nhà nước. Không phải do báo chí viết sai từ Tin Kéo thành Tỉn Keo mà người ta gọi cái lán đó là Tỉn Keo thật, nếu do báo chí viết sai thì tất nhiên Bác Hồ và các đồng chí từng sống hơn bảy năm ở đây đã đính chính lâu rồi, chứ không đợi đến hôm nay.
   Ý kiến của nhà thơ Dương Thuấn sẽ có giá trị nếu như góp ý cho sự giải nghĩa các từ của một cuốn từ điển Tày – Việt hay Việt – Tày. Ngôn ngữ nói chung và địa danh nói riêng có quy luật đặc biệt không giống các lĩnh vực khác, đó là ngay cả khi xuất phát từ một sự nhầm lẫn, nhưng nếu từ ấy đã được cộng đồng chấp nhận trong một khoảng thời gian dài thì nó hiển nhiên tồn tại mà không ai có thể phủ nhận được. Bởi vậy các địa danh lịch sử có liên quan mật thiết với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ mãi mãi vẫn là lán Nà Lừa, lán Tỉn Keo…chứ không thể Nà Nưa, Tin Kéo…như tác giả Dương Thuấn đề nghị sửa lại. Nếu tỉnh Tuyên Quang đã tự động đổi lán Nà Lừa thành Nà Nưa như tác giả bài báo cho biết thì đó là một việc làm tùy tiện, cần phải xem xét lại.

        Vương Trọng